Người dân cẩn thận nguồn nước lũ chứa nhiều tạp chất
Chuyên gia cảnh báo các khu vực ngập sâu nhiều ngày thiếu nước, thức ăn, nguồn nước lũ chứa nhiều tạp chất, vi khuẩn, xác động thực vật chết… nên dễ gây bệnh cho người dân.
Người dân xã Phong Sơn (huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế) phơi lại lúa sau lũ chiều 14-10 – Ảnh: PHƯỚC TUẦN
Ngày 14-10, Huế trời đã tạnh mưa. Nhiều khu vực ngập sâu như huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang nước đã rút. Đây cũng là thời điểm dễ phát sinh dịch bệnh vì môi trường bị ô nhiễm nặng.
Lương thực ngâm trong nước bẩn
Tại xã Phong Sơn (huyện Phong Điền), nước lũ vừa rút, người dân đã bắt tay ngay vào dọn bùn non, phơi lúa, giặt lại quần áo ngâm trong lũ. Theo người dân ở đây, lũ năm nay lên bất ngờ và cao nên lúc đó ai cũng đi di tản, đồ đạc, lương thực ngâm trong nước bẩn 4-5 ngày.
Bà Lê Thị Linh (thôn Sơn Quả, xã Phong Sơn) cho biết cả gia đình dọn nhà cả ngày chưa xong. Do ngâm lũ lâu, áo quần hư hết, phải giặt sạch, khử khuẩn mới sử dụng lại. Nhiều đồ đạc hư hỏng phải vứt bỏ nhằm đảm bảo an toàn. Dù nước sạch sau lũ thiếu thốn nhưng tuyệt đối gia đình ai cũng phải uống nước sạch để bảo vệ sức khỏe.
Đại diện Trạm y tế xã Phong Sơn cho biết ngay khi hết lũ, đơn vị đã phối hợp Đoàn thanh niên đi khử khuẩn môi trường tại trường học và chợ; phát động người dân lũ ra đến đâu dọn nhà đến đó, chôn xác động vật đúng nơi quy định, xa khu dân cư nhằm tránh mùi hôi.
Nước lũ chứa nhiều tạp chất
Theo nhiều chuyên gia, các khu vực ngập sâu nhiều ngày thiếu nước, thức ăn, nguồn nước lũ chứa nhiều tạp chất, vi khuẩn, xác động thực vật chết… nên dễ gây bệnh cho người dân. Bác sĩ Trương Như Sơn, giám đốc Bệnh viện Phú Vang (Thừa Thiên Huế), cho biết đặc thù lũ năm nay khá đặc biệt khi vừa lũ lớn vừa kéo dài nhiều ngày nên nguy cơ mắc các bệnh sau lũ rất cao.
Video đang HOT
Do bị cô lập, nhà ngâm trong nước thời gian dài, thiếu thức ăn, nước uống nên các bệnh về dạ dày rất dễ xảy ra. Ngoài ra, những bệnh lý liên quan đến viêm da, da liễu cũng phổ biến do người dân ngâm nước khá lâu.
“Người dân cần quan tâm đến ăn chín uống sôi, bổ sung dưỡng chất đầy đủ bù lại những ngày lũ ăn tạm bợ. Các làng xóm, dân phố cần sớm khắc phục vệ sinh môi trường, dọn rác, xử lý xác chết động vật, bùn đất… để môi trường thông thoáng, khô ráo. Đặc biệt dịch bệnh rất dễ xảy ra ở trẻ em hiếu động nên phụ huynh cần lưu ý” – bác sĩ Sơn nói.
Đề nghị hỗ trợ khẩn cho bà con vùng lũ
Đến chiều 14-10, nhiều khu vực ở Quảng Nam lũ đã rút hẳn, người dân dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, môi trường xung quanh. Hiện nay còn một số ngôi nhà sát mép sông Bàn Thạch còn ngập lũ nhưng mực nước rất thấp.
Theo tỉnh này, đợt mưa lũ vừa qua có 9 người chết, 2 người mất tích, hơn 15.000 ngôi nhà bị ngập lũ, 487ha lúa, 1.200ha hoa màu bị hư hại do lũ. Tỉnh này cũng có công văn gửi Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai đề nghị hỗ trợ hàng dự trữ quốc gia, trang thiết bị phục vụ công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, tỉnh này đề nghị hỗ trợ 3 tấn cloramin B tiêu độc khử trùng, đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh sau lũ. Bên cạnh đó hỗ trợ khẩn cấp 1.000 tấn gạo, 10.000 thùng mì gói, 2 tấn lương khô cứu trợ cho dân vùng bị ảnh hưởng của lũ.
