Người đàn bà cả đời ôm mối hận
Cho đến cuối đời bà vẫn chưa bao giờ được một lần cảm nhận hơi ấm từ tình mẫu tử. Với bất kỳ người phụ nữ nào, niềm hạnh phúc lớn nhất trên đời của họ chính là được làm mẹ, được sinh ra những đứa con, yêu thương, che chở cho chúng, dù chúng có ốm đau, bệnh tật. Thế nhưng trong khi vô vàn những người phụ nữ không có được thiên chức làm mẹ ấy thì lại có những người mẹ đang tâm bỏ rơi, hắt hủi chính đứa con mình.
Đó là trường hợp của bà Nguyễn Thị Vui (62 tuổi) tại Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Bắc Giang. Sinh ra vốn đã yếu ớt, bà lại mang trong mình căn bệnh sài giật. Lẽ ra lúc ấy, mẹ phải là người yêu thương, che chở và bảo vệ bà thì người mẹ ấy đã hắt hủi, rồi bỏ chồng bỏ con đi theo một người đàn ông khác.
Giá như chưa bao giờ có mẹ
Gặp bà Vui ở trung tâm bảo trợ, tôi ấn tượng bởi dáng người nhỏ bé và bàn tay trái quặp lại không cử động được của bà. Khuôn mặt bà như mang một nỗi buồn vô tận, đôi mắt nhìn về xa xăm như chất chứa những tâm sự thầm kín khó trải lòng, ánh mắt khiến người khác phải chạnh lòng.
Thấy có người lạ tới nói chuyện, bà còn chưa trải lòng. Bà cười bảo: “ Bà mới vào đây được gần 1 năm. Ở quê không còn người thân nào cả. Bố mẹ anh chị em cũng đều chết cả rồi. Bà cũng không có chồng”. Nhưng sau nụ cười ấy, tôi thấy khuôn mặt bà trở nên nặng trĩu, đôi mắt long lanh rớm lệ. Có lẽ đằng sau câu nói ấy là cả một cuộc đời bất hạnh mà bà không muốn kể với ai. Đưa tay phải sang vuốt ve bàn tay trái dị tật, bà bất đầu kể cho tôi nghe về quá khứ và tuổi thơ bất hạnh của mình.
Trước đây bà cũng có một gia đình, có bố mẹ và một người em gái. Quê nội bà ở Hải Dương, còn quê ngoại ở miền Nam. Cả bố và mẹ đều là nông dân, do cuộc sống khó khăn, mẹ bà ở trong Nam ra ngoài Bắc làm thuê nên họ gặp nhau và yêu nhau. Sau khi kết hôn được vài năm, về quê nội làm ăn cũng khó khăn nên cả hai vợ chồng dắt nhau lên vùng Sơn Động, Bắc Giang để khai hoang và làm ăn sinh sống.
Đất rộng nhưng người thì ít, lại chẳng quen được ai nên cuộc sống của gia đình cứ trôi đi buồn tẻ. Họ làm nhiều năm nhưng kinh tế cũng chẳng khá lên là mấy, cuộc sống vẫn khó khăn lam lũ, đầu tắt mặt tối mà vẫn không có của ăn của để, không được giao lưu bè bạn, không được chơi bời. Mẹ bà đã quen sống sung sướng nên việc ngày ngày lên nương làm rẫy vất vả khiến bà không chịu nổi và sinh ra chán nản, lười biếng, vợ chồng xích mích, cãi cọ với nhau.
Thêm vào đó, đường con cái lại không như ý. “ Hồi tôi mới sinh ra đã bị bệnh sài giật. Trong lúc đang lên cơn giật, vì thương con mẹ tôi không biết đã ôm chặt quá. Khi hết cơn thì tay bị bẻ gập vào, xương bị bẻ cong. Từ đấy bà ấy hắt hủi, ghét bỏ tôi. Bà ấy còn nói là cho mày chết, cho khổ cả một đời“, bà Vui nhớ lại.
