Người đàn bà khốn khổ phá thai 18 lần để sinh được con trai gây sốc
Người phụ nữ ở Hải Dương này đã phải phá thai đến 18 lần và bất chấp cả tính mạng để sinh được con trai.
Người phụ nữ ở Hải Dương này đã phải phá thai đến 18 lần và bất chấp cả tính mạng để sinh được con trai, nhưng đến cuối cùng vẫn không đạt được ý nguyện nhà chồng. Và rồi cái mà chị nhận được chỉ là sự tuyệt vọng và ghẻ lạnh cho tới lúc chết.
Đó là câu chuyện đầy bi kịch về cuộc đời của một người phụ nữ ở Hải Dương phải phá thai tới 18 lần để sinh con trai cho gia đình chồng được chia sẻ trong chương trình truyền hình ngày 27/5. Câu chuyện đang gây sốc cộng đồng mạng xã hội, khiến nhiều người bàng hoàng về thực trạng áp lực sinh con nối dõi và quan niệm trọng nam khinh nữ vẫn còn tồn tại khá nặng nề ở nhiều gia đình Việt Nam hiện nay.
Câu chuyện được các cán bộ dân số ở Hải Dương kể lại về số phận của một người phụ nữ địa phương phải phá thai tới 18 lần để sinh được con trai cho nhà chồng. 18 lần phá thai cũng là 18 lần chị rớt nước mắt và chịu đựng những đau khổ đến tột cùng khi tự mình giết đi những sinh linh bé nhỏ, giọt máu của chính mình.
Kể về cuộc đời và số phận bất hạnh của mình, người phụ nữ này tâm sự
: “Từ ngày tôi lấy chồng đến giờ, vì cuộc sống gia đình nghèo khó nên vô cùng vất vả, tôi đẻ 3 lần đều là con gái, chúng tôi cố gắng để có con trai nhưng vẫn không thể được. Đẻ người con thứ 4 vẫn là con gái, tôi vô cùng chán nản và có ý định tử tự, bỏ lại tất cả, đến độ tôi không buồn cho con bú”.
Sự mặc cảm không có con trai trong khi chồng lại là con trưởng cứ hành hạ chị. Áp lực ấy khiến chị nhiều lần có ý định tự tử, muốn bỏ lại tất cả và đau lòng tới mức không buồn cho con bú.
Nhưng điều khiến chị đau đớn hơn là chính người chồng cũng không hề thông cảm mà bất chấp cả luân lý chỉ để có được một đứa con trai. Thay vì cùng chị cố gắng, người chồng ấy vẫn ngày ngày đi tìm kiếm một đứa con trai ở ngoài với những người phụ nữ khác. Nhiều lần vợ chồng chị cãi nhau, thậm chí là đánh nhau khiến mâu thuẫn gia đình càng trở nên căng thẳng. Tuyệt vọng, chị cho rằng đến cuối đời, cuộc sống của vợ chồng chị sẽ chẳng còn gì vì cả ngày hai người chẳng nói với nhau câu nào.
Người phụ nữ tuyệt vọng vì không sinh được con trai cho nhà chồng
“Cho đến lúc chết có lẽ vợ chồng tôi cũng chỉ đến thế này thôi”, chị tâm sự trong tuyệt vọng.
Video đang HOT
Ngay sau khi được chia sẻ, câu chuyện đau xót này đã nhanh chóng nhận được sự quan tâm của nhiều người và dấy lên những tranh luận gay gắt trên mạng xã hội.
Nhiều người tỏ ra đồng cảm và bày tỏ sự thương xót cho sự hi sinh cùng những nỗi đau mà chị đã phải trải qua trong suốt thời gian chịu sự đay nghiến ở nhà chồng.
“Thương chị quá, phụ nữ là thế, lúc nào cũng phải sống chết vì chồng, chồng có đánh đập cỡ nào cũng không dám bỏ, suốt đời chỉ chấp nhận lầm lũi cho tới lúc chết vẫn không thể hạnh phúc”, một người dùng mạng thương xót.
