Người dân Beirut trắng tay sau vụ nổ
Hàng nghìn gia đình vội vã rời khởi Beirut tìm nơi an toàn, nhưng nhiều người khác không còn nơi nào để đi sau vụ nổ ở bến cảng.
Vụ nổ ở cảng Beirut hôm 4/8 với sức mạnh tương đương một trận động đất 3,5 độ đã làm ít nhất 100 người thiệt mạng, khoảng 4.000 người bị thương phải nhập viện điều trị và hàng nghìn người rơi vào cảnh không nhà.
Phần lớn cảng Beirut bị san phẳng và toàn bộ các khu dân cư gần đó cũng bị phá hủy. Lực lượng an ninh đã phong tỏa khu vực rộng lớn quanh vị trí xảy ra vụ nổ, ngăn người dân tiếp cận nhà của họ để kiểm tra thiệt hại. Nhiều người không còn nơi nào để đi, hoặc không nỡ lòng để lại ngôi nhà đổ nát của mình cho những kẻ hôi của.
Khu vực gần cảng Beirut bị phá huỷ nặng nề sau vụ nổ hôm 4/8. Ảnh: AFP
Công tác cứu hộ gặp nhiều khó khăn về đêm do thiếu điện, vốn đã chập chờn ở phần lớn thành phố trước cả khi thảm hoạ xảy ra.
“Chúng tôi đã sống những ngày đen tối ở Lebanon nhiều năm qua nhưng đây là điều gì đó khác hẳn”, Rami Rifai, một kỹ sư 38 tuổi, nói tại bệnh viện nơi hai con gái của anh đang được điều trị sau khi bị thương, dù ở cách hiện trường 500 mét.
Ở những khu vực gần bến cảng nhất, vụ nổ trong chớp mắt đã tàn phá các tòa nhà trong bán kính hàng trăm mét. Một người dân sống tại Mar Mikhail, một trong những khu dân cư bị ảnh hưởng nặng nề nhất, kể rằng bà đã nhìn thấy những thi thể nằm rải rác giữa đường phố, dường như bị hất văng khỏi ban công và mái nhà.
Một cư dân bị thương sau vụ nổ ở Beirut hôm 4/8. Ảnh: Sky News
Johnny Assaf, một nhân viên bất động sản có cả nhà và văn phòng bị phá huỷ, cho hay anh đã mất mọi thứ, chỉ giữ lại được mạng sống.
“Ban đầu tôi nhìn thấy đám mây hình nấm, sau đó sóng xung kích từ vụ nổ quét qua văn phòng của tôi. Nó khiến tôi văng ra giữa phòng và đập đầu vào chiếc máy in”, anh kể, ôm lấy cánh tay được băng bó sơ sài. “Ở bệnh viện, họ khâu cho tôi mà không có thuốc tê và sau đó bỏ dở vì có quá nhiều người bị thương nặng được chuyển tới. Tôi nhìn thấy nhiều người chết trước mặt mình”.
Các bệnh viện, vốn đã kiệt quệ vì số ca Covid-19 gia tăng những ngày gần đây, giờ phải đón thêm làn sóng người bị thương, đã buộc phải từ chối tiếp nhận điều trị cho nhiều người có thương tích nhẹ hơn. Bệnh viện Saint-Georges bị phá huỷ nghiêm trọng và mất đi nhiều y bác sĩ do vụ nổ.
Hội Chữ thập đỏ lo ngại số người chết có thể tăng lên đáng kể. Ở một đất nước nơi người dân từ đầu năm nay đã không thể rút tiền từ ngân hàng, hy vọng được bồi thường vì mất nhà cửa là rất mong manh.
Vụ nổ được ví như “bom nguyên tử ở Nhật” tại Beirut, Lebanon, ngày 4/8. Video: CNN.
Chìm trong nợ nần và tê liệt về chính trị, Lebanon dường như không thể ứng phó với cuộc khủng hoảng mới này. Tuy nhiên, sự đoàn kết trong gốc rễ vẫn tồn tại với những sáng kiến nhanh chóng được thành lập trên mạng xã hội nhằm giúp đỡ mọi người tìm kiếm người thân và hỗ trợ các nạn nhân chỗ ở miễn phí.
“Chúng tôi đang trải qua khủng hoảng kinh tế, một chính phủ nhiều tham nhũng và Covid-19. Tôi nghĩ mọi thứ không thể tồi tệ hơn, nhưng bây giờ tôi không biết liệu đất nước này có thể gượng dậy được nữa hay không. Mọi người sẽ cố gắng rời đi. Tôi sẽ cố gắng rời đi”, Rami Rifai nói, giọng nấc lên nghẹn ngào.
Cảnh tượng như tận thế ở tâm vụ nổ kinh hoàng tại Liban
Cả một cảng biển ở Beirut chìm trong lửa, những con tàu bốc cháy trên biển, những tòa nhà bị hư hại nặng nề. Đây là những cảnh tượng ở vùng tâm vụ nổ, giống như cảnh tượng tận thế sau thảm họa hạt nhân.
