Người chờ ngày Nguyễn Đức Nghĩa đền tội
“Sự dã man của Nguyễn Đức Nghĩa đã mất hết tính người, đó không phải hành động của một con người nữa, mà là hành động của một con sói. Nếu không bị diệt trừ, nó sẽ mang đến thảm họa cho những người khác nữa. Cả gia đình tôi mong chờ đến ngày tội ác của nó bị xét xử”, người bố của nạn nhân nói.
“Khổ thân bao năm vất vả nuôi con, trồng cây mong đến ngày hái quả thì lại xảy ra chuyện thương tâm như thế. Nhìn hai vợ chồng ông bà Ba -Thu lủi thủi ra vào trong căn nhà bốn tầng, nhiều người không khỏi ái ngại. Chỉ thương ông Ba, những ngày tháng đi tìm phần thi thể còn lại của cái Linh khiến ông ấy kiệt sức, gầy rộc đi. Dù thằng Nguyễn Đức Nghĩa có bị tử hình, thì nỗi bất hạnh với gia đình ông bà cũng khó có thể nguôi ngoai được”, ông Nguyễn Đức Lợi, hàng xóm với cha mẹ của nạn nhân vụ án “xác không đầu” một thời gây chấn động dư luận nói về những gì mà ba năm nay cha mẹ của Nguyễn Phương Linh phải chịu đựng.
Nỗi đau chưa nguôi
Trước ngày kẻ sát nhân Nguyễn Đức Nghĩa tử hình bằng phương pháp tiêm thuốc độc, chúng tôi về thăm lại bác Ba – Thu (trú tại phố Minh Khai, phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), bố mẹ của Nguyễn Phương Linh, nạn nhân trong vụ án “xác không đầu” mà mỗi khi nhắc lại, người ta không khỏi rùng mình ghê tởm tên hung thủ có vẻ mặt thư sinh nhưng mang trong mình trái tim quỷ dữ. Những nỗi đau tưởng chừng đã nguôi ngoai theo thời gian, song dường như cho đến tận hôm nay, nó vẫn còn âm ỉ…
Khuôn mặt hốc hác, ánh mắt quầng thâm vì mất ngủ lâu ngày, ông Ba tiếp chúng tôi với một dáng vẻ mệt mỏi, có đôi chút e dè. Suốt hơn 3 năm trời vừa qua, không một đêm nào người cha bất hạnh ấy ngủ tròn giấc. Dù sự việc đã trôi qua khá lâu nhưng ông Ba vẫn không muốn thay đổi bất kì điều gì trong ngôi nhà liên quan đến đứa con gái bạc mệnh. Bức ảnh chụp chung của đại gia đình, ông vẫn đặt ở vị trí trang trọng nhất trong gian phòng tiếp khách. Ánh mắt mệt mỏi bỗng như sáng lên, ông Ba chỉ lên bức ảnh nói với chúng tôi: “Kia là Linh, con gái bác đấy”… Rồi ông lại lặng lẽ nhìn về phía xa xăm, không nén nổi tiếng thở dài…
Kể về những ngày đau đớn cùng cực nhất với gia đình ông, khi phải đi cùng đoàn với kẻ dã man đang tâm sát hại đứa con gái bé bỏng, ông bảo đó là khoảng thời gian đau đớn nhất. Trong mắt ông, dù Linh đã trưởng thành thì vẫn cứ là cô con gái mà ông nhất mực cưng chiều. Trò chuyện với chúng tôi, ông Ba nhớ lại: “Đó là hôm con bé vừa có chuyến công tác ở miền Nam ra được một ngày. Tôi thấy nó có nghe điện thoại, giọng nói rất căng thẳng, gay gắt…”. Linh cảm của người cha và linh cảm của nghề nghiệp như mách bảo ông rằng có điều gì đó không bình thường, vậy nhưng ông đã không ngăn cản Linh đi. Nhưng đó cũng là giây phút cuối cùng, cha con có thể gặp nhau, hình ảnh cuối cùng của Phương Linh toàn vẹn.
Ngôi nhà đã vắng bóng cô gái xấu số.
Tin dữ ập tới cùng với việc xác nhận thi thể nạn nhân tại chung cư G4 – Trung Yên là con gái mình mất tích nhiều ngày nay, khiến cả gia đình ông suy sụp. Nhưng một phần thân thể con còn đang lưu lạc, người vợ hiền của ông người (mẹ Phương Linh) đang “chết đi sống lại” vì đau đớn, ông cố gắng gượng đứng lên, đi cùng với các điều tra viên tìm kiếm thi thể con về. Họ hàng, bạn bè, người thân và cả công luận xã hội có thể đồng cảm, chia sẻ với ông để vơi đi phần nào nỗi đau, nhưng với ông, nỗi đau này có lẽ không bao giờ nguôi ngoai.
