Người dân đổ xô đi đổi GPLX vì… hiểu lầm quy định
Nhiều người dân Hà Nội đổ xô đi đổi giấy phép lái xe từ bìa giấy sang chất liệu nhựa PET khiến các điểm đổi đông nghẹt, quá tải.
Nhiều người dân xếp thành hàng dài từ phía ngoài vào
Ghi nhận của phóng viên, hơn 7h sáng 30/11, bộ phận một cửa cấp đổi giấy phép lái xe ( Sở Giao thông vận tải Hà Nội) tại Hà Đông đã có khoảng hơn 200 người đến chờ làm thủ tục. Do không lấy được số tự động nên nhiều người chen lấn xếp hồ sơ, chờ phát số thứ tự. Đến khoảng 9h, bộ phận một cửa đã phát hết số thứ tự cho người làm thủ tục buổi sáng.
Hàng trăm người dân xếp hàng chờ ở ngoài hành lang Sở GTVT Hà Nội làm thủ tục đổi giấy phép lái xe sang vật liệu nhựa PET
Chị Nguyễn Thị Dung (SN 1987) ở huyện Thanh Oai, Hà Nội cho biết, chị có mặt tại điểm đổi giấy phép lái xe từ 7h sáng nhưng không lấy được số thứ tự. “Nghe mọi người nói sắp hết hạn đổi giấy phép lái xe máy từ bìa giấy sang bìa nhựa PET nên hôm nay tôi tranh thủ đi đổi. Tuy nhiên, chờ đến 9h, tôi được cán bộ thông báo đã hết số thứ phải chờ đến chiều mới đến lượt”, chị Dung chia sẻ.
Video đang HOT
Phía trong phòng làm thủ tục cấp đổi đông nghẹt người dân
Anh Phùng Văn Hùng (SN 1982) cho hay, đã đăng ký làm thủ tục qua mạng đổi giấy phép lái xe ô tô từ bìa giấy sang nhựa, song không thực hiện được vì bị lỗi. Sáng 30/11, anh Hùng có mặt tại sở nhưng cũng phải chờ mất gần 2 tiếng mới thực hiện được việc cấp đổi.
Phía trong phòng làm thủ tục cấp đổi không còn một chỗ trống
Nhiều người tỏ ra mệt mỏi khi phải chờ đợi lâu
Ông Nguyễn Hồng Đạt, Chánh Văn phòng Sở GTVT Hà Nội cho hay, theo lộ trình, giấy phép lái xe ô tô và giấy phép lái xe hạng A4 phải đổi trước ngày 31/12/2016. Giấy phép lái xe không thời hạn các hạng A1, A2, A3 (xe máy) phải đổi trước ngày 31/12/2020. Sau 6 tháng theo lộ trình chuyển đổi, người có giấy phép lái xe bằng giấy bìa phải sát hạch lại lý thuyết để cấp lại giấy phép lái xe.
“Tuy nhiên, nhiều người dân lầm tưởng là thời hạn đổi giấy phép xe máy từ bìa giấy sang nhựa đến ngày 31/12/2016 là hết hạn nên đổ xô đi đổi. Cũng vì vậy, mà tại các điểm cấp đổi, người dân đến đông hơn so với ngày thường. Hiện tại, chúng tôi đã tăng cường cán bộ hướng dẫn người dân làm thủ tục và giải thích cho người dân hiểu”, ông Đạt thông tin.
Giấy hẹn người dân đến lấy giấy phép lái xe mới sau khi làm xong thủ tục cấp đổi
Lãnh đạo Phòng Quản lý phương tiện (Sở Giao thông Vận tải Hà Nội) cho biết thêm, mỗi ngày Sở giao thông tiếp nhận khoảng 1.000 hồ sơ đổi giấy phép lái xe ở 3 điểm, tăng khoảng 20% so với các tháng trước. Trong đó, bộ phận một cửa tại Hà Đông là đông nhất với khoảng 400 hồ sơ được tiếp nhận mỗi ngày.
Người dân có nhu cầu đổi GPLX vào trang web của sở GTVT đăng ký, đặt lịch hẹn, sau đó đến bộ phận một cửa chụp ảnh, chờ lấy GPLX vật liệu PET. Hoặc người dân đến trực tiếp Tổng cục Đường bộ Việt Nam; sở GTVT các tỉnh làm thủ tục đổi. Khi đi, người dân mang GPLX bản gốc, phô tô chứng minh thư, giấy khám sức khỏe ảnh 3×4. Lệ phí: 135.000 đồng. Nhựa PET là loại nhựa cao cấp (Polyethylene terephthalate) với độ bền cơ học cao, có khả năng chịu đựng lực xé và lực va chạm, chịu đựng sự mài mòn cao…
Theo Nguyễn Đức (Dân Việt)
Vì sao xe buýt nhanh Hà Nội thành "xe buýt chậm"?
Theo Sở Giao thông vận tải Hà Nội mô hình xe buýt nhanh của thành phố chỉ có thể gọi là "xe buýt ưu tiên".