Tuy nhiên, cũng có nhiều người cho rằng, chị nên tỉnh táo hơn để không có những sai lầm liên tiếp và phải trả giá bằng chính sức khỏe của mình như vây. “Mình khâm phục chị rất nhiều. Một người phụ nữ, bỏ 1 thai nhi đã đau, đây lại là 18 đứa con. Nhà chồng chị không mang nặng đẻ đau, họ không thấu hiểu cho chị đâu. Đúng ra chị nên từ bỏ, vì tính mạng của chị và cả con chị nữa”.
Bên cạnh đó, những chia sẻ của chị đã khiến cho không ít người phải bức xúc bởi quan niệm trọng nam khinh nữ của người chồng và gia đình bên nội. Họ không đồng tình với sự nhẫn nhịn chấp nhận cuộc sống của người vợ và cho rằng chị nên mạnh mẽ hơn để đấu tranh cho hạnh phúc của bản thân mình.
“Tại sao đến bây giờ vẫn còn suy nghĩ lạc hậu và cổ hủ như vậy. Đứa con là của trời cho, tại sao lại nhẫn tâm giết tới 18 sinh linh, 18 mạng người. Liệu rằng sinh được con trai, gia đình đó có thể thực sự hạnh phúc không?”, một thành viên mạng xã hội phẫn nộ.
“Đã là thế kỉ 21, đã đến lúc người phụ nữ phải được hạnh phúc, phải đấu tranh vì hạnh phúc của mình, đừng để những quan niệm cổ hủ, cố chấp và đáng lên án kia hủy hoại cuộc đời của mình”, một thành viên khác lên tiếng.
Trên thực tế, thực trạng áp lực sinh con trai nối dõi và quan niệm trọng nam khinh nữ vẫn còn tồn tại ở nhiều gia đình Việt Nam. Dù cán bộ y tế không được phép tiết lộ giới tính khi sinh, phá thai lựa chọn giới tính nhưng thực tế điều này chưa thực hiện được một cách đầy đủ tạo nên tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh.
Câu chuyện trên đây chỉ là một trong số ít những góc khuất, những bi kịch được tìm thấy, được chia sẻ, mà ở đó những người phụ nữ Việt Nam không may mắn phải gánh chịu. Trong những gia đình cổ hủ ấy, niềm khát khao có con trai khiến nhiều bậc làm cha, làm mẹ sẵn sàng chấp nhận bỏ đi những mầm sống đang dần lớn lên trong cơ thể mình. Và bản thân họ sau đó phải trải qua những nỗi ám ảnh tội lỗi trong suốt những quãng đời còn lại.
Trong câu chuyện này, người phụ nữ vừa đáng thương, vừa đáng trách bởi chị đã không đủ can đảm để đấu tranh và vượt qua nghịch cảnh. Nhưng chắc hẳn rằng, điều khiến nhiều người lo ngại hơn là ở một nơi khác, đặc biệt là các vùng quê, cũng có những người phụ nữ như chị, vẫn ngày ngày sống trong tủi nhục mà không một lần được lên tiếng để đấu tranh cho hạnh phúc của chính mình.
Theo Trí thức trẻ
Mẹo thoát hiểm: Chống cướp giật
Cảnh giác khi có trẻ em bán hàng rong, vé số dạo... tự nhiên đi sát hoặc xô đẩy, chen lấn với mình. Vì bọn cướp thường lợi dụng đối tượng này để tạo ra sơ hở, gây phân tâm hoặc che tầm quan sát của người có tài sản, để tên khác chớp thời cơ cướp giật tài sản.
Tình hình tội phạm cướp giật tài sản trên địa bàn các đô thị đông dân cư đang diễn biến hết sức phức tạp. Tính chất nguy hiểm của loại tội phạm này ở chỗ không những làm thiệt hại về tài sản mà còn đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe các nạn nhân và những người tham gia giao thông, vì sau khi gây án, chúng thường tìm mọi cách trốn chạy sự truy đuổi của nạn nhân, người đi đường và lực lượng công an.