Video đang HOT
Sau cái chết của cô con gái, bà Thu gần như suy sụp hẳn, bà ra vào như cái bóng trong căn nhà của chính mình. Ngoài công việc nội trợ chính trong gia đình, hàng xóm cũng ít khi thấy bà giao tiếp với bên ngoài. Đôi khi như người mất hồn, bà cứ đi lại trong vô thức, thỉnh thoảng hàng xóm vẫn nhìn thấy bà cứ tất bật đi lại vào giữa các buổi trưa, bất kể dù mưa hay nắng.
“Đã là con sói, không cắn người này thì nó sẽ cắn người khác”
Ông Ba vốn là một chiến sĩ công an công tác tại Công an phường Hai Bà Trưng (Hà Nội), nay đã nghỉ hưu. “Chiều chiều, tôi lại cùng mấy người bạn đồng niên đánh cờ, thỉnh thoảng lại ra quán nước đầu ngõ chuyện trò với mọi người. Như vậy, cuộc sống của tôi mới bớt ngột ngạt hơn. Chuyện đã rồi, mình phải làm điểm tựa cho vợ con, nếu tôi gục ngã thì mẹ bé Linh, em trai nó biết bấu víu vào ai”, người đàn ông hết lòng vì gia đình giọng trầm buồn tâm sự.
Khi được hỏi về việc sắp tới đây, Nguyễn Đức Nghĩa sẽ bị xử tử bằng tiêm thuốc độc, ông Ba khẳng định rằng ông hoàn toàn đồng tình với những phán quyết của tòa án, hình phạt của pháp luật cũng như những quy định xử phạt của Đảng và Nhà nước. “Sự dã man của Nguyễn Đức Nghĩa đã mất hết tính người, đó không phải hành động của một con người nữa, mà là hành động của một con sói. Nếu không bị diệt trừ, nó sẽ mang đến thảm họa cho những người khác nữa. Cả gia đình tôi mong chờ đến ngày tội ác của nó bị xét xử”, ông Ba nghẹn lời tâm sự.
Những tưởng thời gian trôi qua, những vết thương trong tâm can con người cũng dần được hàn gắn, nhưng có lẽ đối với những vết thương quá lớn, thời gian chỉ có thể khiến nó nguôi ngoai chứ không thể nào xóa mờ được… “Giá mà nó chỉ lấy tài sản, gia đình tôi sẵn sàng cho hết nó, đổi lại nó tha cho con bé, đằng này… nó dã man quá”, ông Ba vừa nói vừa gạt những giọt nước mắt.
Khi chúng tôi trò chuyện với ông Ba về vụ án mạng liên quan đến cái chết oan uổng của Linh, bà Thu lập tức phản ứng rất mạnh. Bà liên tiếp xua đuổi, thậm chí còn tỏ thái độ rất gay gắt. Ông Ba đành phải trấn tĩnh chúng tôi và làm kí hiệu chỉ lên đầu. Từ khi Linh mất, mọi người đều hạn chế tối đa khi nói tới cái tên Linh. Bởi mỗi lần nhắc đến, vết thương lòng lại trỗi dậy khiến bà Thu không thể kiềm chế nổi. Dường như nỗi đau quá lớn, quá bất ngờ khiến người đàn bà vốn tính hòa nhã, hiền hậu này không thể ẩn mình sâu trong vỏ bọc cứng rắn mãi được. Người mẹ đáng thương ấy không muốn tin vào sự thật rằng Linh đã không còn nữa, và đó cũng là cách để bà lấy niềm tin vào cuộc sống, sống tiếp những chuỗi ngày cuối cùng của cuộc đời.
Những nỗi đau sẽ còn đeo dai dẳng, bi kịch sẽ còn nối dài rất nhiều cho những người thân của họ… Và hơn ai hết, những đấng sinh thành của nạn nhân, của hung thủ chính là người đáng thương nhất sau vụ án oan nghiệt này…
Theo Lương Thảo (Đời Sống & Hôn Nhân)
Nỗi đau người ở lại của tử tù Nguyễn Đức Nghĩa
Câu chuyện về tội ác của Nguyễn Đức Nghĩa tưởng chừng đã lắng xuống theo thời gian. Nhưng những ngày gần đây, nhiều người lại quan tâm nhắc đến vụ án này, bởi sắp tới đây Nghĩa sẽ phải trả giá cho tội ác của mình bằng phương pháp tiêm thuốc độc thay thế cho việc xử bắn.
Nỗi đau của người ở lại
Chúng tôi tìm đến nhà Nghĩa tại số 112, tổ 7 đường Phan Trứ ( trước kia là đường Điện Nước ), phường Lãm Hà, quận Kiến An, Hải Phòng. Đến nơi thì được biết bà Phạm Thị Chuân - mẹ Nghĩa đã dọn lên ở với cô con gái cả trên Hà Nội nhiều tháng nay, thỉnh thoảng mới về thắp hương cho chồng.
