Người đàn bà gạt nước mắt đi hỏi vợ cho chồng
Vắt kiệt sức lực với 7 lần mang thai nhưng những đứa trẻ chưa kịp cất tiếng khóc chào đời đã vội vàng rời bỏ thế gian. Thương thân tủi phận một thì bà lại xót thương cho chồng mười. Gạt đi sự ghen tuông, nén nước mắt bà quyết tìm vợ cho ông.
Thế rồi hơn 30 năm chung sống với “người đàn bà đóng thế” kia như thể chị em, bà cũng yêu thương, chăm lo luôn cho cả những đứa trẻ không phải mình rứt ruột đẻ ra.
Bao nhiêu năm phải chịu tiếng “không biết đẻ”
Ở cái thôn Trung Hưng ( Mai Trung, Hiệp Hòa, Bắc Giang) nghèo khó ấy, dân làng vẫn gọi bà Nguyễn Thị Hồng là “người đàn bà tử tế”. Vì thế mà vào nhà bà Hồng chẳng khó khăn gì, thậm chí người ta còn đưa đến tận cổng ngõ. Biết chúng tôi đến gặp bà Hồng, một người phụ nữ luống tuổi níu lại như thể phân trần: “Tìm ở đất nước này, chắc hiếm được người phụ nữ nào tử tế như bà ấy. Hiếm lắm cô chú ạ”
Ngôi nhà cấp 4 của gia đình bà Hồng nép mình dưới triền đê, trận mưa lạnh đầu đông làm cho không khí ở đây ảm đạm, tiêu điều. Thế nhưng, chỉ vừa đặt chân vào ngôi nhà chúng tôi đã cảm nhận được một bầu không khí ấm áp, rất đỗi thân thuộc. Ông Thục (chồng bà Hồng) nằm gian giữa vắt chân chữ ngũ liu riu nghe thời sự từ chiếc radio nhỏ tí xíu. Bà Hồng quấn chiếc khăn dày ngồi phía hiên nhà chẻ nan, chốc chốc lại mắng mỏ mấy con chó chực quấn lấy bà. Phía cuối sân, khói bếp bắt đầu tỏa ra khi bà Minh (vợ hai ông Thục) cặm cụi chuẩn bị bữa cơm chiều. Nhà ông Thục hiếm khi có khách tới, thấy chúng tôi ông bật dậy giục bà Hồng: “Pha cho tôi ấm nước bà oi. Chứng kiến cái cách họ giao tiếp với nhau, họ đối xử với nhau và cả cách nhìn thân thiện, không ai có thể nghĩ được đây là gia đình với “hai ông, một bà”.
Video đang HOT
Bà Hồng kể lại câu chuyện đời mình. Ảnh: an ninh thủ đô
Ai cũng bảo bà Hồng không biết ghen, không biết giận, có thể sống cùng vợ hai của chồng rồi còn thương yêu chăm sóc những đứa con chẳng phải máu mủ của mình. Nhưng gặp bà, chia sẻ những tâm sự mới hiểu được những hy sinh, nỗi đau của người phụ nữ ấy phải gánh chịu suốt 35 năm. Cũng chỉ vì quá yêu chồng, quá thương chồng nên bà không muốn vì mình mà cả đời ông không được một lần làm bố.