Ảnh minh họa
Thủ đoạn cướp giật manh động
Những năm trở lại đây, tội phạm cướp giật có xu hướng manh động hơn. Đối tượng gây án tập trung vào số thanh thiếu niên độ tuổi từ 16 - 30, không có việc làm ổn định, thường xuyên tụ tập chơi bời, sử dụng các loại chất kích thích (bia, rượu, ma túy...) và đánh bạc, cá độ bóng đá, chơi lô đề. Tỉ lệ tái phạm của số đối tượng đã có tiền án, tiền sự khá cao. Đáng lo ngại là tình trạng học sinh, sinh viên, thậm chí công chức, giáo viên cũng đi gây án.
Bọn cướp giật thường cấu kết với nhau, hình thành các băng ổ nhóm có từ 2 tên trở lên. Chúng thường có phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng tên trong nhóm, như tên chuyên cầm lái (bo xe), tên chuyên ngồi sau để giật đồ và tên làm nhiệm vụ cản đường khi bị truy đuổi. Có trường hợp, chúng chia nhau dàn cảnh, tạo ra sự cố để người đi đường bộc lộ sơ hở hoặc phân tán sự chú ý bảo vệ tài sản để tạo điều kiện cho đồng bọn ra tay... Có băng nhóm lại phân công đứa chuyên đi "tăm tia" ở các địa điểm như ngân hàng, tiệm vàng, cây ATM.
Phương thức gây án phổ biến là sử dụng xe máy "đi dạo" trên các tuyến đường để quan sát. Khi thấy có người mang theo tài sản gọn nhẹ, có giá trị cao và dễ tiêu thụ (như điện thoại di động, máy ảnh, nữ trang, túi xách, vàng, tiền mặt...), hoặc những người vừa giao dịch trong ngân hàng, tiệm vàng, cây ATM đi ra, chúng liền tổ chức đeo bám. Đến những địa điểm thuận lợi (như đường thoáng rộng hay có nhiều ngã rẽ tiện cho việc tẩu thoát, phía trước vắng người ...), chúng lập tức tăng ga áp sát mục tiêu để cướp giật túi đồ đựng tiền, vàng rồi tẩu thoát. Nếu bị truy đuổi, kẻ chạy xe phía sau sẽ làm nhiệm vụ ngăn cản, gây khó khăn cho người truy đuổi.
Thời gian gần đây, xuất hiện thủ đoạn bọn cướp giật cản đầu xe nạn nhân, hay dàn cảnh vụ đụng xe để họ mất cảnh giác, rồi đồng bọn từ phía sau vượt lên, áp sát nạn nhân để móc túi hoặc cướp giật đồ treo trên xe. Có trường hợp, bọn chúng theo xe ôtô, taxi vừa lĩnh tiền từ ngân hàng. Đến đoạn đường vắng, bọn chúng bí mật rải đinh trước bánh xe, sau đó thông báo cho lái xe biết là xe bị xì bánh, lợi dụng lúc tài xế xuống kiểm tra hoặc sửa chữa, bọn chúng trộm cắp tiền hoặc giật đồ của người ngồi trong xe rồi tẩu thoát.
Tâm lý của tội phạm cướp giật rất manh động, quyết liệt, bất chấp mọi nguy hiểm đến tính mạng và sức khỏe của người khác, miễn là cướp được tài sản. Khi bị truy đuổi, sẵn sàng sử dụng hung khí mang theo để chống trả. Công cụ phương tiện gây án chủ yếu là các loại xe máy có tốc độ cao, phân khối lớn đeo biển số giả, che biển hoặc tháo biển; cũng có thể đeo biển số thật, nhưng là của xe khác. Gần như tên cướp giật nào cũng "găm đồ" (dao, kiếm, công cụ hỗ trợ...) trong người.
Cách phòng tránh
Vậy làm gì để không trở thành "mồi ngon" của bọn cướp giật? Cách phòng ngừa tốt nhất vẫn là sự cảnh giác của mỗi người. Cần chủ động không để bản thân rơi vào những tình huống nguy hiểm, không nên tạo những sơ hở để bọn cướp giật ra tay. Đồng thời, phải "phòng ngừa sớm" bằng việc dự liệu từ trước những cách thức đối phó nếu chẳng may bị cướp giật.
