Người dân chật vật thắt chặt chi tiêu trước “bão giá”
Giá xăng tiếp tục tăng kéo theo loạt hàng hóa tăng theo khiến người dân lao đao trước cơn “bão giá”, nhiều người dân có thu nhập thấp phải thắt chặt chi tiêu hơn so với trước đây.
Theo đó, chiều 21/6, giá xăng lại tiếp tục tăng, cụ thể, mỗi lít xăng E5 RON 92 tăng 190 đồng, RON 95-III tăng 500 đồng và dầu tăng 380-990 đồng một lít. Trước tình hình này này, loạt hàng hóa, thực phẩm cũng đồng loạt tăng giá theo do chi phí vận chuyển tăng khiến nhiều người lao động thu nhập thấp, sinh viên…chật vật thắt chặt chi tiêu.
Cụ thể, tại các chợ truyền thống ở TP HCM trong những ngày gần đây, nhiều mặt hàng như rau củ quả tăng từ 5.000-10.000 đồng/kg. Đơn cử như đậu cô-ve có giá từ 27.000 đồng/kg tăng lên 35.000 đồng/kg, đu đủ có giá từ 8.000 đồng/kg tăng lên 14.000 đồng/kg,… Nhiều loại rau củ khác như bắp cải, xà lách cuộn, cà rốt, khoai tây… cũng tăng giá ở mức tương tự.
Giá cả tại các chợ truyền thống tăng cao, thay đổi liên tục khiến người dân lao đao trước “bão giá”.
“Giá lên xuống liên tục thất thường lắm, nhiều mặt hàng tăng cao quá không bán được. Người dân người ta cũng mua ít lại vì giá tăng nhưng chi phí sinh hoạt vẫn thế khiến buôn bán cũng ế ẩm hơn trước”, cô Hồng, tiểu thương bán rau tại chợ truyền thống chia sẻ.
Chị Hồng Cúc (công nhân tại huyện Hóc Môn, TP HCM) chia sẻ, tuy nơi chị ở trọ gần nơi làm việc nên tiết kiệm được chi phí đi lại, tuy nhiên, vài tháng qua, chi phí ăn uống của 2 vợ chồng lại tăng nhiều.
Video đang HOT
“Đợt xăng tăng mấy lần đầu tôi vẫn chưa thấy giá cả tăng quá cao, vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Thế nhưng những tháng gần đây giá cả tăng phải nói chóng mặt, tăng từng ngày khiến chi phí sinh hoạt của 2 vợ chồng phát sinh một khoảng. Tôi và chồng phải tìm cách tiết kiệm hơn, ăn uống không thoải mái như trước để dành dụm tiền gửi về quê nuôi con. Suốt hơn 2 năm ảnh hưởng do dịch COVID-19, khó khăn lắm vợ chồng mới vượt qua được, nay bớt dịch thì gặp cảnh “bão giá”", chị Cúc chia sẻ.
Bạn Ngọc Quyền (quận Gò Vấp, sinh viên năm 3) chia sẻ, để có thể trang trải được cuộc sống thời “bão giá”, bạn phải cắt giảm nhiều chi tiêu để sinh hoạt phí mỗi tháng đúng bằng số tiền ba mẹ từ quê lên như trước giờ.
“Mỗi tháng ngoài tiền nhà trọ, cha mẹ cho em khoảng 3 triệu đồng tiền sinh hoạt phí. Trước kia với số tiền này em sinh hoạt khá thoải mái nhưng hiện tại có khi bị hụt nên em phải cắt giảm một số chi tiêu như ăn uống những món đơn giản, hạn chế đi chơi với bạn bè, hạn chế uống trà sữa và chỉ di chuyển bằng xe ôm công nghệ khi thật sự cần thiết còn bình thường em chỉ di chuyển bằng xe buýt”, bạn Quyền chia sẻ.
Theo Sở Công Thương TP HCM, 5 tháng đầu năm 2022, lượng hàng hóa dồi dào nhưng sức mua còn yếu (mức tăng chưa bằng cùng kỳ). Tiêu thụ hàng hóa của người dân chủ yếu tập trung vào hàng hóa thiết yếu. Xu hướng tăng giá của nhiều loại hàng hóa và lạm phát khiến người dân chi tiêu tiết kiệm hơn.
