Người chuyển giới ở showbiz Trung Quốc: ‘Họ gọi tôi là đồ biến thái’
Việc come out như Elliot Page rất khó khăn ở Trung Quốc. Người chuyển giới ở quốc gia này thường xuyên bị gọi là “đồ biến thái, quái dị”.
Đầu tháng 12, khi tuyên bố trên mạng xã hội người chuyển giới, Elliot Page (trước đó nam diễn viên được biết đến là minh tinh Ellen Page) nhận nhiều lời ủng hộ. Từ báo chí đến cư dân mạng và giới showbiz đồng loạt lên tiếng cổ vũ ngôi sao X-Men.
“Tôi thấy may mắn khi nói ra việc mình là người chuyển giới. Tôi sẽ dùng sức lực và tiếng nói của mình để ủng hộ người trong cộng đồng”, Elliot Page viết trên trang cá nhân.
Vốn sinh ra ở Canada và hoạt động ở Hollywood, Mỹ, việc công khai là người chuyển giới không hề khó khăn với Elliot Page. Nam diễn viên thậm chí được ủng hộ bởi các đạo diễn, vẫn tiếp tục xuất hiện trong các dự án tên tuổi, mới nhất là phần ba của Học viện Umbrella.
Tuy nhiên, điều này rất khó xảy ra ở showbiz Trung Quốc. Nghệ sĩ nổi tiếng chịu rất nhiều định kiến, người chuyển giới ngoài đời thực càng khó khăn hơn.
Việc come out chưa bao giờ là dễ dàng ở quốc gia tỷ dân.
Tại Trung Quốc, không phải ai cũng có cơ hội “bước ra ánh sáng” như ngôi sao chuyển giới Jin Xing. Ảnh: SCMP.
“Họ nói tôi biến thái”
Jin Xing, cựu vũ công ballet, hiện là MC truyền hình, là một trong những nhân vật chuyển giới nổi tiếng nhất Trung Quốc. Cô nhận thức mình là phụ nữ từ khi 6 tuổi. Nữ MC đã phẫu thuật chuyển giới năm 1995, lúc đó cô 28 tuổi.
Jin từng là vũ công hàng đầu của Trung Quốc trước khi nổi tiếng với tư cách MC dí dỏm, thường lên tiếng châm biếm các vấn đề xã hội. Song, sự nổi tiếng không giúp người chuyển giới như Jin tránh khỏi sự kỳ thị.
Năm 2011, MC sinh năm 1967 – người từng được Hollywood Reporter gọi là Oprah Winfrey Trung Quốc – bị cấm làm giám khảo chương trình tìm kiếm tài năng trên kênh truyền hình Chiết Giang. Trên Weibo, cựu diễn viên múa cho biết lệnh cấm đến từ chính quyền tỉnh. Cô bị từ chối vì là người chuyển giới.
Tuy nhiên, nhà chức trách địa phương không công khai trả lời vấn đề này.
Nghệ sĩ chuyển giới ở Trung Quốc như Jin Xing vốn không thoát khỏi việc bị kỳ thị. Ảnh: SCMP.
Ở cấp độ cơ sở, cộng đồng người chuyển giới gặp khó khăn hơn nhiều. Những trở ngại họ phải đối mặt ngày một nhiều hơn. Họ cũng không đủ nổi tiếng hay tiếng nói, tiền bạc như MC Jin để chống lại điều đó.
“Bạo lực gia đình là vấn đề lớn nhất mà người chuyển giới đối mặt. Hầu hết bậc phụ huynh không chấp nhận con mình người chuyển giới”, giám đốc của China Sogie Youth Network, một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Bắc Kinh, nói với SCMP.
Năm 2017, báo cáo từ Trung tâm LGBT Bắc Kinh cho thấy có đến 1.634/1.640 người thừa nhận bị cha mẹ bạo hành sau khi tuyên bố xu hướng tính dục. Từ đánh đập, giam giữ, hạn chế tài chính, gửi đi trị “bệnh đồng tính” đủ cả. Thậm chí, có người còn bị đuổi khỏi nhà.
