Người dân băn khoăn khi giao nộp xe máy thải loại
Phần lớn người lao động cho rằng chưa rõ quy định của Chính phủ về việc thu hồi xe máy thải loại và mong muốn được hỗ trợ kinh phí khi giao nộp phương tiện.
Đồng tình với quy định của Chính phủ nhằm giảm tác động xấu đến môi trường, tuy nhiên anh Nguyễn Văn Thành, làm nghề xe ôm ở Cầu Giấy (Hà Nội) không khỏi băn khoăn. “Nhà nước khi thu xe có hỗ trợ gì không hay nói thu là thu?. Những xe cũ, dù hư hỏng nhưng cũng là tài sản mà một nắng hai sương, tích góp mới mua được”, người đàn ông quê ở Duy Tiên (Hà Nam) nói.
Theo anh Thành, nhà nước cần khuyến khích giao phương tiện thải bỏ bằng cách hỗ trợ người dân một khoảng tiền tương đương giá trị chiếc xe, như vậy người dân mới có thêm một khoản tiền để mua xe mới.
Theo Bộ Tài nguyên, quy định mới nhằm khuyến khích người dân bán sản phẩm thải loại cho nhà sản xuất thay vì bán cho các cở sở tái chế tư nhân. Ảnh: Quý Đoàn.
Là lao động nghèo, quê ở Lạng Giang (Bắc Giang), anh Nguyễn Văn Thắng có chiếc xe Dream Trung Quốc, mua từ hơn 10 năm trước. Anh thừa nhận không thể phân biệt được xe máy thế nào là thải loại vì nhà sản xuất cũng như cơ quan chức năng không có khuyến cáo về hạn sử dụng.
“Cần quy định rõ xe như thế nào là phải thu hồi, quyền lợi của người mang xe đi nộp như thế nào, được hỗ trợ bao nhiêu?. Có như vậy chúng tôi mới mang xe của mình đi nộp, chứ không gọi hàng sắt vụn vào thanh lý cho nhanh”, anh Thắng chia sẻ.
Liên quan đến việc thu hồi và xác định niên hạn sử dụng của xe máy, ôtô, đại diện của nhiều nhà sản xuất cho rằng việc này là rất khó bởi hầu hết không đơn vị nào bán xe ghi rõ thời hạn sử dụng.
Chia sẻ với VnExpress, ông Hoàng Hà, Giám đốc marketing của một hãng xe máy lớn ở Việt Nam cho rằng đây là vấn đề không mới với các nước tiên tiến. Họ làm từ rất lâu, có quy chuẩn, hướng dẫn rất cụ thể. Trong khi đó, quy định này ở Việt Nam rất chung chung, khiến nhiều người không hiểu là thu hồi như thế nào.
Video đang HOT
“Đơn cử như việc làm sao để xác định được hạn sử dụng của một chiếc xe máy. Cùng chủng loại, mẫu mã của một nhà sản xuất nhưng có người đi nhiều, người thường xuyên cất trong nhà nên máy móc sẽ khác nhau. Cần phải đưa ra các tiêu chí cụ thể như động cơ, khí thải ra sao…”
Về trách nhiệm của các hãng sản xuất đứng ra thu hồi sản phẩm thuộc đơn vị mình, ông Hà cho rằng quy định này chưa rõ ràng, nên giải thích ai là người ra quyết định thu hồi, thu hồi như thế nào. “Bản thân nhà sản xuất không thể tự đi thu hồi của người dân được mà chỉ có nhiệm vụ tiếp nhận”, ông Hà nói.
Ở góc nhìn của chuyên gia giao thông, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy cho rằng việc sản phẩm đã hết hạn sử dụng, thải loại, nhà nước thu hồi là đúng vì ngoài việc đảm bảo an toàn giao thông còn đảm bảo về môi trường. Tuy nhiên nếu thực hiện khi không có hướng dẫn cụ thể sẽ không khả thi, cần phải có lộ trình, nghiên cứu kỹ phù hợp với điều kiện thực tiễn của đất nước.
Theo Tiến sĩ Thủy, nếu quy định đưa ra mà không có điều khoản, chính sách khuyến khích và thu hút cả người tiêu dùng và người sản xuất thì sẽ khó thực hiện.
Xe máy chất đống tại cơ sở chuyên xử lý xe cũ nát. Ảnh: Quý Đoàn.
Trước những băn khoăn trên, ông Hoàng Dương Tùng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên), cơ quan tham mưu đề xuất quy định, lý giải rằng quyết định này nhằm mở rộng trách nhiệm của doanh nghiệp với sản phẩm của mình sản xuất, nhất là những linh kiện, sản phẩm gây hại cho cuộc sống.
Quy định này không gây khó dễ cho người tiêu dùng hay cho các nhà sản xuất mà chỉ khuyến khích người dân bán sản phẩm thải loại cho nhà sản xuất vì họ biết cách xử lý và tận dụng các sản phẩm tái chế sau khi thu hồi. “Nhà nước cũng không cưỡng chế và phạt với người dân không chấp hành”, ông Tùng nhấn mạnh.
Với xe máy cũ nát, người sử dụng sẽ phải kiểm định khí thải hàng năm để biết có đủ điều kiện hoạt động hay không. Ôtô đang được kiểm định qua cơ quan đăng kiểm nên có lộ trình loại bỏ các sản phẩm này.
