Người chồng 7 năm ôm xác vợ kể chuyện được mời sang Mỹ phỏng vấn
Hơn 50 năm chẳng mấy khi đi quá lũy tre làng, người đàn ông nghèo khó đột ngột được mời bay nửa vòng trái đất để kể cho cả thế giới nghe chuyện tình “7 năm ôm xác vợ”.
Ông Vân bên người vợ quá cố của mình
Đổi lại, ông được tài trợ toàn bộ chi phí ăn ở, du lịch. Trở về sau khi hoàn thành chuyến du lịch kéo dài gần 1 tháng, người đàn ông “7 năm ôm xác vợ” đã chia sẻ với PV chi tiết chuyến đi thú vị này, cùng những bí mật về việc cất giấu thi thể người vợ quá cố.
Lời đề nghị bất ngờ
Video đang HOT
Nhiều năm qua, sự việc ông Lê Vân (59 tuổi, trú Cây Cốc, Thăng Bình, Quảng Nam) vẫn ngày ngày “chăm sóc” cho người vợ đã chết của mình dưới hình dạng một hình nhân, bên trong là xương cốt thật đã khiến dư luận xôn xao, truyền thông tốn không ít giấy mực. Nhiều tờ báo đã đưa ra những thông tin đa chiều về sự việc này khiến độc giả khắp nơi không khỏi kinh ngạc, thậm chí đặt nghi vấn ông Vân bị “thần kinh”?. Với người việt ở Mỹ, sự việc này như một điều kỳ lạ về con người, về thân phận và tình yêu vô cùng đặc biệt của một người đàn ông nghèo khổ.
Trò chuyện với chúng tôi tại căn nhà nhỏ mấy chục năm qua đã in dấu bao kỷ niệm tuyệt vời của mình với người vợ quá cố, ông Lê Vân chẳng ngại ngần chia sẻ những câu chuyện rất ít người biết tới. Đó là việc ông được mời đi Mỹ để kể chuyện tình yêu: “Thú thật, tôi không muốn liên quan tới báo chí nữa. Bao nhiêu năm qua, người ta đã viết quá nhiều về tôi, cuộc sống của tôi cũng bị ảnh hưởng không ít vì những bài báo đó. Tôi là người hiểu chuyện nên cũng chẳng trách ai. Chỉ có điều, tôi sợ người vợ quá cố của tôi buồn lòng nơi suối vàng mà thôi!”, ông Vân bộc bạch như thế khi tôi khơi gợi câu chuyện của ông.
Sự kiện ông được mời đi nước ngoài rất ít được mọi người biết tới, vì người dân nơi đây đối với ông dẫu sao vẫn có một khoảng cách. Đã từng có thời, người ta đồn đại rằng ông bị “thần kinh” nên mới làm những việc khác người như thế. Họ nói gì, họ đối xử thế nào thì với ông đó cũng không hẳn là điều quan trọng. Thế nên việc một đoàn khách nước ngoài đến nhà ông, trò chuyện với ông rồi ít ngày sau đó ông vắng mặt tại địa phương này thì cũng chẳng mấy ai để ý tới. Ông Vân bảo rằng, những người dân ở đây đã không còn soi mói hành tung, cũng như việc làm của ông nữa kể từ sau thời đỉnh điểm của sự việc. Bởi dẫu sao thời gian gần đây, ông đã hòa nhập lại cuộc sống bình thường, ngày ngày làm lụng nuôi con, nuôi cháu ngoại như một lão nông tri điền thực thụ.
Nói đến chuyện được mời đi nước ngoài, ông Vân hào hứng kể: “Tôi có biết họ là ai đâu? Một hôm tôi đang ở nhà thì có người gọi điện thoại hẹn sẽ qua thăm. Sau này tới, tôi mới biết đó là người nước ngoài, có một cô phiên dịch đến nói chuyện với tôi, rồi họ quay phim, chụp ảnh và đưa tiền, mua cho tôi cả quần áo sang trọng, mua gạo, mua sữa và nhiều thứ khác nữa. Rồi ít hôm sau họ điện thoại bảo mời tôi đi Mỹ”, ông Vân hồn nhiên kể lại. Mặc dù thời trai trẻ, ông cũng đã ngược xuôi lên rừng xuống biển, vào cả Tây nguyên để làm việc nhưng chuyện đi nước ngoài thì quả thật chưa bao giờ tưởng tượng. Tôi hỏi “người ta mời ông qua đó làm gì?”, ông Vân cười hiền hậu: “Con người thì ai cũng có trí tò mò, dù là người nước nào cũng vậy. Chuyện của tôi đầy khắp trên các mặt báo rồi, họ đọc được nên thấy lạ lùng quá. Họ muốn được gặp nhân vật chính bằng xương bằng thịt, muốn được nghe kể từ chính người trong cuộc về câu chuyện tình yêu quá đỗi lạ kỳ. Thế thôi, chuyện của tôi thì tôi kể, kể những điều gì đã làm, kể những điều gì tôi nghĩ, kể về tình yêu của tôi và vợ, cùng những tháng ngày hạnh phúc của hai vợ chồng, cũng như những ngày tôi lặn lội đêm hôm khuya khoắt đưa bà ấy về, cả những dị nghị dèm pha từ xung quanh nữa…!”.
