Người chồng khốn khổ bị cả nhà vợ cắm sừng
Trước khi cưới, Hằng nói với tôi, tôi có thể làm bất cứ chuyện gì với cô, cô cũng sẽ không oán giận nhưng có điều, tôi phải hứa rằng sẽ không bao giờ phản bội cô. 8 năm sau cưới, tôi vẫn giữ nguyên lời hứa ấy nhưng Hằng thì không. Cô biến tôi thành một gã chồng bị cắm sừng và cô công khai điều đó với tất cả mọi người…
Khi ngồi viết những dòng này, tôi thấy mình mới tội nghiệp và đáng thương hại làm sao. Đêm nay, chỉ có con trai ở nhà với tôi. Cháu đang ngủ. Còn vợ tôi, có lẽ cô đang tung tăng ở một bãi biển nào đó với tình nhân của mình.
Cô như người ở trọ trong ngôi nhà này, ở khi muốn và đi khi nổi hứng. Tôi không biết Hằng có nhân tình từ bao giờ nhưng biết sớm hay muộn, điều đó cũng không có ý nghĩa gì bởi xét cho cùng thì tôi vẫn là gã chồng bị phản bội.
Hàng xóm xì xào về điều đó. Họ nhìn tôi với ánh mắt cảm thông kèm theo sự thương hại, có người hỏi sao tôi không bỏ vợ đi cho xong, ở đời thiếu gì đàn bà mà tôi cứ phải gắn mãi đời mình với Hằng.
Thế nhưng để rời xa một người mình hằng yêu thương không phải là điều dễ dàng và nhất là, tôi không muốn con trai 4 tuổi của mình phải sống trong một gia đình có bố mà không có mẹ hoặc ngược lại.
Tôi và Hằng là đồng nghiệp của nhau. Chúng tôi yêu nhau khi cả hai đã trưởng thành và tất nhiên, ngay từ khi bắt đầu, tôi đã xác định đây là một mối quan hệ nghiêm túc, chúng tôi yêu nhau để tiến tới hôn nhân chứ không phải yêu chỉ để yêu như thời còn trẻ nữa.
Cuộc sống như thế này đến bao giờ mới kết thúc và liệu, nhắm mắt làm ngơ cho vợ ngoại tình, để chăm lo cho con trai có phải là quyết định đúng đắn của tôi hay nó chỉ khiến cho đời tôi càng thêm khốn khổ?
Tình yêu của những người đã lớn không có nhiều sự lãng mạn, giận hờn vu vơ nhưng nó êm đềm và vững chắc. Đám cưới của Hằng và tôi được tổ chức sau 2 năm yêu nhau. Mẹ lúc nào cũng dặn tôi không được quá chiều vợ, nhất là thi thoảng cũng phải biết nóng giận để vợ nể bởi tôi vấn rất hiền.
Mẹ bảo: “Không biết dạy vợ thì có nó trèo lên đầu lên cổ”. Khi nghe những lời ấy, tôi chỉ cười cho qua chuyện. Tôi cứ nghĩ vợ mình, mình chiều thì có gì là sao. Hơn nữa, tôi cũng tin rằng, Hằng sẽ là một người vợ tốt, cô sẽ biết giới hạn của những chiều chuộng và không bao giờ đẩy tôi xuống vị trí làm vợ trong tổ ấm nhỏ của chúng tôi.
Tôi luôn thấy hạnh phúc với gia đình của mình, nhất là khi vợ tôi sinh con. Sự xuất hiện của con trai trong cuộc đời tôi giống hệt như một điều kì diệu. Tôi mừng vui, hớn hở với vai trò mới. Thế nhưng có lẽ chỉ mình tôi cảm thấy thế.