Vừa mới bước sang tuổi 17, bà Hồng đã đem lòng yêu mến người thanh niên cùng thôn là ông Thục. Đám cưới quê được tổ chức giản dị nhưng ấm cúng. Lấy nhau được một thời gian ngắn, bà mang thai. Bao hy vọng, tình yêu, bà đều gửi gắm vào đứa con đầu lòng.Thế rồi, mới được 7 tháng bà trở dạ, đứa con chưa kịp cất tiếng khóc chào đời thì đã mất vì quá yếu. Chẳng gì tả được nỗi đau đớn, thất vọng của đôi vợ chồng trẻ. Người thân chỉ biết động viên rằng đứa trẻ không có duyên phận ở với bố mẹ, rồi vợ chồng còn trẻ, còn sức sẽ lại có con. Thế rồi bi kịch cứ thế ập đến, cả chục năm trời, bà thêm 6 lần mang thai, để rồi đều hỏng, đều sinh non. Người phụ nữ ấy ngày một héo mòn, đau đớn nhìn những đứa con mình mang nặng đẻ đau lần lượt ra đi. Không những vậy, bà bắt đầu phải hứng chịu những lời đàm tiếu, dè bỉu của những kẻ ác mồm. Nào là bà bị quả báo từ kiếp trước, nào chồng bà lấy phải kẻ không biết đẻ. Ông Thục lại là con một trong nhà nên những lời đàm tiếu ấy ngày một gay gắt hơn. Bà Hồng tâm sự “Ông ấy không nói nhưng tôi biết ông ấy rất buồn. Nhiều đêm không ngủ được; ông ấy ra hiên ngồi hút thuốc mà đờ đẫn.Đi đâu người ta cũng hỏi chuyện con cái. Nghĩ thế thôi, lòng tôi cũng đủ quặn thắt rồi”. Thế rồi bà bắt đầu có ý định tìm người sinh con cho ông. Chẳng người phụ nữ nào muốn chia sẻ tình cảm của chồng mình với người khác, nhưng cứ nghĩ đến ánh mắt khát khao có 1 đứa con của chồng mà bà không thể làm ngơ. Rồi bà lấy vợ cho chồng.
Ông Thục nghe vợ kể lại chuyện không cầm nổi nước mắt. Ông kể, vào năm 1978 khi còn đóng quân ở biên giới phía Bắc (khu vực Lạng Sơn), ông có quen người con gái tên Nguyễn Thị Minh, là người cùng xã. Gặp được đồng hương, ông như đỡ nhớ nhà, nhớ người vợ trẻ đang trông ngóng. Ông cảm tình với bà Minh bởi tính nhút nhát, thật thà và rất hiền hậu. Vì chiến tranh mà bà Minh khi ấy đã ngấp nghé 30 vẫn chưa có mảnh tình vắt vai. Dù hai người quý mến nhau nhưng chưa khi nào đi quá giới hạn tình bạn bè đồng hương. Hết chiến tranh, ông Thục trở về quê với vợ.
Chuyện ông Thục và bà Minh có cảm tình với nhau đã đến tai bà Hồng. Thế nhưng bà Hồng không hề phản ứng như những người phụ nữ khác. Ngược lại, bà còn nói chuyện nghiêm túc với ông Thục rằng sẽ cưới bà Minh về làm lẽ cho ông. Quá bất ngờ trước lời đề nghị của vợ, ông Thục nhất định không đồng ý. &’Tôi có phần hoảng loạn trước lời đề nghị ấy. Tôi nhất định không đồng ý, vì tôi vẫn một lòng một dạ yêu bà nhà tôi.Tôi chỉ biết động viên bà ấy rằng cứ thương yêu nhau, biết đâu trời thương sẽ cho mình con. Thế nhưng bà ấy một mực động viên tôi, nói rằng tôi có thương, có yêu bà ấy thì hãy cưới bà Minh. Bà ấy hứa sẽ nuôi con và thương yêu con của chúng tôi như con bà ấy vậy”- ông Thục nghẹn ngào.
Thế là câu chuyện cổ tích xưa nay hiếm đã xảy ra ngay ngày hôm sau. Bà Hồng bắt ông Thục chở sang nhà bà Minh để nói chuyện người lớn. Thấy hai vợ chồng ông Thục sang chơi, bà Minh nghĩ thầm chắc lại có chuyện hiểu lầm, ghen tuông gì đây. Khi nghe bà Hồng đặt vấn đề nghiêm túc thì bà Minh cực lực phản đối, cho rằng đó chỉ là “đòn giễu cợt” của người đàn bà ghen tuông. “Bà ấy nghĩ tôi giễu cợt tôi phải thuyết phục bằng cả tấm chân tình của mình thì bà ấy mới tin. Vậy là hai bên định ngày ăn hỏi, rồi cưới nhau. Chính hôm ăn hỏi, tôi còn mang trầu cau sang xin cưới cơ mà”-bà Hồng nói. Chuyện cưới xin này cũng vấp phải sự phản đối quyết liệt của người anh trai bà Minh, ông ấy cho rằng vì gia đình là Đảng viên nên không thể chấp nhận điều tiếng này. Đại diện nhà bà Minh còn sang trả lại lễ ăn hỏi.
