Người đàn bà chuyên chôn cất thai nhi
Gần 10 năm gắn bó với công việc ít ai dám nghĩ tới: Chôn cất thai nhi, và dù việc đã quá quen thuộc, nhưng chưa bao giờ cô thôi xót thương cho những sinh linh vội lìa đời. Cô là Nguyễn Thị Nhiệm – “mẹ” của những linh hồn bé nhỏ tại nghĩa trang thôn Đồi Cốc (Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, HN).
Ám ảnh…
Nói đến Đồi Cốc (tên khác là Bến Cốc), nhiều người vẫn xúc động trước sự hiện diện của khu nghĩa trang dành riêng cho các thai nhi sớm lìa đời được đưa về đây an táng. Nhưng ít ai biết rằng, những nấm mồ nhỏ bé đó đã được sự chăm chút thường xuyên của cô Nhiệm.
Cô Nhiệm là một trong những người đầu tiên vận động để mở rộng khu nghĩa trang như hiện nay và cũng chính cô là người đã đưa các hài nhi xấu số về nơi an nghỉ… Đã nhiều năm nay, ngày nào cô Nhiệm cũng ra nghĩa trang để khâm liệm và chôn cất các hài nhi.
Ngược dòng thời gian, cô kể chúng tôi nghe về duyên kiếp với nghề, khi cô mới hơn mười tuổi, những ấn tượng về các em bé bị bỏ rơi, trong đó, nhiều thai nhi chết yểu bị vứt đường, vứt chợ rất tội nghiệp khiến cô không thể cầm lòng. Đến giờ, cô là một thành viên chủ chốt của Nhóm Bảo vệ sự sống Bến Cốc (được thành lập năm 2007).
Cô nhiệm
Người dân nơi đây cho biết, nghĩa trang có cách đây ít lâu, ban đầu chỉ là vài ngôi mộ nhỏ do một người đàn bà đắp lên. Về sau, họ mới biết, người đã lặn lội tới cổng bệnh viện nhặt xác trẻ mang về chôn tại đây chính là cô Nhiệm trong làng. “Cô ấy là người mở đầu cho những công việc này, từ đó tới nay, cả làng đều chung tay cùng cô Nhiệm” – ông Nguyễn Văn Thạo, người tham gia sáng lập Nhóm Bảo vệ sự sống Đồi Cốc – cho biết.
Nhớ lại chuyện này, cô Nhiệm bùi ngùi: “Một ngày, tình cờ cô đi chợ ở xóm bên cạnh. Ở bên đấy có người phát hiện một xác em bé ở ngay trên đường. Thấy thương quá nên cô đem về chôn. Nghĩ nhiều lắm, rồi cô quyết định chôn ở ngoài ruộng của nhà”. Vừa nói, cô vừa giở sổ, cho chúng tôi xem danh sách dài các trẻ được an nghỉ tại đây.
Video đang HOT
Không khí u buồn bao trùm nghĩa trang
Duyên nghiệp…
Kể về những ngày đầu đến với công việc lạ này, cô Nhiệm như sống lại với nỗi trăn trở xen lẫn sợ hãi ban đầu, cô nói: “Khi trông thấy các bé chết yểu không nguyên dạng cũng sợ lắm chứ! Nhưng thương các em, cô quên luôn cả sợ hãi”. Người phụ nữ ấy đã đến nhiều bệnh viện, để đón thi hài những đứa trẻ đoản mệnh. Cô Nhiệm đã trở thành người mẹ thứ hai của những đứa trẻ xấu số khi cô tìm cho mỗi đứa trẻ một cái tên rồi cùng bà con trong làng an táng cho chúng. Lúc đầu, khó khăn chồng chất, khi gia cảnh thì nghèo, mà người ta vẫn chưa biết hành động của cô. Có buổi đi xe buýt, cô bị đuổi xuống vì không có tiền. Nài nỉ mãi, cô mới được bác tài cho quá bộ. Rồi đến bệnh viện, cô cũng bị nghi làm việc xấu và họ yêu cầu cô phải trả tiền thì mới được mang hài nhi đi. Nhiều lần khó khăn, cô cũng định bỏ cuộc, nhưng thấy xác những đứa trẻ tội nghiệp bị bỏ rơi, cô lại tiếp tục công việc.
