Người cựu binh phòng không lấy “3 việc nghĩa” để giúp đời
“Ba việc nghĩa” mà người cựu binh ấy đang làm cho người dân trong vùng là cho vay vốn làm ăn không lấy lãi, hỗ trợ sách vở cho học sinh và hỗ trợ 50.000 đồng/lần hiến máu tình nguyện.
Cựu binh phòng không Phạm Văn Đoàn.
Cận kề ngày Thương binh liệt sĩ (27/7), cựu binh phòng không Phạm Văn Đoàn (tổ Hòa Do 5B, phường Cam Phúc Bắc, TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa) vẫn nằm “liệt giường” vì căn bệnh thoát vị bẹn. Ông vừa được các bác sỹ mổ hơn 1 tuần và đang điều trị, chờ cắt chỉ. Thấy có khách đến thăm, dù vẫn rất đau nhưng ông vẫn gắng gượng ra khỏi giường tiếp chuyện.
Ông Đoàn xuất ngũ năm 2001 sau hơn 25 năm phục vụ trong Quân đội. Ông là Thiếu tá, cựu binh thuộc Sư đoàn 377 – Tên lửa phòng không đóng tại TP Cam Ranh. Xuất ngũ về làm dân, ông chuyển sang nuôi tôm để kiếm thêm nguồn trang trải. Song vì giá con tôm “dập dềnh như con nước” nên ông chuyển sang mở nhà hàng kinh doanh ăn uống.
Nhà hàng của ông đã tạo công ăn việc làm cho hàng chục người dân địa phương, trong đó không ít là con em thương binh liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng. Làm ăn thuận lợi, ông tự nhủ rằng “lộc bất tận hưởng” nên tìm cách giúp những người khắc khổ, khó khăn hơn mình.
Câu chuyện cựu binh Đoàn giúp đỡ gia đình cựu binh nghèo Nguyễn Mạnh Cường ở phường Cam Phúc Bắc mỗi tháng 20kg gạo, cho đến khi thoát nghèo như là “câu chuyện cổ tích” ở vùng này. Sau khi phục vụ tại Lữ đoàn 394 (Binh đoàn 11) đóng tại Cam Ranh, ông Cường xuất ngũ về địa phương. Nhưng vì vợ bị tai nạn giao thông mất sức lao động, 3 con đang tuổi ăn học, bản thân ông Cường là lao động chân tay tự do nên kinh tế gia đình khá khó khăn. Căn nhà ông Cường khi ấy khá tồi tàn, rộng khoảng 10m2, trát lá cót, giấy các tông.
Cùng sinh hoạt cựu chiến binh tại phường nên ông Đoàn đã động viên và ngỏ ý giúp ông Cường. Hàng tháng ông Đoàn đã thanh toán tiền ở cửa hàng gạo, việc của ông Cường là cứ đến đong đủ gạo. Nhiều người nghĩ rằng nếu cả đời ông Cường chẳng thoát được nghèo thì liệu cựu binh Đoàn có giúp gạo mãi không. Tuy nhiên, cùng với sự giúp đỡ của ông Đoàn, người dân trong xóm, chính quyền địa phương, ông Cường đã thoát nghèo và có tiền xây nhà.
Trở lại với câu chuyện ông Đoàn vẫn giúp người nghèo mà chúng tôi gọi đó là “3 việc nghĩa”. Đó là từ năm 2009, khi lên phường họp, cựu binh Đoàn thấy phong trao hiến máu chưa mạnh nên ông đề xuất cứ mỗi đợt hiến máu, ông sẽ hỗ trợ mỗi người tham gia hiến máu 50.000 đồng/lần. Ông hứa trước tập thể “nếu doanh nghiệp còn thì việc hỗ trợ này sẽ còn”.
Đề xuất này đã nhanh chóng được chấp thuận và chẳng bao lâu sau, phường Cam Phúc Bắc, TP Cam Ranh trở thành địa phương có phong trào hiến máu tình nguyện mạnh nhất tỉnh Khánh Hòa. Hiện nay cứ mỗi năm, ông Đoàn hỗ trợ 4-5 triệu đồng cho hoạt động hiến máu nói trên.