3 năm sau, mẹ bà lại sinh được một người con gái nhưng người em gái của bà chưa đầy 3 tuổi cũng bị bệnh sưng phổi mà mất. Sẵn bực dọc trong lòng, lại thêm đứa con bệnh tật nên mẹ bà cũng không còn thiết tha gì tới chồng con nữa, chỉ mong sao có thể thoát khỏi nơi vùng sâu này để trở về với chồn phồn hoa đô hội. Thế nên lúc bị bệnh, bố mẹ cũng không được chữa chạy cho bà phần vì nhà nghèo, phần vì người mẹ nghĩ sẽ không chữa khỏi được và không trông mong gì ở đứa con bệnh tật như bà.
Đáng lẽ ra, trong lúc con bị bệnh, người mẹ phải là người lo lắng cho con nhất, thương yêu và che chở cho con nhất thì người mẹ ấy lại xa lánh, bỏ mặc và hắt hủi con mình. Còn gì đau đớn hơn khi đứa con sinh ra mà không được đón nhận tình yêu thương của mẹ. Trong ký ức của bà Vui, hình ảnh của mẹ hiện lên thật rõ nét nhưng đó không phải là những kỷ niệm đẹp, sự yêu thương, che chở đùm bọc mà là những trận đòn roi, mắng mỏ.
Bữa cơm nào bà cũng bị mẹ mắng vì xúc cơm một tay hay bị vãi: “ Có miếng cơm cũng không xúc được mà ăn, ra ngoài kia mà bốc đất“. Rồi những lần không làm được việc, bà đều bị mẹ mắng là đồ ăn hại, đồ vô dụng. Những lúc ấy, bà Vui chỉ biết im lặng và khóc thầm. Cho đến cuối đời bà vẫn chưa bao giờ được một lần cảm nhận hơi ấm từ tình mẫu tử. Nhìn bạn bè xung quanh được mẹ yêu thương, chăm bẵm, nhiều lúc bà bật khóc và cảm thấy tủi thân.
Mẹ hắt hủi, ghét bỏ bà chỉ còn biết sống với bố. Mẹ thích làm thì làm, thích chơi thì chơi, bà cũng chẳng còn quan tâm nữa. Mỗi lần nhìn thấy mẹ, bà chỉ biết cúi đầu tránh xa như người ta sợ cọp. Vốn là người hiền lành, ít nói nên bố bà cũng không còn cách nào khác để khuyên bảo hay thuyết phục mẹ. Dù còn khó khăn, song bố bà cũng cho đi học để thoát cảnh mù chữ.
Lúc bà đi học, không có ai giúp đỡ, mẹ bà thường rủa: “Cái đồ què quặt thì học hành làm gì cho tốn cơm tốn gạo”. Học đến lớp 3 thì bà phải nghỉ học, về nhà giúp bố và kiếm việc làm thêm vì không còn tiền đi học nữa. Thương con nhưng cũng không còn cách nào khác, bố bà cũng động viên bà chịu khó làm lụng. Bố ở nhà làm nương rẫy, cấy lúa, chăn nuôi còn bà thì đi làm thuế, xới bờ bãi, làm nương rẫy cho bà con quanh xóm.
Trời nắng thì bà đội nón, trời mưa thì mặc áo mưa, không quản ngại khó khăn vất vả, chỉ mong kiếm được tiền giúp bố bớt khổ.Thế nhưng trong lúc hai bố con nai lưng làm lụng kiếm tiền thì cũng là lúc người mẹ vì nghèo khó mà thay lòng đổi dạ, bỏ hai bố con ra đi. Người mẹ ấy còn bảo: “ Chồng thì già yếu, con thì què quặt, ở với hai bố con mày thì sau này cũng chẳng trông mong được gì”.
Thế là năm bà 9 tuổi, mẹ lẳng lặng bỏ đi theo người đàn ông khác vào Nam. Dù không nói ra nhưng cả hai bố con đều biết bà đã phản bội lại chồng con và đi tìm cho mình một chốn bình yên, sung sướng khác. Từ ngày mẹ bỏ đi, mẹ bà chưa một lần về thăm lại bà, bà cũng không móng người đàn bà ấy quay lại tìm mình vì trong ký ức của bà, người mẹ ấy coi như đã chết. “ Bà ấy không thương con đâu, chắc không bao giờ về nữa đâu” – bà Vui tâm sự.
