Người dân ĐBSCL xúc động tiễn biệt Đại tướng qua màn ảnh
Khi đoàn xe đưa linh cữu Đại tướng Võ Nguyên Giáp hướng về Vũng Chùa – Đảo Yến (Quảng Bình), hàng vạn người dân ở ĐBSCL cũng bồi hồi xúc động, dõi theo từng bước đi của Đại tướng trên màn ảnh nhỏ.
Từ đầu giờ chiều ngày 13/10, do không có điều kiện ra tận Quảng Bình, trực tiếp tiễn đưa Đại tướng, người dân ĐBSCL đành ngóng chờ, dõi theo Lễ an táng Đại tướng qua truyền hình.
Nhiều gia đình ở Bạc Liêu đã mở tivi từ đầu giờ chiều, gác lại mọi công việc thường ngày. Ông Giang (ngụ huyện Giá Rai) bày tỏ, gia đình ông rất ngưỡng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, không thể ra Hà Nội hay Quảng Bình viếng Đại tướng, ông chỉ có thể tỏ lòng thành kính với Đại tướng tại quê hương.
Ông Giang chia sẻ, bản thân ông là một giáo viên dạy môn Lịch sử, vì thế, những trận chiến mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy ông đều nghiên cứu, giảng dạy rất chi tiết cho học trò. “Tôi cũng như nhiều người dân khác, rất đau xót trước sự ra đi của Đại tướng”, ông Giang ngậm ngùi.
Một gia đình ở Bạc Liêu bỏ mọi công việc chờ xem lễ an táng Đại tướng qua màn ảnh.
Nhiều người dân bày tỏ, dù chưa một lần được gặp Đại tướng ngoài đời nhưng qua truyền hình, qua sách báo, ai cũng biết ít nhiều sự nghiệp cách mạng lớn lao của Đại tướng. Do đó, để tỏ lòng biết ơn của mình, nhiều hộ gia đình đã lập bàn thờ Đại tướng tại nhà, đồng thời theo dõi lễ truy điệu, an táng qua truyền hình. “Chúng tôi sẽ tiễn đưa Đại tướng về nơi an nghỉ vĩnh hằng ngay tại nhà của mình”, một người dân ở xã Phong Thạnh (huyện Giá Rai) bùi ngùi nói.
Huyện Long Mỹ (Hậu Giang) từng vinh dự được đón Đại tướng về thăm vào những năm sau giải phóng, bởi vậy nhiều người dân nơi đây có những kỷ niệm thân thương với vị Đại tướng vĩ đại mà giản dị, gần gũi.
Trong khi đó, tại các trụ sở Hội Cựu chiến binh, Bộ Chỉ huy quân sự, Bộ đội Biên phòng… các tỉnh, thành ĐBSCL, lãnh đạo các đơn vị Nhà nước, các cựu chiến binh, sĩ quan, chiến sĩ quân đội và người dân cũng tập trung theo dõi Lễ an táng Đại tướng trong niềm bồi hồi, xúc động.
Trước đó, ngày 12/10, hàng vạn người dân các tỉnh, thành ĐBSCL đã đến viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại các điểm lập bàn thờ ở các trụ sở Hội Cựu chiến binh, Bộ Chỉ huy Quân sự địa phương.
Lễ viếng Đại tướng tại các tỉnh ĐBSCL (Thực hiện: Huỳnh Hải).
Video đang HOT
Tại TP Cần Thơ, các điểm viếng tại Hội Cựu chiến binh TP, Bộ Chỉ huy quân sự TP, Bảo tàng Quân khu 9 trong ngày 12/10 đã đón hàng ngàn lượt người tới viếng Đại tướng.
Tại các tỉnh Bạc Liêu, Hậu Giang, Sóc Trăng, Cà Mau, Bến Tre… không khí Lễ viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng diễn ra trang nghiêm, kính cẩn. Tại các điểm viếng, người dân được nghe các cựu chiến binh tóm tắt tiểu sử và quá trình hoạt động cách mạng lẫy lừng của Đại tướng.