Cựu binh Đoàn hỗ trợ 50.000 đồng/người/lần hiến máu tình nguyện.
Thứ nữa là, ông Đoàn cho cựu binh địa phương vay vốn làm ăn mà không lấy lãi. Nhiều năm qua đã có cả chục cựu binh thiếu vốn đến ông Đoàn vay vốn đầu tư làm ăn. Người vay ít nhất là 5-7 triệu đồng cho đến vài chục triệu đồng. Khi hỏi liệu ông có sợ bị “quỵt”, cựu binh Đoàn – nói: “Cho ai vay cũng phải có cơ sở chứ! Ai đang triển khai làm ăn, nuôi tôm, chăn nuôi… mà thiếu vốn, thiếu giống thì tôi cho vay. Tôi cũng kiểm tra năng lực, tính khả thi mô hình làm ăn rồi mới cho vay”. Điều đáng nói, đến nay chưa có trường hợp nào vay mà không trả.
Ông Đoàn cũng là một cựu binh rất quan tâm đến việc học tập của con em địa phương. Không phải ngẫu nhiên mà các em học sinh ở vùng này gọi ông là “ông ngoại”. Đầu năm học, em nào thuộc diện khó khăn, gia đình nghèo thì cựu binh Đoàn sẵn sàng hỗ trợ sách, vở, bút mực.
Video đang HOT
“Tôi cũng từ cực khổ mà ra nên tôi thấy vui khi thấy giúp người”, cựu binh Đoàn nói cười khi chia tay chúng tôi.
Ông Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Cam Phúc Bắc, TP Cam Ranh, cho biết những việc làm giúp đỡ người nghèo của cựu binh Đoàn là có thật. Cụ thể, việc giúp mỗi tháng 20kg gạo cho cựu binh Cường kéo dài từ tháng 1/2013 đến hết năm 2014. Ông Bình nói cựu binh Đoàn là một cựu chiến binh tiêu biểu, đáng học tập và biểu dương.
Viết Hảo
Theo dantri
Chuyện chưa kể về bà bán chuối lấy bằng Cử nhân Luật
Mấy ngày nay, người dân tỉnh Tiền Giang xôn xao về bà bán chuối đã 55 tuổi vừa nhận bằng Cử nhân Luật. Đằng sau câu chuyện phấn đấu học tập là cả quá trình gian nan đi tìm công lý cho đứa em trai của mình.
Học luật vì cái chết tức tưởi của đứa em trai
Bà Phan Thị Kim Hoa, SN 1960 (ngụ ấp Thạnh Lạc Đông, Thạnh Nhựt, Gò Công Tây, Tiền Giang) hàng ngày chạy xe ra chợ Vĩnh Bình (thị trấn Vĩnh Bình, Gò Công Tây) ngồi bán chuối, trứng vịt và một số món lặt vặt khác kiếm sống. Suốt mười mấy năm buôn bán, bà chỉ mong có đủ tiền nuôi 4 đứa con đang tuổi ăn, tuổi học. Đùng một cái, người dân ở chợ quê này bất ngờ khi biết tin bà có bằng Cử nhân Luật.
Bà Hoa học Cử nhân Luật để đòi công bằng cho đứa em trai
Câu chuyện học để biết luật của bà là cả một quá trình gian nan để đòi lại công bằng cho đứa em trai bị người ta đánh chết nhưng tòa xử không thỏa đáng. Bà Hoa tâm sự: "Trước đây tôi có đi học nhưng chỉ mới lấy bằng tốt nghiệp cấp 3 sau đó làm giáo viên mầm non, đến năm 1994 kinh tế gia đình khó khăn nên tôi nghỉ ra chợ bán lặt vặt để kiếm tiền nuôi 4 đứa con ăn học".