Ngoài xã hội, người chuyển giới thể hiện sự nữ tính thường xuyên đối mặt việc bị bắt nạt ở trường học, bị phân biệt lúc đi làm, không được đối xử bình đẳng về các vấn đề y tế, chính sách của chính phủ.
“Người chuyển giới rất khó xin việc. Tại Trung Quốc, họ chỉ có thể được phẫu thuật chuyển giới sau khi được bác sĩ chẩn đoán mắc chứng “rối loạn nhận dạng giới tính”. Sau phẫu thuật, họ được thay đổi giới tính trên giấy tờ, nhưng điều đó rất khó xảy ra, và không phải ai cũng đủ điều kiện để làm việc này”, giám đốc nói thêm.
Video đang HOT
Năm 2015, Chao Xiaomi, phụ nữ chuyển giới quyết lên tiếng mạnh mẽ vấn đề nhân quyền của người chuyển giới sau khi cô bị nhân viên trong trung tâm thương mại ở Bắc Kinh từ chối cho sử dụng nhà vệ sinh.
Chao kể lại lần đầu cô định vào toilet nam nhưng bị bảo vệ chặn lại vì mặc váy. Sau đó, cô vào phòng nữ nhưng bị nhân viên đòi xem giấy tờ tùy thân. Khi thấy trên giấy tờ Xiaomi vẫn là nam, cô bị người này gọi là “kẻ biến thái”.
Kể từ đó, Chao biết mình phải đứng lên để nói về quyền của LGBTQ . Năm 2016, cô xuất hiện trên Qipa Shuo – chương trình tranh luận nổi tiếng của Trung Quốc để nói lên tiếng nói vì người chuyển giới.
“Nhiều người trong cộng đồng cảm thấy lo lắng. Họ không thể chịu được áp lực tinh thần, trở nên trầm cảm và thậm chí chọn cách tự tử”, Chao nói với Post.
Xiaomi nói những người thuộc tầng lớp xã hội cao hơn như MC chuyển giới Jin Xing có thể chứng minh giá trị bản thân và không ai có thể dễ dàng hạ gục họ. Tuy nhiên, với nhiều người khác, họ phải giấu giới tính của mình trước công chúng để tránh những lời công kích ác ý.
Nỗ lực hòa nhập của người chuyển giới
Trước sự phân biệt đối xử, nhiều tổ chức phi chính phủ và nhà hoạt động nhân quyền thông qua các bài nghiên cứu để nêu bật những khó khăn mà cộng đồng phải đối mặt.
Trong quá khứ, ông C (người chuyển giới từ nữ sang nam) đã dám lên tiếng sống thật, đấu tranh vì quyền lợi của mình. Ông cũng là người chuyển giới đầu tiên ở Trung Quốc tham gia vào vụ án tranh chấp lao động.
Người chuyển giới chưa bao giờ có cuộc sống dễ dàng. Ảnh: Pinterest.
Năm 2015, C bị đuổi việc khỏi trung tâm sức khỏe Guiyang Ciming ở Tây Nam Trung Quốc. Trong đơn sa thải, công ty nói “việc C thích mặc trang phục nam không phù hợp với yêu cầu của công ty”.
C nhất quyết khiếu nại và kiện trung tâm ra tòa. Năm 2016, tòa án yêu cầu trung tâm bồi thường tài chính vì đã vi phạm luật lao động. Tuy nhiên, tòa bác bỏ chuyện C bị phân biệt đối xử.
Với nhiều người, kết quả có thể không hoàn toàn mỹ mãn. Tuy nhiên, chính những người như C đang từng bước đẩy lùi sự kỳ thị. Người chuyển giới cũng thành lập cộng đồng trực tuyến. Các thành viên gắn kết chặt chẽ, sẵn sàng cứu trợ nạn nhân của bạo lực gia đình.
