Người “cõng sách” xuyên Việt đến với trẻ em nghèo
Sau chuyến đi bộ của tôi vào năm 2010 và 2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản đề nghị nhân rộng tủ sách đến từng lớp học trên toàn quốc.
Có được kết quả đó là chuyện đương nhiên nếu mình có quyết tâm, sự tận tình, nhiệt huyết.
Người ta gọi Nguyễn Quang Thạch là “gã ăn mày sách” xuyên Việt. Khoác ba lô con cóc, gã lang thang khắp hang cùng ngõ hẻm, vừa đi vừa xin sách. Hễ ai cho cuốn nào, hay được bà con ủng hộ chút tiền mua sách thì dù mồ hôi mồ kê đầm đìa, thở không ra hơi trên con dốc đứng, mắt gã cũng sáng bừng lên như màu cờ xanh biếc của chương trình “Sách hóa nông thôn” mà gã mang suốt chặng đường. Đôi mắt ấy khác gì đôi mắt của lũ nhóc vùng quê nghèo ngày đêm mong ngóng gã về.
- Được biết chương trình “Sách hóa nông thôn” đã được anh ấp ủ hơn 20 năm nay, bao gồm cả 10 năm nghiên cứu lý thuyết và hơn 10 năm áp dụng thực tế?
Tôi sinh ra ở vùng nông thôn tỉnh Hà Tĩnh. Gia đình của tôi có 4 thế hệ và đều rất hiếu học. Ông nội vừa giỏi Hán học vừa giỏi Tây học. Bà nội thì từng đi dạy… Tôi nhớ khi còn nhỏ, trong nhà có khoảng 500 cuốn sách, bác tôi có 4.000 cuốn sách, báo.
Thời đó, có được số lượng sách như thế là khá nhiều so với người khác. Đọc sách nhiều, biết được điều hay, sự lạ nên tính tôi ưa tìm tòi, xem thử những điều viết trong sách đúng hay sai. Chẳng hạn hồi lớp 7, tôi nhớ mình đọc ở đâu đó rằng khi trời càng lạnh, cá càng bơi xuống hạ lưu vùng nước sâu hơn để tránh rét.
Nguyễn Quang Thạch trở thành người Việt Nam đầu tiên đoạt giải Vua Sejong về xóa mù chữ của UNESCO năm 2016 – một giải thưởng tôn vinh những người khai trí.
Thử xem có đúng không, tôi ra ruộng khi trời lạnh như cắt, lội nước đơm cá ba đêm liền được 60 kí. Nhà có cái radio, tôi mở ra hàng trăm lượt để nghiên cứu tại sao nó nói được. Chính những lần đọc sách và trải nghiệm như vậy khiến tôi thêm yêu sách.
Đi nhiều, thấy người dân nông thôn còn thiếu thốn sách đọc, tôi nghĩ về một kế hoạch đưa sách về khắp các miền quê để người dân, trẻ em nơi đây cũng được đọc sách như trẻ em thành thị. Nghĩ xa hơn thì một đất nước có phát triển hay không, có hạn chế được tệ nạn, cái ác, thói xấu hay không là nhờ vào trình độ dân trí.
- Là cử nhân tiếng Anh, từng có công việc ổn định trong cơ quan nhà nước và tổ chức quốc tế nhưng rồi bỏ hết để “cõng” sách về nông thôn, hẳn anh nghe không ít lời ra tiếng vào?
Trong 10 năm đầu nghiên cứu lý thuyết, tôi có chia sẻ ý tưởng này cho một vài người bạn. Nhưng họ đều bảo tôi điên rồ, ảo tưởng. Riêng người thân của tôi đều rất ủng hộ, động viên. Nhờ vậy tôi cứ lẳng lặng làm, không chia sẻ kế hoạch này với ai nữa, vì không muốn mất thời gian đi nghe người khác chỉ trích, chê bai.
Tôi nghiên cứu khoa học thư viện, quan sát hành vi người đọc và phát hiện ra vào mùa thi thì sinh viên, học sinh ở nông thôn đến thư viện rất đông, nhưng hết mùa thi các em không đến nữa. Trong khi trẻ ở thành phố như Vinh thì lại khác. Tôi cũng tìm hiểu văn hóa dòng tộc, văn hóa cộng đồng, khả năng tài chính của người dân.