Thương vợ, thương các thai nhi nên cứ ngày hai buổi (sáng 4h, chiều 17h), chồng cô Nhiệm lại chạy xe máy đến các cơ sở y tế thu nhận các hài nhi xấu số về chôn cất. Các hài nhi đưa về có bé mới được 2-3 tháng, có bé đã được 5-6 tháng. “Có lần cô tìm được một thai nhi vẫn còn sống. Cô đặt tên em là Tiểu Duyên. Nhưng em cũng chỉ sống được vẻn vẹn 19 ngày rồi mất. Thương là vậy, nhưng số phận đã an bài rồi… Dân làng Đồi Cốc ai cũng xót xa cho số phận những hài nhi bị bỏ rơi. Người góp của, kẻ góp công. Chỉ mong sao không phải làm việc này nữa, bởi lúc đó thì không còn những sinh linh bé bỏng phải chết yểu do sự hồ đồ của người lớn” – cô Nhiệm tâm sự.
Theo 24h
Người an táng hơn nửa vạn hài nhi
Người hiểu chuyện thì động viên, khâm phục, còn kẻ độc miệng thì cho ông là kẻ khùng. Còn ông Bao chỉ mỉm cười, vuốt bộ râu trắng toát đáp: "Chỉ cần vẫn còn sống, còn đủ sức khỏe thì tôi sẽ tiếp tục làm nghề này và sẽ đi tìm kiếm những thân xác hài nhi bị vứt bỏ đem về chôn cất".
Một ngày giữa tháng 9/2012, chúng tôi về dự một đám tang tại vùng quê ven biển Nghĩa Hưng (Nam Định). Trong lúc quanh quẩn bên ngoài để tránh cái không khí tang thương u ám, chúng tôi bắt gặp hình ảnh ông lão đầu tóc bạc phơ tất tả đi vào.
Qua tìm hiểu tôi được biết, ông là Vũ Ngọc Bao (65 tuổi, người làng Quần Vinh, xã Nghĩa Thắng, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định). Ông Bao đến với tư cách không phải là người thân, hàng xóm mà là "chuyên gia" lo hậu sự cho người chết. Một công việc thật lạ lẫm nhưng rất nhân văn.
Trần gian có một thứ... "nghề"
Bước vào ngôi nhà bốn gian cổ kính, ấn tượng đầu tiên ập vào mắt tôi là một ông cụ râu tóc bạc phơ đang ngồi thư thái nhâm nhi chén trà đặc. Gặp khách, ông niềm nở chào: "Anh vào nhà mời nước". Khi được biết tôi muốn tìm hiểu về cái "nghề" đặc biệt mà ông đang làm, ông Bao cười hiền hậu nói: "Việc tôi làm có gì đâu mà các anh tìm hiểu? Thực ra tôi làm là để kiếm thêm thu nhập cho gia đình...".
Ông Bao bên những chiếc mộ không người thân thích
Thế rồi, từ ấm trà đặc, những câu chuyện của cuộc đời ông cứ thế tuôn trào. Ông đến với "nghề" lo hậu sự cho người chết này như là cái duyên trời định. Trước đây thời còn trai trẻ, cũng như bao người thanh niên trai tráng khác trong làng, ông Bao cùng cha ra khơi đánh bắt cá. Trong quá trình lênh đênh trên biển, ông đã gặp không biết bao nhiêu xác người bồng bềnh trên những con sóng dữ. Ông suy nghĩ, không biết rồi những xác chết đó sẽ đi về đâu? Dù sao đấy cũng là con người, khi chết cần được coi trọng và "mồ yên mả đẹp". Suy nghĩ đó cứ ám ảnh trong đầu nhưng ông lại không dám từ bỏ cái nghề chài lưới gia truyền mà mình đang làm với cha.
Nhưng vào một ngày cách đây 30 năm về trước, trong một chuyến đi biển, khi gần vào sát bờ, thuyền của ông bỗng nhiên va vào một vật đang trôi lênh đênh trên nước. Không làm cách nào được, ông Bao phải tự tay vớt cái xác ấy lên và chôn cất cẩn thận. Chuyện đó đã ám ảnh vào sâu trong tâm trí ông. Sau đó, người đàn ông này có thêm nghị lực để thực hiện suy nghĩ của mình. Ông Bao quyết tâm bỏ nghề ra khơi để vào bờ làm "nghề lo hậu sự cho người chết". Năm ấy, người đàn ông này mới tròn 35 tuổi.