Trong tuần đầu tiên của tháng 12, cộng đồng đã giúp đỡ nhiều nạn nhân, tiêu biểu là việc báo cảnh sát một cậu bé chuyển giới bị gia đình cưỡng ép, dùng áp lực đưa vào trại “chữa trị đồng tính”.
Điều này thường xuyên xảy ra.
Chao Xiaomi quyết lên tiếng vì cộng đồng người chuyển giới sau khi cô bị từ chối sử dụng nhà vệ sinh ở trung tâm thương mại. Ảnh: SCMP.
Huang Xiaodi, sống ở Giang Tô, vốn sinh ra là bé trai nhưng sớm nhận thức mình là nữ giới. Huang nói với tờ Post cô bị gia đình lừa đến trung tâm ở Trùng Khánh với mục đích “chữa bệnh” cho thanh thiếu niên chuyển giới. Cô kể lại việc sinh hoạt và học tập tại đây rất khắc nghiệt. Huang thường xuyên bị đánh đập và hai lần bỏ trốn bất thành.
Chao Xiaomi cho biết đã có nhiều nỗ lực để giúp đỡ người chuyển giới ở Trung Quốc như thiết lập đường dây nóng để đáp ứng các nhu cầu về y tế và tâm lý, hỗ trợ tài chính cho người gặp khó khăn.
Chao cũng nói thêm xã hội Trung Quốc vốn rất bảo thủ với vấn đề giới tính và xu hướng tính dục. Trong mắt người dị tính, những đối tượng thuộc cộng đồng LGBTQ , đặc biệt là người chuyển giới là điều bất thường. Họ thậm chí bị gọi là “đồ biến thái”, “kẻ quái dị”… Có người cho rằng đây là biểu hiện bệnh lý, người chuyển giới hoặc chọn điều trị, hoặc không thể hòa nhập xã hội.
“Sau tuyên bố của Elliot Page, chúng tôi so sánh tình hình hiện tại của xã hội Trung Quốc. Thế giới ấy quá khác biệt, ít nhất đối với người như tôi”, Xiaomi buồn bã nói.
Từ Ellen Page tới Elliot Page - hành trình được cả Hollywood ủng hộ
Trước khi tuyên bố là người chuyển giới và đổi sang tên mới Elliot Page, ngôi sao 33 tuổi được ghi nhận là ngôi sao thực lực với khả năng diễn xuất đa dạng.
Minh tinh thực lực, ngôi sao đa tài là những gì công chúng nhớ về Ellen Page. Song, từ ngày 1/12, người hâm mộ phải thay đổi cách gọi sau khi ngôi sao tuyên bố mình là người chuyển giới.
"Tôi muốn chia sẻ thông tin mình là người chuyển giới với cái tên mới là Elliot. Tôi biết ơn cuộc đời và trân quý những sự hỗ trợ và tình cảm của mọi người dành cho mình", Page phát biểu.
Từ đây, cái tên Ellen Page đầy nữ tính không còn nữa. Elliot Page sẽ tiếp tục chinh phục Hollywood bằng danh xưng "nam diễn viên". Là một ngôi sao thực lực, dù nhận thức mình ở giới tính nào, Page vẫn "sẽ đảm nhận tốt các vai diễn trong tương lai", như lời khẳng định của Nick Adams - Giám đốc truyền thông GLAAD.
Thực lực của Elliot Page
Năm 10 tuổi, Elliot Page đã xuất hiện trong bộ phim Pit Pony. Đây cũng là cú hích đầu đời giúp Page nhận được giải thưởng Nghệ sĩ trẻ tiềm năng của Young Artist Awards 2002.
Ba năm sau vai diễn đầu đời, anh có bước đột phá với vai diễn Hayley Stark - cô gái tự biến mình thành con mồi của một kẻ bị nghi là ấu dâm trong bộ phim gai góc Hard Candy (2005). Màn thể hiện đón nhận nhiều lời tán thưởng từ khán giả và giới phê bình. USA Today khen ngợi Page "có diễn xuất phức tạp và ám ảnh bậc nhất năm".