TP Hồ Chí Minh: Siêu thị, chợ truyền thống cùng khuyến mãi để kéo sức mua
Theo Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, lần đầu tiên, "Tháng Khuyến mại tập trung năm 2022" của TP Hồ Chí Minh với sự tham gia của các chợ truyền thống, doanh nghiệp, trung tâm thương mại lớn... cùng giảm giá sâu để kéo sức mua tăng trở lại.
Các mặt hàng thực phẩm tại chợ truyền thống TP Hồ Chí Minh phong phú nhưng vắng người mua.
Kích cầu tiêu dùng, tăng sức mua
Theo các tiểu thương tại chợ truyền thống, gần đây, giá cả các mặt hàng tiêu dùng tăng cao do nguyên, nhiên liệu đầu vào tăng đã khiến không ít người dân phải tiết giảm mua sắm hoặc chọn các kênh bán lẻ có nhiều chương trình khuyến mãi để tiết kiệm chi phí cho gia đình. Điều này đồng nghĩa là sức mua tại các chợ truyền thống vốn đã ế giờ càng ế hơn.
Ghi nhận tại các chợ truyền thống như: Bà Chiều (quận Bình Thạnh), Tân Định (Quận 1), Nguyễn Văn Trỗi (Quận 3), Phước Bình (thành phố Thủ Đức)... mãi lực tại các chợ này đang giảm 50 - 60% so với trước đây. Sức mua giảm cộng thêm chi phí đầu vào tăng đã khiến một số mặt hàng thực phẩm cũng đang trên đà tăng giá. Theo các tiểu thương, dù cố gắng không tăng giá nhiều nhưng người mua vẫn không mặn mà vào chợ truyền thống như trước. Vì vậy, đa số tiểu thương đều hào hứng tham gia chương trình "Tháng khuyến mãi tập trung năm 2022" để mong có thể vực lại sức mua như trước.
Tại chợ truyền thống Nguyễn Văn Trỗi (Quận 3), các mặt hàng trái cây, hoa quả chỉ đắt hàng trong những ngày cúng Rằm, Mùng 1 hàng tháng và lễ Tết.
Chị Vũ Thị Thúy, tiểu thương bán hoa quả tại chợ Tân Định cho biết, để thu hút khách hàng đến chợ truyền thống, ngoài việc thay đổi cách tổ chức buôn bán (vừa bán trực tiếp vừa bán trực tuyến), chị còn đăng kí tham gia "Tháng khuyến mãi tập trung năm 2022" với mức giảm giá đến 50% cho các mặt hàng lương thực, thực phẩm đồ gia dụng... Một số gian hàng còn trang trí bắt mắt để trông tươm tất hơn, sạch sẽ và niêm yết giá cả rõ ràng hơn để thu hút người tiêu dùng đến mua nhiều hơn... "Chúng tôi đặt kỳ vọng trong tháng khuyến mãi, khách hàng sẽ đông hơn chứ gần đây mặt hàng nào cũng ế ẩm do người dân đang tiết kiệm, hạn chế chi tiêu vì tác động của giá xăng", chị Vũ Thị Thúy than thở.
Chia sẻ thông tin về "Tháng khuyến mãi tập trung năm 2022", ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, UBND TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các đơn vị cùng phối hợp thực hiện "Tháng khuyến mãi tập trung năm 2022" hiệu quả, tạo sức mua lớn; đồng thời giúp người tiêu dùng có thể tiếp cận được hàng hóa với giá cả phù hợp. Vì vậy, điểm mới của chương trình "Tháng khuyến mãi tập trung năm 2022" là có thêm sự tham gia của hệ thống chợ truyền thống. Tính đến nay, các UBND quận, huyện và ban quản lý các chợ truyền thống đã tuyên truyền cho các tiểu thương tại các chợ truyền thống, tùy theo khả năng, tình hình, tiểu thương sẽ tham gia và có mức khuyến mãi phù hợp với từng gian hàng.
Kìm giá để chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng
Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, năm nay, chương trình "Tháng khuyến mãi tập trung năm 2022" - Mùa mua sắm "Shooping Season" 2022 diễn ra trong 2 đợt. Đợt 1 từ ngày 15/6 đến ngày 15/7 với chủ đề "Tưng bừng mua sắm mùa Hè 2022". Đợt 2, từ ngày 15/11 đến ngày 15/12 với chủ đề "Rộn ràng mua sắm mùa Xuân 2022". Qua đó, đem đến cho người tiêu dùng những chương trình khuyến mãi đồng loạt, với hạn mức khuyến mãi lên đến 100%.