Mới hay nếu làm lúa thì một ngày họ chỉ lãi chừng hai hay ba nghìn đồng thôi. Nên xót lắm khi bỏ tiền mua cuốn sách cả 100 nghìn cho con. Nhưng đi vận động mỗi người góp một ít để làm nên tủ sách với hàng trăm đầu sách cho con em thì họ lại hưởng ứng nhiệt tình.
Năm 2007, khi báo Tiền Phong đăng bài về hoạt động làm Tủ sách dòng họ diễn ra rầm rộ ở Nghệ An, Thanh Hóa, Thái Bình, nhiều người đã gọi cho tôi xin sách và hỏi cách làm tủ sách. Lúc bây giờ, phong trào làm Tủ sách dòng họ đã lan tỏa nên tôi chỉ cần cho sách mà không cần phải đi mua, đóng tủ nữa. Từ 100 cuốn sách mà tôi tặng, sau một thời gian, tủ sách của mỗi dòng họ tăng lên đến 1000, 2000 thậm chí có nơi đạt 6000 cuốn nhờ con cháu đóng góp.
- Trên hành trình đi bộ xuyên Việt, chỉ một mình anh dọc đường gió bụi để vận động cộng đồng, xã hội cùng chung tay ủng hộ, xây dựng tủ sách cho chương trình “Sách hóa nông thôn”, anh có cảm thấy cô đơn?
Nói tôi cô đơn trên hành trình của mình thì thực ra chỉ là sự biểu thị bề ngoài. Trong thâm tâm, tôi hiểu mình không hề cô đơn. Mình luôn có người đồng hành, cụ thể là “Sách hóa nông thôn” hiện đang có hơn 300.000 thành viên trong và ngoài nước, từ em bé đến cụ già góp sức tạo nên hơn 30.000 tủ sách ở khắp tỉnh thành, giúp hơn 400.000 người dân nông thôn, trong đó gần 300.000 học sinh tiếp cận sách.
Sau chuyến đi bộ của tôi vào năm 2010 và 2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản đề nghị nhân rộng tủ sách đến từng lớp học trên toàn quốc. Có được kết quả đó là chuyện đương nhiên nếu mình có quyết tâm, sự tận tình, nhiệt huyết.
Video đang HOT
- Niềm hạnh phúc của anh còn là những người thụ hưởng lợi ích từ những Tủ sách dòng họ, Tủ sách lớp học, Tủ sách hậu phương chiến sĩ… của chương trình “Sách hóa nông thôn”?
Tôi nhớ ở Tủ sách dòng họ Đỗ tại Thái Bình, có một cháu thi đỗ đại học liền cảm ơn chủ tủ sách rối rít vì đã cho mượn sách toán logarit. Cũng nhờ Tủ sách phụ huynh, em Hải Ninh ở trường THCS An Dục, Quỳnh Phụ, Thái Bình luôn đạt giải học sinh giỏi. Dịp tết, em còn kêu gọi các bạn góp tiền mừng tuổi để làm tủ sách cho học sinh ở Sơn La.
Trẻ em ở nhiều vùng miền được tiếp cận với sách nhờ chương trình “Sách hóa nông thôn” (Ảnh minh họa).
Thấy được lợi ích của Tủ sách phụ huynh, em còn “cả gan” viết thư cho Bộ trưởng Bộ Giáo dục, mong Bộ trưởng nhân rộng cách làm này ra toàn quốc. Lúc em đưa thư cho tôi, tôi choáng quá. Tôi hỏi đi hỏi lại có phải thư em viết không vì mình không ngờ đứa trẻ lớp 8 viết được như vậy.
Tuy nhiên cũng dễ hiểu vì em đọc rất nhiều sách như “Đồi gió hú”, “Nghìn lẻ một đêm”, “Những tấm lòng cao cả”, “Túp lều của bác Tom”… Có một em nữa là em Hoàng Thị Nhàn học lớp 12 ở Thái Bình. Nhàn bị xương thủy tinh nên em luôn bi quan, tuyệt vọng. Đọc tấm gương những người vượt khó, em mới thấy nhiều người còn khó khăn hơn mình nên cố gắng học tập, phấn đấu thật tốt.
- Anh từng vinh dự trở thành người Việt Nam đầu tiên nhận giải “Vua Sejong” về xóa mù chữ của UNESCO năm 2016 – một giải thưởng tôn vinh những người khai trí – như một sự công nhận những đóng góp, tâm huyết của anh dành cho công cuộc nâng cao dân trí nông thôn.
