Người dân coi ’siết hàng rong’ là chuyện đùa
Xét theo những tiêu chí này thì gần như 100% các hàng rong, vỉa hè đều vi phạm và nếu làm chặt thì chúng sẽ bị xóa sổ. Mặc dù vậy, theo khảo sát của PV, ở thời điểm trước và sau “giờ G”, những người buôn bán kinh doanh hàng rong vẫn tỏ ra rất xa lạ với nguy cơ “khai tử” con đường mưu sinh kiếm sống của mình.
Hàng quán ngơ ngác
Siết chặt quản lý thức ăn đường phố là nội dung chính của Thông tư do bộ Y tế ban hành và có hiệu lực thực thi từ ngày 20/1. Thông tư quy định về điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố. Theo đó, các cửa hàng, quầy hàng kinh doanh thức ăn nhanh, thực phẩm chín cần bố trí cơ sở ở địa điểm cách xa các nguồn ô nhiễm.
Thức ăn phải được để trong tủ kính, thiết bị bảo quản hợp vệ sinh, chống được ruồi muỗi, bụi bẩn, côn trùng, động vật gây hại và phải cao hơn mặt đất ít nhất 60cm. Nơi chế biến, nơi bán thức ăn phải sạch sẽ, thoáng mát và không gây ô nhiễm môi trường xung quanh. Bên cạnh đó, người bán hàng phải có đủ dụng cụ chế biến, bảo quản; trang bị găng tay sử dụng một lần khi tiếp xúc trực tiếp với thức ăn ngay, thực phẩm chín. Nguyên liệu dùng để chế biến phải có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, bảo đảm an toàn theo quy định…
Bên cạnh các quy định về điều kiện an toàn thực phẩm và điều kiện kinh doanh, thông tư còn đưa ra các yêu cầu đối với người bán hàng rong. Cụ thể là người kinh doanh thức ăn đường phố phải được tập huấn và được cấp giấy xác nhận tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm theo quy định. Đồng thời, người bán hàng phải được khám sức khoẻ và cấp giấy xác nhận đủ điều kiện sức khoẻ theo quy định.
Dạo một vòng quanh các thành phố lớn, đặc biệt là những khu đông dân cư, khu văn phòng… ai cũng có thể dễ dàng bắt gặp cảnh hàng quán rong bày bán la liệt. Tùy từng thời điểm mà mỗi loại thức ăn cũng đa dạng phong phú theo. Từ những thức ăn thay bữa như cháo, bún, cơm… đến những món ăn nhanh như ngô, khoai, ốc, bánh mỳ, ô mai, thịt xiên… hầu hết các món ăn này đều rất thu hút người dân bởi giá thành rẻ, tiện lợi, nhanh chóng. Xác định loại hình kinh doanh này là lựa chọn của nhiều người và có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người dân nên nhiều người kỳ vọng, thông tư mới của bộ Y tế sẽ tạo nên những chiếc “vòng kim cô” bảo vệ người dân trước “cơn lốc” thực phẩm bẩn. Tuy vậy, xét trong điều kiện thực tế, những nội dung mà thông tư này đưa ra dường như rất khó thực thi và vẫn còn rất lạ lẫm với những người trực tiếp liên quan.
Đoạn ngã ba giao cắt giữa đường Lương Thế Vinh và Nguyễn Quý Đức (quận Thanh Xuân, Hà Nội) là nơi tập trung rất đông hàng quán bán bún đậu, tào phớ, ốc, chân gà nướng… Hầu hết những người bán hàng ở nơi đây đều tưởng chừng như đó chỉ là… “ chuyện đùa”. Cô Nguyễn Thị Duyên (quê Ý Yên, Nam Định) cho hay: “Tôi bán hàng ở đây gần 5 năm rồi nhưng chẳng ai phàn nàn ăn ở hàng tôi bị đau bụng hay ngộ độc. Làm cho khách nhưng mình cũng ăn được là đảm bảo vệ sinh rồi. Đâu nhất thiết là phải cần đến tủ kính hay hóa đơn làm gì. Còn cái thông tư gì đó, tôi đi bán hàng cả ngày nên cũng chẳng nghe nói bao giờ. Bán hàng ở đây chỉ có an ninh phường họ dẹp chứ chẳng bao giờ thấy ai đến kiểm tra vệ sinh cả…”. Trả lời chúng tôi xong, đôi tay trần của người phụ nữ lại thoăn thoắt bốc bún cắt cho khách. Thi thoảng, cô lại dùng chiếc khăn tay nhàu nhĩ lau vội mấy chiếc đĩa nhựa đã dùng để chuẩn bị suất mới cho khách. Quan sát quanh đó, tôi thấy vị trí người này ngồi cách mặt đường không xa. Gần đó có một mạch nước thải ri rỉ chảy suốt ngày.