Sự nếm trải những trái đắng của cuộc đời đã cho bà nghị lực sống để vượt qua những mất mát đau thương (Ảnh minh họa)
Sau đó không lâu, bố bà cũng mất vì già yếu và lao lực làm ăn, chỉ còn mình bà Vui bơ vơ giữa cuộc đời, giữa chốn đồng không mông quạnh, không một người thân che chở, không một sự an ủi động viên. Không thể tự mình làm hết những việc nương rẫy và quán xuyến việc gia đình, bà đi khắp vùng làm thuê, làm bờ bãi rồi đi ở cho những gia đình giàu có.
Cuộc đời bất hạnh
Video đang HOT
Mỗi khi có ai hỏi đến gia đình, người thân, bà đều bảo bố mẹ và em mất hết. Mỗi khi nhắc đến mẹ, lòng bà lại quặn đau, giá như trên đời này không có mẹ thì còn tốt hơn. Rồi bà cố gắng quên hết quá khứ, bà đi lang thang khắp vùng tìm việc làm thêm, kiếm miếng cơm bát gạo qua ngày. Bà có thể làm tất cả mọi việc, nhưng chỉ có thể làm được một tay vì bàn tay trái đã bị quặp lại, ngón tay teo đi, không cử động được. Thân hình cũng nhỏ bé, dáng gù vì chậm phát triển.
Ngày ngày bà đi kiếm củi, phát nương làm rẫy, xới bờ bãi cho bà con quanh vùng, rồi đi ở cho người ta, lúc thì ngủ bờ bụi, lúc thì ngủ nhà chủ. Lúc ấy bà chỉ còn biết lấy công việc làm mục đích sống của mình, làm động lực để giúp bà quên đi quá khứ bất hạnh, quên đi ký ức về một người mẹ tồi tệ.
Tình thân gia đình không có, những con người trong xã hội cũng làm ngơ trước một con người bất hạnh và bóc lột sức lao động của bà một cách tàn nhẫn. “ Ngày ngày đi làm thuê, có người thì trả tiền, nhưng cũng không nhiều, thậm chí có người còn không trả vì họ bảo mình làm không được việc, làm không bằng người ta, so bì với người khỏe mạnh để quỵt tiền mình. Biết thế mà không làm gì được nên đành phải chấp nhận. Nhiều lúc cũng nghĩ mình sẽ đi tu nhưng vì tâm chưa tĩnh nên không thể vào trốn cửa phật“, bà Vui nhớ lại.
Con người nhỏ bé, yếu ớt, bệnh tật và thiếu thốn tình thương ấy cũng đã chịu đựng được những gì đau là đau thương nhất, khổ cực nhất. 30 năm lưu lạc và sự nếm trải những trái đắng của cuộc đời đã cho bà nghị lực sống để vượt qua những mất mát đau thương, tiếp tục sống tiếp cuộc đời.
Nhắc về mẹ mình, bà vừa nói vừa khóc: “Bà ấy vào Nam lấy chồng và cũng có một đứa con rồi, nhưng cũng chẳng bao giờ trở về nữa đâu. Từ khi sinh ra đã không có tình cảm mẹ con rồi. Nhiều người bệnh tật ốm yếu, người ta vẫn thương yêu con, đùm bọc, che chở cho con. Nghĩ đến hoàn cảnh của mình mà thấy buồn, tủi thân và hận mẹ mình hơn. Bị mẹ đẻ hắt hủi còn đau đớn hơn là không có mẹ”.
Biết hoàn cảnh đáng thương của bà, hơn nữa mọi người xung quanh trong thôn cũng biết bà lang thang đã nhiều năm nên cán bộ thôn đã làm đơn và gửi bà vào Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh để bà được chăm sóc và sống nốt những ngày còn lại cuối đời.
Từ ngày vào trung tâm, bà Vui cảm thấy thoải mái, thanh thản hơn, được nói chuyện, giao lưu với những người có cùng hoàn cảnh với mình. Bà không còn nghĩ nhiều nữa, chỉ mong được sống những ngày tháng yên bình tại trung tâm. Tôi hỏi: “Nếu có một ngày người mẹ tội lỗi ấy tìm về với bà, bà có nhận không?”. Bà cười rồi khẳng định: “ Bà ấy không bao giờ trở lại nữa đâu“.