Năm 2007, đứa em trai của bà Hoa tên Phan Chí Hiếu mắc chứng tâm thần nhẹ đi vào vườn bị người ta vu cho tôi ăn cắp rồi 7 thanh niên đánh đập, trói đưa vào công an xã Long Bình (Gò Công Tây) và sau đó chết tại bệnh viện. Tuy nhiên, sau khi xử sơ thẩm 3 lần rồi đến 2 lần phúc thẩm tòa đều tuyên không thỏa đáng.
Bà Hoa nhớ lại: "Năm 2010 khi tòa xử phúc thẩm lần 2 vẫn tuyên không thỏa đáng nhưng tôi không biết luật nên rất uất ức. Trong khi kết luận bệnh viện và giám định pháp y em tôi chết không có tụ máu bầm, vết thương ở đầu còn biên bản lời khai là em tôi tự đập đầu vô cửa sắt mà chết. Cơ quan cảnh sát điều tra tạm giam 2 đối tượng 6 tháng 3 ngày thì tòa tuyên đúng ngày tạm giam để thả ra còn 5 đối tượng khác được hưởng án treo. Em tôi bị đánh chết nhưng tòa chỉ tuyên bắt giữ người trái pháp luật. Vì vậy, tôi tiếp tục đi khiếu nại và quyết học luật để đòi lại công bằng cho đứa em trai đã chết của mình".
Theo bà Hoa, uất ức nhất là 7 đối tượng này không những không thi hành án 33 triệu tiền bồi thường, không hề đến thắp 1 nén nhang xin lỗi mà còn thách thức khi bà đi khiếu nại để đòi công bằng cho em trai.
Bà Hoa vừa bán chuối vừa nghiên cứu luật bảo hiểm
Sau khi kết thúc phiên tòa vụ em trai bị đánh chết, bà Hoa lên ngay Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh hỏi thủ tục học Cử nhân Luật hệ từ xa do trường Đại học Cần Thơ tổ chức đào tạo. Do có bằng tốt nghiệp cấp 3 và đủ điều kiện nên bà đăng ký học.
Suốt 4 năm học là cả một quá trình phấn đấu không biết mệt mỏi của bà khi đó đã ngoài 50 tuổi. Mỗi học kỳ bà đều phải học tập trung 3 đợt với mỗi đợt từ 15 đến 20 ngày. Những ngày đó bà phải thức dậy từ khuya để dọn hàng ra chợ nhờ mấy người bạn ở sạp kế bên bán giúp rồi chạy chiếc xe gắn máy "cà tàng" lên trung tâm tỉnh cách đó gần 30 km để học.
Chiếc xe "cà tàng" vừa là phương tiện mưu sinh vừa đi học của bà Hoa
Trong quá trình học, bà phải làm đủ thứ mọi việc từ việc bán chuối, trứng vịt đến lượm ve chai, bán bảo hiểm... để có tiền đóng học phí cho mình và 4 đứa con đang học phổ thông.
Tuy nhiên, số tiền kiếm được không đủ nên phải vay nợ khắp nơi với quyết tâm lấy cho được tấm bằng Cử nhân Luật. Bà Hoa tâm sự: "Học kỳ nào cũng vậy tôi và mấy đứa con đều đóng học phí vào giờ chót. Có đợt đi thi không có tiền nên tôi mượn của chị Nguyễn Thị Nê, Chủ tịch Hội khuyến học xã Thạnh Nhựt để có tiền lộ phí".
Bà Hoa là tấm gương để những đứa con phấn đấu noi theo
Chuyện đi học Cử nhân Luật của bà Hoa nhiều người ủng hộ nhưng chồng bà kiên quyết không đồng ý vì biết rằng học xong cũng không biết để làm gì. Bà Hoa cho biết: "Lúc đó chồng tôi nói cán bộ công chức học để lên lương, lên chức còn tôi quanh năm suốt tháng chỉ bán chuối, trứng vịt thì học lấy bằng về cho "ông Táo" ở nhà bếp xem chứ chẳng giúp ích gì. Tuy nhiên, biết tính tôi cản cũng không được nên ổng đành chấp nhận".
