Người đàn bà đòi chết
Chỉ bị Toà sơ thẩm Toà án Nhân dân TP Hà Nội tuyên 10 năm tù giam nhưng Trịnh Thị Hương cứ khóc lóc vật vã đòi được gặp con lần cuối rồi lĩnh án tử hình.
Cô ta muốn chết, đòi được chết. Nhiều người nghĩ, đó chỉ là một màn kịch. Thì ở chốn công đường, thiếu gì những bị cáo “cầm tinh con giả vờ kiểu ấy” khi miệng đòi xin được tử hình mà suốt cả quá trình xét xử chả giây phút nào tỏ ra ân hận hay sám hối về những tội lỗi đã gây ra.
Nhưng Hương thì tôi tin vào những giọt nước mắt ấy.
Trịnh Thị Hương
Bị gia đình quẳng ra lề đường từ khi còn là một bé gái, 37 tuổi, 2 lần đi tù, cả ngàn ngày ô nhục chốn lầu xanh nơi xứ người, cuộc đời của người đàn bà này là vô khối những ngã rẽ. Nhưng chả có ngã rẽ nào hạnh phúc.
Có những đau khổ do chính cô mang lại, bởi nó là sự trả giá thích đáng cho những hành vi phạm tội do cô gây nên.
Nhưng cũng có những đau khổ tủi cực mà ngay từ khoảnh khắc cô bị gia đình quẳng ra lề đường, nó dường như đã được báo trước.
Khi tổ ấm bị tan vỡ quá sớm cũng là khi đứa trẻ có nguy cơ cao bị xô ngã trước sóng gió cuộc đời…
Ngày 26/8/2012, khi Trịnh Thị Hương bị bắt và bị dẫn giải từ Hoà Bình về Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm – Công an TP Hà Nội, nom Hương, khó mà tin được đó lại là một má mì. Trái với hình dung về một Tú bà buôn phấn bán hương là áo quần phải xông xênh, hở hang, mặt mũi phải trát bự phấn son, Hương gầy gò, đen đúa, ăn vận tuềnh toàng.
Đã 9 năm ròng, kể từ ngày bị Công an tỉnh Hà Tây (cũ) phát lệnh truy nã toàn quốc, lúc này Hương mới dám trở lại Hoà Bình. Dù rằng, một phần máu thịt của cô là hai đứa con nhỏ vẫn còn sống ở đây. Dù rằng, vùng quê này không phải nơi cô sinh ra nhưng là nơi cô đã trải qua suốt cả tuổi thơ toàn đòn roi, đau đớn.
Cô bảo, cô là một người mẹ chả ra gì khi mà đã quá lâu rồi cô không nuôi con. Quá lâu rồi, những đứa con cô phải sống nương tựa vào những người không cùng huyết thống. Thi thoảng, từ nơi bán phấn buôn hương ở bên kia biên giới, cô chỉ gửi về cho chúng vài ba món đồ, cho dù cô biết, tuổi thơ của chúng lại cũng vẫn là bản sao đau buồn của cô.
Lần này về Hoà Bình, cô cũng chẳng thể nào đón được các con đi. Cô về để làm lại giấy tờ tuỳ thân. Để rồi, sau đó cô sẽ quay trở lại Trung Quốc, sống với cái nghề ô nhục và tội lỗi mà bấy lâu cô và người chồng Trung Quốc vẫn làm. Để trốn cái lệnh truy nã kia, trốn tránh sự trả giá cho những lỗi lầm.
Trịnh Thị Hương lúc bị bắt và khi ra Toà nhận án 10 năm tù giam.
Thế nên, khi các trinh sát của Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm Công an Hà Nội phối hợp với Công an Hoà Bình ập vào bắt giữ, cô cứ nhất mực kêu oan, rằng cô không phải là Hương, người đàn bà đang mang lệnh truy nã kia, mà cô là Huệ, một người đàn bà Trung Quốc.
Nhưng những chứng cứ khoa học hình sự là những dấu vân tay trên danh chỉ bản thì không biết nói dối như cô. Nó là bằng chứng không chối cãi được. Cô là Hương, Trịnh Thị Hương.
Quê gốc ở huyện Chương Mỹ (Hà Tây cũ) nhưng ngay từ khi biết bập bẹ nói, Hương đã không biết mặt mẹ. Cha cô “gà trống nuôi con” đến năm Hương 8 tuổi thì cha cô cho cô đi, lên tận Hoà Bình để làm con nuôi một cặp vợ chồng hiếm muộn.