Nhưng nhìn vào ánh mắt, nụ cười của bà, tôi hiểu được niềm hy vọng và niềm tin về tình mẫu tử còn tồn tại trong tâm trí bà.
Những người cha...
Tôi có rất nhiều người cha. Mẹ nói đó là điều hạnh phúc cho một đứa trẻ.
"Ông ấy giữ lửa trên Tây Nguyên" - mẹ tôi nói trong khi mắt bà mơ màng nhìn về phía có những đỉnh núi xa xa. Hình như bà đang nghĩ tới một điều gì đó. Khi tôi hỏi về cha thì mẹ tôi chỉ nói như thế. Bà không hề biết những câu nói đại loại như vậy của bà khiến tôi mất ngủ và nếu có ngủ thiếp đi thì tôi cũng sẽ lạc vào một giấc mơ nào đó không thể tìm được lối ra cho đến khi tôi bật dậy và thở hồng hộc trong đêm tối. Thú thật là tôi đã từng gặp cha tôi trong những giấc mơ của mình. Ông thường đứng trên những mô đất cao, nơi có mấy cái tượng nhà mồ và cười với tôi, rồi ông nói rằng ông sẽ không về với tôi bởi ông rất bận với những ngọn lửa. Khi tôi đưa tay để sờ lên con mắt mơ màng của cha thì con mắt ông biến thành nước và tôi tỉnh dậy.
"Cha tao chính là người giữ lửa" - Tôi thường thét lên như thế ở trường những khi chúng bạn chỉ vào mặt tôi và nói rằng tôi không hề có cha. "Người giữ lửa, người giữ lửa" - Bọn chúng reo hò, bọn chúng tri hô như thế và biến tôi trở thành một kẻ nói láo khốn nạn. "Ba mày bận bịu với những ngọn lửa trong khi áo mày như một cái nùi lau bếp" - Một đứa trong bọn chúng nhìn thẳng vào tôi trong khi tôi đang cố hết sức để miêu tả về những ngọn lửa của cha mà tôi đã từng thấy trong những cơn mơ của mình. "Ông để lại cho tao một cây guitar và tao có thể soi bóng mình trên đó". Tôi hãnh diện nhìn thẳng vào mặt chúng rồi hét lên như thế và bỏ đi. Lúc ấy trời đã mưa nặng hạt.
Chiều nay ở lớp, tôi lại bị mắng bởi tôi không thể hoàn thành bài văn miêu tả về người cha của tôi. "Chẳng có một người cha quái quỷ như thế này bao giờ cả - cô giáo đập mạnh cây thước xuống bàn và hét lên - Bước đi trên lửa. Cha tôi bước đi trên những ngọn lửa và ông hát vang". Cô giáo đọc to bài văn miêu tả về cha của tôi cho cả lớp cùng nghe, và tất cả cười rộ lên trong khi tôi cúi mặt xuống và bấu chặt những ngón tay vào chân bàn. Tôi khóc.
Đêm đêm tôi lại soi mình vào cây đàn guitar mà cha tôi đã để lại theo như lời mẹ nói. "Cha của con đã ra đi trong một chiều mưa nhỏ. Lúc đưa chiếc guitar cho mẹ thì cha con đã khóc. Những người đàn ông đó đã đưa ông đi. Mẹ nhìn theo cha cho tới khi họ chìm sâu vào màn mưa. Lúc ấy con mới ba tháng tuổi". Mẹ tôi đã nói như thế. Tôi có hai bím tóc, chúng cử động khi tôi lắc đầu.
Tôi thường soi mặt vào thùng đàn và nói chuyện với khuôn mặt của tôi trên lớp gỗ bóng đó như nói với một người bạn thân thiết. Những khi không bận nói chuyện và làm việc với những người khác thì mẹ tôi dạy tôi hát bằng cách gõ những ngón tay của bà lên cây guitar. Mẹ tôi nói bà không biết chơi đàn. "Ông ấy chơi đàn rất hay, người cha trên Tây nguyên của con ấy". Mẹ tôi nói thế. Tôi hỏi khi nào thì cha quay trở lại, mẹ không nói. Bà cúi mặt xuống và thay cho việc gõ những ngón tay lên cây đàn thì bà lại vân vê gấu áo của mình. Mắt bà ướt như những giọt sương.
