“Người dân có quyền nghi hoặc về lợi ích cục bộ trong việc chặt cây”
Đó là quan điểm của Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc khi trao đổi với PV Dân trí xung quanh việc Hà Nội tiến hành chặt hạ ồ ạt 6.700 cây xanh đang gây bức xúc dư luận.
Nhà sử học Dương Trung Quốc.
Ông Phan Đăng Long – Phó trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội – nói rằng việc chặt hạ cây xanh không cần phải hỏi ý kiến người dân, còn đại diện UBND TP.Hà Nội thì cho biết hầu hết người dân đồng thuận thay thế 6.700 cây xanh. Tuy nhiên phản hồi (comment) của người dân trên Báo Dân trí và các tờ báo khác cho thấy điều ngược lại, rất nhiều người bày tỏ sự ngỡ ngàng, bức xúc và tiếc nuối. Xin ông cho biết quan điểm về chuyện này?
“Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” – nguyên lý đó đã rõ rồi, bây giờ người dân thắc mắc thì TP.Hà Nội phải làm rõ vấn đề đi: Tại sao chặt cây ? Nếu nói người dân đồng thuận thì theo phương thức nào, khi đến nay chúng ta chưa có Luật trưng cầu dân ý ?
6.700 cây bị chặt hạ không phải nhỏ. Vậy thì đã có một hội đồng khoa học nào đánh giá về việc này chưa, tôi đề nghị công khai ra. Công khai xem có bao nhiêu cây bị hư hỏng do mối mọt, bao nhiêu cây không thích hợp, có bộ rễ phá hỏng cơ sở hạ tầng ?
Cây cối trong đô thị góp phần quan trọng vào sinh thái môi trường thì chúng ta có thể cải tạo dần, từng bước chứ không phải tiến hành chặt hạ hàng loạt như vậy.
Ai sống ở Hà Nội chắc đều nhớ tới cây gạo trước đền Ngọc Sơn và chắc ai cũng biết lý do vì sao nó chết. Ai cũng biết hồi đó, một trong những lý do khiến cây gạo chết là vì người dân quan niệm lấy vỏ gốc cây gạo chữa được nhiều bệnh nên người dân cứ gọt vỏ của nó đi. Lúc đó chúng ta quản lý không tốt nên tạo ra lý do để cây chết. Sau đó thành phố có trồng ngay ở đó một cây khác nhưng thử xem bao giờ mới được một cây gạo như ngày xưa?
Nói thế để thấy rằng ta có thể xây dựng nên một tòa nhà rất nhiều tầng, ta có thể định lượng được 1 năm xong, 2 năm có thể xong nhưng một cái cây thì 1-2 năm không là cái gì cả, đó là chưa kể tới những cái bóng mát và ký ức của cây với con người nữa. Chúng ta từng có một thời tự hào rằng Hà Nội là thành phố xanh nhưng bây giờ chúng ta không còn cái vị trí đó nữa. Đến tòa nhà Quốc hội mới cũng có cả vườn cây trên lưng chừng, thế tại sao chúng ta chặt mà chả có giải thích gì cho người dân cả.
Việc chặt hạ 6.700 cây xanh là chuyện lớn chứ không phải chuyện nhỏ. Và người dân có quyền nghĩ rằng ở đây có lợi ích cục bộ, cũng giống như chuyện đào đường ấy, người ta nói đào lên cũng có tiền dự án, mà lát lại cũng có tiền dự án và chắc chắn chặt cây cũng là dự án, trồng cây cũng là dự án.
Người dân có quyền đặt câu hỏi, mà người dân đã đặt câu hỏi thì thành phố phải trả lời. Vì thế đến thời điểm này tốt nhất là minh bạch.
Lãnh đạo Hà Nội nói là người dân đồng thuận thì bây giờ phải trả lời xem làm cách nào để anh lấy ý kiến đồng thuận ấy? Trong khi đó các cơ quan truyền thông lại thông tin ngược lại. Tốt nhất trong việc này, thành phố Hà Nội nên công khai ra, xem chi phí cho những việc đó là bao nhiêu, bao lâu thì có một hàng cây hoàn thiện.
Video đang HOT
Tôi rất mong muốn các cơ quan chức năng liên quan như Hội liên hiệp khoa học kỹ thuật Hà Nội, chỗ đại biểu Bùi Thị An (đoàn TP.Hà Nội) với chức trách và bộ máy của mình kiểm tra xem có đúng các cây bị chặt hạ do mối mọt không, việc chặt hạ như thế có phải cách ứng xử duy nhất, đúng đắn nhất không?
