Người đàn bà khổ hạnh dẫn ‘chồng điên’ tới tòa xin giảm án
“Anh ấy gây thương tích cho người ta, tôi không kêu oan. Nhưng vì chồng tôi lúc tỉnh lúc điên, nhiều khi đói không biết đòi ăn nên tôi làm đơn gửi tòa, mong chồng mình được khoan hồng” – chị Hiên nghẹn ngào tâm sự.
Trưa nắng, ngày cuối tuần làm việc, chúng tôi gặp chị Nguyễn Thị Hiên (40 tuổi), còn anh chồng là Lưu Văn Hanh, ở xã Đại Hưng, huyện Mỹ Đức, Hà Nội dắt nhau vào cantin Tòa án TP Hà Nội. Hanh bị gãy tay, bó bột một bên nên mặc áo vẫn phải để phanh cúc. Nhìn người đàn ông trung tuổi mà tỏ vẻ “ngơ ngáo”, vợ thì liên tục phải chỉ dẫn ăn cái này, ăn cái kia khiến chúng tôi phải chú ý.
Chị Hiên mong mỏi bị hại thứ lỗi, pháp luật khoan hồng cho người chồng bị tâm thần phân liệt của mình.
Chị Hiên phải “chỉ đạo” chồng liên tục là do anh Hanh không được như người bình thường. Sở dĩ họ dắt nhau tới tòa vì chị làm đơn kháng cáo, xin giảm nhẹ tội cho chồng sau khi anh này bị TAND huyện Mỹ Đức tuyên phạt 18 tháng tù giam vì tội cố ý gây thương tích.
Video đang HOT
Chị Hiên kể lại, khoảng 13 giờ ngày 8/8/2011, không biết lang thang, uống rượu nhà ai mà anh Hanh lại gây sự với hàng xóm là anh Đào Văn Quang. Bị Hanh chửi, anh Quang tỏ lời thách đố rồi cầm gậy xông vào đánh nhau với Hanh. Hanh cầm 1 chiếc cuốc lao vào người hàng xóm. Chị đã cố gắng can ngăn nhưng không được. Quang bị Hanh cầm cuốc bổ 1 nhát vào trúng trán gây thương tích. Tỷ lệ tổn hao sức khỏe của Quang là 21% tạm thời.
Sau khi bổ vào người hàng xóm, Hanh nhảy xuống sông bơi sang bờ bên kia bỏ trốn lên Hòa Bình. 2 ngày sau anh ta bỏ về Hà Nội làm nghề rửa bát thuê, sống lang thang không về nhà. Gần một năm sau, gia đình tìm được Hanh đưa về chữa trị ở bệnh viện tâm thần rồi đưa anh này ra cơ quan công an đầu thú.
Hanh bị TAND huyện Mỹ Đức đưa ra xét xử tội Cố ý gây thương tích. Tòa cho rằng, bị cáo bị tâm thần phân liệt nhưng khi gây án, vẫn làm chủ được hành vi nên xử phạt bị cáo mức án 18 tháng tù giam và phải bồi thường cho gia đình bị hại số tiền 25 triệu đồng. Gạt hàng nước mắt, chị Hiên than thở “Chỉ có nước bán nhà, bán đất thì may ra có đủ 25 triệu đồng mà bồi thường cho bị hại. Tiền chạy chữa, thuốc men cho anh Hanh tôi còn phải vay mượn, xin anh em họ hàng giúp”.
Chị Hiên tâm sự về cuộc đời nhiều bất hạnh của mình. Khi lấy anh Hanh, hai vợ chồng lao động bình thường. Không may, có thai lần đầu thì bị hỏng. Cũng từ đó, Hanh có những biểu hiện khác thường. Có khi cả tuần Hanh không ăn, không ngủ. Chị Hiên có cố ép chồng ăn thì anh vung đổ bát cơm nói rằng: “Thức ăn không tốt, cần phải ăn kiêng…” Rồi anh chửi bới, dọa đánh chị và cuối cùng là bỏ nhà đi lang thang.
Gia đình chị Hiên đã phải đưa anh Hanh đi chữa bệnh rồi tìm cả thầy cúng cho anh Hanh nhưng bệnh tình của anh vẫn không thuyên giảm. Kể từ đó anh Hanh không thể lao động nặng, chỉ làm những việc vặt trong nhà, thích thì làm, không thì bỏ, mọi gánh nặng dồn hết sang vai chị Hiên.
Cứ như vậy cũng 10 năm anh Hanh sống cảnh lúc điên khi tỉnh. Năm 2002, chị Hiên đã sinh được bé gái khỏe mạnh. Chị lấy đó làm niềm an ủi của mình. Nhiều lần chứng kiến cảnh chồng “bị bệnh”, nổi cáu, lao vào đánh, giật tóc đứa con gái nhỏ khiến chị chán nản, muốn bế con ra đi. Khi đưa con về nhà mẹ đẻ, bày tỏ ý định muốn ly hôn thì gia đình khuyên can, mẹ chị thì một mực bắt con phải về.
