Người đàn bà chiếm đoạt 4.000 tỷ nổi bật ở tòa
Ra tòa với áo sơ mi hồng cánh sen và mái tóc tém, Huỳnh Thị Huyền Như nổi bật trong 23 bị cáo của vụ chiếm đoạt số tiền được cho là lớn nhất từ trước đến nay.
Khoảng 7h30, Huỳnh Thị Huyền Như (sinh 1978) cùng các bị cáo được đưa đến TAND TP HCM trong sự bảo vệ nghiêm ngặt của lực lượng cảnh sát. Hàng chục luật sư và những người liên quan ngồi chật kín phòng xử rộng nhất của Tòa thành phố.
Huyền Như nổi bật trong số 23 bị cáo tại tòa. Ảnh: Hải Duyên.
Chủ tọa phiên tòa là ông Nguyễn Đức Sáu, Chánh Tòa Hình sự TAND TP HCM. Theo thông tin từ tòa án, đến thời điểm này có khoảng 50 luật sư đã làm thủ tục tham gia bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích cho các bị cáo cũng như các tổ chức, cá nhân có liên quan trong vụ án.
Ngoài 23 bị cáo còn có 15 nguyên đơn dân sự, bị hại và 80 tổ chức, cá nhân được được triệu tập đến tòa với tư cách là người có quyền và nghĩa vụ liên quan. Trong đó có hơn chục ngân hàng và cán bộ của các ngân hàng có hành vi nhận tiền chênh lệch ngoài hợp đồng trong các phi vụ với Huyền Như.
Theo nội dung vụ án, năm 2007, Như vay trên 200 tỷ đồng của nhiều ngân hàng, tổ chức cá nhân với lãi suất cao để đầu tư kinh doanh bất động sản ở nhiều tỉnh thành. Từ năm 2010, do việc kinh doanh thua lỗ, mất khả năng trả nợ, Như đã lợi dụng quyền trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ giả danh Vietinbank chi nhánh Nhà Bè và chi nhánh TP HCM huy động tiền của các ngân hàng, nhiều công ty và cá nhân rồi chiếm đoạt 4.000 tỷ đồng.
Giúp sức đắc lực cho Như trong vụ án, Võ Anh Tuấn – nguyên phó giám đốc Vietinbank chi nhánh Nhà Bè bị cho là đã nhận lót tay lên đến hàng chục tỷ đồng. Ngoài ra, sai phạm của một loạt cán bộ ngân hàng cũng góp phần giúp Như chiếm đoạt số tiền khủng này.
Với vai trò là người cầm đầu, Như bị truy tố 2 tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức với mức án tối đa là chung thân. Võ Anh Tuấn cùng 21 bị cáo khác bị xét xử về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Cho vay lãi nặng; Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Phiên tòa dự kiến kéo dài từ ngày 6/1 đến 25/1.
Video đang HOT
Hải Duyên
Theo VNE
Nỗi buồn lo ngày cuối năm của người bán hàng rong bị dân phòng đánh
Bị lực lượng trật tự đô thị đánh đến mức phải nhập viện, giờ đây ước mơ duy nhất của người bán hàng rong là mau chóng khỏe lại để đi làm kiếm tiền nuôi con và mong sao được trả lại chiếc xe ba gác - "cần câu cơm" của cả gia đình.
Bị đánh khi dừng xe mua gạo về nấu cơm tối cho vợ con
Anh Trần Xuân Tình, người bán hàng rong bị lực lượng trật tự đô thị, dân phòng... đánh trọng thương trên đường D1 thuộc P.25, Q.Bình Thạnh, TPHCM đã xuất viện vì không có tiền điều trị. Anh được người thân đưa về lại căn nhà trọ nhỏ chưa đầy 15m2 ở ấp Đông Chiêu, P.Tân Đông Hiệp, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương để dưỡng thương.
Tiếp chúng tôi, anh Tình vẫn còn hằn nguyên sự mệt mỏi, đau đớn. Trên cơ thể, những vết tím bầm chưa tan hết. Anh Tình kể lại sự việc xảy ra vào chiều 6/12. Lúc đó, anh cùng "đồng nghiệp" Trịnh Văn Đông sau một ngày lang thang bán hàng rong, trên đường về nhà trọ, khi đến địa điểm trên thì dừng xe ba gác để mua gạo về nấu cơm tối.
Khi anh đang mua gạo thì nghe tiếng hô: "Dân phòng đến. Dân phòng đến". Người bạn đi cùng và một số bà con tiểu thương đang buôn bán tại khu chợ tự phát trước chung cư 30/4 bỏ chạy tán loạn. Chiếc ba gác của anh Tình không đề máy nổ được nên anh Tình không chạy kịp, bị lực lượng trật tự đô thị, dân phòng "tóm gọn".
Anh Tình đang nằm dưỡng thương tại phòng trọ
Anh Tình cố giải thích là anh không bán buôn lấn chiếm lòng lề đường, chỉ dừng xe mua gạo về nấu cơm ăn nhưng lực lượng chức năng không nghe, quyết còng tay anh và đưa chiếc xe chở hàng của anh lên xe chuyên dụng chở về phường. Anh Tình phản ứng liền bị đánh choáng váng mặt mày.
"Lúc ấy đông người quá, tôi hoảng loạn cực độ chỉ nghe thấy những tiếng đẹt, đẹt như tiếng điện nên ra sức van xin. Sau đó bất tỉnh lúc nào không hay", anh Tình nói.