Trong ký ức buồn bã của mình, Hương không còn nhớ ngày ấy, cái ngày mà người cha dứt núm ruột của mình cho đi. Chả biết cha cô có đau không, cô không biết. Chứ đến như cái cây vô tri vô giác mà bứt đi một nhành con cũng ứa nhựa đớn đau. Cô cũng không biết vì sao cha cô lại không nuôi cô nữa. Chỉ biết rằng, kể từ đây, bắt đầu một cuộc đời đau khổ.
Về nhà cha mẹ nuôi, cô kể, cô không được sống bình thường như những đứa trẻ khác. Bởi, cha nuôi cô nghiện rượu. Và, những trận đòn trong cơn say, cô là người hứng chịu.
Lớn lên chút nữa thì cô bỏ nhà ra đi. Bởi không chịu được đòn roi. Bởi không chịu được những hình phạt quái gở mà người cha nuôi áp đặt.
Video đang HOT
Cuộc sống phiêu bạt biến cô trở nên lỳ lợm hơn. Cuộc sống với cô khi ấy là lề đường. Cô kể, đã làm đủ nghề để nuôi sống mình trong những ngày tháng phiêu bạt ấy.
Rồi cô cũng lấy chồng. Người chồng cũng ở Hoà Bình thôi. Cũng nghèo khó như cô. Hai vợ chồng xin được miếng đất đồi, dựng tạm ngôi nhà tranh tre lên ở, ngày ngày đi vào rừng kiếm củi nuôi nhau
Cứ tưởng đây là bước ngoặt hạnh phúc. Nhưng không, chồng cô cũng nghiện rượu, y như cha nuôi cô.
Bi kịch ấu thơ lặp lại khi cô làm vợ, rồi làm mẹ. Những trận đòn roi khi ấy cũng y chang thời thơ bé.
Và, mặc dù đã hai mặt con với người chồng ấy, cô vẫn muốn ra đi. Phần để kiếm tiền nuôi hai con. Phần để trốn chạy những trận đòn roi.
Năm 1998 thì cô đi khỏi Hoà Bình, theo chân một người để sang Trung Quốc tìm việc, để lại hai con thơ cho chồng. Người ta hứa, cứ sang đó rồi sẽ có việc làm với mức lương hậu hĩnh. Cô tin và đi theo.
Qua khỏi biên giới, cô mới bàng hoàng khi biết, việc làm đó là làm gái ở lầu xanh. Khi ấy Hương đã 31 tuổi, quắt queo, đen đúa. Cô lậy lục xin tha nhưng chủ chứa không nghe. Bởi, họ đã mất tiền mua cô về làm gái. Và cô, dù xấu xí đến mấy thì cũng phải tiếp khách. Đơn giản như cỗ máy tình dục thôi. Không làm, bọn ma cô lúc nào cũng đầy rẫy ở lầu xanh để chỉ cần Tú bà đánh mắt là những trận mưa đòn cứ thế trút xuống.
Hương làm gái một thời gian thì được một người khách làng chơi Trung Quốc chuộc ra. Để trả ơn, cô về làm vợ người khách ấy.
Lại một ngã rẽ mới trong cuộc đời, xem ra có vẻ tươi sáng hơn. Nhưng, thay vì phải lao động kiếm sống thì cô lại vẫn gắn với cái lầu xanh ấy. Đã từng bị lừa đi làm gái, đã từng bị bán vào lầu xanh, đã từng ăn những trận mưa đòn của bọn ma cô, đã là nạn nhân của bọn buôn người, ác thay, người đàn bà này lại quay đầu trở thành thủ phạm.
Hòng kiếm tiền một cách nhanh chóng dễ dàng mà không phải lao động cực nhọc, cô tự biến mình thành một khâu trong lầu xanh ấy. Để cung cấp gái cho các nhà chứa, cô quay trở về quê cũ, lừa gạt những người phụ nữ dại khờ, kinh tế khó khăn như chính cô ngày xưa. Đó là một hành vi độc ác, nhẫn tâm hết sức. Hơn ai hết, cô thấu hiểu điều ấy vì cô đã từng là nạn nhân của bọn buôn người, từng phải trải qua một cách đầy đớn đau, tủi nhục.
Vậy mà, độc ác thay, cô vẫn làm và coi đó như một nghề kiếm sống nhàn nhã.
Theo cáo trạng truy tố của Viện Kiểm sát Nhân dân TP Hà Nội thì khoảng giữa năm 2002, Hương về quê và gặp Trịnh Đình Cảnh bàn tìm các cô gái mới lớn bán cho mình. Hương dặn Cảnh khi có “hàng” đưa đến nhà Vũ Mạnh Quân (41 tuổi, ở Cao Bằng) rồi sẽ đưa qua biên giới nhận tiền.
