Người Cơ Tu ở miền núi Quảng Nam làm du lịch cộng đồng
Chuyện người Cơ Tu làm du lịch không còn xa lạ tại nhiều bản làng ở miền núi Quảng Nam.
Những năm gần đây, mô hình du lịch cộng đồng phát triển mạnh ở các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam. Tuy nhiên, nhiều điểm du lịch ở đây chưa hấp dẫn, khó giữ chân du khách.
Chuyện người Cơ Tu làm du lịch không còn xa lạ tại nhiều bản làng ở miền núi Quảng Nam. Làng Đhrôồng, thuộc xã Tà Lu, huyện Đông Giang là nơi sinh sống của hơn 300 đồng bào Cơ Tu. Ở đây còn giữ được nhiều nét đẹp truyền thống của dân tộc Cơ Tu.
Những ngôi nhà cải tạo làm du lịch cộng đồng không có khách.
Thực hiện dự án “Tăng cường hoạt động du lịch tại các huyện sâu trong đất liền tỉnh Quảng Nam” do Chính phủ Luxembourg tài trợ, chính quyền địa phương đã xây dựng điểm đến du lịch dựa vào cộng đồng, hướng đến giảm nghèo bền vững thông qua tạo việc làm tại chỗ cho người dân trong vùng thực hiện dự án.
Gia đình chị Pơloong Tum là một trong hai hộ của xã Tà Lu, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam được hỗ trợ 50 triệu đồng từ dự án, cải tạo ngôi nhà truyền thống thành điểm du lịch cộng đồng. Đến nay, cơ sở này có thể phục vụ hơn 20 khách.
Tuy nhiên, theo chị Pơloong Tum, một năm chỉ có khoảng 3 – 4 đoàn khách du lịch đến ở, có những đoàn chỉ vài người: “Khách đến đây chủ yếu khách nước ngoài. Nếu đoàn khách nhiều thì sẽ có hướng dẫn viên du lịch, nhưng nhiều lúc có 2, 3 người khách ‘phượt’ thì không có phiên dịch, việc giao tiếp hay chuyển tải thông tin vô cùng khó khăn. Bản thân tôi chưa được đi học nên không biết phải chế biến các món ăn thế nào cho hợp khẩu vị”.
Cũng như chị Pơloong Tum, gia đình bà Zơ râm Nheng ở thôn Bhoong, xã Tà Lu đã sửa sang nhà cửa, bắt đầu đón khách từ năm 2010 đến nay. Giá lưu trú tại đây chỉ 150.000 đồng và tiền ăn là 200.000 đồng/khách/một ngày. Thế nhưng, đã nhiều năm nay không có đoàn khách nào ghé đến, nên gia đình không thể sống được với nghề.
Video đang HOT
Người Cơ tu làm du lịch nhưng không sống được với nghề.
Miền núi tỉnh Quảng Nam có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch cộng đồng. Song, vì nhiều lý do khác nhau nên du lịch cộng đồng ở địa phương vẫn gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, thỉnh thoảng mới có khách đến nhưng hầu như không có du khách nào ở lại qua đêm.
Ông Đalay Lực, Chủ tịch UBND xã Tà Lu, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam cho biết, một số ngôi nhà trong làng du lịch đang bị bê tông hóa, với lối xây dựng xa dần nếp kiến trúc truyền thống, tạo cảm giác hụt hẫng cho du khách: “Du lịch homestay hiện tại chưa phát huy được hết hiệu quả. Các chủ homestay đều đã lớn tuổi, không đáp ứng yêu cầu phục vụ khách. Thực tế, khi khách du lịch (chủ yếu là khách Tây) đến, họ thấy chỗ đi lại, vệ sinh, sinh hoạt không đảm bảo, thuận lợi nên họ ít lui tới”.
Tính đến nay, đã có hàng chục làng, bản tại các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam phát triển mô hình du lịch cộng đồng, nhưng vẫn chưa mang lại hiệu quả như mong muốn. Ông Hồ Thanh Tân, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam cho biết, việc bảo tồn và khai thác chưa kết hợp hài hòa đã và đang làm du lịch dựa vào cộng đồng gặp khó.
Tỉnh Quảng Nam đang triển khai thực hiện Đề án “Hỗ trợ phát triển du lịch miền núi tỉnh Quảng Nam đến năm 2025″. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, các huyện miền núi đón 600.000 lượt khách du lịch mỗi năm; thu nhập từ du lịch đạt khoảng 1,2 tỷ đồng, tạo việc làm trực tiếp cho 4.500 lao động.
Theo ông Tân, để phát huy được hiệu quả đề án này, cần sự chung tay hỗ trợ của các cơ quan chức năng và phải thay đổi ý thức làm du lịch cộng đồng của người dân: “Khách đến nhưng không ở lại, không có các dịch vụ khác kèm theo. Cho nên vấn đề thu nhập của người dân làng du lịch còn hạn chế. Chính vì vậy, muốn để cho người dân bảo tồn, phát triển văn hóa thì phải có chính sách, mạnh dạn đầu tư hỗ trợ cho bà con”./
Theo vov.vn
Không chỉ check in, hãy trải nghiệm cuộc sống ở làng bích họa Tam Thanh
Hầu hết khách du lịch tới làng chỉ để check in chớp nhoáng, nhưng bạn có thể làm khác với một ngày đêm sống như người địa phương.