Sinh viên Nghệ An chống chọi với lũ lụt tại Huế
Những ngày qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đang "oằn mình" đối phó với trận lũ lịch sử. Phát huy tinh thần đoàn kết, vượt khó, sinh viên Nghệ An tại Huế đang cùng với người dân địa phương tích cực chống lũ, giúp đỡ nhau trong thiên tai, hoạn nạn.
Nhiều khu vực tại TP Huế ngập sâu trong nước lũ. Ảnh: Gia Bảo
Thông tin từ các cơ quan chức năng, do mưa kéo dài cùng với xả lũ của các hồ thủy điện thượng nguồn sông Hương vào ngày 10/10 đã khiến TP Huế và nhiều huyện ở tỉnh Thừa Thiên Huế ngập trong biển nước.
Đợt lũ này, hầu hết các phường của TP Huế đều bị ngập nặng. Nhiều tuyến đường trung tâm TP. Huế và một số phường bị ngập sâu từ 1,5 đến 3m, nhất là khu vực phía Bắc sông Hương.
Đời sống sinh hoạt của người dân và sinh viên các tỉnh xa về bị đảo lộn, gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Hàng trăm hộ dân với hàng nghìn nhân khẩu cùng đông đảo sinh viên ở các phường xã đã phải di dời khỏi chỗ thấp trũng đến nơi an toàn.
Nước lũ lúc mới ngập tại Trường Đại học Nông lâm Huế. Ảnh: Biển Đen
Em Phan Thị Thắm quê ở huyện Nghĩa Đàn, sinh viên năm 2 Trường Đại học Nông lâm cho biết, nước lũ lên nhanh khiến đường Phan Chu Trinh nơi em ở trọ ngập sâu khoảng 1,5m, trong phòng trọ ngập đến bụng. Ngay từ khi nước mới lên Thắm đã dọn đồ đạc di chuyển sang nhà bạn cùng lớp ở đường Hùng Vương trú tránh.
"Em bất ngờ vì đây là lần đầu tiên chứng kiến cảnh lũ lụt tại Huế. Nước ngập tứ bề, nhiều sinh viên không bám trụ được với phòng trọ của mình đã phải tìm nơi để di chuyển. Em may mắn được chuyển đến nhà bạn nên cũng đỡ vất vả hơn" - Thắm chia sẻ.
Nước lũ dâng cao khiến nhiều hộ dân và sinh viên phải di dời chỗ ở. Ảnh: Biển Đen
Với em Lê Văn Biển quê huyện Thanh Chương, sinh viên năm thứ 2 Trường Đại học Nông Lâm, thì lũ lụt tại Huế thật kinh hoàng. Thường ngày, Biển trú ở đường Thái Phiên, gần trường ở bờ Bắc, nhưng khi lũ lên đã di chuyển sang đường An Cựu bên bờ Nam để ở.
Biển tâm sự: "Các bạn trú ở trong trường thì được lên tầng 2, còn bọn em trú ngoài thì phải di chuyển đến các nơi khác, do khu vực quanh Trường Đại học Nông Lâm mùa lũ thường ngập sâu. Em đến ở với bạn nhưng phòng trọ chỗ này cũng bị ngập nước, phải kê, dọn đồ đạc khá vất vả".
Quang cảnh phòng trọ của sinh viên Nghệ An - Hà Tĩnh ở Huế bị ngập nước. Ảnh: Nguyễn Bình
Sống trong vùng lũ, sinh viên Nghệ An tại Huế phải "chịu trận" chung với người dân giữa muôn vàn khó khăn, thiếu thốn. Đường phố ngập băng, nhiều nhà dân bị ngập sâu trong nước, hầu hết sinh viên phải co cụm trong các phòng trọ, dãy nhà trọ. Nước lên chừng nào thì canh chừng để kê giường, đồ đạc, xe cộ lên chừng đó. Trong giấc ngủ cũng thấp thỏm, lo lắng chuyện nước ngập.
Những ngày qua, nhiều khu vực trong thành phố Huế mất điện, khiến việc sinh hoạt càng thêm khó khăn, đặc biệt là việc nấu nướng và thông tin liên lạc.
Em Nguyễn Hữu Tú nguyên là Hội trưởng Hội sinh viên Nghệ An tại Huế cho hay, do mất điện kéo dài, điện thoại không nạp nguồn được nên việc liên lạc, tiếp cận với sinh viên đồng hương trong các khu vực ngập sâu ở bờ Bắc rất khó khăn.
Bên cạnh đó, việc đội giá một số mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, nhất là rau xanh khiến không ít sinh viên phải "kêu trời".
