Người đàn bà sai lầm vì khao khát một tiếng ầu ơ
Có tội, ắt phải trả giá là điều đương nhiên nhưng nhìn cảnh Nguyễn Thị Hải Yến, sinh năm 1969 ở thị trấn Sông Thao, Cẩm Khê, Phú Thọ ở trại giam Quyết Tiến chăm chút đứa con nuôi bại não thì ai cũng ứa lệ.
Cả một đời đi tìm tiếng gọi con, Hải Yến đã sống như lao thân, kể cả vi phạm pháp luật để chăm đứa con nuôi dù biết là vô vọng.
Hai lần đò, 6 lần mang thai
Tuấn Anh, con nuôi của Yến năm nay đã 14 tuổi, thế nhưng chẳng khác nào một khung xương, đặt đâu nằm đó. Khuôn mặt khôi ngô cứ đơ đơ vậy mà Tuấn chưa một lần bị mẹ Yến cáu gắt hay nản chí. Năm Tuấn lên 7 tuổi, cậu theo mẹ vào trại giam, từ đó đến nay đã 7 năm trôi qua.
Trắng trẻo, lại là con gái út trong một gia đình đông con nên từ nhỏ Yến đã được chiều chuộng. Năm 18 tuổi, Yến lấy chồng, một thanh niên khác làng, công tác ở thủy điện Hòa Bình. Vợ chồng vài tháng mới gặp nhau một lần nên rất tình cảm. Thế nhưng hai lần mang thai, Yến đều không giữ được.
Nữ phạm nhân Nguyễn Thị Hải Yến
Theo lời Yến thì do lúc đó tuổi trẻ không nghĩ được sâu xa thành ra lúc mang bầu chẳng giữ gìn thành ra đứa trẻ mới tượng hình trong bụng đã bỏ mẹ mà đi. Chồng Yến là con một nên trước sức ép của gia đình, anh ta đã không thể che chở được cho vợ nên chỉ một thời gian ngắn sau thì hai người chia tay.
Với nhan sắc vốn có nên dù đã qua một lần đò, Yến vẫn khiến nhiều trai làng mê mẩn. Trong số họ có Nguyễn Đức Hoàn, một thanh niên kém Yến 3 tuổi, sau này trở thành chồng của cô. Yến bảo ban đầu chỉ coi như em nên những khi họp chi đoàn, thấy Hoàn trêu đùa thì cũng tếu táo lại, không ngờ có tình cảm lúc nào không hay.
Họ cưới nhau trong sự ngăn cản quyết liệt của gia đình Hoàn vì những định kiến hẹp hòi về nam nữ và một điều nữa là chuyện muộn con của Yến. Không được gia đình đồng ý song Hoàn quyết tâm lấy Yến và sau khi đăng ký kết hôn, họ thuê nhà chung sống.
“Lấy Hoàn, em cũng có bầu nhưng cái thai chỉ được 3 tháng là hỏng. Đi hết viện nọ phòng khám kia, rồi phẫu thuật, đặt phôi, kết cục là thêm 5 lần mang thai nữa song kết cục là chúng em chẳng có mụn con nào. Bác sỹ bảo môi trường cơ thể em không thích hợp với việc mang thai”, Yến kể, rơm rớm nước mắt.
Rồi vợ chồng Yến bàn nhau xin một đứa trẻ về làm con nuôi. Họ định nuôi con các anh chị hoặc người trong họ hàng nhưng rồi nghĩ nuôi chúng, lớn lên chúng lại quay về với bố mẹ đẻ, mình mất chỗ nhờ cậy khi về già nên quyết định xin trẻ mới đẻ, ở xa để không bị mất con.