Mặt hàng thủy hải sản tại các chợ truyền thống TP Hồ Chí Minh đang tăng giá do giá vận chuyển tăng nên sức mua cũng ế ẩm hơn trước.
"Năm nay, Sở thay đổi cách tiếp cận. Trước đây, Thành phố vận động, khuyến khích doanh nghiệp tham gia, nhưng năm nay, Thành phố hỗ trợ, tạo sân chơi cho các doanh nghiệp tự tham gia, lấy đây là cơ hội để khai thác, tìm kiếm khách hàng. Phản ứng của các doanh nghiệp cho thấy cách làm này đúng hướng, doanh nghiệp tự tính toán chọn thời điểm phù hợp trong thời gian chương trình diễn ra để tổ chức khai mạc khuyến mãi thu hút người tiêu dùng", ông Nguyễn Nguyên Phương cho biết thêm.
Để kích cầu tiêu dùng, ngoài hoạt động "Tháng khuyến mãi tập trung năm 2022", ngành công thương Thành phố tập trung triển khai kế hoạch thực hiện Chương trình bình ổn thị trường năm 2022 - Tết Quý Mão 2023 trên địa bàn và tổng kết 20 năm thực hiện Chương trình bình ổn thị trường giai đoạn 2002 - 2022; triển khai kế hoạch hỗ trợ phát triển xuất nhập khẩu cho từng nhóm ngành hàng, chuyên đề năm 2022 "Nông sản Việt vươn xa"...
Theo ông Ngô Hồng Y, Trưởng phòng Quản lý thương mại Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, điểm mới của chương trình bình ổn thị trường năm nay là chia rõ ba nhóm đối tượng, gồm doanh nghiệp (DN) cung ứng, DN phân phối, ngân hàng hỗ trợ vốn. Ngoài ra, các đơn vị, DN còn có chính sách hỗ trợ, yêu cầu nghĩa vụ cụ thể, phân công chi tiết, phù hợp đặc điểm từng loại hình tham gia bình ổn giá. Đối với DN cung ứng, tập trung sản xuất, đầu tư nhà xưởng, phát triển vùng nguyên liệu...; đối với DN phân phối, tập trung phát triển tổ chức điểm bán, hệ thống kho bãi, logictis; nhóm ngân hàng hỗ trợ về vốn.
Các chợ truyền thống tại TP Hồ Chí Minh khuyến mãi nhiều nhất ở mặt hàng thời trang, quần áo, giày dép...
Ghi nhận nỗ lực kìm giá của các doanh nghiệp, đơn vị nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng, ông Nguyễn Trần Phú, Phó Giám đốc Sở Tài chính TP Hồ Chí Minh cho biết, tổng số DN đăng ký tham gia chương trình bình ổn của TP Hồ Chí Minh năm 2022 - 2023 là 34 đơn vị với 10 nhóm hàng. Hiện nay, một số sản phẩm trong chương trình bình ổn giá của Thành phố vẫn không tăng giá bán mà đang kìm giá để chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng.
Thống kê cho thấy, hiện nay có 3 nhóm hàng được DN đề nghị tăng giá là dầu ăn (tỉ lệ điều chỉnh 24%), thịt gia cầm (tỉ lệ điều chỉnh 10 - 27%) và trứng gia cầm (tỉ lệ điều chỉnh 5 - 9%). Ngoài ra, 6 nhóm hàng còn lại vẫn đang được DN giữ nguyên giá như năm 2021. Đối với những mặt hàng đã được điều chỉnh tăng giá, nhưng vẫn đảm bảo thấp hơn giá thị trường ít nhất từ 5 - 10%. "Việc điều chỉnh giá tăng đợt này là phù hợp, đảm bảo hài hòa quyền lợi DN và người tiêu dùng. Bởi giá nguyên liệu đầu vào đang tăng gây khó khăn cho DN nên họ buộc phải tăng giá bán sản phẩm", ông Nguyễn Trần Phú nói.
Giá trứng tăng cao vì thiếu nguồn cung cấp Giá trứng gia cầm ngoài chợ tăng. Về lâu dài, chi phí sản xuất đầu vào tăng cao sẽ khiến doanh nghiệp không tái đàn, gây thiếu hụt trứng và làm tăng giá hơn nữa. Giá trứng gia cầm đang biến động theo chiều hướng tăng tại nhiều chợ truyền thống trên địa bàn TP.HCM. Ghi nhận trong chiều 8/6 tại chợ Tân...