Để thực hiện ý đồ đưa người qua biên giới bán cho Hương, Cảnh lên kế hoạch lừa 4 người phụ nữ cùng quê, nói dối họ lên Cao Bằng bán quán cà phê với mức thu nhập cao. Cả tin trước viễn cảnh của tên này vẽ ra, 4 cô gái lên nhà Quân.
Quân dẫn họ cùng với Cảnh đi theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc và đưa họ tới thẳng nhà nghỉ Sinh Thái ở số 311 Thuỷ Khẩu, Quảng Tây, Trung Quốc gặp vợ chồng Hương và được trả công 2 triệu đồng.
Tại nhà nghỉ, khi nhìn thấy toàn chữ Trung Quốc, các cô gái mới hay bị lừa. Họ phản kháng khi bị ép bán dâm. Hương và đồng bọn đã đánh các nạn nhân và dọa bán sâu vào nội địa khiến các cô gái phải tuân theo mệnh lệnh của chúng. Sau 3 tháng tủi cực ở đây, nhân sơ hở của vợ chồng chủ động mại dâm, các cô gái trốn về Việt Nam tố cáo hành vi của Hương và Cảnh.
Ngoài ra, theo cơ quan chức năng, cũng trong thời gian này, do quen biết với một phụ nữ quê Hòa Bình, Cảnh lừa rủ chị này đi chơi và đưa lên thị xã Cao Bằng, thuê xe máy đưa đến nhà Quân. Ngày hôm sau, Cảnh trở về Việt Nam và nhận 600.000 đồng tiền công. Cũng như những cô gái khác, nạn nhân bị vợ chồng Hương ép làm gái bán dâm.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hà Tây cũ khi ấy bắt được Cảnh, còn Hương bỏ trốn. Trong thời gian trốn truy nã của Công an Hà Nội, năm 2005, Hương lại vẫn tiếp tục hành nghề buôn người và bị TAND tỉnh Cao Bằng tuyên phạt 5 năm tù. Khi ấy, sợ cơ quan chức năng của tỉnh Cao Bằng tìm ra tung tích, Hương đã khai tên là Huệ và nhận là mình đang sống ở Trung Quốc.
Ra tù, Hương không dám về quê với con mà quay trở sang Trung Quốc tiếp tục sinh sống ở đây. Cho đến năm 2012, sau 9 năm bị Công an tỉnh Hà Tây truy nã, những tưởng thời gian đã xoá nhoà hết mọi tội lỗi, Hương trở lại Hoà Bình thì bị bắt
Theo Dantri
Độc đáo lễ hội đánh cá Đồng Hoa
Hằng năm, cứ đến những ngày đầu tháng 5 âm lịch, khi mùa màng đã thu hoạch hết, hàng ngàn người dân xã Xuân Viên cùng một số xã lân cận lại nô nức vào hội đánh cá Đồng Hoa. Đây là một lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân gian.
Sáng nay, ngày 8/6 (1/5 âm lịch) tại đầm Vực xã Xuân Viên (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) hàng nghìn người dân trong xã nô nức vào hội đánh cá Đồng Hoa. Đây là một trong những lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân gian và nét độc đáo của nông dân.
Theo các cụ cao niên trong làng thì Lễ hội đánh cá còn được người dân địa phương gọi là lễ hội đánh Vực Rào. Đầm nước được chọn để tổ chức lễ hội có tên là đầm Vực, nằm dưới chân dãy núi Hồng Lĩnh hùng vĩ, non nước hữu tình. Đầm nước có chiều dài hơn 1km với diện tích khoảng 30ha bắt nguồn từ dãy núi Hồng và đổ ra nhánh sông của Biển nên rất thuận lợi cho các loài cá nước ngọt sinh sôi nảy nở.
Ngày trước lễ hội được tổ chức khá quy cũ, Làng lập ra quy định, có ban quản lý tuần tra canh gác, ngày thường không cho người dân đến đánh bắt cá. Chỉ khi đến ngày lễ, mọi người trong xã mới được tham gia hội và đánh bắt cá tại đầm vực.