Lúc đầu, người ta chỉ thuê ông khi có cái xác chết nào đó trôi dạt trên biển. Nhưng dần dần, họ thuê ông làm cả những công việc như cải táng (bốc mộ - PV) hay khâm liệm (đưa người chết vào quan tài - PV). "Nghề" của ông ngày một bận rộn khi khắp làng trên xóm dưới, rồi người trong xã, trong huyện cũng tìm đến ông mỗi khi nhà họ có tang. Ông vẫn thường nói vui với mọi người rằng: "Làm cái nghề này không bao giờ bị thất nghiệp".
"Chuyên gia" bốc mộ cho biết, mỗi lần đi cải táng, ông chỉ lấy một chút tiền gọi là công đi lại, còn với những người xấu số mà chết trôi nổi trên biển dạt vào bờ thì ông "làm lấy phúc" là chính. Việc có tiền bồi dưỡng hay không thì tùy vào chính quyền địa phương nơi đó. Chỉ cần những người trôi trên biển mồ yên mả đẹp là ông cảm thấy thấy vui lòng. "Tôi cũng chẳng nhớ rõ là mình đã làm hậu sự cho bao nhiêu con người về bên kia thế giới. Tôi chỉ biết rằng, mỗi khi người ta gọi là lập tức lên đường. Có nhiều lúc đang làm việc đồng áng mà người ta tìm đến, tôi cũng đi. Nghĩa tử là nghĩa tận. Làm nhiều rồi cũng thành quen, chẳng thấy ghê tay hay sợ hãi nữa", ông Bao tâm sự
Có lẽ, ai cũng biết ông Bao làm công việc đó là hoàn toàn tự nguyện. Bởi nhiều khi ông phải bỏ tiền túi ra để lo cho những người chết không có nhân thân. "Chuyên gia" bốc mộ bảo: "Nói ra không phải kể công nhưng mỗi năm tôi phải chi gần 17 triệu đồng cho chi phí chôn cất xác hài nhi. Các cháu tuy chưa được sống phút nào trên đời nhưng đó cũng là những sinh linh, cũng là một kiếp người. Chính vì thế, các cháu cũng cần phải được mai táng cẩn thận, để linh hồn sớm được siêu thoát".
Những câu chuyện ám ảnh
Với 30 năm trong nghề "có một trên đời" này, ông Bao đã chứng kiến biết bao chuyện khiến người khác phải rùng mình. Chị Vũ Thị Sen (con dâu ông Bao) chia sẻ: "Có lần bố em đi lo hậu sự cho một xác chết lâu ngày bị phân hủy trôi dạt vào bờ biển Thịnh Long, vừa về tới đầu ngõ, người trong nhà đã ngửi thấy mùi hôi thối, ngây ngấy bay vào nhà...". Chúng tôi vừa nghe chị Sen kể vừa ước lượng từ nhà chị đến sân vào khoảng gần 20m. Với khoảng cách ấy mà thứ mùi đó còn len lỏi vào đây được thì mới biết sức chịu đựng của ông Bao như thế nào.
Nhưng đấy chưa phải là câu chuyện đáng sợ nhất mà người làm "nghề" như ông gặp phải. Ông kể cho tôi nghe chuyện cách đây ba năm về trước. Lúc đó ông đang cùng vợ chuẩn bị đi làm đồng thì có người đến báo tin ở xã bên có một xác chết trôi vào bờ. Họ mời ông đến ngay để lo hậu sự. Khi ông đến, trước mặt ông là cái xác không đầu của một người phụ nữ chừng 35 tuổi. Xác bị phân hủy hoàn toàn, bốc mùi hôi thối khó chịu.
Cuốn sổ ghi lại những thi thể trôi dạt trên biển
Với kinh nghiệm nhiều năm trong nghề, ông nhận định, nếu làm không khéo thì các mảnh thịt sẽ vỡ vụn ra và rất khó giữ được nguyên vẹn. Theo đạo Phật, nếu xác chết không được toàn thây thì linh hồn rất khó được siêu thoát. Một mình ông phải làm nhẹ nhàng mà không cần đến găng tay và khẩu trang. Khi đưa xác chết đó vào quan tài rất khó khăn vì do chết dưới nước thi thể sẽ bị trương phình lên quá khổ. Lúc đó không làm sao được, ông đành phải dùng tay ép vào thi thể cho nước được "vắt" ra.
