Người cựu chiến binh hơn 20 năm kiên cường chống tham nhũng
Ông Trần Văn Bính sinh ra và lớn lên tại xã Đức Thịnh, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh). Năm 1964, ông nhập ngũ khi tròn 18 tuổi. Hơn mười năm chiến đấu tại chiến trường B, C và biên giới Tây Nam, ông bị nhiễm chất độc da cam mức độ 2. Năm 1991, ông về hưu sống cùng vợ đang công tác tại Công ty Bao bì xuất khẩu đóng tại Pháp Vân, Thanh Trì, Hà Nội. Ít ai hiểu được vì sao người cựu chiến binh nhiễm chất độc da cam nặng, mất 61% sức khỏe nhưng vẫn kiên trì chống tiêu cực, tham nhũng suốt hơn 20 năm trời không mệt mỏi?
Năm 1993, tại Đại hội Đảng bộ xã Hoàng Liệt, trong bài tham luận của mình, ông đã nêu ra một số điểm còn yếu kém trong công tác quản lý đất đai và kiến nghị giải pháp khắc phục. Mấy ngày sau, ông bị kẻ xấu chặn đánh ở cổng bến xe Nước Ngầm, nhưng may mắn tránh được thương tích. Sau đó mấy hôm, ông lại bị đánh ở cổng Công ty Bao bì xuất khẩu, trong lúc đang đứng chờ đón vợ. Lần này ông bị đánh vào đầu và mắt, phải nằm viện điều trị hơn một tháng và mắt bên phải của ông chỉ còn 3/10 thị lực. Sau này khi vụ án được xét xử, kẻ chủ mưu đã khai nhận thuê người đánh dằn mặt ông vì những phát biểu của ông trong Đại hội Đảng bộ xã Hoàng Liệt. Một số cán bộ ngành công an và tòa án cũng bị xử lý kỷ luật vì đã cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án.
Những tưởng việc hai lần bị hành hung sẽ làm ông nhụt chí, trái lại đã tiếp cho ông – người đảng viên -người cựu chiến binh thêm sức mạnh để tiếp tục đấu tranh chống tiêu cực. Từ những ngày đầu chuyển đổi từ xã lên phường, công tác giải phóng mặt bằng xây dựng đô thị diễn ra chóng mặt. Việc lợi dụng để tiêu cực ở một bộ phận cán bộ đã nảy sinh phức tạp khiến ông không thể đứng nhìn những việc chướng tai gai mắt. Là người đảng viên bộc trực, thẳng thắn, ông nhiều lần góp ý với cán bộ địa phương về công tác quản lý đất đai và xử lý sai phạm. Nhiều việc ông phải gửi đơn lên cấp trên, nhờ báo chí, thậm chí nhờ cả đến Đoàn đại biểu Quốc hội của TP Hà Nội giúp đỡ, can thiệp.
Một số vụ việc tiêu biểu như năm 2004, khi thực hiện dự án xây dựng khu đô thị Bắc Linh Đàm, phường Hoàng Liệt làm công văn xin 20 căn hộ và 25 ki-ốt để bán cho các hộ gia đình mất đất có khó khăn về nhà ở. Nhưng sau đó phường lại dùng để chia nhau trong nội bộ. Ông Bính đã làm đơn gửi Ủy ban Kiểm tra các cấp, cuối cùng, Quận ủy Hoàng Mai đã giao cho Đảng ủy phường Hoàng Liệt đình chỉ 10 trường hợp còn lại chưa làm xong thủ tục và kiểm điểm nội bộ.
Video đang HOT
Hay năm 2005, khi Nhà nước cấp đất đền bù dự án vành đai 3, nhiều hộ gia đình là người nhà của lãnh đạo phường đã nhận thừa hàng chục suất đất tái định cư gây thất thoát hàng trăm tỷ đồng. Điển hình là bà Trần Thị Nhã-người nhà của Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường, nhận thừa bốn suất tái định cư với hơn 450 m2. Ông phải nhờ đến Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội can thiệp. Đến ngày 21-3-2010, tức là sáu năm sau, thành phố đã có Quyết định 46 giao cho quận Hoàng Mai thu hồi diện tích cấp thừa.
Năm 2008 – 2009, khi Công ty cơ khí Hương Sơn (83 đường Ngọc Hồi) tự ý xây nhà chín tầng với diện tích khoảng 7.000 m2 trên đất công, ông đã phản ánh với báo chí. Ngày 28-9-2011, UBND thành phố đã có Văn bản số 8280/UBND-TNMT chỉ đạo kiểm điểm làm rõ trách nhiệm và đình chỉ không cho xây dựng, xử lý kỷ luật cán bộ.
Trong giai đoạn từ năm 2007 -2012, dọc đường Trần Thủ Độ có khoảng 2.000 m2 đất nông nghiệp dự án đô thị không thu hồi hết. Diện tích này nằm trong quy hoạch cây xanh, nhưng phường đã làm ngơ cho hơn 20 trường hợp lấn chiếm làm nhà cấp 4. Ông phản ánh với phường, nhưng phường không xử lý dẫn đến đầu năm 2014, trong khu Pháp Vân – Tứ Hiệp, gần đường 1B lại có một số người lấn chiếm, xây nhà cấp 4 lợp mái tôn.
Ông viết thư phản ánh với phường. Chưa nhận được hồi âm thì ngay chiều hôm đó (26-2-2014) một số đối tượng nghiện ma túy, nhiễm HIV đến tận nhà ông để đe dọa bắt ông phải rút lại nội dung phản ánh,… Ông phải nhờ cơ quan báo chí lên tiếng, phường mới cho tháo dỡ một số ki-ốt làm trái phép ở dọc đường gần khu tập thể.