Theo tục lễ xa xưa, vào ngày mồng 5 tháng 5 âm lịch được chọn là ngày tổ chức lễ hội chính. Vào ngày này, Lý trưởng (người đứng đầu làng) và các bậc cao niên trong làng cho lập bàn thờ hương đăng hoa quả cúng tế thành hoàng bản thổ tại ngôi miếu cạnh đầm Vực. Sau khi làm lễ xong, một hồi trống chiêng vang dậy, đích thân Lý trưởng hú to một tiếng và cầm nơm xuống đầm úp cá trước. Sau đó tất cả mọi người trong làng, từ già trẻ gái trai, ai ai cũng tay nơm, tay lưới ào xuống đầm để thi nhau bắt cá.
Nếu ai bắt được con cá to thì vừa dơ cá lên vừa hú to để "khoe" rồi mọi người dân trên bờ dưới nước đều hú theo để tán thưởng một cách hào hứng. Người ta quan niệm rằng, ai bắt được cá to hoặc nhiều cá thì sẽ gặp nhiều may mắn, mùa màng bội thu trong suốt năm ấy. Sau một ngày diễn ra lễ hội, người nào bắt được con cá to nhất sẽ được làng ban thưởng và con cá ấy đươc dùng làm đồ cúng dâng lên Thành hoàng làng nhân dịp tết Đoan Ngọ.
Ngày nay, Lễ hội đánh cá Đồng hoa không còn giữ được nhiều tục lệ như cha ông xưa nhưng người dân và chính quyền địa phương vẫn duy trì được những nét căn bản của lễ hội xưa. Hằng năm, cứ đến những ngày cuối tháng 4 đầu tháng 5, khi mùa màng đã thu hoạch hết, chính quyền địa phương cùng hàng nghìn người dân nơi đây lại nô nức vào hội với lòng nhiệt tình và để giữ được những nét truyền thống của cha ông xưa để lại.
Bà Võ Thị Lan (ở xóm Cát Thủy, xã Xuân Viên) 60 tuổi nhưng vẫn háo hức khi tham gia lễ hội: "Mấy chục năm rồi, cứ đến ngày lễ đánh Vực rào này tôi lại tham gia. Vui lắm, trong làng ai cũng đi, không kể già trẻ chi cả. Nhà tôi có 5 người tham gia cả 5. Năm ngoái tui bắt được 4 con cá chép vàng to với gần 6 cân cá loại nhỏ nữa. Không biết năm ni có bắt được nhiều không. Hy vọng tôi sẽ bắt được con cá to nhất làng".
Lễ hội đánh cá Đồng Hoa với những nét độc đáo, mang đậm nét văn hóa dân gian của người nông dân xưa, hội tụ được rất nhiều yếu tố về không gian văn hóa, truyền thống và địa thế nên rất được người dân tham gia hưởng ứng Nếu tính trên cả nước thì hiện nay chỉ còn vài ba lễ hội đánh cá tương tự vớ lễ hội đánh cá Đồng Hoa ở xã Xuân Viên, như lễ hội đánh cá Me ở Hà Tây và hội đánh cá thờ ở Phong Châu - Phú Thọ.
Đây là một lễ hội mang đậm bản sắc dân gian độc đáo, không những nâng cao tình đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng dân cư mà còn mang tư tưởng khuyến nông khuyến ngư trong phát triển nông nghiệp nông thôn nên cần được bảo tồn và phát huy.
Dưới đây là một số hình ảnh Lễ hội đánh cá Đồng Hoa do PV Dân trí ghi lại:
Ngay từ 6 giờ sáng mọi người trên tay, trên vai những cái nơm để chuẩn bị cho ngày lễ bắt cá.
Chị em cũng sẵn sàng cột rớ.
Lễ hội thu hút hàng ngàn người dân địa phương Xuân Viên và vùng phủ cận. Lễ hội không kể gái trai, già trẻ...
Hàng ngàn người rầm rộ xuống dòng suối tại Đồng Hoa trong lễ hội đánh cá có truyền thống lâu đời này.
Niềm vui của những ngư dân trong lễ hội đánh cá khi chiếc rùng đã có cá mắc.
Một đứa trẻ thích thú trong chiếc nơm ở lễ hội đánh cá.
Thành quả những cú nơm cá trong lễ hội.
Sản phẩm của lễ hội đánh cá khi một người dân đánh được con cá chép nặng hơn 4kg.
Theo Dantri
6 công ty dược "dính án" mua bán thuốc gây nghiện Thanh tra Chính phủ chỉ rõ tên 6 công ty dược vi phạm trong việc mua bán nguyên liệu, sản xuất, bán thuốc thành phẩm có chất gây nghiện, hướng tâm thần và tiền chất dùng làm thuốc, trong kết luận thanh tra vừa được công bố. "Nghi án" nhập lậu nguyên liệu sản xuất thuốc cảm để sản xuất ma túy từng...