Cũng liên quan đến thông tư này, khi hỏi cô Lan, chủ quán cháo lòng tiết canh tại khu vực Nam Trung Yên (Cầu Giấy, Hà Nội), PV chỉ nhận được cái cười trừ lắc đầu. Cô tỏ ra vô cùng ngỡ ngàng khi biết việc người bán hàng rong phải có giấy xác nhận tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm và giấy xác nhận đủ điều kiện sức khoẻ theo quy định. “Nếu quản lý về chất lượng thức ăn bán ra thì không thể chỉ xem xét trách nhiệm của những người bán hàng như chúng tôi mà phải siết chặt từ những nguồn sản xuất, từ người trồng rau hay các cơ sở giết mổ. Bán hàng ăn thì tôi cũng chỉ biết cố gắng làm sạch sẽ để sao cho khách ăn ngon miệng và hợp vệ sinh”, cô Lan chia sẻ.
Video đang HOT
Ăn uống tại các quán ăn đường phố đã trở thành thói quen của nhiều người
Là người ngoại tỉnh về Hà Nội bán đồ nướng tại phố Tô Hiệu (phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, Hà Nội), anh Nguyễn Văn Nam (38 tuổi, quê Bắc Ninh) cũng chưa hề nghe đến thông tư trên. Khi PV hỏi đến việc bộ Y tế yêu cầu nguyên liệu dùng để chế biến phải có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, bảo đảm an toàn theo quy định… thì anh Nam tỏ ra vô cùng khó hiểu. Người này cho biết, nguyên liệu dùng để phục vụ thực khách hàng ngày được anh mua từ các chợ đầu mối. Đó cũng chỉ là mua bán bình thường ngoài chợ. Vì nay mua của người này, mai mua hàng người kia nên chẳng bao giờ có hóa đơn. “Người bán không có hóa đơn thì mình lấy đâu ra. Đó là chưa kể có những hôm mình về quê, lấy được rau quả từ nhà thì làm sao có hóa đơn được?”, anh Nam bức xúc.
Không thể giải quyết trong một sớm một chiều
Liên quan đến thông tư trên, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, thức ăn đường phố có những ưu điểm như giá cả phải chăng, dễ tiếp cận, giải quyết việc làm cho một bộ phận người dân. Thế nhưng, tình trạng thức ăn đường phố không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cũng khá phổ biến, ẩn chứa nguy cơ ngộ độc thực phẩm rất cao và có khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài của người dân. Vì vậy, những yêu cầu mới trong thông tư trên quy định người kinh doanh phải đảm bảo những điều kiện tối thiểu về an toàn vệ sinh. Cũng theo Bộ trưởng bộ Y tế, không thể để tồn tại những hiện tượng như quán cóc nằm ngay trên cống thoát nước, một xô nước rửa hàng trăm bát, đũa. Phải đảm bảo những điều kiện tối thiểu về an toàn vệ sinh.
Đề cập đến vấn đề kiểm tra và xử lý, Bộ trưởng bộ Y tế cho biết, Thông tư 30 phân cấp cho chính quyền cấp cơ sở trong quản lý thức ăn đường phố. Chính quyền cơ sở có đủ các lực lượng để thực hiện nhiệm vụ này. Vấn đề thức ăn đường phố mất an toàn vệ sinh không thể giải quyết một sớm một chiều. Tuy nhiên, Thông tư 30 cùng với Luật An toàn thực phẩm là hành lang pháp lý cơ bản để triển khai những giải pháp xử lý.