Chồng bệnh tật, con gái nhỏ, mọi gánh nặng kinh tế gia đình đổ dồn lên đôi vai người phụ nữ. “Nhà nông, ngoài làm ruộng, tôi cũng tranh thủ làm đủ nghề. Nhưng có chăn nuôi được con lợn, con gà thì mỗi lần bán được tiền trăm, tiền triệu mới đủ trả nợ cho những lần vay nóng người thân, xóm làng đưa anh Hạnh đi khám. Tôi không mong anh ấy giúp việc gì, chỉ cần đừng đi lang thang, đói thì đòi ăn là tôi mừng. Chị nhìn tay anh ấy đấy, chẳng biết đi lang thang đâu, bị xe máy đâm, gẫy cả tay. Bó bột cái tay ấy, tôi đi vay cả, trong nhà lúc đó chì có gần 200 nghìn đồng” – chị Hiên nghẹn ngào tâm sự.
Đưa chồng lên tòa dự phiên phúc thẩm, nhưng vì đi xe bus từ nhà ra chậm nên được rời lịch xử sang buổi chiều. Chị bảo, bữa trưa 20 nghìn đồng ở cantin tòa là bữa ăn sang của vợ chồng chị. Đợi tới chiều, phiên xử lại hoãn vì bị hại không có mặt. Chị Hiên lại dắt chồng vội vã ra bến xe bus cách tòa vài trăm mét để về sớm với cô con gái 10 tuổi đang ngóng mẹ ở nhà.
Nhật Mai
Theo Infonet
Mẹ vợ tương lai "đưa" con rể vào tù
Theo chân mẹ đến trụ sở TAND quận Long Biên từ rất sớm, chưa thấy bị cáo được dẫn giải tới tòa, Thương cứ đi ra đi vào nơi hội trường xử án. Trong lòng Thương, nỗi lo lắng về tội trạng của "chồng" dường đã choán hết nỗi lo lắng về đứa con đang khát sữa ở nhà...
Làm mẹ ở tuổi trăng rằm
Nguyễn Trung Sơn lúc chờ HĐXX ra tuyên án
Cánh cửa "xe thùng" bật mở, Nguyễn Trung Sơn (SN 1986, trú ở tổ 22, phường Ngọc Thụy, quận Long Biên) nhanh chóng được cảnh sát di lý vào phòng xử án. Nhào đến gần bị cáo là ba người phụ nữ với những độ tuổi rất khác nhau, song người gây chú ý nhất là cô bé tên Nguyễn Hải Thương, quê ở xã Gia Lâm, Nho Quan, Ninh Bình. Thương tuy có thân hình phổng phao, nhưng gương mặt vẫn còn non choẹt và dưới con mắt của những người đã lập gia đình thì cô bé này đang ở thời kỳ nuôi con mọn... Phiên tòa bắt đầu cũng là lúc câu chuyện tình trẻ con và số phận một cô bé phải làm mẹ ở tuổi "trăng rằm" dần dần hé lộ.
Cách nay hơn 1 năm, qua mạng Internet, Nguyễn Hải Thương (sinh ngày 16-9-1996) khi đó sống cùng với mẹ đẻ ở quận Hoàng Mai quen biết với Nguyễn Trung Sơn. Sau khoảng thời gian ngắn ngủi nhận lời "yêu đương" với chàng trai trong "thế giới ảo", tối 25-4-2011, Thương đã thuê taxi sang nhà Sơn chơi. Tối ấy, Thương được "bạn trai" đưa lên phòng riêng tâm sự và ngủ lại qua đêm ở đó với lý do vừa "cãi nhau" với mẹ. Ngay tại nhà mình và dù biết rõ người yêu vẫn chưa đến tuổi thành niên, nhưng Sơn vẫn cùng "bạn gái" làm chuyện vợ chồng. Cũng kể từ đêm hôm ấy, Thương đã ở lại đây và sống với "bạn trai" như vợ chồng trong suốt nhiều ngày liên tục. Nhiều ngày "dạt nhà" và sau đó đã trở về kể lại "chuyện tình" với Sơn cho mẹ nghe, song dường như bà Đinh Thị Cúc (mẹ Thương) cũng chẳng thèm để ý. Được thể, cô bé tiếp tục qua ăn ngủ tại nhà "bạn trai".
Bỗng một hôm, Thương nhận thấy trong người khang khác, còn cái bụng thì cứ ngày một to ra. Thương có thai và không thể "giải quyết" được nữa. Đem chuyện cái thai ra nói với người yêu, nhưng chỉ nhận được sự "vùng vằng", Thương và bà Cúc quyết định tố cáo Sơn tới cơ quan công an. Sau ít ngày bỏ trốn, Sơn ra đầu thú và thú nhận chính là "tác giả" của bào thai trong bụng cô bé. Trong lúc Nguyễn Trung Sơn đợi ngày ra tòa thì ngày 1-3 vừa qua, Nguyễn Hải Thương đã sinh một bé trai ngoài ý muốn.