Cho tới bây giờ tôi vẫn không thể hiểu nổi vì sao Hằng lại ngoại tình. Tôi không hề đối xử tệ bạc với cô, tôi rất yêu cô và gia đình của chúng tôi rất hạnh phúc. Tôi cũng chẳng hề thấy biểu hiện lạ nào từ vợ mình cho đến khi tận mắt thấy cô đi vào nhà nghỉ với một người đàn ông khác.
Video đang HOT
Khi tôi hỏi, Hằng không ngần ngại thừa nhận chuyện mình có bồ. Cô nói, cuộc sống với tôi quá nhàm chán còn nhân tình giúp cô vui vẻ và luôn cảm thấy tràn trề sức sống. Trình bày xong những suy nghĩ của mình, Hằng điềm nhiên đi ngủ như không có chuyện gì xảy ra.
Trước khi nằm xuống gối, cô còn nói: “Anh đừng nghĩ đến chuyện bảo em chia tay người kia nhé”. Tôi không quát mắng vợ, cũng không động tay chân với cô bởi tôi luôn nghĩ làm thằng đàn ông mà như vậy thì hèn quá nhưng quả thật lúc đó tôi chỉ muốn cãi nhau với Hằng một trận thật lớn, để giải tỏa hết những khúc mắc trong lòng mình.
Sau buổi tối hôm đó, tôi cố tỏ ra như không có chuyện gì. Tôi chú ý để tâm chăm sóc vợ nhiều hơn vì nếu cô đã đi ngoại tình thì lỗi không phải hoàn toàn từ cô mà chắc chắn có một phần xuất phát từ tôi. Tôi cố gắng thay đổi mong Hằng sẽ nghĩ lại và trở về với gia đình này.
Nhưng đó chỉ là những mong muốn xuẩn ngốc của tôi bởi Hằng công khai ngoại tình, cô đưa cả nhân tình về giới thiệu cho bố mẹ và anh chị em của mình. Nhà ngoại không trở thành đồng minh của tôi trong chuyện này mà họ đứng về phía Hằng.
Tất cả đều quý Lâm, nhân tình của vợ tôi. Câu chuyện ngược đời này mới nực cười làm sao. Có những lần vợ chồng tôi và con trai về nhà ngoại ăn cơm, vợ tôi gọi cả nhân tình đến. Khi ấy, tôi sẽ trở thành kẻ ngoài cuộc, cứ hệt như tôi chẳng có mối liên hệ nào với gia đình nhà vợ vậy.
Mọi người nói cười, trò chuyện với Lâm còn tôi như vô hình. Tôi có bỏ bữa cơm về giữa chừng cũng không ai giữ lại. Chỉ có một cô em vợ xem chừng còn thông cảm với tôi. Nhưng trước mặt cả nhà, cô cũng không dám tỏ thái độ gì. Thi thoảng, cô hẹn tôi đi uống cà phê rồi kể chuyện.
Cô kể: “Anh Lâm về nhà em suốt. Lần nào đến cũng ê chề quà cáp. Anh ấy ăn nói cũng khéo nên bố mẹ em rất thích. Mẹ bảo chị bỏ anh để lấy anh Lâm nhưng chị nói anh Lâm không định lấy chị mà chị cũng không định bỏ chồng, bỏ con”.
Thi thoảng, Lâm còn đến cả nhà tôi để đón con trai tôi đi học vì “Hằng nhờ tôi như thế”. Vì đã công khai ngoại tình nên vợ tôi ra về thất thường hơn. Cô không phải nghĩ ra những lời nói dối để bào chữa cho việc đi sớm về muộn của mình nữa. Cô cũng không phải bịa ra với tôi những chuyến công tác đột xuất để qua đêm ở ngoài với nhân tình.
Mẹ tôi biết chuyện. Bà đến nhà tôi gặp Hằng và sang cả nhà ngoại làm ầm ĩ lên nhưng rồi sự ầm ĩ cũng không mang lại tác dụng gì vì nhà ngoại đổ hết lỗi cho tôi. Mẹ vợ nói tôi không tốt nên Hằng dĩ nhiên phải tìm chốn dựa khác.