Làng Bích Họa Tam Thanh nằm ở thôn Trung Thanh, xã Tam Thanh, tỉnh Quảng Nam, cách thành phố Tam Kỳ khoảng 10 km và cách phố cổ Hội An 35 km. Đường đến làng chạy theo đường ven biển tuyệt đẹp từ Hội An, nơi bạn đi qua rất nhiều làng chài nhỏ. Năm 2016, hơn 100 ngôi nhà tại đây đã được khoác màu áo mới là những bức tranh tường sống động. Tam Thanh trở thành điểm check in hot nhất mùa hè năm ấy với lượng khách lớn đổ về từ khắp nơi. Là ngôi làng đầu tiên vẽ tranh bích họa, Tam Thanh được quan tâm và yêu thích đặc biệt, nhất là các bạn trẻ. Những tấm hình được chụp tại làng, bên những bức vẽ màu sắc đã tạo ấn tượng mạnh với khách du lịch. Sau ba năm được biết đến, lượng khách đổ về ngày càng đông. Tam Thanh đã có nhiều thay đổi, cuộc sống của bà con khấm khá lên và nhận thức về làm du lịch cũng rõ hơn.
Hãy thử trải nghiệm cuộc sống yên bình tại làng chài nhỏ bên biển. Một ngày ở thôn Trung Thanh xã Tam Thanh bắt đầu khi những thuyền câu trở về với những mẻ cá đầy. Mặt trời ló rạng là lúc lũ trẻ gọi nhau đến trường, các bà các mế đội thúng ra chợ. Đám thanh niên có nhiệm vụ dọn sạch rác đã hoàn thành công việc, chuẩn bị đón khách đến tham quan...
Đáp ứng nhu cầu cơ bản của khách du lịch, một vài hình thức phục vụ khách nhưng trên tiêu chí giữ gìn nét bình yên, giản dị của ngôi làng đã bắt đầu hình thành. Những bức tranh tường được vẽ bởi các nghệ sĩ Hàn Quốc đã phai nhiều vì nắng mưa và gió biển đã được vẽ lại bằng sắc màu tươi mới. Phạm vi khu vực có tranh vẽ được mở rộng, thêm nhiều bức tranh thú vị và theo dòng sự kiện tạo thêm nhiều điểm check-in mới. Số lượng tranh vẽ và chất lượng các bức tranh không ngừng cải thiện và được tô vẽ lại sau một thời gian. Các bức không chỉ là hình ảnh của chính người dân sống trong làng chài mà còn có nhiều bức mang tính thời sự như bức vẽ HLV trưởng Park Hang Seo cùng các học trò U23 được mọi người yêu thích nằm ngay bên đường.
Những gian hàng giải khát nhỏ và các cửa hàng nhu yếu phẩm đơn giản bắt đầu mở. Thức uống chỉ là thạch, nước chanh, những món đồ của làng chài từ trước đến nay vẫn bán cho người dân, nay được bày bán cho khách tham quan. Các mế bán giải khát còn biết chụp ảnh, nếu bạn chưa có tấm nào ưng ý, các mế sẽ chụp giúp. Cuộc sống mới tốt đẹp hơn với bà con dân làng nhưng sự thân thiện, lành hiền vẫn không mất đi. Người dân đã quen với việc khách đến rồi đi và họ cũng mong những nụ cười mến khách sẽ theo các vị khách khi ra về.
Bãi biển dài trước làng được giữ gìn sạch sẽ, bãi cát trắng, thoai thoải. Vài chiếc ô che nắng đã được dựng lên và những chiếc thuyền thúng cũng được tô điểm với màu sắc rực rỡ. Trước kia, biển của làng chài chủ yếu phục vụ người dân, nơi những thuyền cá đầy ắp mỗi sớm được chở về và chợ cá diễn ra tấp nập thì nay, bãi biển đã được dọn sạch sẽ, trở thành bãi tắm lý tưởng.
Đầu làng, vài homestay đã treo biển nhận khách. Những ngôi nhà đơn sơ được sửa chữa lại một chút cho phù hợp với khách đến nghỉ. Khách sau khi chụp ảnh với tranh tường, có thể ghé thăm vài xưởng làm nước mắm thủ công trong làng, tắm biển, đạp xe vài trăm mét trên con đường sát biển, ghé thăm các làng lân cận rồi thư thả ngồi nơi đầu ngõ, ăn chè, hóng gió, nghe những câu chuyện kể thú vị. Sau một ngày với những trải nghiệm, buổi tối bạn có thể nghỉ lại, thưởng thức hải sản tươi dưới bầu trời đêm.
Khách nghỉ Tam Thanh qua đêm có thể thuê homestay với giá dao động từ 150.000 đến 200.000 đồng và các nhà nghỉ khoảng 250.000 đồng/đêm. Đi về phía Tam Kỳ khoảng 2 km, gần khu biển Tam Thanh Beach Resort, bạn sẽ gặp chợ và quán nhậu ven biển. Nếu không thích ăn hàng, bạn có thể tự mua đồ ăn và nhờ người dân nấu. Mỗi người chỉ khoảng 200.000 đồng là có một bữa no nê đủ các loại tôm, cá, cua, ghẹ...
Theo ngoisao.net
Hội An vào danh sách điểm đến có cung đường đạp xe lý tưởng Cùng với nhiều thành phố nổi tiếng khác trên thế giới, Hội An của Quảng Nam được giới du lịch bình chọn là một trong những điểm đến có cung đường đạp xe lý tưởng nhất trong các chuyến du lịch. Đạp xe ở Hội An là một trong những trải nghiệm không thể bỏ qua khi du khách đến thành phố cổ...