Cách tốt nhất khi ra đường là đừng phô trương tài sản quý, hạn chế đeo đồ trang sức khi ra đường. Nếu đeo thì nên quàng khăn, mặc áo dài tay kín cổ, áo chống nắng... trùm ra ngoài để che khuất đi. Không nên mang theo nhiều đồ đắt tiền bên mình, trừ khi thật sự cần thiết. Khi đó, phải cất tiền, tài sản vào trong cốp xe (nếu có) hoặc chằng buộc cẩn thận vào xe. Lưu ý, trước khi cất đồ vào cốp hoặc lấy ra thì phải nhìn xung quanh, vì bọn cướp giật thường chọn thời điểm này để gây án. Nếu túi to, cốp nhỏ không để vừa, thì tốt nhất là đeo túi, balô, cặp laptop... về phía trước bụng, hoặc treo buộc túi ở ba-ga xe máy (giữa hai đùi), quàng dây cẩn thận qua cổ xe, để tránh bị rạch túi nếu đeo sau lưng. Quai túi nên chọn loại to bản, chắc chắn để bọn cướp từ bỏ ý định giằng giật. Tuyệt đối không đặt, treo đồ vật, hành lý hớ hênh (như trong giỏ xe trước ghi đông, ở giá để hàng tại khung xe).
Trên đường đi cần chú ý quan sát, nếu qua gương chiếu hậu phát hiện thấy có đối tượng nghi vấn bám theo sau, hoặc có biểu hiện như tăng ga, lạng lách đánh võng cùng chiều với mình, thì phải chạy thật chậm lại, đi sát vào lề đường, hoặc táp xe vào lề đường rồi dừng hẳn, hoặc cố gắng đi đến khu vực có nhiều người. Không nên vừa điều khiển xe vừa nghe điện thoại. Nếu buộc phải nghe điện, nên táp xe vào lề đường rồi dừng lại ở nơi có chướng ngại vật (cây, cột điện) rồi xuống xe, rút điện thoại ra nghe bằng tai bên phải (ở phía có chướng ngại vật). Trong lúc nghe điện thoại vẫn nên nhìn xung quanh. Nếu thấy có người đang lao xe thẳng về phía mình, cần cảnh giác và tính nhanh việc đối phó. Phải cảnh giác khi có người đi sát hỏi đường, hoặc khi dừng đèn đỏ giao lộ.
Cần nhớ đến các đồ vật mang theo, phán đoán vật gì có thể bị cướp giật để chú ý bảo quản. Khi chẳng may xảy ra va quệt xe, cần nghĩ ngay đến khối tài sản đang mang theo trên người hoặc treo ở xe và có biện pháp bảo vệ, vì rất có thể sự cố là do bọn cướp giật cố tình dàn cảnh tạo ra để làm phân tán sự chú ý của nạn nhân. Cảnh giác khi có trẻ em bán hàng rong, vé số dạo... tự nhiên đi sát hoặc xô đẩy, chen lấn với mình. Vì bọn cướp thường lợi dụng đối tượng này để tạo ra sơ hở, gây phân tâm hoặc che tầm quan sát của người có tài sản, để tên khác chớp thời cơ cướp giật tài sản. Nếu vận chuyển hàng hóa bằng xe ôtô hay xe taxi, phải nâng cao cảnh giác, chú ý quan sát xung quanh trước khi đưa tiền, hàng hóa lên, xuống xe. Đặc biệt, trước khi bước ra khỏi xe ôtô, cần nhìn trước ngó sau. Khi người đã ra ngoài xe thì mới lấy đồ ra.
Trên đường không nên cho người lạ mặt không quen biết đi nhờ xe, tránh việc bị cướp hoặc trộm cắp, giật đồ. Không nên đi về quá khuya trên các cung đường vắng. Khi đi dạo bộ trên phố cần chú ý bảo vệ đồ vật. Không đi bộ dưới lòng đường; hoặc đi sát lề đường nhưng treo giỏ xách bên vai trái (phía lòng đường), vì đối tượng dễ giật được tài sản. Khi rút tiền từ các ngân hàng và ATM, nên có người đi cùng và chú ý quan sát, cảnh giác khi rời khỏi các địa điểm này.