Thật sự, giải thưởng là điều tôi không hề nghĩ đến khi bắt tay thực hiện chương trình này. Nhiều lần, tôi làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo thì được thông báo UNESCO có chương trình mời các quốc gia tham gia cuộc thi về sáng tạo hay xóa mù chữ gì đó. Tôi từ chối vì không quan tâm. Nhưng nhờ mọi người thuyết phục, mình cũng nghĩ: “Sao mình không đứng trước đại diện của hàng trăm quốc gia trên thế giới để nói những điều mà người Việt Nam đã làm được trong việc thay đổi cấu trúc thư viện?”.
Nghĩ vậy tôi làm hồ sơ chứ không nghĩ sẽ được giải thưởng. Thú thật, khi UNESCO gọi điện thông báo tin vui thì tôi chỉ vui một chút vì trong tôi vẫn đè nặng con số 15 triệu trẻ em Việt Nam chưa có sách đọc.
- Như anh đã nói, không ít em học sinh, sinh viên đọc sách chỉ để phục vụ cho mục đích thi cử, hết mùa thi thì thư viện lại vắng vẻ. Rõ ràng có sách là một chuyện nhưng có thói quen hay đam mê đọc sách không lại là chuyện khác, đặc biệt là các em có gia cảnh nghèo khó, ngoài giờ học phải phụ giúp cha mẹ thì thời gian đâu để đọc.
Vì vậy nên ngoài việc vận động chính quyền có những chính sách phát triển văn hóa đọc thì tôi rất chú trọng chuyện các thành viên xã hội quan tâm đến lĩnh vực khai trí như thế nào. Đây là lực lượng chiếm phần đa trong xã hội nên chiến lược của tôi là kêu gọi họ hãy chung tay song hành cùng chính quyền để cùng nhau thay đổi tầm nhìn ngắn hạn của một bộ phận người dân nông thôn, giúp họ quan tâm, khuyến khích con em mình đọc sách.
- Và để tiếp tục kêu gọi mọi người làm nên cuộc “cách mạng thư viện” ở nông thôn, anh sẽ lại đi bộ xuyên Việt? Đó là hành trình rất gian nan, cực khổ. Tại sao anh không chọn cách kêu gọi khác nhẹ nhàng hơn là tự “hành xác” mình?
Sau chuyến đi bộ khoảng hơn 3.000 km vào năm 2015, đến giờ, tôi bị đau xương sống. Nhưng tôi sẽ tiếp tục hành trình, dù phải đi xe lăn xuyên Việt. Hiện nay tôi chuẩn bị hành trình đi bộ để xây dựng 30 tủ sách cho trẻ em nghèo Ấn Độ và sắp tới là các nước Châu Phi. Trở lại quê nhà, tôi nghĩ kêu gọi người Việt quan tâm đọc sách và đưa sách phủ sóng nông thôn là quá trình lâu dài. Mọi thứ sẽ thay đổi khi lòng kiên trì đủ lớn. Tôi phải làm sao để chứng tỏ lòng kiên trì ấy và chạm được vào trái tim mọi người. Trước khi tôi đi bộ, chương trình chỉ có vài trăm tủ sách, sau mỗi lần tôi trở về thì số tủ sách đã tăng lên hàng chục ngàn. Nếu tôi không đi thì chưa chắc đã có con số ấy.
- Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!
Mai Quỳnh Nga (thực hiện)
Theo cand
Đưa học sinh trường làng ra thế giới nhờ công nghệ
Một chiếc máy tính có kết nối internet đã có thể mở ra một thế giới mới, giúp kết nối học sinh một trường học nông thôn với học sinh khắp năm châu.
Đây là ý tưởng ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy tiếng Anh của cô Trần Thị Thúy, giáo viên trường THPT Đức Hợp (huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên).
Những lớp học xuyên biên giới của cô Trần Thị Thúy
Chắp cánh ước mơ qua từng con chữ
Cô giáo Trần Thị Thúy sinh năm 1987 ở vùng quê nghèo, cũng như các bạn cùng trang lứa, cứ hết buổi đi học là những giờ phụ giúp cha mẹ việc nhà. Do điều kiện hoàn cảnh không cho phép nên Thúy không được tiếp xúc với tiếng Anh từ nhỏ. Năm lên 10 tuổi, khi được người anh họ tặng cho một cuốn tạp chí song ngữ Sunflower (tiếng Việt và tiếng Anh), Thúy mới thấy một thế giới mới mở ra trước mắt chị với biết bao tò mò và ước mơ được khám phá.