Sau hơn 1 năm chậm tiến độ, nhiều nhà chờ xe buýt nhanh thí điểm đầu tiên Kim Mã-Yên Nghĩa đã xuống cấp, hư hỏng (ảnh: Hồng Phú)
Tuyến buýt nhanh thí điểm đầu tiên của Hà Nội là Kim Mã - Yên Nghĩa khởi công đầu năm 2013, dự kiến ban đầu khai thác vào quý II/2015. Xe buýt nhanh (BRT) được kỳ vọng sẽ giảm ùn tắc giao thông khu vực nội đô Hà Nội, tuy nhiên tuyến xe buýt này đã chậm tiến độ hơn 1 năm nay.
Chiều 29.11, tại cuộc giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội, đại diện Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã trả lời các câu liên quan đến việc chậm tiến độ tuyến xe buýt nhanh BRT.
Ông Hà Huy Quang, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, để chuẩn bị đưa tuyến xe buýt nhanh BRT đi vào hoạt động, Tổng Công ty đã thành lập Xí nghiệp xe buýt nhanh BRT để trực tiếp tiếp nhận, xây dựng phương án tổ chức vận hành khai thác theo yêu cầu của UBND TP.
Hiện nay, Tổng Công ty đang hoàn thiện mô hình tổ chức và tuyển dụng bộ máy nhân sự điều hành và hoàn thiện cơ sở vật chất cho tuyến buýt nhanh BRT.
Đại diện Sở GTVT Hà Nội cho hay, Sở đang xin ý kiến thành phố để ngày 15.12 sẽ vận hành thử tuyến buýt nhanh này.
"Mặc dù tên gọi là tuyến buýt nhanh, nhưng mô hình của Hà Nội đang làm chưa thể gọi theo tên này mà chỉ có thể gọi là xe buýt ưu tiên vì chưa có làn đường dành riêng cho xe buýt hoạt động", ông Quang nói.
Theo ông Quang, Sở GTVT Hà Nội đã xây dựng phương án tổ chức vận hành tuyến xe này với tần suất 5 phút/tuyến, từ Kim Mã đến Yên Nghĩa 40-45 phút (khoảng 14 km).
Để đạt được tốc độ và tần suất trên, Sở GTVT Hà Nội đã đưa ra 3 giải pháp ưu tiên cho xe bus này hoạt động gồm: Có đèn tín hiệu giao thông ưu tiên khi qua nút giao; ở một số tuyến có đường ra vào, sẽ bịt lại để ưu tiên hoàn toàn cho xe buýt nhanh; hạn chế bớt xe ô tô và đặc biệt là taxi, ô tô không cần thiết đi vào tuyến này.
"Chúng ta có mục tiêu để xe buýt đi nhanh, về nguyên tắc, các phương tiện có xe buýt nhanh vào thì phải đi ra chỗ khác. Người tham gia giao thông phải có ý nhường cho xe buýt, đây là cuộc chiến gay go phức tạp, nhưng chúng ta sẽ phải làm.
Chúng tôi đề xuất năm tới phải làm đường ưu tiên cho tất cả các loại xe buýt, khi đó sẽ đi nhanh hơn xe máy. Ưu tiên xe buýt là quan điểm duy nhất, huy động tối đa lực lượng để giải quyết, điều hành giao thông. Nếu trục này đi xe buýt nhanh thì người ta sẽ chuyển làn đi đường khác và sẽ ùn tắc nhưng vẫn phải làm", ông Quang nói.
Tuyến buýt nhanh Kim Mã- Yên Nghĩa là tuyến buýt nhanh thí điểm đầu tiên của Hà Nội, xe chạy theo lộ trình Yên Nghĩa - Ba La - Lê Trọng Tấn - Lê Văn Lương kéo dài - Láng Hạ - Giảng Võ - bến xe Kim Mã có độ dài 14 km, dự kiến xe sẽ chạy hết 30 phút/1 lượt, thay vì mất hơn một giờ như xe buýt thường hiện nay. Với tần suất 3-5 phút/chuyến, công suất vận chuyển 90 khách, có 4 cửa ra vào, tốc độ di chuyển 22 km/h, các xe đều có hệ thống GPS kết nối Trung tâm để giải quyết sự cố phát sinh. Tại nút giao thông có hệ thống tích hợp với đèn tín hiệu để ưu tiên xe buýt nhanh qua nút. Tổng đầu tư của dự án gồm xây dựng hạ tầng, nhà chờ, phương tiện... là 55 triệu USD (trên 1.100 tỉ đồng) bằng vốn vay của Ngân hàng Thế giới, trong đó Việt Nam góp vốn đối ứng bằng chi phí giải phóng mặt bằng.
Theo Tất Định (Dân Việt)
Hà Nội trông giữ ôtô theo ngày chẵn, lẻ từ tháng 11 Việc thí điểm trông giữ ôtô theo cách thức ngày chẵn được đỗ xe ở lề đường số nhà chẵn, ngày lẻ bên lề đường số nhà lẻ sẽ được triển khai tại phố Dã Tượng (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), sau đó nhân rộng ra các phố khác. Sở Giao thông vận tải Hà Nội vừa đề xuất UBND thành phố phương...