Anh Trịnh Văn Đông cho biết, khi thấy anh Tình "mắc kẹt", anh tưởng mọi chuyện rồi sẽ qua. Không ngờ thấy càng lúc càng to chuyện. Thấy anh Tình bị đánh nhiều quá, anh Đông la lên để cảnh báo: "Anh ấy bị bệnh tim, đừng đánh anh ấy" nhưng lực lượng dân phòng vẫn bóp cổ, còng tay, đánh vào mặt, túm tóc, dùng chích điện nhiều lần đến khi anh Tình nằm bất động mới thôi.
Trong căn nhà trọ nhỏ của anh Tình, một người bạn bán trái cây khác là Võ Văn Dũng tiếp lời: "Tôi từ quận 2 chạy sang, thấy Tình nằm bất tỉnh bên lề đường. Người dân bức xúc, la ó nhiều lắm nhưng các cán bộ thì nhìn vô cảm. Trước sự hỗ trợ của người dân, Tình mới được taxi đưa vào Bệnh viện Nhân dân Gia Định cấp cứu".
Anh Dũng, anh Đông bất bình cho biết, mấy dân phòng tham gia đánh anh Tình nhưng khi đưa anh Tình đến bệnh viện lại nói rằng họ thấy anh Tình nằm bất động ngoài đường nên thương tình đưa vào bệnh viện giúp. Sau đó, họ nhanh chóng quay đi.
Bị đánh thừa sống thiếu chết nhưng khi vào bệnh viện, anh Tình nằng nặc đòi về vì không tiền chữa trị. Bạn bè khuyên bảo, cho anh mượn 200 ngàn đồng mua thuốc. Ngay sau đó anh xin xuất viện để về phòng trọ dưỡng thương.
Anh Tình bị đánh bất tỉnh nhưng lại bị "vu" là say rượu, ngủ
Chỉ mong trả lại "cần câu cơm"
Anh Tình trở về dưỡng thương trong căn nhà trọ. Chỉ có những người bạn bán hàng rong thỉnh thoảng ghé thăm, sẻ chia. Vợ anh, chị Lê Thị Hoài Thương biết chồng bị đánh thương tích nhưng chị không dám ở nhà chăm sóc vì sợ bị đuổi việc, tiền đâu nuôi con. Gia cảnh đã khổ, nay chồng không làm việc được nên gánh nặng cơm áo gạo tiền đang oằn lên đôi vai chị.
Anh Tình cho biết, vợ chồng anh dắt díu vào miền Nam lập nghiệp. Đã 8 năm trôi qua, anh chỉ mới được một lần về quê ở xã Định Tăng, huyện Yên Định, Thanh Hóa thăm gia đình. Ngày vợ chồng vào TPHCM, anh làm phu hồ, chạy xe ba gác. Nhưng từ khi loại phương tiện giao thông này bị cấm lưu hành, năm 2011, anh chuyển sang bán rau củ quả dạo. Không đủ tiền để thuê nhà trọ tại TPHCM, vợ chồng anh phải thuê một căn phòng nhỏ ở tận Bình Dương. Hàng ngày, anh Tình phải dậy từ sáng sớm, vượt hơn chục km để lên chợ đầu mối nông sản Thủ Đức lấy hàng bán dạo. Mỗi ngày, chắt chiu lắm anh cũng lời được 150.000 - 200.000 đồng. Hôm nào bị cán bộ trật tự đô thị phạt là coi như đi làm không công. Để không bị phạt, có khi anh Tình phải thuê chỗ đứng bán 20.000 đồng/ngày nhưng cũng vẫn bị làm khó.
Biết việc bán hàng rong là vi phạm trật tự đô thị, nhưng vì cuộc sống mưu sinh, anh Tình cũng như những người bạn buôn bán nghèo như anh vẫn phải cố bám vỉa hè!
Từ hôm anh Tình bị đánh đến nay, chưa thấy đại diện lực lượng chức năng đến thăm hỏi anh
Từ ngày xảy ra chuyện đến nay, nhóm dân phòng đưa anh vào bệnh viện rồi bặt tin luôn, không một lời thăm hỏi, động viên.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Quý, Chủ tịch UBND phường 25, quận Bình Thạnh, lại cho rằng khi đang bị đánh thì anh Tình nằm ngủ luôn chứ không phải anh Tình bất tỉnh. Ông Quý còn cho rằng anh Tình say rượu nên không kiểm soát được hành vi.
Trong khi đó, người đàn ông bán hàng rong lúc này chỉ mong chóng khỏe, được trả lại chiếc xe ba gác để tiếp tục mưu sinh. "Tết đến nơi rồi mà giờ thế này thì chắc vợ con chết đói. Số trái cây bị thu chừng 1 triệu đồng chắc giờ hư hỏng hết rồi. Tôi chỉ mong chính quyền trả lại chiếc ba gác để tôi tiếp tục mưu sinh. Cái xe ba gác là cần câu cơm của cả gia đình, không có xe, lấy gì mà sống", anh Tình thở dài.
Công Quang
Theo Dantri
Làm thế nào để người bán hàng rong không còn bị... còng tay? Thay vì rượt đuổi, xô xát với người bán hàng rong, nhiều chuyên gia về quy hoạch thẳng thắn cho rằng, chính quyền các đô thị nên tính toán đến giải pháp cho người bán hàng rong một nơi bán hàng ổn định trong thời điểm và địa điểm hợp lý. Buôn bán vỉa hè không phải tội phạm hình sự Vụ việc...