Giấc mơ đó từng ngày tiếp sức cho cô vượt qua những khó khăn ở vùng quê nghèo khó, trở thành sinh viên khoa Sư phạm tiếng Anh, Đại học Sư phạm Hà Nội vào năm 2005. Ngày đó, ở xã Đức Hợp, hiếm có học sinh nào thi năm đầu đỗ ngành tiếng Anh của các trường lớn.
Với nỗ lực của bản thân, cô đã vượt qua hạn chế của một sinh viên vùng nông thôn tiếp cận với môn học mới mẻ này. Nhiều hôm cô ở trên thư viện đến 8 giờ tối, tận dụng tối đa những gì miễn phí để cải thiện trình độ. Trừ năm học đầu tiên bị "đuối", những năm sau Thúy đều đạt sinh viên giỏi và "ẵm" học bổng.
Sau 4 năm đại học, Thúy tốt nghiệp, trở lại ngôi trường phổ thông cũ dạy tiếng Anh cho học trò, giúp học trò nghèo có điều kiện tiếp xúc nhiều hơn với Ngoại ngữ. Với Thúy, trong thế giới hôm nay, tiếng Anh đã trở thành tiếng nói chung của toàn cầu, không thông thạo ngôn ngữ này đồng nghĩa không nắm được cơ hội phát triển bản thân, phát triển xã hội và phát triển đất nước. Thúy khuyến khích các em nghe, nói thật nhiều. Cũng vì vậy mà thời gian đầu dạy học tại THPT Đức Hợp, cô giáo Trần Thị Thúy từng bị phụ huynh phê bình vì nói tiếng Anh nhiều quá làm học sinh không hiểu.
Cô Trần Thị Thúy - giáo viên dạy tiếng Anh tại trường THPT Đức Hợp
"Học sinh ở quê rất nhút nhát giao tiếp tiếng Anh, có em từng nói không thể học được ngoại ngữ. Nhưng tôi muốn học trò thay đổi nên đã kể câu chuyện của mình để các em thấy cô giáo trong hoàn cảnh khó khăn vẫn có thể đỗ đại học, trở thành giáo viên và có cơ hội ra nước ngoài thì các em với điều kiện học tốt hơn, chắc chắn sẽ làm được nhiều hơn" - cô Thúy kể.
Ngoài việc truyền động lực cho các em học sinh, Thúy còn dành thời gian tìm hiểu học sinh, xem các em đang ở mức độ như thế nào để có thể điều chỉnh việc dạy sao cho phù hợp.
Đưa thế giới về gần học sinh
Lần mò cách dạy tạo hứng thú học tiếng Anh cho học sinh, Thúy tình cờ biết đến nhóm cộng đồng giáo viên dạy học sáng tạo Việt Nam. Trong vòng một tháng, chị đã hoàn thành các lộ trình học tập (Learning Paths) trên Trung tâm truyền thông giáo dục cộng đồng của Microsoft (MEC). Từ đó, chị có cái nhìn toàn diện nhất về dạy học thế kỷ XXI và các phương thức để hỗ trợ học sinh học tập. Bằng cách tham gia cộng đồng MEC, Thúy được kết nối với hàng ngàn giáo viên trên khắp thế giới. Tận dụng điều này, chị liên hệ với các giáo viên ở Nhật Bản, Ai Cập, Pakistan, Ấn Độ, Anh, châu Phi... để sắp xếp những "giờ học xuyên lục địa" nhờ công cụ Skype.
Vào năm học 2015 - 2016, cách dạy của cô giáo Thúy quá khác lạ với trường vùng quê như THPT Đức Hợp khiến hiệu trưởng cũ và không ít giáo viên lo ngại học sinh bị phân tán tư tưởng. Nhưng những thay đổi tích cực trong thái độ và kết quả học tập, kỹ năng nghe nói tiếng Anh... của học sinh khiến Thúy kiên trì cách dạy mới của mình. Một số giáo viên bắt đầu học hỏi phương pháp mới của Thúy.