Hiến kế giúp chồng “cướp dâu
Trước sự phản đối kịch liệt của gia đình bà Minh, bà Hồng hiến kế cho chồng và bà Minh cùng nhau bỏ trốn, khi nào bụng to hãy về. Nghe theo kế của vợ, ông Thục và bà Minh cùng nhau bỏ làng, bỏ xã ra đi. Một năm lang thang, sống với nhau như vợ chồng, ông Thục mới đưa bà Minh về với cái bụng sắp sinh. Những tưởng khi sự đã rồi thì sẽ được về ở với nhau, nhưng gia đình bà Minh vẫn một mực không chấp nhận.
Một lần nữa bà Hồng lại phải dùng kế sách để có được”cả trâu lẫn nghé”. Họ bàn với nhau khi nào bà Minh đẻ, sẽ cử người trực sẵn ở đó, sau đó bế thẳng con về nhà mình. Khi có con thì mẹ cũng phải về theo. Những sự việc ngoài sức tưởng tượng xảy ra khiến người dân nơi đây được dịp xôn xao bàn tán Người thì bảo bà Hồng điên, người thì dè bỉu rằng: “Rồi xem có sống được với nhau không hay ba ngày lại đánh chửi nhau”
Mặc người ta nói gì, bà Hồng vẫn cặm cụi chăm sóc cho con riêng của chồng. Thế rồi, 3 đứa con giữa ông Thục và bà Minh lần lượt ra đời. Thú thực, tôi cũng có chút tủi thân nhưng không sao cả. Ông ấy hạnh phúc, bà ấy hạnh phúc là tôi hạnh phúc rồi” – bà Hồng cười nhân hậu.
Những đứa trẻ ra đời, gánh nặng cơm áo bắt đầu đè nặng xuống 3 vợ chồng. Bà Minh ở nhà chăm con, ông Thục và bà Hồng gò lung đi phụ hồ nuôi cả gia đình. Nhà tranh, vách đất nhưng cuộc sống của họ chưa khi nào to tiếng. Họ cùng nhau xây dựng, cùng nhau vượt lên số phận để rồi cùng hưởng hạnh phúc bên các con. “Dù khó khăn, chúng tôi vẫn cố gắng làm việc nuôi các con khôn lớn. Chúng tôi tích cóp mãi mới xây dựng được cơ ngơi như ngày hôm nay đấy”- bà Hồng nói.
Cơ cực là thế, buồn tủi là thế nhưng giờ đây gia đình “hai bà, một ông” vẫn được liệt vào hàng hạnh phúc, êm ấm nhất thôn. Ba người con của ông Thục giờ đã trưởng thành, có gia đình riêng. Hai cô con gái lấy chồng cùng xã, sớm hôm quanh quẩn bên bố mẹ. Còn anh Giang, người con trai duy nhất thì lập nghiệp ở Cao Bằng. Ngày vợ anh Giang sinh cháu, bà Hồng còn lặn lội lên tận Cao Bằng chăm cháu nội. Bà Hồng nói:”Bà Minh không đi đâu xa được vì cứ lên xe là say. Ngẫm cũng sướng, giờ thì đủ đầy cả cháu nội, cháu ngoại rồi”. Nếu như bà Hồng ích kỷ, ghen tuông thì sao có được cuộc sống hạnh phúc như ngày hôm nay? Đó cũng là cái kết có hậu của một người đàn bà bao dung, nhân hậu.
Theo VNE