Khi bị cướp giật, hầu như ai cũng mất bình tĩnh, thậm chí hoảng loạn, mất kiểm soát hành vi tức thời. Khi đó, hãy cố gắng trấn tĩnh lại bằng cách hít thở sâu vài lần. Nhiều người vì luyến tiếc đồ vật bị cướp, đã tăng ga đuổi theo đối tượng một cách vô thức. Việc làm này rất nguy hiểm, vì khi mải đuổi theo bọn cướp mà không để ý đến xe cộ trên đường rất dễ gây ra tai nạn cho mình và người khác. Ngoài ra, nên nhớ tên cướp giật nào cũng có hung khí giấu trong người. Chúng sẵn sàng ra tay manh động chống trả nếu bị truy đuổi gắt gao.
Phản ứng khôn ngoan là hô hoán thật to với người cùng đi trên đường để nhờ giúp đỡ, truy đuổi. Khi tri hô, đừng nên nói chung chung như "cứu, cứu", hay "bớ người ta...", mà cần nói to, rõ ràng việc mình bị cướp giật, đối tượng đi xe gì, người như thế nào, đang chạy về hướng nào. Cũng không nên khóc lóc, gào thét, chửi bới... vì sẽ làm mọi người thiếu thiện cảm với bạn.
Sau khi hô hoán, cố gắng trấn tĩnh lại và ghi nhớ đặc điểm đối tượng (số lượng, tầm vóc, độ tuổi, đầu tóc, quần áo, giầy dép, các đặc điểm đặc biệt...) cùng phương tiện của chúng (loại xe, biển số xe), hướng tẩu thoát... để trình báo ngay cho đơn vị công an gần nhất, triển khai khoanh vùng đối tượng truy tìm ra thủ phạm. Nên nhớ, biển số xe là quan trọng nhất, nếu đối tượng có lắp biển số giả thì nó có thể giúp ích cho hoạt động điều tra sau này.
Theo kinh nghiệm của chúng tôi, nhất thiết sau khi bị cướp giật phải trình báo công an, vì dù không có nhiều hy vọng tìm được đối tượng và lấy lại tài sản ngay, nhưng nên nhớ, các đối tượng luôn "ngựa quen đường cũ", sớm muộn cũng sẽ bị bắt ở các vụ án khác. Khi đó, những lá đơn trình báo của bạn hôm nay, sẽ giúp cơ quan điều tra khai thác mở rộng vụ án và truy thu tài sản về cho bạn.
Nhiều người không biết nên ứng xử thế nào nếu truy đuổi mà bắt được bọn cướp giật. Trên thực tế đã xảy ra nhiều vụ người đi đường đánh đập các đối tượng cho bõ tức rồi vất chúng lại bên đường. Việc làm này rất nguy hiểm, nếu đối tượng chết hoặc bị thương tích nặng, bạn sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội "Giết người" hoặc "Cố ý gây thương tích". Ngoài ra, việc thả đối tượng, sẽ giúp chúng có điều kiện tiếp tục gây án với người khác. Ứng xử đúng đắn nhất là bình tĩnh, can ngăn mọi người không đánh đập đối tượng, khám nhanh thu giữ hung khí, phương tiện, lấy lại tài sản rồi cùng người đi đường khóa trói đối tượng giải đến cơ quan công an.
Theo Trung tá - Ths. Đào Trung Hiếu
Lao động
Bắt cóc con tin đến khống chế công an phường Đối tượng dùng dao dí vào cổ của một chủ quán bán ăn sáng rồi khống chế chị này đưa đến trụ sở công an phường. Tại trụ sở công an, hắn yêu cầu xe và do chính chiến sĩ công an chở đưa về Hải Phòng. Trao đổi với PV Dân trí, lãnh đạo công an TP.Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh cho...