Bà Hoàng kể chuyện giúp bán hàng khi bà Hoa bận đi học
Ông Nguyễn Văn Bảy, Chủ tịch Hội khuyến học huyện Gò Công Tây cho biết: "Tấm gương hiếu học của bà Hoa khiến nhiều người nể phục khi lớn tuổi, bận mưu sinh lại vừa học vừa làm để lấy bằng Cử nhân Luật. Huyện hội đang đề nghị UBND huyện khen thưởng để tuyên dương tấm gương hiếu học của bà và gia đình".
Quyết đòi công bằng cho đứa em trai và giúp đỡ người nghèo
Mấy ngày nay, khi có thông tin bà Hoa bán chuối lấy được bằng Cử nhân Luật khiến cả chợ Vĩnh Bình xôn xao. Không ngờ bà lão đầu bạc trắng, suốt ngày bán chuối, trứng vịt lại lấy bằng Cử nhân Luật mà ngay cả thế hệ trẻ cũng mơ ước.
Bà Cao Kim Hoàng, 52 tuổi bán đậu hủ ở chợ Vĩnh Bình cho biết: "Tôi bán đậu hủ kế bên sạp của bà Hoa nên thường bán giúp bà những lúc đi có công việc gì đó. Lâu lâu lại có đợt bà Hoa nhờ tôi bán giúp nói là đi học luật nhưng ban đầu mấy chị em ở đây không ai tin. Thời gian sau thấy bà vừa bán hàng vừa đem sách luật ra học rồi giờ bà có bằng Cử nhân Luật mọi người ai cũng bất ngờ và khâm phục ý chí của bà".
Bà Hoa hôm nhận bằng Cử nhân Luật
Hôm phóng viên ghé chợ Vĩnh Bình, bà Hoa vừa ngồi bán hàng vừa lấy sách Luật bảo hiểm ra nghiên cứu. Hỏi ra mới biết, khách hàng mua bảo hiểm xe gắn máy nhưng khi xảy ra tai nạn công ty bảo hiểm không chịu bồi thường, bà nghiên cứu để tìm cách giành quyền lợi cho họ. Bà Hoa tâm sự: "Người nghèo không hiểu biết pháp luật khổ đủ đường đến viết cái đơn cũng phải thuê, mướn nói gì đến đòi quyền lợi cho mình. Tôi mơ ước sẽ học Luật sư để giúp đỡ, tư vấn pháp luật cho người nghèo".
Tấm bằng Cử nhân Luật của bà Hoa sau 4 năm miệt mài học tập
Vừa rồi, bà Hoa gom góp tiền bạc bắt xe khách ra tận Hà Hội để đến trụ sở tiếp công dân Trung ương gặp Thường trực tiếp công dân của Quốc hội khiếu nại về vụ án của đứa em trai mình bị đánh chết. Sau khi nhận đơn, Thường trực tiếp công dân của Quốc hội đã chuyển hồ sơ sang Viện kiểm sát Nhân dân tối cao, Tòa án Nhân dân tối cao. Bà Hoa hy vọng sắp tới vụ án sẽ đưa ra xét xử giám đốc thẩm để lấy lại công bằng và đứa em trai chết được yên lòng.
Bà Hoa muốn trở thành Luật sư để giúp đỡ người nghèo.
Hằng ngày bà vẫn miệt mày bán dăm ba nải chuối, mớ trứng vịt để kiếm vài chục ngàn đồng lo cho con và chính bản thân mình ăn học. Mái đầu bạc trắng mà bà vẫn miệt mài nghiên cứu luật để đòi lại công bằng cho đứa em trai của mình và muốn giúp đỡ người nghèo khiến nhiều người khâm phục.
Minh Giang
Theo Dantri
Bò giống giúp đồng bào biên giới thoát nghèo Sau 2 tháng, con bò mới nhận từ chương trình "Bò giống giúp người nghèo biên giới" của gia đình anh Phàn Vàng Páo (Xín Cái, Mèo Vạc, Hà Giang) đã sinh bê con; khiến cơ hội thoát nghèo của gia đình anh rộng cửa hơn... "Được bò, được cả bê con" Gia đình anh Phàn Vàng Páo là một trong 50 hộ...