Bước sang tuổi 19, Elliot Page xuất hiện trong bom tấn X-Men: The Last Stand (2006). Vai diễn dị nhân Kitty Pryde đánh dấu bước chuyển mới trong sự nghiệp của Page, dù rằng đây không phải là bộ phim xuất sắc trong chuỗi thương hiệu bom tấn.
Nửa sau thập niên 2000, Elliot Page liên tục có những vai diễn gây chú ý, đặc biệt là trong Juno.
"Sớm nở tối tàn" luôn là nỗi lo của người hâm mộ dành cho những tài năng trẻ ở Hollywood. Song, điều đó không xảy ra với Elliot Page. Năm 2007, Juno là minh chứng cho điều đó.
Sau khi công chiếu, Juno gây tiếng vang lớn với điểm nhấn là diễn xuất của Page. Cây bút A.O. Scott của The New York Times gọi nam diễn viên là "tài năng đáng kinh ngạc". Nhà phê bình quá cố Roger Ebert cũng tán dương Page rằng: "Năm nay, liệu có ai diễn tốt hơn Ellen Page trong Juno không? Tôi nghĩ là không?".
Vai diễn cô gái tuổi teen bỗng nhiên bụng mang dạ chửa đem về cho Page cơn mưa đề cử Nữ diễn viên chính xuất sắc tại Oscar, BAFTA, Quả cầu vàng và SAG. Quả là có một chút đáng tiếc khi Page năm ấy ba lần chịu thua Marion Cotillard với La Vie en Rose.
Như một định mệnh, hai cái tên đáng gờm trong mùa giải thưởng điện ảnh 2007-08 cùng góp mặt ở Inception (2010). Elliot Page cùng Marion Cotillard được đạo diễn Christopher Nolan lựa chọn cho bom tấn giả tưởng ăn khách và khiến khán giả không ngừng tranh luận dù đã ra mắt một thập kỷ.
Elliot Page và Marion Cotillard tại một sự kiện quảng bá bộ phim Inception. Ảnh: Getty.
Elliot Page còn sở hữu cái duyên với dòng phim siêu anh hùng. Anh sau này trở lại X-Men: Days of Future Past (2014) - tác phẩm đỉnh cao của loạt tác phẩm dị nhân do Fox sản xuất - qua vai Kitty Pryde.
Song, Page đồng thời còn góp mặt ở Super (2010). Đó là bộ phim siêu anh hùng độc lập quái dị, máu me và góp phần nâng cao tên tuổi đạo diễn James Gunn - người sau này gắn bó với loạt Guardians of the Galaxy đình đám của Marvel Studios.
Khi dịch vụ chiếu phim trực tuyến Netflix phát triển, Elliot Page tiếp tục ghi điểm qua Tallulah và một tác phẩm nữa thuộc dòng siêu anh hùng - The Umbrella Academy.
The Umbrella Academy đã trải qua hai mùa, giúp Page tiếp tục khẳng định tài năng diễn xuất. Theo Variety, sau khi tuyên bố là người chuyển giới, nam diễn viên sẽ tiếp tục xuất hiện trong mùa ba của series qua vai Vanya Hargreeves - cô gái có thể tạo nên địa chấn tâm linh thông qua sóng âm. Theo đó, nhân vật có thể hạ gục đối phương chỉ bằng một nốt nhạc violin.
Mối tình định mệnh với Emma Portner
Trước khi nhận mình là người chuyển giới, Elliot Page vẫn nghĩ rằng bản thân là đồng tính nữ. Đây là hai khái niệm khác nhau. Chuyển giới thuộc về vấn đề bản dạng giới, trong khi đồng tính nữ lại thuộc về phạm trù xu hướng tính dục.
Dù trước hay sau khi trở thành người chuyển giới, Page vẫn được ngưỡng mộ bởi chuyện tình đẹp với người bạn đời hiện tại: biên đạo múa Emma Portner.
Ngôi sao 33 tuổi có cuộc sống hạnh phúc bên bạn đời Emma Portner.