Tôi có rất nhiều người cha. Mẹ nói đó là điều hạnh phúc cho một đứa trẻ. Thỉnh thoảng mẹ nói với tôi hãy quên người cha giữ lửa trên Tây nguyên đi, và đi ngủ sớm trước khi người cha bụng béo đó tới nhà tôi. Người cha bụng béo của tôi là một người hung dữ, tóc xoăn, dáng người thấp đậm. Chưa bao giờ ông ta tới trường đón tôi như những người cha khác của bạn bè tôi. Ông ta cũng không cúi xuống hôn lên trán tôi hay dúi cho tôi một vài chiếc bánh quy sữa mà tôi thích.
Khi tôi hỏi người cha bụng béo về những ngọn lửa thì ông rít lên: "Đừng bá láp". Mẹ tôi nhìn tôi và nhìn sang ông ta. Mẹ nói: " Cha con không thích những ngọn lửa, không phải ai cũng có thể giữ được những ngọn lửa như thế". Chính vì thế mà tôi không thích người cha bụng béo này. Ông ta thô lỗ và trông vô cùng xấu xí.
Có những đêm tôi thức giấc nửa chừng. Khi tôi lồm cồm bò dậy thì mẹ tôi lấy chăn ném về phía tôi, chiếc chăn rộng lớn phủ lấy đầu tôi. "Nhắm mắt lại, ngủ đi" - mẹ tôi nói đứt quãng. "Con vừa mơ thấy có hai vì sao trong mắt mình" - tôi nói. " Ngủ đi và những vì sao khác sẽ kéo tới, chúng sẽ đậu trên tóc con" - bà nói với tôi bằng giọng nói đứt quãng. Khi tôi quay lưng vào phên nứa thì tôi nghe thấy tiếng rên của người cha bụng béo và hình như có những sự chuyển động nào đó mà mẹ tôi và người cha bụng béo đang cố kìm lại.
Có rất nhiều người đàn ông đi qua cuộc đời mẹ tôi (Ảnh minh họa)
"Sao không để nó ngủ ở chỗ khác đi?" - người cha bụng béo nói.
"Anh thấy đấy, nhà chỉ có một chiếc giường" - mẹ tôi nói.
" Hãy để nó ngủ dưới đất" - người cha bụng béo của tôi nói trong khi ông ấy thở mạnh và hình như ông đang lấy những ngón tay thô lậu cào lên chiếu.
Rồi ngay lập tức tôi lại rơi vào giấc ngủ. Trong giấc mơ của tôi, trên Tây nguyên rộng lớn, người cha giữ lửa của tôi bước đi trên cỏ và trên đầu ông là những vì sao. Ông hái những vì sao cài lên hai bím tóc của tôi và nói rằng một ngày nào đó ông sẽ khảy cho tôi nghe những bản đàn tuyệt diệu về núi rừng hoang sơ và huyền bí. Rồi trong mơ tôi thấy mọi thứ chao đảo, cha tôi biến mất sau những ngọn lửa hừng hực của ông, tôi gào thét và chạy thẳng vào những ngọn lửa của ông, tôi bước đi trên những hòn than rực cháy, tôi chạy băng qua những khoảng không và thức giấc.
"Mẹ, con mơ thấy lửa" - tôi nói và nhận ra rằng, chiếc giường của chúng tôi đang rung lên dữ dội. Tôi nghe thấy tiếng nghiến răng của mẹ và tiếng thở gấp gáp của người cha bụng béo. Tôi không biết điều gì đã xảy ra. Rồi tôi lại tiếp tục rơi vào những giấc mơ khác.
"Cha tao sẽ thổi bùng lên những ngọn lửa. Lửa sẽ đốt cháy chúng mày và những trò dối lừa đó" - tôi gào lên với chúng bạn như thế ngay ở trong lớp.