Hơn 20 năm kiên trì, miệt mài chống tiêu cực, tham nhũng bất chấp tính mạng bị đe dọa, ông thật sự là một tấm gương sáng về chống tiêu cực.
Không chỉ mạnh mẽ trong chống tiêu cực, tham nhũng, trong công tác xã hội ông cũng rất hăng hái và có trách nhiệm. Từ năm 2005 đến nay, ông liên tục làm Tổ trưởng dân phố kiêm Tổ trưởng bảo vệ an ninh khu dân cư. Chín năm liền là người tốt việc tốt cấp cơ sở. Tổ dân phố 42 nơi ông làm Tổ trưởng sáu năm liền là tổ xuất sắc tiêu biểu. Đối với quê hương, ông cũng rất tình cảm và trách nhiệm. Hằng năm ông bà đều gửi quà chăm sóc 15 gia đình liệt sĩ neo đơn đang còn nhiều khó khăn trong cuộc sống nhân ngày Tết, Ngày Thương binh -Liệt sĩ (27-7). Năm nay ông Bính đã 69 tuổi. Ông nói chắc nịch: “Tôi không ngại khổ, không sợ chết, chỉ mong sao chính quyền các cấp có trách nhiệm với dân, xử lý dứt điểm các vụ việc tiêu cực, lấy lại niềm tin của nhân dân đối với Đảng với Nhà nước”.
LÊ HỒNG PHẤN
Theo_Báo Nhân Dân
Đất nông nghiệp bị lấn chiếm
Phản ánh tới đường dây nóng Báo Hànộimới, người dân ở Khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp cho biết: Cạnh khu đô thị này có khu đất nông nghiệp xen kẹt. Gần đây, một số người không biết ở đâu đã đến đổ phế thải xây dựng, san lấp toàn bộ khu đất nông nghiệp nhằm tiến hành xây dựng nhà ở và lấn chiếm đất thuộc dự án Khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp và mở đường rộng 4m vào khu đất trên...
Cổng, hàng rào quây và lối dẫn vào khu đất đã được san nền.
Ngày 19-3, xuống địa bàn tìm hiểu, phóng viên ghi nhận: Khu đất mà người dân phản ánh nằm tại ngõ 163 Ngọc Hồi, thuộc tổ 7, phường Hoàng Liệt, ngay giáp Khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp. Đến thời điểm này, việc đổ phế thải xây dựng, san nền đã hoàn thành. Không chỉ vậy, dải đất lấn chiếm để làm đường vào khu đất nông nghiệp xen kẹt này đã được đóng cọc, quây hàng rào sắt và dựng cổng ngay đầu đường dẫn vào (ảnh).
Người dân cho biết: Khi thu hồi đất để thực hiện dự án xây dựng Khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp, không hiểu sao các cơ quan chức năng lại để chừa lại diện tích đất nông nghiệp rộng khoảng 300m2. Nằm xen kẹt, không bảo đảm điều kiện canh tác nên lâu nay diện tích đất này bị bỏ hoang. Từ cuối tháng 2 đến giữa tháng 3-2015, ngày nào cũng có khoảng hơn 10 người đến thi công. Mới đầu, đêm họ xúc bùn đất, đổ phế thải xây dựng; ngày thì đóng cọc sắt, dựng hàng rào và san nền... Người dân đã phản ánh với UBND phường nhưng không hiểu sao việc thi công vẫn tiếp tục diễn ra cho đến khi cơ bản hoàn thành việc san nền, quây rào sắt quanh khu đất.
Để làm rõ về những nội dung phản ánh của người dân, chúng tôi đã có buổi làm việc với UBND phường Hoàng Liệt. Ông Nguyễn Văn Sáng - Phó Chủ tịch UBND phường cho biết: Diện tích này là đất nông nghiệp xen kẹt sau khi thực hiện thu hồi GPMB để làm dự án Khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp. Trên địa bàn phường Hoàng Liệt hiện có nhiều khu đất nông nghiệp xen kẹt như thế này. Đất nông nghiệp xen kẹt không bảo đảm điều kiện canh tác trong khi các hộ vẫn phải nộp thuế sử dụng đất. Chính quyền địa phương thì khó quản lý hết do các diện tích này nằm rải rác, nhiều trường hợp tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng... Liên quan đến khu đất trên, trước phản ánh của người dân, UBND phường đã kiểm tra, ghi nhận. Hiện nay, UBND phường đã dán thông báo tại cổng dựng lên ở lối vào khu đất, yêu cầu các hộ tự khắc phục vi phạm. Trường hợp không ai đứng ra nhận, UBND phường sẽ tiến hành cưỡng chế phá dỡ theo quy định. Dự kiến việc cưỡng chế được thực hiện trong tháng 4-2015. Bài, ảnh: Phong Châu
Theo_Hà Nội Mới
Bị oan gần 40 năm chưa được xin lỗi Một cựu chiến binh ở Tây Ninh bị bắt giam oan gần bốn năm từ thập niên 80 của thế kỷ trước nhưng đến nay vẫn chưa được xin lỗi, bồi thường oan. Người bị oan trong vụ này là ông Nguyễn Văn Dũng, quê xã Đôn Thuận, huyện Trảng Bàng (Tây Ninh). Gần 40 năm trước, cơ quan tố tụng tỉnh Tây...