Em Nguyễn Thị Huyền, quê huyện Yên Thành, sinh viên năm 2 đại học Ngoại Ngữ chia sẻ: Ngày thường giá mỗi bó rau muống chỉ 3.000 - 4.000 đồng, nay lũ lụt phải mua tới 24.000 - 25.000 đồng. Một số loại rau quả khác tăng giá gấp đôi, gấp ba. Giá cả tăng cao cũng khiến túi tiền vốn đã eo hẹp của sinh viên giữa mùa lũ càng phải chắt chiu hơn.
Nhiều khu vực nước lũ dâng cao, mất điện, khiến sinh viên phải co cụm trong các nhà trọ, nhà tầng. Ảnh: Gia Bảo
Nước lũ tại Huế dâng cao đỉnh điểm vào các ngày 11, 12/10, các trường đại học trên địa bàn TP Huế đã đồng loạt cho sinh viên nghỉ học, đồng thời phối hợp với các ban ngành chức năng, tổ chức chống lũ, hỗ trợ nơi trú trọ, lương thực, thực phẩm cho sinh viên.
Trường Đại học Sư phạm đã chỉ đạo mở các phòng học để đón sinh viên của trường đang sống các vùng ngập nước đến tránh lũ; đồng thời kêu gọi sự chung tay giúp đỡ của thầy cô trong trường cùng các nhà hảo tâm để giúp các em vượt qua mùa lũ an toàn. Trường Đại học Nông Lâm bị ngập, mất điện, nhà trường đã cho sinh viên trú trọ tầng 2, chạy máy phát điện để sinh viên thắp sáng và nạp nguồn điện thoại, đồng thời cung cấp một số nhu yếu phẩm cần thiết....
Sinh viên dùng cánh cửa làm bè để đi lại trong lũ ở Huế. Ảnh: Gia Bảo
Trong hoạn nạn, phát huy tinh thần đoàn kết vượt khó, sinh viên Nghệ An tại Huế không chỉ tự vận động để "sống chung với lũ" mà còn tổ chức được một số hoạt động, như hỗ trợ, giới thiệu cho phụ huynh và tân sinh viên vào nhập học tìm chỗ trú trọ; hỗ trợ lẫn nhau di chuyển đồ đạc; cho các bạn nơi bị ngập sâu "ké" phòng, hỗ trợ giúp đỡ người dân chạy lũ...
Một số sinh viên người Nghệ An tham gia các câu lạc bộ thiện nguyện, đã tích cực hoạt động trong mưa lũ để giúp đỡ người dân và sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.
Em Nguyễn Văn Khánh quê Thanh Chương, sinh viên Trường Đại học Nông Lâm cho biết: Hiện nước lũ ở Huế đã rút, cho đến hết đêm 13/10 thì nhiều khu vực ở Huế đã thoát ngập, đã có điện. Trong quá trình nước rút, sinh viên Nghệ An ở các phường đã phối hợp với người dân dọn dẹp vệ sinh, chùi rửa nhà cửa, phòng trọ, xử lý rác, bùn đất...
Sinh viên Nghệ An, Hà Tĩnh tham gia chống lũ cùng nhà trường. Ảnh: Nguyễn Bình
Được biết tại TP Huế, hiện đang có hàng nghìn sinh viên Nghệ An theo học nhiều trường đại học khác nhau như Sư phạm, Nông Lâm, Y Huế, Ngoại ngữ, Kinh tế, Luật....Do hàng năm TP Huế thường bị lũ lụt, nên sinh viên xứ Nghệ học tập tại đây ít nhiều cũng đã quen với cảnh ngập nước, dọn phòng, chạy lũ... Tuy nhiên, đây là trận lũ lịch sử trong hơn hai chục năm qua tại Huế. Tình hình mưa lũ tại Thừa Thiên Huế đang còn diễn biến phức tạp, nước lũ đã rút sinh viên Nghệ An tại Huế đang nỗ lực phối hợp cùng người dân và chính quyền địa phương khắc phục hậu quả thiên tai để ổn định cuộc sống và học tập.
CLIP: Chú chó bơi hơn 1 km trong nước lũ đi tìm chủ và giây phút tìm tới đích đầy xúc động Nước lũ dâng cao, nhưng chú chó vẫn cố gắng bơi hơn 1 km sang nhà hàng xóm - nơi chủ của mình đang ở nhờ. Ảnh minh họa Đoạn clip được quay tại Quảng Nam - nơi người dân đang phải chống chọi với cơn bão lụt lịch sử. Clip ghi lại cảnh chú chó bơi trong nước lũ đi tìm chủ....