Ghé quán nước đầu ngõ, chúng tôi được một số người dân sống gần nhà Nghĩa kể cho nghe về nỗi bất hạnh của bà Phạm Thị Chuân, người đàn bà từng được báo chí nhắc đến với nỗi đau đớn, day dứt khi sinh ra đứa con nghịch tử Nguyễn Đức Nghĩa. Nỗi đau của bà càng nhân lên sau khi Nghĩa bị bắt vài tháng bởi trong một lần đi thăm con, ông Hùng chồng bà gặp tai nạn rồi mất, để lại một mình bà với nỗi đau đớn, sự cô đơn không gì có thể thay thế ...
Trước khi xảy ra chuyện của Nghĩa, những người hàng xóm thường thấy chiều chiều bố mẹ Nghĩa lại cùng nhau đi tập thể dục, thỉnh thoảng bố Nghĩa lại ra quán nước đầu ngõ chuyện trò với mọi người.
Anh Nguyễn Văn Hùng - chủ tiệm cắt tóc ở đầu ngõ nhà Nghĩa thêm vào câu chuyện với chúng tôi bằng một nhận xét về bố Nghĩa: "Ông ấy là người dễ gần, tháng nào chẳng ra cắt tóc ở hàng tôi. Khổ thân bao năm vất vả nuôi con, trồng cây mong đến ngày hái quả thì lại xảy ra chuyện. Nhìn hai vợ chồng lút cút ra vào trong căn nhà ba tầng mà nhiều người ái ngại.
Nguyễn Đức Nghĩa ngày bị tuyên án tử hình.
Hôm đưa ma ông ấy, có rất đông bà con hàng xóm đi đưa, bởi ai cũng thương thay, ái ngại cho tình cảnh của người chết và người còn sống. Nghĩa bằng tuổi thằng cháu tôi, chúng nó cũng thỉnh thoảng rủ nhau chơi ù hay đánh vài con lô, con đề. Nghĩa nợ nần ở đâu thì tôi không biết, nhưng khi về đây, nó rất kín tiếng, ít ai nghĩ nó lại có thể giết người dã man như thế".
Sau cái chết của chồng, bà Chuân gần như suy sụp hẳn, bà ra vào như cái bóng trong căn nhà của chính mình. Dù cố giấu nỗi đau vào trong, nhưng thỉnh thoảng hàng xóm vẫn nghe thấy tiếng bà khóc thổng thức mỗi khi đêm về. Dường như nỗi đau quá lớn, quá bất ngờ khiến người đàn bà được đánh giá là kín tiếng này không thể ẩn mình sâu trong vỏ bọc cứng rắn mãi được.
Cảm thông với hoàn cảnh éo le của bà, những người hàng xóm tốt bụng vẫn thường qua lại giúp đỡ, động viên và rủ bà đi tập thể dục vào mỗi buổi sáng cho vơi đi nỗi buồn. Nhưng, rất ít khi bà tham gia thường từ chối khéo.
"Bà ấy gầy rộc đi phải đến chục cân thịt, tóc bạc trắng. Ngày trước, khi chưa xảy ra chuyện, còn thấy bà ấy ra vào chuyện trò vui vẻ. Nhưng từ ngày con bị bắt, chồng chết, bà ấy như cái bóng. Nhiều lúc đi qu nhìn vào nhà, thấy bà ấy ngồi như hóa đá ở ghế sa - lon mà thương quá. Tội thằng Nghĩa quá to khi mà cùng một lúc nào tước đi mạng sống của bao nhiêu người, bố nó chết cũng chỉ vì đi thăm nó, mẹ nó giờ sống mà không bằng chết" - bà Lê Thị Hòa, hàng xóm với nhà Nghĩa chia sẻ.
Ngày ngày đóng cửa tự chôn mình trong nhà, mãi đến tết Quý Tỵ vừa rồi, bà Chuân mới khăn gói lên nhà con gái lớn ở Hà Nội, chỉ thỉnh thoảng mới về. Bà Hòa cho biết thêm: "Chúng tôi rất thương bà Chuân, nuôi con ăn học bao năm, mong có ngày nhìn thấy con khôn lớn, ai ngờ nó phạm tội tày đình như thế thì cô bảo sao không đau khổ cho được. Những ngày mới xảy ra chuyện, sáng sáng đi chợ qua hàng tôi, bà ấy cứ cúi gằm mặt không dám nói năng gì. Mọi người bảo nhau chủ động nói chuyện cho bà ấy vui chứ không ai có thái độ gì. Cha mẹ sinh con, trời sinh tính, biết làm sao được hả cô?".