Trong một trường hợp khác, khi ông đi thu lượm xác hài nhi bị bỏ rơi. Lúc đó, có những cháu bé đã được 5-6 tháng tuổi. Ông ngậm ngùi lau nước mắt đưa cháu vào quan tài để mai táng. Hay có những em được 7 tháng tuổi, lúc sinh ra mắt còn nhìn ông với vẻ mệt mỏi, yếu ớt. Nhưng chúng chỉ sống được 4-5 tiếng. "Nhìn những hình ảnh như thế, nhiều khi làm xong xuôi mọi việc nhưng trong lòng cảm thấy buồn không muốn ăn uống. Những sinh linh bé nhỏ có tội tình gì mà phải lìa xa cuộc sống khi còn đang trong bụng mẹ? Lúc đó, tôi thường nghĩ về số phận con người. Không biết bố mẹ chúng nghĩ sao mà có thể đang tâm vứt bỏ đi giọt máu của mình?", ông Bao buồn rầu tâm sự.
Hiện tại, ngoài việc làm nghề lo hậu sự cho người chết, ông Bao còn thu gom thi thể các hài nhi tại các cơ sở nạo, phá thai về mai táng tại nhà. Ông làm công việc đó đã được gần năm năm. Quan sát trên bàn thờ đặt các hài nhi, con số được ông ghi bằng sơn màu đỏ đã lên tới 5037. Ông Bao cho biết, từ đầu năm 2012 đến nay, ông đã thu gom 600 xác hài nhi. Tất cả đều được ông ghi lại tỷ mỷ trong một quyển vở. Các hài nhi đều được ông đặt tên, tên của các hài nhi chính là số thứ tự mà ông thu gom được.
Căn nhà cấp bốn của "chuyên gia" bốc mộ khá đơn sơ, chỉ kê đủ chiếc bàn và chiếc tủ đứng. Công việc này tuy đem lại cho ông một khoản thu nhập hàng tháng mà theo ông "kha khá so với người nhà quê" nhưng đây lại là công việc không dành cho những người "yếu tim". Nó vô cùng độc hại và là nỗi ám ảnh nghề nghiệp. Mỗi lần đi làm việc là mỗi lần trái tim ông Bao lại đau nhói. Ông mong muốn trong tương lai mình sẽ thất nghiệp. Vì như thế sẽ không có những con người xấu số chết trôi dạt, hay những đứa bé không bị bố mẹ chúng ruồng rẫy bỏ rơi.
Khi được chúng tôi hỏi ông định làm công việc đặc biệt này đến bao giờ? Ông Bao chỉ mỉm cười, vuốt bộ râu trắng toát đáp: "Chỉ cần vẫn còn sống, còn đủ sức khỏe thì tôi sẽ tiếp tục làm nghề này và sẽ đi tìm kiếm những thân xác hài nhi bị vứt bỏ đem về chôn cất (!)".
Bị xa lánh vì theo "nghề" vớt xácÔng Vũ Văn Hưởng, trưởng thôn xóm Quần Vinh (Nghĩa Thắng, Nghĩa Hưng, Nam Định) cho biết: Lúc đầu thấy ông Bao làm nghề này mọi người trong xóm bàn ra tán vào nhiều lắm. Người hiểu cho ông thì động viên ông làm tiếp, người không hiểu thì bảo ông là khùng, điên. Nhiều khi ông bị mọi người xa lánh, họ cho rằng gặp ông sẽ bị xúi quẩy vì ông hay tiếp xúc với các linh hồn oan khuất. Nhưng rồi một thời gian cũng quen, chẳng biết nếu không có những người như ông Bao thì lấy ai đủ can đảm để làm những công việc "rợn người" như vậy?.Theo 24h
Xót thương cậu bé bị vảy nến thể mủ Sinh ra là một cậu bé bình thường nhưng cuộc sống của em bị rẽ sang lối khác khi đến năm học lớp 7 thì phát bệnh vảy nến thể mủ. Toàn thân phù nề, đỏ ửng, da bong tróc vảy và những cơn sốt kéo dài khiến em phải nhập viện trong tình trạng cấp cứu. Cậu bé đáng thương đó là...