Mỗi tháng một lần, cô giáo Thúy lên chủ đề, yêu cầu học sinh chuẩn bị nội dung cho ngày học kết nối. Đó có thể là buổi thảo luận tìm ý tưởng làm giàu cho quê hương với các học sinh ở Nhật Bản; giới thiệu văn hóa, đất nước, con người với lớp học ở châu Phi... Có lần, học sinh mang dụng cụ lên lớp hướng dẫn cách làm bánh trôi, chè kho cho các bạn Nhật Bản qua Skype. Bên cạnh tiếp thu được những kiến thức văn hóa, học sinh trong lớp còn có điều kiện du lịch nước Anh qua Skype với người bản địa. Họ vừa đi tới các địa danh nổi tiếng, vừa giới thiệu qua điện thoại cho học sinh trường tại THPT Đức Hợp.
Nhờ việc ứng dụng công nghệ vào giảng dạy mà học sinh của Thúy có thể chia sẻ, thảo luận với học sinh quốc tế cách lớp học nửa vòng Trái Đất. "Trong những giờ học này, học sinh hai bên cùng chuẩn bị các bài PowerPoint và công cụ miễn phí khác của Microsoft để trình bày quan điểm của mình. Cách học này cũng đã giúp các em học sinh học tiếng Anh hiệu quả hơn, hứng thú hơn" - Thúy chia sẻ.
Kiên trì với phương pháp giảng dạy này, hiện nay, tại lớp học của Thúy, học sinh có thể tự tin thuyết trình bằng tiếng Anh, giao lưu trực tiếp với các học sinh, chuyên gia nổi tiếng từ nước ngoài. Từ nỗi sợ nói tiếng Anh, giờ đây các em có thể tự tin với 4 kĩ năng nghe, nói, đọc, viết.
Nỗ lực được đền đáp
Sau nhiều dự án nhỏ của cô và trò trong lớp, năm 2016, Thúy đã cùng các em học sinh dày công thực hiện Dự án "Save our lives from harmful pesticides" (Bảo vệ cuộc sống của chúng ta khỏi thuốc trừ sâu độc hại). Dự án nhằm nâng cao nhận thức về sử dụng thuốc trừ sâu, áp dụng vào thực tế, góp phần thay đổi hành vi của người nông dân để bảo vệ sức khỏe của chính họ và cộng đồng.
"Lý do chọn đề tài này là do trường tôi nằm ngay cạnh cánh đồng. Mùi thuốc trừ sâu thường xuyên bay thẳng vào lớp học, khiến cả thầy trò đều cảm thấy rất khó chịu. Hơn nữa với thực trạng lạm dụng thuốc trừ sâu hiện nay, tôi muốn học sinh ngay khi ngồi trên ghế nhà trường vẫn có cơ hội thể hiện quan điểm của mình về các vấn đề nóng của xã hội - Thúy chia sẻ.
Tham gia dự án, cô giáo Thúy đã động viên, khuyến khích học sinh trải nghiệm thực tế, phỏng vấn người nông dân, chụp ảnh, quay clip về thực trạng sử dụng thuốc trừ sâu, nghiên cứu về thuốc trừ sâu, đưa ra những tác động của thuốc trừ sâu trước mắt và lâu dài, đồng thời đưa ra cách tuyên truyền để người nông dân sử dụng thuốc trừ sâu đúng cách.
Dự án này sau đó đã nhận được sự hưởng ứng của nhiều giáo viên trong cộng đồng MEC và mang về cho cô trò trường THPT Đức Hợp giải Nhì cuộc thi Giáo viên sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tháng 8/2016.
Cô Trần Thị Thúy giương cao lá cờ Việt Nam khi chiến thắng tại Diễn đàn giáo dục toàn cầu do Microsoft tổ chức tại Canada năm 2017
Không những vậy, Trần Thị Thúy còn được ghi nhận là thành viên tích cực của cộng đồng MEC. Tháng 3/2017, Thúy được chọn tham gia Diễn đàn giáo dục toàn cầu do Microsoft 2017 tổ chức tại Canada với sự tham dự của hơn 200 chuyên gia giáo dục đến từ 83 quốc gia. Tại đây, Thúy được tiếp cận với những xu thế giáo dục phát triển tiên tiến nhất trên thế giới như: Ứng dụng thực tế ảo, STEM, trò chơi kích thích sáng tạo cho người học; các kỹ thuật để việc dạy trở nên hiệu quả hơn và cách cá nhân hóa việc học để họ trở thành những công dân toàn cầu. Nhóm của cô đã xuất sắc vượt qua hơn 40 nhóm khác và giành giải thưởng chung cuộc - giải cao nhất tại Diễn đàn.