Trong cuộc trò chuyện, ông kể: “Sau này tôi mới biết, chính kiều bào hải ngoại đã góp tiền mời tôi qua xứ Cờ hoa”. Tôi hỏi ông đi những đâu, ông lặng đi không nói. Có lẽ, ông đang nhớ lại những tháng ngày ngao du trên đất khách, kể chuyện tình yêu cho những người muốn nghe bằng sự đồng cảm chứ không phải tìm cách dèm pha, bới móc. Trước kiều bào, ông kể: “Mối tình của tôi rất đặc biệt. Thuở ban đầu, tôi và vợ là bà Phạm Thị Sương không hề yêu nhau. Nghe đến đây, nhiều kiều bào ta quay lại hỏi: “Vậy làm sao giữa hai người lại nảy sinh tình yêu bất diệt như thế?”. Tôi cũng thành thật kể lại rằng đó cũng là duyên phận hay đó chính là cái duyên tiền định từ kiếp trước vậy”. Ông kể với mọi người rằng, trước khi lấy bà Sương đã từng nặng lòng với người con gái khác. Cha mẹ ông và cha mẹ bà Sương là hàng xóm rất thân thiết, hai bên gia đình đã hứa gả con cho nhau từ nhỏ nên ông cũng thuận theo. Sau khi về sống chung, tình yêu của hai người mới nảy sinh một cách đầy bất ngờ.
Ông Vân là thợ mộc có tiếng trong vùng, vì thế lúc đó vợ chồng ông làm nghề rất khá giả, nhờ vậy có tiền cất một ngôi nhà khang trang cạnh sân vận động. Hàng ngày, ông không để vợ làm việc gì nặng ngoài chuyện chăm sóc nhà cửa và con cái. Hai người có với nhau 7 mặt con. Sau này cuộc sống khó khăn, ông đành phải bán ngôi nhà đang ở, xây căn khác nhỏ hơn và bỏ nghề mộc để đi chẻ đá xanh bán, làm nhang bán. Ông tâm sự, khi kể những câu chuyện ấy với mọi người, ai cũng lặng người để nghe vì đặc biệt quá. Đặc biệt từ việc hai người đến với nhau bởi sự hứa hôn tới việc ông chăm vợ những lúc ốm đau; rồi cả chuyện ông lặng lẽ bên mộ vợ hàng đêm trước khi quyết định đưa vợ về nhà để hai người được gần bên nhau. Hàng ngày, ông vẫn đều đều ghé lại những tiệm bán phấn son rồi mua về cho vợ như lúc bà còn sống, hay âm thầm chải tóc, thay quần áo cho vợ mỗi ngày là cả một câu chuyện dài gần hết đời người. Khi vợ ông mất, mấy đứa con còn quá nhỏ. Ngày ngày, ông vẫn tìm cách để những đứa con quá nhỏ của mình nhớ về mẹ chúng.
Đêm đêm, trước khi đi ngủ, ông Vân nằm bên các con và kể những câu chuyện về mẹ chúng. Ông đã dựng lên trong tâm hồn chúng hình ảnh đẹp và nhân hậu của một người mẹ, với mái tóc dài như suối, nụ cười như hoa, có giọng nói ngọt ngào và dịu dàng, có đôi mắt đen thăm thẳm và nhân hậu. Bà Sương là một người phụ nữ thương yêu con hết mực và luôn luôn giúp đỡ người khác. Điều đó làm những người nghe chuyện của ông vô cùng khâm phục. “Vợ mình thì mình phải có trách nhiệm làm đẹp chứ. Nhìn xem, “vợ” tôi bây giờ có khác gì mấy cô hoa hậu, người mẫu nổi tiếng không, thậm chí còn đẹp nghiêng thành so với nàng Kiều của Nguyễn Du nữa chứ”, ông chỉ vào hình nhân và cười nói với tôi.