Liên quan đến vấn đề này, bà Bùi Thị Minh Thu, Giám đốc sở Y tế Nam Định cho biết: “Ngay sau khi nhận được công văn của cục An toàn vệ sinh thực phẩm (bộ Y tế) về việc kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố trên địa bàn, Sở đã phối hợp với các ban ngành liên quan trên địa bàn tỉnh để triển khai thành lập ban thanh tra, kiểm tra, giám sát thực hiện. Ngoài ra, chúng tôi cũng đã tích cực tuyên truyền phổ biến Thông tư 30 đến với người dân trên địa bàn tỉnh để người dân hiểu được quyền lợi và nghĩa vụ khi thực hiện quy định của bộ Y tế”.
Sẽ có nhiều khó khăn khi thực hiện
Một cán bộ thanh tra sở Y tế Hà Nội (đề nghị được giấu tên cho biết), các cơ quan chức năng của Hà Nội đang ráo riết lên kế hoạch để tiến hành công tác thanh tra, kiểm tra theo đúng Thông tư 30 của bộ Y tế. Tuy nhiên, lực lượng thanh tra mỏng, trong khi quán ăn đường phố trải dài kín đặc trong toàn thành phố nên việc triển khai sẽ không tránh khỏi những khó khăn. Vị này cũng nhấn mạnh, ông tin tưởng vào tính khả thi của thông tư và việc cần thiết phải đảm bảo sự an toàn của thức ăn đường phố để bảo vệ sức khỏe người dân.
Theo Phạm Hạnh – Dương Thu (Người đưa tin)
"Siết" hàng ăn vỉa hè: Làm sao xử phạt?
"Áp đặt và không khả thi" là đánh giá của TS Nguyễn Hữu Nguyên - Trung tâm Nghiên cứu kinh tế miền Nam - về thông tư 30 của Bộ Y tế quy định điều kiện với cơ sở dịch vụ ăn uống, trong đó có cả thức ăn đường phố.
TS Nguyễn Hữu Nguyên nói: "Phải từ từ chuyển đổi, đâu thể ra quy định một cái là phạt ngay. Quy định lại quá chi tiết, yêu cầu người bán thực phẩm ai cũng phải khám sức khỏe, có giấy chứng nhận đủ điều kiện sức khỏe, được tập huấn kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm và có giấy chứng nhận đã được tập huấn phải có đủ nước sạch, có bàn cao, khu chế biến đồ ăn sống và chín riêng, có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu...
Chưa nói đến việc người bán hàng rong không đủ điều kiện để thực hiện mà ngay cơ quan chức năng cũng khó đủ nhân lực để kiểm tra, xử phạt. Rồi quy trình khám sức khỏe, quy trình xem xét, đo lường chất lượng thực phẩm sẽ phải được thực hiện ra sao? Đối tượng bán hàng rong rất phân tán, không có khu vực hoạt động cố định thì làm sao quản lý, xử phạt được triệt để?".
TS Nguyễn Hữu Nguyên - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Nhưng vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đang rất được quan tâm, theo TS phải làm thế nào mới hợp lý?
Hợp lý nhất là phải làm từ gốc, quản lý thị trường, thanh tra vệ sinh an toàn thực phẩm phải thực hiện hết trách nhiệm, kiểm tra nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa. Nếu làm triệt để, thực phẩm bẩn không tuồn ra được thị trường thì người bán hàng rong sẽ luôn mua được thực phẩm chất lượng để chế biến. Phải kiểm tra cái gốc, Nhà nước không thể đưa nhân lực đi kiểm tra từng cái được.
Một số nước phát triển như Pháp, Singapore... cũng có hàng rong. TS có nghĩ với Việt Nam, đây là một điều đương nhiên, không thể xóa bỏ được?
Năm 2009 tôi làm chủ nhiệm đề tài nghiên cứu "Xây dựng ý thức thị dân ở TP.HCM trong tiến trình phát triển đô thị văn minh, hiện đại", trong phần ý thức về môi trường có đề cập đến người bán hàng rong. Chúng tôi đã đề xuất không nên dẹp bỏ hàng rong mà dần dần đưa hàng rong vào hoạt động quy củ. Người bán hàng rong nào đã đạt quy chuẩn thì cơ quan quản lý sẽ cấp cho họ một cái biển công nhận để khách hàng chọn lựa.