Huỳnh Hải
Thành ủy Hà Nội: Chọn đường xứng đáng nhất mang tên Đại tướng
Ngày 7/10, chia sẻ với Đất Việt ông Phan Đăng Long - Phó ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội - thành viên Hội đồng đặt tên đường phố Hà Nội khẳng định: "Hà Nội chắc chắn sẽ có đường mang tên đại tướng".
Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Hà Nội lựa chọn con đường xứng đáng nhất mang tên đại tướng
Ông Long cho hay, việc nghiên cứu lựa chọn, đặt tên đường mang tên đại tướng Võ Nguyên Giáp đã được Hà Nội dự liệu từ rất lâu. Đại tướng là một vị tướng đặc biệt có những cống hiến, công lao to lớn xuyên suốt bề dày lịch của Việt Nam.
Theo quy chế đặt tên đường đối với danh nhân phải sau khi mất 10 năm mới được đặt tên, nhưng trong trường hợp đặc biệt có thể ngoại lệ mà không phải theo quy chế này. Như cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt là một ví dụ.
"Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng là nhân vật lịch sử đặc biệt, được Hà Nội quan tâm, dư luận quan tâm. Việc dành một còn đường hiện đại, xứng đáng, có ý nghĩa nhất hiện nay mang tên đại tướng là điều chắc chắn.
Hà Nội đang nghiên cứu để đưa ra quyết định lựa chọn con đường nào để đưa ra quyết định trong thời gian sớm nhất", ông Long cho biết.
Với vai trò là Chủ tịch Hội đồng đặt tên đường phố Hà Nội - bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, phó chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng chia sẻ mong muốn được lấy tên Đại tướng để gắn với một tuyến đường phố của thủ đô.
Bà Ngọc cho hay, "Với một người có nhiều đóng góp cho đất nước như Đại tướng, nếu nhận được đề xuất TP sẽ nghiên cứu ngay. Và ngay cả khi không có đề xuất, Hà Nội cũng sẽ nghiên cứu và nếu điều kiện cho phép sẽ lựa chọn những con đường xứng tầm để xin ý kiến đặt tên đường Võ Nguyên Giáp. Chúng tôi sẽ nghiên cứu thận trọng và nghiêm túc về việc này".
Hội Sử lựa chọn tuyến Nội Bài - Nhật Tân
Trước sự quan tâm của dư luận cũng như mong muốn của nhiều nhà khoa học và người dân thủ đô, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc - Chủ tịch Hội Sử học Hà Nội, nguyên Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển cũng đưa ra mong muốn lựa chọn tuyến đường cao tốc từ Nội Bài - đến cầu Nhật Tân, nối sân bay vào trung tâm Thành phố để đặt tên đường mang tên Đại tướng.
"Đó là phương án lựa chọn tối ưu nhất" - GS.TS Nguyễn Quang Ngọc khẳng định.
GS Ngọc cho biết thêm, Hội sử học Hà Nội và hội khoa học lịch sử Việt Nam chắc chắn sẽ có đề xuất, đề xuất ngay. Tinh thần các thành viên Hội sử học hiện đầu ủng hộ phương án này.
Theo GS, việc đề xuất tên đường mang tên danh nhân, bao giờ cũng phải tuân thủ theo quy trình, từ đề xuất từ phía các hội khoa học, các nhà khoa học lịch sử rồi Hội đặt tên đường phố Hà Nội mới họp bàn và đề xuất lên HĐND thành phố thông qua.
Quy trình là như vậy, nhưng với Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì không thể so sánh với những trường hợp khác. Đây là vị anh hùng dân tộc có những đóng góp, ghi những dấu ấn đặc sắc nổi bật trong suốt quá trình lịch sử của dân tộc ta (từ 1945) vì vậy, đối với Đại tướng thì không cần phải tuân theo quy định đó.
Những cống hiến, công lao, đóng góp của Đại tướng với dân tộc là không thể chối cãi, được lịch sử ghi nhận, cả dân tộc ghi nhận vì vậy không cần phải lùi lại 10 hay 20 năm để đánh giá lại nữa.