Video đang HOT
Mấy năm tìm kiếm, cuối cùng vợ chồng Yến cũng xin được một bé trai vừa chào đời được 1 ngày tuổi, bị bỏ rơi. Ôm đứa con không phải do mình đẻ ra còn đỏ hỏn, Yến mừng như thể chính mình sinh ra nó. Cô chăm chút đứa trẻ từng ly từng tý, không quản đêm hôm thức trắng bón cho bé từng thìa sữa.
Một tháng rồi hai tháng trôi qua, mặc dù chưa một lần sinh nở song thiên chức người mẹ mách bảo Yến có điều gì đó không bình thường khi mà đứa trẻ đã 6 tháng rồi mà đặt đâu nằm đó, không cất cổ lên được. Ôm con đi hết các bệnh viện chữa trị, Yến đau khổ khi biết con nuôi mình mắc chứng bại não.
Chồng khuyên đem gửi vào trung tâm xã hội nhưng Yến không đành lòng. Cô cảm thấy như mình có duyên nợ với đứa trẻ này, muốn cho nó một mái ấm gia đình và hơi ấm của tình mẹ. Sự ngang bướng của vợ cộng với những bất hạnh đang phải gánh chịu đã khiến Hoàn chán nản, tuyệt vọng. Anh ta tìm đến ma túy như một nơi trú ẩn. Vậy là đã bất hạnh, cuộc đời Yến lại càng thêm bi đát.
Chồng nghiện rồi con nhỏ bệnh tật, mọi thứ dồn cả lên đôi vai Yến. Giống như một quy luật tất yếu dành cho những kẻ bế tắc trong cuộc sống, muốn tìm một lối thoát mà không ra, Yến mua ma túy về bán lẻ, kiếm lãi cho chồng hút hít và có tiền chữa bệnh cho con.
Rồi chồng Yến cũng tham gia, từ vài tép để bán lẻ, họ đã liều lĩnh hơn khi gom tiền mua tới vài cây heroin để buôn bán. Được một thời gian thì vợ chồng Yến bị bắt. Ngày hầu tòa, Yến rụng rời tay chân không phải vì bản án 13 năm tù của mình mà bởi cái tin chồng nhiễm căn bệnh thế kỷ.
Vẫn mong lắm một tiếng gọi con
Chồng 15 năm tù, vợ 13 năm, Hoàn và Yến cùng được về trại giam Quyết Tiến cải tạo. Đứa con nuôi bại não bị cả hai bên nội ngoại chối từ, đành phải theo Yến vào trại. Cả nhà lại được bên nhau, sum vầy vào 2 ngày nghỉ cuối tuần khiến Yến vui lắm.
Tuy nhiên chỉ được 3 năm thì căn bệnh của Hoàn tiến triển nặng hơn. Anh ta được đình chỉ thi hành án về nhà chữa bệnh rồi chết tại quê nhà, bỏ mẹ con Yến hụt hẫng với nỗi đau câm lặng. Yến bảo cũng may là từ ngày vào trại, được sắp xếp làm ở đội trông trẻ nên có điều kiện chăm con nuôi và chẳng còn thời gian để nghĩ về quá khứ.
Yến vui lắm vì có nhiều thời gian ở bên con, được bồng bế Tuấn Anh vào lòng mà thủ thỉ cho vơi bớt tâm sự cho dù chưa bao giờ nhận được một sự chia sẻ từ đứa trẻ. Yến bảo mặc dù mắc bệnh bại não, tay chân không thể cử động được nhưng con trai cô rất ngoan, chẳng mấy khi khóc hay đau ốm. Nhiều lúc nghe mẹ tâm sự, đôi mắt Tuấn Anh chớp chớp như thể cảm nhận được những điều mẹ nuôi nói.
“Gia đình chồng tôi vừa gửi thư vào, không nhận con dâu và cháu. Tôi cũng chẳng biết vui hay buồn nữa vì đành phải chấp nhận thôi, số phận buộc thế thì phải chịu thôi”, Yến tâm sự.