Cô giáo đã bảo với chúng hãy tránh xa tôi, đừng tới gần tôi bởi tôi hôi thối và không bao giờ phát biểu trong giờ học, và bởi tôi không thể miêu tả về một người cha cho thật hoàn hảo. Để hoàn thành bài văn của mình tôi đã lấy cái bụng của người cha bụng béo ghép vào đôi mắt mơ màng của người cha giữ lửa trên Tây nguyên và đôi chân đầy lông của người cha làm nghề lái xe đò. Và tôi còn ghép mọi thứ từ nhiều người cha khác nữa thành một người cha duy nhất trong bài văn miêu tả.
"Một người cha hỗn độn, một người cha quái đản của một đứa con gái chẳng bao giờ đóng lấy một xu tiền học phí. Em muốn làm tôi điên máu sao?". Cô giáo lại gầm lên và cả lớp lăn ra cười trong khi tôi không biết làm thế nào cho hay hơn được nữa.
Rồi tôi bỏ học.
Thỉnh thoảng mẹ tôi nói về ngôi nhà xây được lợp bằng ngói mà người cha bụng béo hứa sẽ xây cho mẹ con tôi trước khi mùa đông kéo tới. "Rồi chúng ta sẽ không còn bị ướt khi đang ngủ nữa" - Mẹ tôi nói trong khi tôi vẫn ngắm nhìn khuôn mặt của mình trên lớp gỗ bóng của chiếc guitar. "Con sẽ có một giá sách và một đôi ủng để lội trong mùa mưa" - Mẹ tôi hứa như thế và sau đó bà nói bà sẽ trồng những loài hoa leo tường trong ngày đầu tiên chúng tôi chuyển tới khu nhà mới. "Mẹ con ta sẽ thoát khỏi cái ổ chuột này. Gió sẽ không thổi vào nhà qua hai mái tranh dột nát này nữa". Ôm chặt tôi vào lòng và xoa tay lên đầu tôi rồi bà lại quả quyết.
Và chẳng bao giờ có một ngôi nhà nào như thế được xây lên cả. Mẹ nói với tôi người cha bụng béo của tôi đã đi rất xa. Ông ấy tới một nơi mà mẹ tôi cũng không biết nó ở đâu. " Phải qua những con sông phải không?" - tôi hỏi.
"Không" - mẹ tôi trả lời.
"Biển" - mẹ tôi nói và khóc nức lên.
Thế là một người cha nữa lại biến mất trong cuộc đời của tôi. Tôi không biết bao nhiêu người cha đã biến mất như thế. Họ xuất hiện đột ngột và ra đi cũng đột ngột. Hầu như tôi không thể hình dung được ra họ trong trí nhớ của mình. Tôi chỉ có thể nhớ tới họ bằng những chi tiết kỳ quái trên người họ và tôi đặt tên cho họ từ những chi tiết kỳ quặc như thế.
Và đó là một cách thức để tôi phân biệt giữa những người cha với nhau và mẹ tôi nói đó là một điều khôn ngoan. Nhưng chẳng một ai trong số họ bước vào những giấc mơ của tôi như người cha giữ lửa trên Tây nguyên rộng lớn ấy: người cha đã để lại cho tôi cây đàn guitar trước khi ông đi với những ngọn lửa của mình; người cha mà mẹ tôi thường nói đến khi bà ngồi trên thềm và nhìn về phía có những ngọn núi xa xăm; người cha mà tôi chưa bao giờ được gặp mặt khi tôi thức.
Vào tối chủ nhật hằng tuần, người cha mắt vàng thường tới nhà tôi. Ông ta không thấp nhưng chân ông ta rất ngắn và không hề có lông. Trong đêm, mắt ông ta vàng như trăng khiến tôi sợ hãi. Ông hay đứng trước thềm nhìn mẹ tôi rồi cười một cách khó hiểu. Ông ta ngồi như gấu và bước đi như vượn. Lúc đầu tôi định gọi ông ta là người cha gấu nhưng mẹ tôi đã nổi đóa vì sự đặt tên ngạo ngược này. Bà chỉ chấp nhận tôi gọi ông là người cha mắt vàng bởi theo bà thì dẫu sao đó vẫn là một cái tên có thể dùng được. Ông ấy hút thuốc trong nhà và thường xuyên khạc nhổ vào phên nứa nhà tôi. Ông ta cũng không hề thích cây đàn của tôi. Ông ấy nói nó chỉ dành cho những kẻ rỗi hơi.