"Việc đặt tên đường phố mang tên Đại tướng rất cần được thành phố quan tâm và hoàn toàn ủng hộ. Hà Nội nên nghiên cứu đặt tên đường mang tên cụ ngay, việc đặt tên này là làm đẹp thêm cho Thủ đô Hà Nội.
Không nên vì bất cứ lý do gì mà phải lùi lại, đặt tên đường mang tên Đại tướng hoàn toàn có đủ lý lẽ, đủ cơ sở, và phải được thực hiện ngay trong năm nay", GS.TS Nguyễn Quang Ngọc nhấn mạnh.
Đó cũng chính là đề xuất của Giáo sư sử học Phan Huy Lê. GS Lê cho rằng, trong quy chế đặt tên đường của Hà Nội, các nhân vật hiện đại sau khi mất 10 năm, mới xem xét đặt tên đường. Nhưng cũng có trường hợp ngoại lệ, đặc biệt không cần chờ đến 10 năm, sau khi mất có thể đặt tên phố ngay. Các nhân vật lịch sử như Trường Chinh, Phạm Văn Đồng... là tiền lệ.
Theo GS Phan Huy Lê, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cần đặc cách như vậy. Vấn đề là chọn con đường nào xứng đáng, khang trang tiêu biểu cho công lao cống hiến của Đại tướng đối với đất nước, Thủ đô.
Với tư duy như vậy, các nhà khoa học đưa ra lựa chọn tuyến đường cao tốc từ Nội Bài - đến cầu Nhật Tân, nối sân bay vào trung tâm Thành phố để đặt tên đường mang tên Đại tướng.
Theo các nhà khoa học, đây là con đường xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế, hạ tầng cơ sở hiện đại. Cầu Nhật Tân đang gấp rút xây dựng, con đường sắp hình thành, lấy tên Đại tướng đặt tên có vẻ hợp lý.
Hà Nội nên đặt tên Đại tướng ngay
TS. Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp UBTVQH - Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội cho rằng, "không chỉ lựa chọn đặt tên đường mà còn phải tạc tượng Đại tướng đặt ơ 3 nơi ghi dấu của người".
Theo ông Thảo, đối với tên của Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi lựa chọn tuyến đường phải lựa chọn đó là trục đường mới, hiện đại, xứng tầm với Đại tướng. Tuyến cao tốc Nội bài - Nhật Tân cũng là một lựa chọn tốt.
Ông Thảo cho rằng, với sự cống hiến của Đại tướng thì Hà Nội không chỉ lựa chọn đặt tên đường ngay trong năm nay mà còn phải đúc tượng để người dân ghi nhớ công lao của người.
"Tôi cho rằng, cần phải có một nhà tưởng niệm ở Quảng Bình, hoặc quảng trường Đồng Hới cũng cần có tượng Đại tướng. Hà Nội thì nên đặt ở công viên hoặc vườn hoa lớn. Và một tượng nữa nên đặt ở Điện Biên Phủ. Ít nhất cũng là 3 nơi có ghi nhiều dấu ấn với đại tướng", TS Thảo bày tỏ.
GS-TSKH Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá - Giáo dục - Thanh-thiếu niên - Nhi đồng của Quốc hội cũng nhận định việc đặt tên đường mang tên Đại tướng là điều Đó là điều rất hay, rất tốt.
Trước nguyện vọng của đông đảo nhân dân, Hà Nội nên lựa chọn một con đường xứng đáng với danh tiếng, tên tuổi của Đại tướng.
Theo Hiếu Lam (ghi)
Báo Đất Việt
Ra đi và để lại Một trái tim ngừng đập, triệu triệu trái tim rung động, đau nhói, từ những cựu chiến binh, người cao tuổi đến lớp lớp thanh niên, thiếu niên, nhi đồng. Một người ra đi để lại nỗi tiếc thương mênh mang, sâu thẳm không gì bù đắp được trong cõi lòng 90 triệu đồng bào. Giữa dòng người dài bất tận, lặng lẽ...