“Hiện việc xử lý sản phẩm thải bỏ không đúng quy định là một vấn nạn của xã hội nên người dân cần bán sản phẩm này đúng địa chỉ, doanh nghiệp có trách nhiệm tái chế các sản phẩm này để bảo vệ môi trường”, ông Tùng nói.
Theo Nghị định 95/2009 của Chính phủ, các loại xe đang bị quy định niên hạn sử dụng mới chỉ bao gồm xe tải và xe chở khách. Cụ thể với ôtô chở hàng sẽ không quá 25 năm, không quá 20 năm đối với xe ôtô chở người. Và không quá 17 năm đối với xe ôtô chuyển đổi công năng từ các loại xe khác thành xe ôtô chở người trước ngày 1/1/2002.
Theo thống kê của Cục đăng kiểm Việt Nam, tính đến hết năm 2014, cả nước có trên 120.000 xe cơ giới hết niên hạn sử dụng, trong đó có trên 80.000 xe tải và 40.000 xe chở người từ 10 chỗ trở lên. Riêng năm 2014 có 16.488 xe cơ giới các loại hết niên hạn sử dụng.
Bá Đô – Đoàn Loan
Theo VNE
Thu hồi ôtô, xe máy hết hạn sử dụng từ năm 2018
Thời điểm thu hồi ôtô và xe máy thải loại vẫn giữ nguyên vào năm 2018 trong khi những sản phẩm như tivi, tủ lạnh, máy tính, điện thoại...được lùi thời hạn một năm theo quyết định mới ban hành của Thủ tướng.
Theo Quyết định ban hành ngày 22/5 của Thủ tướng về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ, những sản phẩm trong diện bắt buộc phải thu hồi từ tháng 7/2016 khi hết hạn sử dụng gồm: ắc quy và pin các loại, máy giặt, điều hòa, tủ lạnh, máy vi tính, điện thoại di động, dầu nhớt, săm, lốp.
Với những xe gắn máy hết hạn sử dụng, thải loại sẽ bị thu hồi từ tháng 7/2018. Ảnh:Bá Đô
Theo lộ trình, những sản phẩm này bị thu hồi vào tháng 7/2015, tuy nhiên các bộ, ban ngành và Chính phủ đã xem xét thực tiễn và lùi thời hạn thu hồi một năm. Riêng ôtô, xe máy hết hạn sử dụng, lộ trình thu hồi vẫn được giữ nguyên vào tháng 1/2018.
Nhà sản xuất có trách nhiệm tổ chức thu hồi, tiếp nhận sản phẩm thải bỏ do mình đã bán ra thị trường Việt Nam và được hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ theo quy định của pháp luật; Được liên kết với nhà sản xuất khác để cùng thực hiện thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ khác nhãn hiệu nhưng cùng loại.
Người tiêu dùng có thể lựa chọn các hình thức như tự chuyển hoặc chuyển giao cho tổ chức, cá nhân thu gom để vận chuyển đến các điểm thu hồi sản phẩm thải bỏ. Ngoài ra người tiêu dùng, tổ chức, cá nhân thu gom khi chuyển sản phẩm đến điểm thu hồi được hưởng quyền lợi theo chính sách của nhà sản xuất; Có quyền yêu cầu nhà sản xuất tiếp nhận các sản phẩm thải bỏ do chính nhà sản xuất đó đưa ra thị trường.
Quyết định về thu hồi sản phẩm thải bỏ trong đó có ôtô và xe máy từng gây băn khoăn cho nhiều người. Đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam từng nhận định, hiện nay phương tiện cá nhân như xe máy, ôtô con vẫn chưa xây dựng được niên hạn sử dụng, bởi đây là tài sản cá nhân và trách nhiệm gắn với người sử dụng. Nếu dùng biện pháp hành chính để loại bỏ như đối với xe thương mại sẽ trở thành vấn đề lớn vì "ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, xe máy vẫn là phương tiện đi lại chủ yếu, là phương tiện mưu sinh".
Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cũng cho rằng, quy định niên hạn đối với phương tiện cá nhân liên quan đến cuộc sống, sinh kế của nhiều người dân. Do vậy, cần phải có một lộ trình cụ thể, sớm thông báo rộng rãi để người dân được biết và thực hiện, cần lấy ý kiến rộng rãi của các nhà khoa học, cơ quan quản lý, chuyên môn kỹ thuật và tổ chức hiệp hội.
Theo Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), đến 31/12/2014 cả nước có 45.072.363 xe cơ giới được đăng ký, trong đó môtô 2 bánh chiếm 95%. Riêng Hà Nội và TP HCM số lượng xe đăng ký là 11.179.619 chiếc, chiếm khoảng 25% cả nước.
Bá Đô
Theo VNE
"Cử tri còn băn khoăn về nhân sự nào... hãy gửi thư cho chúng tôi" "Cử tri còn băn khoăn về nhân sự nào trong Đại hội Đảng sắp tới thì hãy gửi thư cho chúng tôi. Phải minh bạch khi quyết định phương án nhân sự. Tất cả vì dân, vì nước nên phải làm thôi", Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói. Chiều 16/5, tại Hội trường Thành ủy TPHCM, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH)...