Người lớn khóc ròng...
Có lẽ phải đến khi phiên tòa xét xử Nguyễn Trung Sơn về tội giao cấu với trẻ em theo 2 tình tiết tăng nặng là phạm tội nhiều lần và làm nạn nhân có thai được mở (27-4) thì những người lớn liên quan trong vụ án mới thực sự tỉnh ngộ. Chính vì thế mà ngay từ lúc nhìn thấy đứa con tội lỗi được dẫn giải đến tòa với tay bị còng chặt cho đến tận khi phiên xét xử kết thúc, bà Nguyễn Thị Lan (mẹ bị cáo) cứ bưng mặt khóc rưng rức. Với tư cách người bị hại, đại diện hợp pháp cho đứa trẻ sơ sinh (con của Thương và Sơn), nhưng đôi mắt của Thương cùng bà Cúc cũng đỏ hoe, sưng húp.
Thật dễ hiểu khi chứng kiến bà Lan mang tâm trạng đau buồn ấy đến phiên xét xử, bởi giống chị gái của mình, Sơn luôn là một đứa con ngoan và hiếu thuận trong mắt bố mẹ. Tội lỗi của Sơn hôm nay cũng chỉ vì cái "thế giới ảo" tai hại mà ra. Lúc HĐXX phân tích về vai trò, trách nhiệm của bố mẹ, gia đình trong vụ án, bà Lan càng thêm thấm thía. Giờ thì bà đã hiểu rằng giá như ngay từ đầu gia đình bà kịp thời ngăn chặn mối tình "tội lỗi" của đứa con trai thì sự thể đâu đến nỗi này... Nghĩ đến đứa con trai tới đây sẽ phải thụ án tù đằng đẵng và sự hiện diện "bất đắc dĩ" của đứa cháu nội tại nhà, bà Lan càng tủi hổ hơn khi được tòa mời đứng lên thẩm vấn về khoản tiền 10 triệu đồng mà bà đã thay bị cáo bồi thường cho cô con dâu tương lai.
Nước mắt nhạt nhòa, người mẹ đau khổ ấy thỉnh cầu: "Mong HĐXX xem xét, mở lượng khoan hồng cho cháu để cháu sớm được trở về chăm sóc, nuôi dạy vợ con". Về phần gia đình bị hại, sau khi làm đơn tố cáo hành vi phạm tội của Sơn ra pháp luật, Thương và bà Cúc cũng vô cùng ân hận. Cũng chẳng có gì khó hiểu về sự ân hận muộn màng này, vì trong quá trình điều tra, gia đình Thương và gia đình Sơn đã đạt được những thỏa thuận với nhau. Và đứng trước HĐXX, tất cả những người liên quan trong vụ án đều khẳng định, ngay sau ngày Thương sinh em bé, gia đình bị cáo đã đón cả hai mẹ con cô bé về nhà nuôi dưỡng. Tại hội trường xử án, bị hại, bị cáo cùng hai bà mẹ đều nhất mực cam kết, sau khi Sơn mãn hạn tù và Thương đủ 18 tuổi, họ sẽ tổ chức lễ cưới cho bọn trẻ.
Có điều, chẳng ai dám chắc rằng cuộc hôn nhân sau này cũng như tương lai của cô bé Thương sẽ trở thành hiện thực và có đi đến bến bờ hạnh phúc... Phiên tòa diễn ra chóng vánh vì Sơn hoàn toàn nhận tội, phía bị hại đề nghị HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo và quan trọng là vụ án đã được khắc phục hậu quả một cách tích cực nhất. Thế nên kết thúc phiên xét xử, Nguyễn Trung Sơn được TAND quận Long Biên áp dụng một hình phạt khoan hồng với 42 tháng tù giam.
Nhìn bị cáo trở lại trại giam, bị hại, bà Cúc và nhất là mẹ chồng tương lai của Thương cứ đầm đìa nước mắt. Phiên tòa đã thật sự khép lại, song vẫn khiến người ta phải băn khoăn, trăn trở.
Theo ANTD
Siêu mẫu Vĩnh Thụy xin tòa khoan hồng Tại tòa, bị cáo Lê Xuân Vĩnh Thụy (tức siêu mẫu Vĩnh Thụy, SN 1988, ngụ Bình Thạnh) ăn mặc lịch sự đứng trước vành móng ngựa xin tòa xử mức án khoan hồng để tiếp tục những công việc dang dở. Sáng mai, 27-4, TAND TPHCM sẽ tuyên án. Ngày 26-4, TAND TPHCM đã đưa vụ án buôn lậu và kinh doanh...