Một nhà Hà Nội học từng nói nếu không có hàng rong thì cũng không còn Hà Nội. Hàng rong là một loại hình buôn bán rất thích hợp với những đô thị nhiệt đới gió mùa như Việt Nam, thích hợp với kiểu ăn uống, mua bán ở ngoài trời. Đó là một nhu cầu phù hợp với đời sống người dân và điều kiện tự nhiên ở nước ta. Ở các nước ôn đới, mùa đông trời lạnh, lúc đó không cần quy định cũng không ai bán hàng rong. Chúng ta không thể tước quyền lựa chọn này của người tiêu dùng bằng những quy định mà khó có người bán hàng rong nào đáp ứng đủ.
Không ai chịu trách nhiệm
Nói về công tác xây dựng pháp luật của nước ta, trong nhiều cái không như "không kịp thời", "không hợp lý", "không thực tế"... thì bức bối nhất vẫn là "không khả thi". Bởi lẽ các cơ quan quản lý nhà nước đã xác định được hành vi nào nguy hiểm cho xã hội, có nguy cơ gây ra những hậu quả xấu nên mới ban hành văn bản điều chỉnh. Cần thiết, đúng đắn vậy nên các quy định này luôn được dư luận ủng hộ. Chỉ tiếc là những người có thẩm quyền đã không thể, không dự liệu sẵn mọi tình huống để đảm bảo những quy định họ đề ra sẽ được thực thi hiệu quả nhất. Các biện pháp chế tài để qua đó tạo ra những chuẩn mực pháp lý cứ đua nhau ra đời nhưng chẳng có tổ chức, cá nhân nào giám sát, xử lý vi phạm khiến các quy định có cũng như không.
Về những quy định cần thiết, đúng đắn nhưng không khả thi, có thể kể ngay một số điển hình như: nghị định 45/2005 của Chính phủ về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, phạt hành vi hút thuốc lá, thuốc lào ở nơi công cộng nghị định 52/2012 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy xử phạt hành vi sử dụng điện thoại ở cây xăng quyết định 2891 của Bộ NN&PTNT giao UBND các cấp có nhiệm vụ lập đội bắt giữ chó, mèo chạy rông và mắc bệnh dại...
Thực tế nhiều năm cho thấy lý ra phải khảo sát, tính toán kỹ lưỡng phương án, nhân sự thực hiện (nhất là đối với các quy định đã có từ lâu) thì các cơ quan cứ ban hành để rồi thực hiện được chăng hay chớ. Hậu quả là trật tự xã hội không được gìn giữ, bảo vệ, người dân có tâm lý coi thường pháp luật. Xem ra những người có liên quan đến việc cho ra đời những văn bản này "có tội" nhiều hơn có công!
Có điều cần lưu ý là Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật chỉ điều chỉnh, xử lý người, cơ quan ban hành văn bản trái pháp luật. Ở đây toàn là những văn bản đúng pháp luật nên không thể ràng buộc trách nhiệm gì đối với người ban hành. Còn đối với phía những người có nhiệm vụ thi hành những quy định này, do có quá nhiều người được giao việc nên khi cần quy trách nhiệm thì không biết "níu áo" ai, hoặc người được giao việc có nhiều lý do khách quan về nhân sự, điều kiện... để viện dẫn thì làm sao chế tài họ được? Một lỗ hổng pháp lý lớn liên quan đến việc tổ chức và hoạt động hiệu quả của bộ máy quản lý hành chính đã được nhìn thấy nhưng cách nào khắc phục xem ra vẫn còn là câu hỏi.
Theo 24h
Phải cách chức người ra văn bản "trên trời" "Nếu xác định được mức độ ảnh hưởng, gây thiệt hại cho đời sống, kinh tế người dân thì phải cách chức, bồi thường cho dân", ông Nguyễn Đình Quyền - Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc Hội cho biết về hiện tượng hàng loạt các văn bản quy phạm pháp luật 'trên trời' được ban hành thời gian qua....