Tôi nhìn “bà” Sương, dù bây giờ đang hiện hữu trước mặt tôi là một tượng thạch cao được trang điểm kỹ lưỡng, được mặc những bộ quần áo đẹp nhất mà thấy vui cho bà, vì dẫu mọi chuyện ra sao đi nữa, có lẽ bà vẫn là người vợ hạnh phúc nhất đời. Còn ông khi trò chuyện, trên môi luôn nở nụ cười mãn nguyện: “Tôi muốn đưa bà ấy đi cùng vì cả cuộc đời bà ấy chưa ra khỏi lũy tre làng, chưa được đi đến đâu cả. Nhưng anh nghĩ làm sao đưa lên xe đi, làm sao đưa lên máy bay hay tàu thủy được”, ông cười nụ cười đầy tiếc nuối.
Căn nhà hiện tại ông Vân đang ở cùng con trai
Không phải lần đầu có duyên với người Tây
Đang trò chuyện, ông chợt vỗ tay lên trán rồi bảo rằng ông còn được lên truyền hình Đồng Tháp, thậm chí truyền hình Hàn Quốc cũng đã nói về câu chuyện của ông. Ông vui vẻ kể lại chuyện đài truyền hình Hàn Quốc sang quay phim: “Cách đây gần một năm, tôi đang đi bán hương thì đứa con trai út đột ngột điện thoại về báo có rất đông người đi xe ô tô đến hỏi tôi. Nó bảo thấy toàn người nước ngoài vì nói tiếng lạ lắm. Tôi biết chắc lại có ai đến tìm nên chạy xe máy về. Đến nơi, tôi thấy họ đang quay phim ngôi nhà, quay phim vợ tôi. Lúc ấy, một người nói tiếng Việt không sõi lắm nhưng vẫn nghe được ra nói chuyện với tôi. Họ bảo họ là đoàn làm phim tài liệu của Hàn Quốc đến quay phim vì nghe những thông tin của tôi”. Hơn hai ngày, ông và đoàn làm phim vật lộn với thời gian để dựng lại câu chuyện về cuộc đời, về tình duyên giữa ông và vợ, cũng như việc ông dùng thạch cao và nhiều chất liệu khác nữa để đắp tượng vợ khiến mọi thành viên đều phải ồ lên kinh ngạc, khâm phục cũng như sợ hãi. “Họ quay phim về tôi rồi nói khi phát lên truyền hình sẽ thông báo, nhưng ở đây thì làm sao biết họ chiếu lúc nào để xem. Tôi bảo họ nếu dựng xong thì gửi cho tôi một bản, coi như giữ kỉ niệm. Tuổi già đến rồi anh ạ”. Ông nói thế rồi xoa xoa mái tóc đã bắt đầu bạc quá nửa trên khuôn mặt đầy vết chân chim khắc khổ.
Không chỉ đoàn làm phim của nước ngoài, cách đây chừng một tháng, một đoàn làm phim từ tỉnh Đồng Tháp cũng quay phim về con người và cuộc sống hiện tại của ông. Những đoàn làm phim ấy cho ông nhiều quà, tiền bạc vì thấy cuộc sống hiện tại của ông quá khó khăn. “Ngày còn sống, vợ tôi chưa bao giờ mặc bộ đồ nào ra hồn, nên giờ tôi phải may nhiều bộ đẹp cho bà ấy. Mỗi ngày tôi thay quần áo cho “vợ” 2 lần. Nhiều người chửi tôi điên, suốt ngày giặt giũ, tưới rửa cho một người xương tàn rã cốt, nhưng trong thâm tâm, tôi tin rằng bà ấy vẫn luôn sống kề cận bên mình. Xác bà ấy tôi ôm ngủ đến khi nào nhắm mắt xuôi tay thì thôi”, ông Vân quả quyết.
Nhìn vào đôi mắt già nua ấy thấy cả những cử chỉ đầy ân cần yêu thương của ông dành cho người vợ đang nằm trước mặt dưới hình hài một khối thạch cao. Ông Vân luôn tự nhủ, khi ông yêu thương người vợ quá cố của mình một cách chân thành nhất thì ông sẽ thấy bà hiển hiện ở mọi nơi, mọi lúc bên ông. Bà ấy hiển hiện trong tiếng gió thổi qua vườn, hiển hiện trong những tia nắng ban mai, hiển hiện trong những kỷ vật của bà ấy còn để lại, hiển hiện trên gương mặt của các con ông và đặc biệt hiển hiện trong nhịp đập của trái tim ông ngày ngày.
Theo Xahoi