Chồng chết, có căn nhà làm chốn đi về sau ngày mãn hạn đã bị bố mẹ chồng bán mất nên lắm lúc Yến cũng không biết sau này đi đâu về đâu. Cô bảo chẳng còn nơi nương tựa, bấu víu nhưng vẫn mong lắm ngày trở về dẫu biết rằng về với đời thường là phải lo cái ăn, cái mặc. Hỏi Yến mong muốn điều gì?, người đàn bà chưa phai hết nét đẹp trên gương mặt khẽ khàng ước “con được mạnh khỏe và đừng quấy khóc”. Một điều ước thật giản dị nhưng với Yến thì quá xa vời, mong manh.
Theo Dantri
Ẩn ức phía sau bản án giết cha
Ngay từ nhỏ, Mã Văn Biên đã bị ám ảnh bởi những trận đòn roi, chửi bới thậm tệ của người cha nghiện ma túy. 16 tuổi, Biên theo mẹ rời Bắc Kạn vào Bình Phước làm mướn.
Ba năm sau, biết tin bố đã đoạn tuyệt được với ma tuý, hai mẹ con Biên lại dắt díu quay về quê sinh sống. Thế nhưng, Biên không ngờ cậu ta vẫn nghe thấy làng xóm xì xào chuyện ông L. tiếp tục tái nghiện, vì quá bức xúc, đứa con tội đồ này đã tự tay tước đoạt đi mạng sống của cha mình.
Trăn trở của những người thầy
Trong chuyến công tác mới đây tại trại giam Quyết Tiến (Tổng cục VIII bộ Công an), chúng tôi được nghe cán bộ quản giáo kể về một trường hợp phạm tội thật xót xa. Kẻ gây án là một cậu thanh niên còn rất trẻ, nạn nhân mà cậu ta xuống tay sát hại chính là cha ruột của mình. Đó là phạm nhân Mã Văn Biên, sinh năm 1993, quê ở huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn.
Kể từ khi đọc hồ sơ về trường hợp phạm tội của Biên, thượng tá Nguyễn Đăng Bình - Phó giám thị Trại giam cứ trăn trở mãi. Nỗi ám ảnh về một tội ác kinh hoàng mà trong đó hung thủ và nạn nhân có quan hệ huyết thống cha - con khiến người phó giám thị nhiều đêm thức trắng. Trong tâm trí thượng tá Bình lúc ấy, ông hiểu rằng, hẳn đã có một sự giằng xé đấu tranh ghê gớm lắm mới khiến cho một cậu thanh niên 19 tuổi bình thường vốn hiền lành bỗng trở thành tên sát thủ máu lạnh. Thượng tá Bình tâm sự: "Đối với những người làm công tác giáo dục như chúng tôi thì phải luôn luôn gần gũi, nắm bắt tâm lý của phạm nhân để giúp họ lấy lại thăng bằng và niềm tin quay về nẻo thiện".
Một cán bộ quản giáo cho biết, tính đến thời điểm chúng tôi gặp Mã Văn Biên thì cậu ta vừa mới được chuyển từ trại tạm giam công an tỉnh Bắc Kạn đến trại giam Quyết Tiến được khoảng hơn một tuần. Vì là phạm nhân mới nên Biên chưa được phân công cụ thể vào tổ lao động cải tạo nào. Khi đó, tinh thần của Biên vẫn chưa ổn định. Cậu ta luôn tỏ ra khép mình, không muốn giao tiếp với bất kỳ ai, kể cả các phạm nhân cùng buồng giam.
Cơ quan điều tra tiến hành khám nghiệm hiện trường (Ảnh internet).
Trước khi dẫn Mã Văn Biên ra gặp chúng tôi, trung tá Nguyễn Mạnh Hùng - Phó đội trưởng đội Quản giáo của trại giam Quyết Tiến bảo rằng: "Trường hợp phạm nhân này vẫn còn chưa ổn định về tâm lý. Chắc các chị cũng hiểu cần làm như thế nào khi tiếp xúc với cậu ấy".