Đặc biệt phải xem xét trách nhiệm của cơ quan trồng cây trước đây là gì. Có thể trước đây khâu quản lý không làm chặt chẽ, giờ muốn làm bài bản hơn nhưng không thể bài bản theo ý muốn của mình, mà phải làm sao giúp người dân thấy việc đó là hợp lý.
Tôi cho rằng hàng chục năm nữa mới có hàng cây như cũ, mà hàng chục năm nữa thì chắc là những người hiện nay không còn “ở ghế” đó nữa rồi. Và tôi ngờ rằng lúc đó chính họ lại ngồi phê phán người làm sau nếu làm như chính họ bây giờ.
Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng Hà Nội phải dừng ngay việc chặt cây để có đánh giá, trả lời cho người dân rõ ràng, minh bạch.
Mấy ngày nay người dân rất xót xa, tiếc nuối khi hàng cây xanh mát hai bên đường Nguyễn Chí Thanh đã bị chặt hạ nhanh đến chóng mặt để trồng mới. Theo ông, việc giải thích rằng đây là một dự án xã hội hóa, “doanh nghiệp bỏ tiền ra sẽ quyết định làm việc gì phù hợp mục đích” có hợp lý không?
Cái đó càng phải thanh tra. Tôi đề nghị thanh tra, làm rõ xem gỗ được hạ xuống sử dụng như thế nào, đầu tư để làm gì,…
Chúng ta đã thấy những hiện tượng xã hội rồi, hàng cây trước cửa không hợp phong thủy nên người ta đã đổ các thứ chất độc để hủy hoại cây. Vậy doanh nghiệp này làm việc đó làm gì? Có phải doanh nghiệp xã hội hóa thì muốn làm gì thì làm đâu. Nếu chủ trương của nhà nước thì phải xem lại mục đích, còn tiền của tư nhân thì chắc chắn không bao giờ có chuyện họ bỏ tiền ra mà không có mục đích nào cả.
Tất nhiên họ có mục đích tốt thì mình ủng hộ nhưng xem mục đích ấy có đúng không? Nếu không có tiền của tư nhân thì cây đó đổ vào đầu dân thì ai chịu trách nhiệm? Chỗ đó cho thấy sự vô trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước. Nếu thấy cây đó vào mùa mưa bão dễ gây hại cho dân thì nhà nước phải làm chứ không phải để có tiền tư nhân thì mới làm. Cho nên càng thấy rõ bộc lộ rất nhiều điểm không ổn trong dự án này.
Theo ông, trước việc “dậy sóng” dư luận như hiện nay thì Hà Nội nên dừng toàn bộ việc chặt hạ cây xanh để có đánh giá lại và trả lời cho người dân được rõ?
Đúng vậy. Nên dừng ngay lại và công khai ra. Nếu chúng ta đả thông cho người dân thấy đây là việc làm tốt thì nên tôn vinh người đóng góp, còn cứ để như hiện nay thì tôi cho rằng lợi bất cập hại, người ta có quyền đưa ra những nghi hoặc về lợi ích trong việc đó.
Xin cảm ơn ông !
Thế Kha (thực hiện).
Theo Dantri
"Chặt cây xanh Hà Nội không phải hỏi dân"
Theo Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy Phan Đăng Long, việc chặt cây để thay thế cây khác ở Hà Nội do cơ quan quản lý quyết định, không cần thiết phải hỏi ý kiến người dân.
Trao đổi bên lề cuộc giao ban báo chí Thành ủy chiều 17/3, Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy Phan Đăng Long cho biết, việc chặt cây đã nhiều lần được nói tới, hiện nay có thể thấy cây xanh trồng trên đường phố cũng rất tạp, có rất nhiều cây đổ, gây tai nạn.
"Chính mình lúc đầu cũng không hiểu biết về cây xanh đô thị, nhiều khi trồng lung tung, thậm chí người dân trồng. Sau này tìm hiểu ra ở đô thị có những cây có tiêu chuẩn phải trồng thế nào, độ rễ làm sao không bị đổ cho phù hợp đô thị, không tạo mùi để lôi côn trùng đến hay sâu mọt...".
Trên cơ sở đó, công ty Công viên cây xanh tìm hiểu và thay thế cây.