Mẹ nói tôi làm đơn li hôn ngay lập tức nếu không mẹ sẽ từ tôi. “Mày có thể sống được khi biết vợ mình như thế nhưng mẹ thì không. Mẹ không sống trong nỗi nhục có con trai bị cả nhà vợ cắm sừng được. Có hiểu không hả con?”- Mẹ tôi giận dữ nói trước khi bà ra về.
Lâm dường như đã trở thành một thành viên trong gia đình nhà ngoại. Anh ta có mặt trong mọi bữa cơm quan trọng, những đám cưới của anh chị em họ, đám tang hay đám giỗ. Mọi người đối xử với Lâm rất thân thiết và vui vẻ.
Tôi vẫn là người vô hình trong ngôi nhà này. Tôi làm đơn li hôn nhưng Hằng không kí. Cô nói, sẽ hạn chế đưa Lâm về nhà để tôi đỡ khó chịu còn chuyện li hôn, cô không đồng ý. Mặc những điều Hằng muốn, tôi thuê nhà, bế con ra ở riêng.
Nhưng chỉ được một tháng, tôi lại bế con về vì thằng bé không chịu xa mẹ. Nó cứ khóc suốt và không chịu ăn uống gì. Tôi để con cho Hằng chăm sóc rồi ở nhà thuê một mình. Vắng tôi, con trai cũng không chịu ăn.
Hằng nói, tôi có thương con thì về nhà cho con có cả bố, cả mẹ. Lúc nghe câu ấy từ cô, tôi bỗng nhiên cảm thấy có khi nào, cô sẽ từ bỏ chuyện bồ bịch kia để toàn tâm toàn ý với gia đình này. Nhưng đó chỉ là những ước mong hão huyền của tôi.
Hằng vẫn qua lại với Lâm có điều vẫn tần suất giảm đi. Mẹ tôi ngày nào cũng gọi điện giục tôi nhanh li hôn, bà đã tìm cho tôi đám khác rất tốt chỉ cần tôi đồng ý là bà sẽ chuẩn bị đám cưới luôn. Tôi hiểu mẹ lo cho tôi, bà không muốn tôi sống quá lâu trong bi kịch của mình.
Sau những chuyện đã xảy ra, tôi không còn cảm thấy yêu thương Hằng nữa. Chúng tôi giờ gắn lại với nhau chỉ bởi con trai. Thằng bé còn nhỏ nhưng có vẻ như nó đã hiểu chuyện.
Hễ vắng bố hoặc mẹ trong nhà là con trai sẽ hỏi rối rít xem bố mẹ của con đi đâu và chỉ yên tâm khi nghe được lời hứa trong điện thoại rằng bố hoặc mẹ sẽ về khi xong việc.
Hạnh phúc đã là hai từ biến mất trong khái niệm của tôi. Gia đình của tôi giờ chỉ còn lại vỏ bọc ở bên ngoài còn phần trong đã hỏng hết. Tôi biết, dù có cố gắng, chúng tôi sẽ không bao giờ trở lại được như ngày xưa.
Cuộc sống như thế này đến bao giờ mới kết thúc và liệu chọn cách ở lại, nhắm mắt làm ngơ cho vợ ngoại tình, để chăm lo cho con trai có phải là quyết định đúng đắn của tôi hay nó chỉ khiến cho đời tôi càng thêm khốn khổ?
Theo Bưu Điện Việt Nam
Lời hứa còn chông chênh
Mỗi lời hứa thật sự đều đáng trân trọng, dù nó được thực hiện hay không.
Độc Nhạn
Em từng hỏi ta: "Người ta hứa để làm gì khi lời hứa rồi lại như gió thoảng mây bay?". Ta chưa trả lời em. Ngay bây giờ, ta chỉ kể cho em nghe những câu chuyện từ chính cuộc đời ta hay từ câu chuyện vay mượn của ai khác thôi, em nhé!