"Portner đang xoay người theo điệu nhạc electro-pop của Sylvan Esso. Đôi mắt to màu xanh lục, cơ thể đung đưa quyến rũ trong bộ trang phục thể thao. Giây phút nhìn thấy cô ấy, tôi đã nghĩ chúng tôi thuộc về nhau", Elliot Page có lần chia sẻ với The New York Times.
Elliot Page khẳng định anh và người vợ kém bảy tuổi rất hòa hợp, bởi cả hai đều là người theo đuổi nghệ thuật. Đó là câu chuyện của mùa xuân năm 2017.
Hai người sau đó đã kết hôn và dọn về sống chung tại ngôi nhà theo kiểu trang trại nhìn ra Hollywood Hills hồi 2018.
Sau khi về một nhà, hai ngôi sao hợp tác chung trong công việc. Những ngày rảnh rỗi, họ dành thời gian đi dạo, cùng chơi khúc côn cầu. "Chúng tôi đều là người Canada và yêu thích bộ môn này", Page tiết lộ.
Biên đạo múa Emma Portner lại cho rằng tình yêu của cô với Elliot Page là định mệnh.
"Năm 12 tuổi, tôi đã xem phim của Ellen Page (lúc đó chưa tuyên bố đổi tên). Tôi nhớ người bạn đã nói tôi trông rất giống Ellen. Tôi luôn nghĩ ngày nào đó sẽ gặp gỡ và hẹn hò với cô ấy, không bằng cách này cũng bằng cách khác. Bây giờ thì sao? Chúng tôi đã ở đây bên nhau rồi", Portner nói.
Người sống vì cộng đồng
Trước khi công khai là người thuộc cộng đồng LGBTQ , Elliot Page nhiều năm theo đuổi lối sống thuần chay, thiền định và yoga. Anh và tài tử Jared Leto từng được tạp chí Time bình chọn là Người ăn chay gợi cảm nhất thế giới vào năm 2014.
Cũng trong năm đó, Page công khai mình là người đồng tính tại hội nghị Time to Thrive diễn ra tại Las Vegas, Mỹ.
Elliot Page là ngôi sao truyền cảm hứng cho cộng đồng LGBTQ .
"Tôi có mặt ở đây vì tôi là người đồng tính. Tôi khác biệt và mong muốn giúp đỡ người khác có được cuộc sống thoải mái hơn", ngôi sao phát biểu trên sân khấu.
Sau khi tuyên bố thuộc cộng đồng LGBTQ , Elliot Page luôn dùng tiếng nói của người nổi tiếng để ủng hộ quyền của cộng đồng. Việc come out (thuật ngữ tuyên bố việc công khai xu hướng tính dục) của Page cũng truyền cảm hứng cho nhiều người khác.
Hiện tại, sau khi công bố là người chuyển giới, Elliot Page nhận không ít lời khen ngợi về việc dám sống thật với bản thân. Trên trang cá nhân, bạn đời Emma Portner cho rằng cô rất tự hào vì Page đã nói lên con người thật của mình.
Trang IMDb ngầm ủng hộ ngôi sao tài năng bằng cách thay đổi toàn bộ thông tin và công nhận Elliot Page là nam diễn viên. Netflix cũng có bài đăng chúc mừng anh trên Twitter: "Thật tự hào về siêu anh hùng của chúng tôi. Elliot, chúng tôi yêu bạn!".
Elliot Page: Hành trình lột xác từ "gái teen chửa hoang" tới mỹ nữ Inception và đại diện cho LGBT tại Hollywood Mọi người đã biết đến Ellen Page đình đám của Inception, nhưng từ giờ hãy gọi anh ấy là Elliot Page. Hồi tối ngày 1/12 (giờ Mỹ), ngôi sao Hollywood Elliot Page (tên cũ là Ellen Page) đã chính thức công khai bản thân là người chuyển giới nam. Trước đó vào hồi năm 2014, anh đã từng come out là người đồng...