Dưới cái nắng oi ả của những ngày vào hạ, Mã Văn Biên lầm lũi bước ra phòng tiếp khách theo sự chỉ dẫn của cán bộ trại giam. Thấy chúng tôi đang ngồi chờ sẵn ở đó, Biên chậm rãi kéo ghế ngồi và quay sang nói: "Em tưởng cán bộ gọi ra gặp người nhà, chứ nếu gặp nhà báo thì em chẳng muốn nói gì đâu. Đừng hỏi em về vụ án giết cha. Thực sự em không muốn nhớ lại cảnh tượng kinh hoàng ngày hôm ấy. Đó là điều tồi tệ nhất em đã làm trong đời".
Thấy Biên có vẻ căng thẳng, tôi bảo: "Chị đồng ý. Chị sẽ không nhắc đến những điều em không muốn nhớ tới. Ngược lại, em có thể chia sẻ bất cứ điều gì nếu điều đó làm em cảm thấy thoải mái hơn". Nghe vậy, Biên chỉ khẽ đưa ánh mắt liếc nhìn người đối diện mà không nói thêm gì.
Sau khi được chúng tôi hỏi thăm sức khỏe, động viên tinh thần, Biên mới cởi mở hơn một chút và bắt đầu tâm sự về gia đình mình trước đây, về mẹ và cuối cùng cậu ta đã rơi nước mắt khi kể về những ẩn ức phía sau bản án giết cha.
Bản án đời đeo đẳng
Ngược về quá khứ, Biên kể, cậu ta sinh ra trong một gia đình thuần nông có ba anh chị em, Biên là con út. Theo lời của Biên, ông L., bố cậu nghiện ma túy từ nhiều năm trước. Để có tiền khỏa lấp các cơn nghiện, tất cả những thứ đồ đạc gì trong nhà có giá trị là ông L. đều mang bán hết. Mỗi lần lên cơn, ông L. thường hay nổi cáu, đánh đập mấy mẹ con Biên. Ngay từ khi còn nhỏ, Biên đã bị ám ảnh bởi những trận đòi roi, chửi bới của người cha. Bản thân ông L. đã vài lần đi cai nghiện ở trung tâm nhưng chỉ về nhà được ít ngày là lại tái nghiện.
Kể đến đây, giọng Biên chùng lại, cậu ta khẽ thở dài: "Cứ mỗi lần nghĩ về hoàn cảnh gia đình mình như thế, em lại cảm thấy vô cùng tủi hổ. Người em thương nhất là mẹ. Nhiều đêm, em thấy mẹ nằm khóc sụt sịt mà chẳng biết làm thế nào để giúp mẹ bớt khổ".
Năm 2009, trong một lần lên cơn nghiện, ông L. đã đuổi vợ ra khỏi nhà. Khi đó, Biên mới học xong lớp 9 nhưng đã bỏ học và theo mẹ vào Nam làm thuê kiếm sống. Ở nơi đất khách, hai mẹ con Biên dắt díu nhau tìm đến nhà một người họ hàng đang sinh sống tại tỉnh Bình Phước để xin trồng cà phê thuê. Đến đầu tháng 5/2012, hai mẹ con Biên nghe tin ông L. đã đoạn tuyệt được với ma túy nên đưa nhau về thăm nhà.
Biên tâm sự: "Chị gái em thì lấy chồng tận Ninh Bình, ít có điều kiện về thăm gia đình, còn anh trai thì lấy vợ và sinh sống ở một huyện khác của tỉnh Bắc Kạn. Vì thế khi hai mẹ con em quay về, nhà chỉ có bố đang sống một mình. Em tưởng rằng bố đã cai nghiện dứt điểm. Nào ngờ, ngày 22/5/2012, em đi mua cám gà vẫn nghe người dân trong bản xì xào chuyện bố em đang tái nghiện. Vài người còn bắt gặp bố em sử dụng thuốc phiện. Lúc đó, trong đầu óc em lại hiện lên những cảnh tượng đau buồn trước đây. Em cảm giác như có một cục nghẹn ứ đọng trong cổ họng. Trong lúc bi quan, trong đầu em chợt nảy ra ý định giết bố để giải tỏa bức xúc".