Không biết ở trong trại giam, Nguyễn Đức Nghĩa có biết những điều mà mẹ mình phải chịu đựng suốt những ngày tháng qua khi có một đứa con như cậu ta không? Suốt hơ 2 năm trời vừa qua, không một đêm nào người mẹ bất hạnh ấy ngủ tròn giấc. Trừ những lúc mệt quá thiếp đi thì thôi, lúc tỉnh lại, những hình ảnh về tội lỗi của con trai khiến bà dằn vặt, đau xót.
Người chồng chung sống bao năm tưởng chừng sẽ là điểm tựa tinh thần thì bất ngờ ra đi, để lại bà chống chọi với nỗi cô đơn và những đêm dài khủng khiếp. Những lúc đau lòng quá, bà chỉ còn biết ôm lấy người bạn thân mà khóc cho thỏa nỗi đớn đau đang phải chịu đựng. Có lẽ điều bà được cảm thấy an ủi nhiều nhất là thái độ của những người hàng xóm. Từ khi xảy ra chuyện, chưa bao giờ họ có thái độ dè bỉu, khinh miệt mà thường xuyên giúp đỡ, an ủi, động viên bà vượt qua giông bão của cuộc đời.
Khi chúng tôi hỏi đến chuyện sắp tới Nghĩa sẽ bị xử tử bằng tiêm thuốc độc , những người hàng xóm nhà Nghĩa không hề tỏ ra ngạc nhiên, họ còn bảo chuyện này họ biết khá lâu rồi. Dù bà Chuân ít về thăm nhà, nhưng những tin tức về Nghĩa những người hàng xóm xung quanh vẫn biết. Họ đều tỏ ra đồng tình với mức án mà tòa đã phán quyết. Lúc chia tay chúng tôi, anh Hùng ngậm ngùi bảo: "Chỉ thương bà Chuân, không biết rồi dây bà ấy sẽ thế nào khi cả hai người đàn ông làm trụ cột trong gia đình đều ra đi, bỏ lại bà ấy với nỗi bất hạnh không gì có thể xóa được".
Đất dữ hay tại người?
Trong câu chuyện với chúng tôi, không ít lần những người hàng xóm của bà Chuân nhắc đến rẻo đất nơi nhà bà cư ngụ là rẻo đất dữ. Mới đây nhất, cách nhà Nghĩa một nhà cũng xảy ra một vụ án mạng. Anh Hùng cho biết: "Khi thằng Nghĩa gây án mạng, gia đình bà Chuân cũng đi xem bói. Thầy bói phán khu đất nhà bà đang ở rất dữ, không phải chỉ có mình con bà mang tội giết người đâu. Sau 2 năm thì lời thầy bói có vẻ rất ứng nghiệm. "Thằng cu" vừa gây án hôm rồi cũng khá ngoan, chả đánh nhau với ai bao giờ, thế mà chỉ vì vài mâu thuẫn nhỏ, không kiềm chế được, nó chém chết người ta".
Đi sâu tìm hiểu, chúng tôi được biết, đường Phan Trứ xưa vốn là khu đất đầm, nơi có nhiều lò gạch được xây dựng vào cuối những năm 90 của thế kỷ trước. Trước kia những người chết đuối từ cầu Niệm trôi về thường được đem chôn tạm ở đây. Sau này khi nhà máy gạch Kiến An được thành lập thì ao đầm được lấp đi làm khu nhà ở công nhân. Trải qua thời gian, khu vực này trở thành phố như ngày nay.
Trong suốt câu chuyện với những người dân sống lâu năm ở tổ 7 đường Phan Trứ, họ đều truyền tai nhau những câu chuyện kỳ dị về những người sống trên rẻo đất ấy. Bỏ qua yếu tố tâm linh, giá như Nghĩa sống lành mạnh, đừng ham chơi thì đâu nợ nần như vậy, để rồi trong một phút nông nổi đã giết người, nhấn chìm cuộc đời và kéo theo cha mẹ, người thân ngập chìm trong đau khổ. Nên chuyện đất dữ chỉ là do người. Người ta làm việc tốt thì lấy đâu đất dữ. Làm việc xấu thì phải trả giá cho tội ác ... vậy thôi.
Theo vietbao
Tử tù Nguyễn Đức Nghĩa đang chờ tiêm thuốc độc Hôm nay, nghị định về việc dùng thuốc độc thi hành án tử hình sẽ có hiệu lực. Nhiều khả năng, Nguyễn Đức Nghĩa sẽ là người đầu tiên. Ngày 26/6, Nghị định 47 về việc thay loại thuốc dùng để thi hành án tử hình bằng thuốc độc sản xuất trong nước sẽ có hiệu lực. Nhiều khả năng kẻ tử tù...