"Bây giờ đang xây dựng thành phố văn minh hiện đại, muốn tạo ra đô thị văn minh hiện đại, trồng cây cũng theo quy hoạch. Đương nhiên có 1 đô thị trong 10 - 15 năm nữa, tương lai đẹp và thực sự thích. Cái đó cũng phải hy sinh bước đầu, chấp nhận phải chặt hạ một số cây ở một số tuyến phố. Chuyện này không phải chuyện gì lạ đối với các nước đô thị phát triển", ông Long nói.
Nhà báo Trần Đăng Tuấn có thư ngỏ gửi Chủ tịch TP Hà Nội, đặt câu hỏi sẽ chặt cây nào, tại sao phải chặt, 6.700 cây phải chặt có phải là cây sâu mọt hay không và để người dân giám sát. Cây ở đường Nguyễn Chí Thanh đâu phải sâu mọt hết cả tuyến phố, ý kiến của ông?
Không phải sâu mọt hết tất cả, nhưng có 3 chủ trương: một là thay thế các tuyến cây, có thể cây không phải sâu mọt mà không đúng chủng loại, cây người ta nói không nên trồng ở đô thị.
Phải lưu ý việc này không phải tiền ngân sách. Chặt cây ở đường Nguyễn Chí Thanh bằng hình thức xã hội hóa. Doanh nghiệp bỏ tiền ra sẽ quyết định làm việc gì, phù hợp mục đích.
Ông Trần Đăng Tuấn cũng là một người dân, thành phố có cả kế hoạch tổng thể và rất nhiều ban ngành tham gia. Còn cảm nhận của người dân rất có thể có ý kiến đúng sai. Chuyện mục đích rất rõ ràng, minh bạch rồi, người ta tuyên bố đang xây dựng đô thị có những cái phải hy sinh như thế. Thành phố đã công khai, minh bạch chuyện đó.
Còn anh không đồng tình với chuyện đó thì anh cũng chỉ là một người dân thôi. Còn biết bao nhiêu người dân đồng tình thì sao.
Cây xanh bị chặt hạ trên đường Nguyễn Chí Thanh. Ảnh: Dân Việt
Tức là người dân chưa được hỏi ý kiến ?
Cái gì cũng phải hỏi ý kiến hay sao? Bây giờ chỉ có chuyện trồng cây mà phải hỏi ý kiến dân! Tôi hỏi thế đất nước bây giờ động đến cái gì đi hỏi dân thì bầu ra chính quyền làm gì...
Cái gì phải hỏi dân thì đều có quy định.
Vậy chuyện chặt cây có phải hỏi dân không, thưa ông?
Không phải hỏi gì cả, đấy là trách nhiệm của cơ quan quản lý, của chính quyền. Một cái cây chặt đi cũng phải hỏi dân trong khi còn rất nhiều việc khác.
Thành phố có lắng nghe ý kiến của người dân không? Qua dư luận, có thể nghe qua báo chí, đài, ti vi, facebook... để chính quyền lắng nghe người dân và khi đã nghe thấy người dân có phản ứng như vậy thì có thể lắng nghe và xem xét?
Tôi hoàn toàn đồng ý, chính vì chính quyền phải nghe dân, lắng nghe dân nên có buổi thông tin báo chí này, câu chuyện cây trả lời rất nhiều nhưng tại sao vẫn cứ theo đuổi, là cố tình không chấp nhận ý kiến người ta, người ta nói việc chặt cây xanh rất minh bạch như vậy, anh cứ cố tình theo đuổi không tin người ta. Bây giờ anh có ý kiến và người ta đã trả lời rồi, rất nhiều người có trách nhiệm trả lời trên báo chí rồi. Chính quyền có trách nhiệm với dân, sau khi có ý kiến thì cân nhắc, thậm chí khi nhiều ý kiến thông qua báo chí, người dân nói không đồng ý, thành phố cũng thấy là đúng, dừng lại hoặc lắng nghe. Tôi hoàn toàn ủng hộ chuyện đó.
Theo Hồng Nhì
Vietnamnet
Công an Hà Nội xác minh nhóm người ngăn người dân đặt hoa tại đài Quyết tử Trước thông tin, nhóm người mặc áo in chữ "DLV" ngăn cản người dân đặt hoa tại tượng đài Quyết tử (Hoàn Kiếm, Hà Nội) diễn ra ngày 14/3, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung - Giám đốc Công an Hà Nội - khẳng định nhóm người này không thuộc quản lý của công an và Ban Tuyên giáo. Ngày 17/3, Thiếu tướng Nguyễn...