Ngày còn bé, ta thường bị phạt vì tội nghịch ngợm, khi thì vặt cây nhà hàng xóm, khi thì chơi cá ngựa ở nhà bạn quên cả giờ về, khi thì moi lợn kiếm tiền chơi điện tử... ta bị "ăn" nhiều con lươn và bao giờ miệng ta cũng lải nhải: "Con xin hứa từ sau không thế nữa". Lời hứa của ta tiếp diễn "n" lần mà số lần thực hiện chắc là 1/2 hay 1/3 "n" lần đó thôi. Ngày còn bé, ta không thấy lời hứa của mình có trọng lượng, ta chỉ thấy hứa rồi sẽ được tha tội nghịch ngợm. Ta vẫn thường được nhắc nhở, đã hứa rồi thì làm theo đi nhưng tâm hồn con trẻ lại khiến cho lời hứa của ta treo vào cành cây và bay đi với gió. Ta hứa như một thói quen.
Người lớn vẫn hay dạy ta, hứa phải giữ lời và để ta làm được điều như lời dạy đó, người lớn phải làm gương cho ta. Lời hứa của ta, ta không nhớ nhưng lại nhớ rất kỹ những gì người lớn từng hứa. Chuyện từ ngày nảo ngày nào, người lớn chả biết, ta lại nhớ như in và bắt thực hiện cho bằng được. Sợ người lớn nuốt lời, ta còn ghi lại lời hứa như những tấm vé đa năng cho mình. Người lớn ký tên vào lời hứa là tấm vé ấy khắc có giá trị, chỉ cần thế thôi, ta đã có những ngày ăn kem sung sướng trong mùa hè nóng nực, chỉ cần thế thôi, ta đã được đi công viên, đi dạo phố. Nếu như người lớn không thực hiện lời hứa của mình, có lẽ là người lớn quên, chứ không phải cố tình không giữ trọn lời hứa. Lời hứa ngày bé với ta là như thế.
Lớn dần lên, ta hiểu hơn về chữ lời hứa. Đành rằng lời hứa cũng chỉ là lời nói như em từng nói với ta nhưng bản thân ta biết rằng lời hứa là lời nói có ghim thêm phần trách nhiệm, là lời nói mà người nói ra không cần giấy bút cũng nên ghi nhớ cho mình. Thực hiện lời hứa không phải chỉ cho người được nhận nó mà còn cho người đã hứa.
Em vẫn hỏi ta: "Tại sao người ta hứa lại không làm?". Có lẽ ta cũng đã đôi lần, hứa mà không làm. Chẳng phải bao biện nhưng ta biết bên cạnh lời hứa còn nhiều điều khác nữa mà em chưa hề nghĩ tới, em bỏ qua những điều ấy và tập trung duy nhất vào một điều: "Hứa thì phải làm đi". Em hãy tự mình suy nghĩ xem, đã bao giờ em hứa với người khác mà chưa làm được và lý do là tại sao? Với ta, lời hứa cũng ở những giai đoạn khác nhau. Có những lời hứa chưa từng được hứa, đã được hứa nhưng không nhớ để làm, không muốn làm, lời hứa được hứa nhưng chưa thể xảy ra hay không thể thực hiện. Có rắc rối quá không em?
Những lời hứa chưa từng được hứa đến với những người coi lời hứa là công cụ, là lời nói để xong chuyện em ạ! Khi thơ bé, ta cũng như vậy đấy thôi. Những lời hứa chưa từng được hứa khiến cho giá trị của lời hứa càng ngày càng thấp đi, dần dà người ta không tin vào lời hứa nữa khi chúng không được thực hiện. Cũng có những người coi trọng lời hứa của mình nhưng người ta vẫn không thực hiện với em vì người ta bỏ quên lời hứa ở đâu đó trong quá khứ, trong hiện tại, khi người ta đang mải mê vật lộn với cuộc sống này.