"Cha biết chơi nó chứ?" - tôi hỏi ông và nhìn lên cây guitar treo trên phên nứa.
"Nó phát ra những giai điệu đấy, nó phát ra âm thanh đấy. Cha chơi nó được không?" - tôi hỏi người cha mắt vàng.
" Biết, tao biết cách đập cho nó vỡ tan ra". Ông ta nói rồi rít một hơi thuốc thật dài. Khói thuốc bay vèo vào không gian và tan đi nhanh chóng.
" Cha biết cách làm chủ những ngọn lửa chứ?" - tôi lại hỏi.
"Thôi đi. Tao không rảnh hơi". Ông ta nói. Mẹ nhìn tôi rồi lại nhìn lên chiếc gương nhỏ bé treo trên phên nứa. Bà đang ngắm những lọn tóc của mình.
Nhiều đêm người cha mắt vàng ở lại nhà tôi. Trong đêm tối, những con đom đóm bay vào nhà trông như những con ma trong truyện cổ tích mà tôi đã được nghe khi còn học ở trường. Mẹ tôi nói với người cha mắt vàng về một ngôi nhà mới, về một chiếc xe đạp mới, về những món ăn mà mẹ con tôi thường mơ ước. Nhưng tôi không nghe ông ta nói gì. Ông ta lặng câm và rít thuốc trong đêm tối.
" Em thích có một giá sách trên tường cho con bé. Nếu có một ngôi nhà mới em sẽ trồng hoa hai bên hàng rào" - mẹ tôi lại thủ thỉ trong đêm. Người cha mắt vàng của tôi lại rít thuốc, trong bóng đêm đặc quánh điếu thuốc của ông ta đỏ lừ lên như mắt của một con sói.
"Bảo nó ngủ đi" - ông ta nói.
"Sao không để nó ngủ ở một chỗ khác?" - ông ta nói.
"Anh thấy đấy, nhà chỉ có một chiếc giường" - mẹ tôi nói.
"Để nó ngủ dưới đất, trải tấm bạt ngoài thềm cho nó". Người cha mắt vàng của tôi lại nói. Mẹ tôi không nói gì cả, mẹ quay sang và ôm tôi vào lòng, bà vuốt lên tóc tôi và nói với tôi rằng trên Tây nguyên xa xôi có những ông già râu bạc đứng trên những ngọn núi và thổi sáo để cho muông thú đi ngủ. "Thế cha con vẫn còn ở trên đó với những ngọn lửa của ông chứ?" - tôi hỏi. "Ừ, hãy quên ông ấy và ngủ đi" - mẹ tôi nói.
Nhưng tôi vẫn nghĩ tới người cha giữ lửa trên Tây nguyên của tôi cho đến khi tôi bước vào cái khoảng không gian trong lành ấy. Tôi lại bước đi trên chiếc cầu vồng bảy màu và cha tôi vẫn thổi những ngọn lửa ở phía trước . "Đừng để vuột mất những ngọn lửa - cha tôi nói - Giữ lấy nó và quay về nói với mẹ rằng cha không về được bởi cha rất bận với những ngọn lửa của mình". Cha tôi lại nói rồi cả hai chúng tôi rớt nhào xuống. Tôi rơi xuống và tỉnh giấc.
Trong đêm khuya tôi lại nghe thấy tiếng rên của mẹ và tiếng nghiến răng của người cha mắt vàng. " Em không muốn con bé bỏ học - mẹ tôi hổn hển nói - Nó cần một đôi ủng vào mùa mưa tới... em... em... không thể". Mẹ tôi vẫn nói bằng giọng nói đứt quãng. Tôi không nghe người cha mắt vàng của tôi nói gì. Trong đêm khuya, tôi không nhìn thấy gì cả. Rồi tôi nghe tiếng nghiến răng của người cha mắt vàng, hình như ông ấy đang cố kìm nén để khỏi gào lên. Rồi tôi nghe tiếng ông ấy đổ gục xuống. Ông ấy đổ gục xuống trên người mẹ tôi. Mẹ tôi thở hắt ra. Sau đó bà khóc.