Cảnh tượng đổ nát tại nơi xảy ra vụ nổ kinh hoàng ở Beirut, Liban.
Theo SCMP, ngay sau khi vụ nổ kinh hoàng xảy ra, các binh sĩ Liban đã có mặt phong tỏa khu cảng biển. Giới chức nước này nói rằng, vụ nổ xảy ra ở kho chứa 2.700 tấn amoni nitrat (NH4NO3)
Một cô gái khoảng 20 tuổi chạy đến gào khóc trước mặt lực lượng an ninh. Cô hỏi về số phận của người anh trai, là nhân viên làm việc tại cảng.
"Anh ấy tên là Jad, mắt anh ấy màu xanh", cô gái nói. Các nhân viên an ninh ngăn không cho cô gái vào trong cảng do khu vực này đã bị phong tỏa.
Ở gần đó, một phụ nữ khác gần như ngất đi vì lo lắng cho người thân cũng làm việc ở cảng.
Nhân viên cứu hỏa đưa người bị thương đi cấp cứu.
Tại khu vực này, người ta nghe thấy tiếng xe cứu thương suốt 3 giờ đồng hồ. Xe cứu hỏa liên tục đến tiếp nước và sau đó rời khỏi hiện trường.
Bên trong cảng Beirut, mọi thứ bị phá hủy đến mức không thể nhận ra. Lính cứu hỏa phải huy động đến trực thăng để dập lửa từ trên cao.
Theo quan sát của các phóng viên, những chiếc xe hơi đỗ ở cách tâm vụ nổ vài trăm mét bị biến dạng nặng nề. Vụ nổ còn cảm thấy được từ tận đảo Síp, cách xa hơn 200km. Chiếc xe nằm gần tâm vụ nổ nhất trở thành phế liệu hoàn toàn.
Một số lính cứu hỏa đang lo lắng tìm kiếm đồng đội đã đến chữa cháy ngay từ đầu, trước khi vụ nổ thứ hai làm rung chuyển thành phố. Một vài người lính gục xuống khóc khi thi thể một đồng đội được đưa ra trên cáng.
Một người bị thương được đưa ra khỏi hiện trường vụ nổ.
Một sỹ quan cảnh sát hét lớn về phía các phóng viên tác nghiệp: "Các anh đang chụp ảnh gì vậy? Ở đây toàn xác người nằm la liệt thôi".
Nhà chức trách Liban xác nhận ít nhất 78 người đã thiệt mạng và 4.000 người khác bị thương trong vụ nổ kinh hoàng. Nhưng đây có lẽ chưa phải là con số thương vong cuối cùng.
Những con tàu neo tại cảng cũng chịu tác động mạnh từ vụ nổ. Giới chức Liban lo ngại lượng nhiên liệu khổng lồ bên trong những con tàu chở hàng có thể tạo nên thêm những thảm kịch.
Ngồi trên vỉa hè gần nơi xảy ra vụ nổ, ít nhất 10 thành viên thủy thủ đoàn của hai tàu chở hàng chờ bác sĩ đến sơ cứu.
"Con tàu đang chìm dần, vụ nổ đã tạo nên lỗ hổng lớn ở thân tàu, có người bị thương nặng trên tàu", một thủy thủ người Ai Cập, làm việc trên tàu Mero Star, nói.
Các nhân viên cứu hộ phủ tấm vải lên một thi thể người thiệt mạng trong vụ nổ kinh hoàng.
"Ban đầu chúng tôi nghe thấy tiếng như pháo hoa, sau đó khói tỏa ra từ khu nhà kho, và sau vài phút là vụ nổ khủng khiếp", một thủy thủ khác nói.
Nhiều thủy thủ người Syria và Ai Cập gặp nạn đã trải qua 6 tháng lênh đênh trên biển để trở về cảng Beirut. Họ đã lên kế hoạch để trở về nhà nghỉ ngơi vào ngày 4.8, thời điểm vụ nổ xảy ra.
"Kể từ ngày ra khơi cách đây 6 tháng, tôi đã nghĩ đến ngày trở về nhà", một thủy thủ người Syria nói. "Giờ thì tôi chưa thể về nhà được nữa rồi. Tôi chưa biết sẽ phải làm gì kế tiếp".
Dân Beirut cảm thấy như 'bị nguyền rủa' sau vụ nổ Thủ đô Beirut chìm trong hỗn loạn và người dân hoảng loạn sau vụ nổ chiều 4/8 khiến 78 người thiệt mạng và 4.000 người bị thương. Khi làn khói màu nâu bắt đầu tan đi, những đống đổ nát như trong ngày tận thế hiện ra khắp khu vực phía đông Beirut. Cửa kính nhiều toà nhà ở cách vụ nổ tới...