Người dân cần đặt tiền khi đi kiện
Người dân cần đặt một khoản tiền nhất định, đặt cọc nào đó. Nếu họ quyết tâm đi kiện thì phải đóng một khoản tiền. Nếu họ kiện không đúng thì phải mất khoản tiền đó…
Trong phiên họp sáng 19.3 cho ý kiến về Dự án Luật Tiếp công dân của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định: Tiếp dân có ý nghĩa như “chim đưa thư”, nên cần phải hết sức coi trọng.
Tại phiên họp, qua thảo luận, ý kiến chung của các thành viên UBTVQH cho rằng: Việc thiếu đồng bộ trong các quy định của pháp luật về công tác tiếp công dân chính là một trong những nguyên nhân trực tiếp, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả của công tác tiếp công dân thời gian qua. Trong khi đó, Dự thảo Luật Tiếp công dân lại chưa có quy định rõ ràng về trách nhiệm tiếp công dân.
Tiếp nhận đơn thư của công dân ở một quận ngoại thành Hà Nội.
Đóng góp ý kiến tại phiên họp, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Nguyễn Đức Hiền cho biết: Cần có trụ sở tiếp công dân cụ thể để công dân đến. “Trụ sở tiếp công dân nên có các quy định cụ thể, trong đó phải làm sao để công dân hiểu được trách nhiệm của mình. Bây giờ, có thực tế là công dân đến rất nhiều cơ quan nhà nước để gây áp lực lớn”- ông Hiền khẳng định.
Ngoài các ý kiến trên, ông Hiền cũng đóng góp một số ý kiến về trách nhiệm của người tiếp công dân, trách nhiệm của người đến tố cáo, khiếu nại, trình tự, trách nhiệm trong quá trình kiểm tra khiếu nại như thế nào… Tiếp nhận ý kiến này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, việc tiếp công dân là rất quan trọng, có ý nghĩa như “chim đưa thư”. Đây là điểm mấu chốt, cần thiết và nên chú trọng hơn là việc quan tâm tới trụ sở tiếp dân.
Hôm nay (20.3), theo dự kiến, UBTVQH sẽ cho ý kiến về công tác chuẩn bị lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn tại kỳ họp thứ 5 tới. Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, để việc lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp thứ 5 đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu và phê chuẩn thành công, UBTVQH sẽ thảo luận kỹ hơn kế hoạch để triển khai nội dung này.
Nêu ý kiến về dự thảo luật tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học- Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng nêu vấn đề:
Cần quy định rõ trách nhiệm của người đi tố cáo, khiếu nại. “Người dân cần đặt một khoản tiền nhất định, đặt cọc nào đó. Nếu họ quyết tâm đi kiện thì phải đóng một khoản tiền. Nếu họ kiện không đúng thì phải mất khoản tiền đó, còn nếu kiện đúng sẽ được hoàn lại” – ông Dũng cho biết.
Từ ý kiến này, ông Dũng khẳng định, việc tự bản thân người dân đi kiện cũng phải có trách nhiệm với sự việc của mình. Từ đó, “vụ việc tồn đọng sẽ giảm đi rất nhiều” – ông Dũng khẳng định.
Xung quanh vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết: “Tiếp công dân để giải quyết công việc của công dân là trách nhiệm của cơ quan hành pháp, tư pháp. Không chỉ tiếp mà còn phải giải quyết, phải có những bước xử lý ban đầu. Chỗ này phải làm rất rõ thì luật mới có hiệu quả”. Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh: Cơ quan dân cử phải tập hợp được ý chí, nguyện vọng, thắc mắc, kiến nghị của dân để trên cơ sở đó tổ chức giám sát, rồi đưa các vấn đề đó ra diễn đàn Quốc hội.
Cũng trong phiên họp, nhiều đại biểu đề nghị Luật Tiếp công dân cần có các quy định liên quan đến trách nhiệm phối hợp, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
Theo soha