"Cút đi. Đừng đụng vào thân xác tôi" - mẹ tôi gào lên.
" Mày chỉ là một con điếm" - người cha mắt vàng của tôi gào lên.
Tôi mở mắt, trời đã sáng từ lâu. Mắt mẹ tôi sưng lên và đỏ. Người cha mắt vàng bước tới và túm lấy mớ tóc rối bù trên đầu mẹ tôi. " Mày không có quyền đòi hỏi. Đừng xía vào túi tiền của tao". Ông ta gầm lên và xô mẹ tôi ngã vào phên nứa sau lưng bà. "Một con điếm thì không bao giờ có quyền đòi hỏi. Hiểu chưa?". Ông ta đấm mạnh vào mặt mẹ tôi. Khi mẹ tôi chúi đầu vào phên nứa thì chiếc guitar treo trên đó của tôi rơi xuống đất và vỡ tan ra.
Tôi không tin vào mắt mình, tôi chồm dậy và lao tới bên chiếc đàn của tôi. Tôi khóc ré lên khi nhìn thấy khuôn mặt biến dạng của tôi trong từng mảnh vỡ của cây guitar dưới nền đất ẩm lạnh. Tôi nhìn thẳng vào mắt người cha mắt vàng bằng tất cả sự căm tức của tôi. Hai mắt tôi xoáy vào hai mắt của ông ta, trong khoảnh khắc ấy ông ta nhắm mắt lại và phóng ra khỏi nhà. Và cũng ngay tại khoảnh khắc đó tôi biết mình chẳng có một người cha nào cả.
Rồi đêm lại buông xuống. Những con đom đóm lại chui qua mái tranh và bay vào nhà. Hai mẹ con tôi nhìn chúng chao lượn trong màn đêm và nghĩ tới những vì sao trên dãy ngân hà xa tít ấy. "Rồi con sẽ được trở lại trường học - mẹ tôi nói - Hãy tin mẹ". Trong đêm, mẹ nắm chặt lấy tay tôi. "Vào mùa xuân tới cha con sẽ về" - mẹ lại nói. "Một ngôi nhà mới để chúng ta không còn bị ướt vào mùa đông sẽ được xây lên. Vào mùa xuân năm sau con sẽ đến trường và ở hai bên hàng rào nhà ta sẽ có những bông hoa tím mọc lên. Con sẽ ép chúng vào vở và khoe với mọi người" - mẹ tôi nói.
"Cây đàn đã vỡ" - tôi nói.
" Vỡ tan rồi". Tôi khóc nức lên.
" Chẳng có một người cha nào tồn tại cả". Tôi lại khóc.
" Không, cha con giữ lửa trên Tây nguyên. Ông ấy sẽ quay về vào mùa xuân tới với những hộp bánh, những túi đầy tiền và những chiếc vòng vàng bằng lửa" - mẹ nói.
"Không... không... đừng lừa dối con nữa". Tôi nức nở gào lên, rồi tôi úp mặt vào ngực mẹ và cả hai cùng khóc cho đến khi chúng tôi gặp lại nhau trong một cơn mơ khác. Ở đó tôi tiếp tục soi bóng mình trên chiếc đàn guitar, cha tôi lại mải mê với những ngọn lửa và mẹ tôi lại cài hoa dại trắng trên đầu rồi bước đi như nàng tiên có đôi gót đỏ trong bức tranh suối nguồn vô tận ấy.
Theo 24h
Người đàn ông tìm phụ nữ vô sinh để cưới làm vợ Tôi biết mình là một gã đàn ông xấu xa khi làm như vậy nhưng tại sao xã hội chỉ bảo vệ những người mẹ. Tôi là một người cha và tôi yêu biết bao con trai của mình. Có lẽ ít người hiểu rằng, tình phụ tử cũng thiêng liêng hệt như tình mẫu tử vậy... Tôi tin rằng khi tôi viết...