Em à, nếu em còn nhớ và thấy những lời hứa ấy quá quan trọng, hãy nhắc người ấy để người ta thực hiện với em. Có lẽ sau này lớn hơn nữa, em sẽ thông cảm, vì sao lời hứa bị lãng quên. Còn như ta bây giờ, ta đã phải ghi lời hứa vào cuốn sổ tay rồi đó dù rằng ta không có nhiều lời hứa đến mức quên đi như thế.
Một ngày nào đó, một người yêu một người và hứa rằng "sẽ yêu người ấy mãi mãi, không để nước mắt người ấy rơi". Nhưng em ơi, đó là lời hứa của những người đang yêu, rồi khi tình yêu hết hay như ta vẫn nói đùa rằng "tình yêu không mất đi, chỉ chuyển từ người này qua người khác mà thôi", có khi nào người ta tự hỏi mình, mãi mãi là bao lâu? Vậy là lời hứa gắn với chữ "mãi mãi" chẳng bao giờ muốn thực hiện nữa. Hoặc giả, em và một ai đó mới tan vỡ, lời hứa em nói ra vẫn còn nhớ nhưng em có đảm bảo rằng em vẫn muốn thực hiện nó không? Vì làm rồi, tim lại đau. Lời hứa đôi khi được nói ra mà lại không muốn thực hiện là như thế em à.
Ta đã quen rất nhiều người, học tập và làm việc trên thành phố này, hứa về thăm gia đình thường xuyên, nhưng lời hứa với gia đình vẫn còn bỏ ngỏ. Chẳng phải vì không nhớ nhà, vì hứa ra rồi lại quên, chỉ vì họ miệt mài học tập, kiếm sống để mang đến một tương lai tốt đẹp hơn cho mình và gia đình mà thôi. Đó là những lời hứa chưa thể thực hiện được một cách tròn vẹn. Vẫn là trở về với gia đình nhưng chưa phải ngay lúc hứa.
Và em à, ta vẫn còn nhớ nhiều người chiến đấu cho tổ quốc mình, một đi không trở lại. Lời hứa của họ khi rời gia đình vào quân ngũ đã nằm lại nơi chiến trường, mãi mãi không thực hiện được. Lời hứa của một người cha, người mẹ bị bệnh, hứa với con sống tới ngày có cháu bế, dù cố hết sức cũng không thực hiện được. Vì rằng lời hứa còn chông chênh, người ta cố sống cho tới lúc lời hứa được hoàn thành mà thôi. Hay một lời hứa của những em nhỏ hiểm nghèo, cố kiên cường để không rơi nước mắt vì đau, vì tủi thân, đêm về nước nơi khóe mắt vẫn vòng quanh, nước mắt em nhỏ cứ rơi ra, em không ngăn được, không phải vì em không giữ lời hứa của mình.
Là thế đó em à, mỗi lời hứa thật sự đều đáng trân trọng, dù nó được thực hiện hay không. Lời hứa tượng trưng cho lòng tin, cho trách nhiệm, cho cả tình yêu thương nữa em à. Người ta hứa để làm gì, em hãy tìm cho mình một câu trả lời của riêng em, ta chỉ dành tặng em câu danh ngôn ta vẫn lấy làm phương châm sống cho mình: "Không hứa bậy nên mình không phụ ai, không tin bừa nên không ai phụ mình". "Hứa" nếu như em thấy điều đó là cần thiết và em sẽ cố gắng để làm được.
Theo Bưu Điện Việt Nam
Tôi đã mất em rồi "Em đã chai sạn mất rồi, những lời hứa của anh không còn ý nghĩa gì với em nữa". Câu nói ấy cứ mãi ám ảnh trong đầu tôi... Có lẽ từ lâu, tôi đã làm em thất vọng. Đã nhiều lần đi bão đêm với đám bạn, tôi dối em. Nhiều lần cá độ bóng đá, tôi cũng dối em. Em biết...