"Chúng tôi được chia nhóm để thực hiện các chủ đề khác nhau trong khoảng 24 giờ. Đoàn Việt Nam khi ấy có 4 người. Chúng tôi lại được chia vào các nhóm với giáo viên các nước khác. Nhóm tôi sử dụng phần mềm Sway để thiết kế trò chơi có ý nghĩa giáo dục cho học sinh. Có 15 giải thưởng được xướng lên và tôi đã nghĩ mình chẳng được giải gì. Rồi họ nhắc đến số 33 là số của dự án nhóm tôi. Tôi không thể tả cảm xúc khi đó. Có lẽ đó là khoảnh khắc hiếm hoi trong đời mà tôi không bao giờ quên. Và tôi góp phần để cờ Việt Nam tung bay ở lễ vinh danh đó" - Thúy nhớ lại.
Hai năm sau, tháng 3/2019, cô giáo Trần Thị Thúy đã vinh dự trở thành 1 trong 50 giáo viên được nhận Giải thưởng Giáo viên xuất sắc Toàn cầu (Global Teacher Prize) được trao tặng tại Dubai (các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất). Đây là Giải thưởng được tổ chức giáo dục Varkey Foundation chọn lọc từ hơn 10.000 ứng viên. Giải thưởng thường niên này nhằm tôn vinh thầy, cô giáo có đóng góp đặc biệt xuất sắc cho sự nghiệp giáo dục, được ví như "Nobel" trong giảng dạy, để ghi nhận công lao nổi bật của giáo viên trên toàn thế giới.
Cô Trần Thị Thúy (giữa) trong nhóm 5 giáo viên đến từ 5 quốc gia nhận giải đặc biệt tại Diễn đàn giáo dục toàn cầu năm 2017 tại Canada
Khi biết tin đó, Thúy cũng không giấu nổi niềm vui và tự hào: "Tôi rất bất ngờ, vui và tự hào khi may mắn được lọt Top 50 giáo viên toàn cầu được vinh danh do Tổ chức Varkey Foundation. Tôi sẽ cố gắng nỗ lực sáng tạo, tìm tòi nhiều hơn để nâng cao phương pháp, chất lượng giảng dạy và sức ảnh hưởng của giáo viên Việt Nam với thế giới".
Ngoài ra, cô giáo Thúy còn là một trong số những cá nhân, tập thể tiêu biểu được tôn vinh tại triển lãm "Những tấm gương bình dị mà cao quý" do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức nhân kỷ niệm 129 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và sơ kết ba năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh".
Sau tất cả những giải thưởng cao quý, Thúy vẫn quyết định quay trở lại công tác tại THPT Đức Hợp và ấp ủ giấc mơ mở một thư viện nhỏ, dạy học miễn phí cho học sinh nghèo. Nhiều người bảo cô có danh tiếng thì nên dạy thêm kiếm tiền trang trải cho gia đình, nhưng cô không muốn. "Ngày bé nhà tôi nghèo, thầy cô đã mượn sách cho tôi học, mang áo ấm đến tận nhà cho tôi. Giờ tôi muốn ở Đức Hợp, dạy tiếng Anh cho những đứa trẻ nghèo và làm cầu nối cho các em nhìn xa hơn ra ngoài thế giới. Ai đó có thể bảo tôi khùng, nhưng tôi sẽ theo đuổi đến cùng con đường lựa chọn" - Thúy chia sẻ.
Đều đặn mỗi ngày, cô giáo Thúy thức dậy lúc 4 giờ để chuẩn bị cho ngày dạy mới, đưa hai con tới trường. Cô hạnh phúc với cuộc sống không khá giả vật chất nhưng gia đình nội, ngoại yêu thương nhau, học sinh nông thôn thêm yêu ngoại ngữ.
Cô giáo Trần Thị Thúy (nữ bên trái) lọt Top 50 giáo viên toàn cầu được vinh danh từ Tổ chức Varkey Foundation
Kim Dung
Theo ngaynay
Cao Bằng: Nỗ lực xóa mù chữ cho đồng bào vùng sâu, vùng xa Từ khi được xóa mù chữ, nhiều bà con dân tộc lớn tuổi rất phấn khởi vì nhờ học tiếng Việt và toán cơ bản, họ đã biết tính toán khi đi chợ, giao tiếp được mở rộng và đời sống tinh thần được nâng cao. Đến lớp xóa mù chữ, người dân được luyện đọc những bài thơ ngắn. (Ảnh: Chu Hiệu/TTXVN)...