Theo tài liệu điều tra, vào khoảng 10h45 ngày 22/5/2012, Mã Văn Biên cùng bố là ông Mã Văn L. dọn mâm bát chuẩn bị ăn cơm, mẹ của Biên là bà Hà Thị M. ốm nên không ăn cơm cùng mà ngủ ở trong buồng. Sau khi ăn xong, Biên ra bàn ngồi uống nước, còn ông L. đến chiếc giường gấp kê ở gần cửa ra vào gian bếp để ngủ. Khi thấy ông L. ngủ được vài phút, Biên ra ngoài sân lấy chiếc búa bổ củi của gia đình đi thẳng đến chỗ ông L. đang nằm và cầm búa chém mạnh vào vùng cổ bên phải của ông L. khiến nạn nhân chết ngay tại chỗ. Với tội ác mà mình gây ra, Biên đã phải trả giá bằng bản án tù chung thân.
Nghe câu chuyện của Biên, chúng tôi cảm thấy thật xót xa. Tất cả tương lai phía trước đã bị cậu ta tự tay đánh mất chỉ vì sự nông nổi nhất thời. Phía sau bản án giết cha, có lẽ bản án đời sẽ còn mãi đeo đẳng Biên. Cậu ta tâm sự: "Kể từ khi gây ra tội ác tày trời, không đêm nào em được ngủ yên. Cứ chợp mắt lại là thấy bóng cha về. Em suy nghĩ nhiều lắm chị ạ. Có những lúc em không thiết sống nữa, nhưng nghĩ đến mẹ, em lại không đủ can đảm làm điều đó".
Gửi lời xin lỗi mẹ
Tôi động viên Biên: "Điều mà mẹ mong ở em nhất bây giờ có lẽ là sức khỏe và tâm lý của em sớm ổn định. Có như vậy, mẹ mới yên tâm em ạ! Chị cảm nhận được rằng, em rất thương mẹ, vì thế hãy lao động, cải tạo thật tốt để sớm được trở về báo đáp ơn sinh thành".
Đến lúc này, đôi mắt của Biên đã đỏ hoe. Cậu ta đưa tay gạt ngang dòng lệ và ngước mắt nhìn thẳng vào chúng tôi: "Thực sự, lúc đầu gặp mặt, em không muốn chia sẻ với các chị bất cứ điều gì liên quan đến quá khứ của em. Nhưng sau đó, em nhận thấy, nói chuyện với các chị khiến lòng em nhẹ đi rất nhiều. Tâm lý của em đã chuyển biến nhiều, hy vọng sẽ được gặp lại các chị vào dịp khác để em có thể khoe về thành tích cải tạo của mình. Em chỉ xin một điều, các chị đừng chụp ảnh em nhé!".
Trước khi được cán bộ quản giáo dẫn giải trở về buồng giam, Biên cố ngoái lại nhắn nhủ với chúng tôi: "Nếu được, qua các chị, cho em gửi lời xin lỗi đến mẹ em!..".
Theo vietbao
Phút trải lòng của gã giang hồ nổi tiếng xứ Thanh Vốn là đệ tử thân tín của Cường "trưởng" (một tay anh chị khét tiếng ở xứ Thanh), bản thân Nguyễn Xuân Hòa cũng từng trực tiếp tham gia nhiều vụ giành lãnh địa. Sau hơn 4 năm thụ án, Nguyễn Xuân Hòa mới nhận ra những sai lầm của mình trước đây. Kết cục, những kẻ ngang tàng, coi thường pháp luật...