Người chỉ huy cánh quân hướng Tây – Tây Nam trong Chiến dịch Hồ Chí Minh
Đồng chí Lê Đức Anh giữ vai trò quan trọng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975. Nay đồng chí đã đi xa, nhưng cán bộ, chiến sĩ toàn quân luôn khắc ghi công lao của đồng chí Lê Đức Anh.
Báo Quân đội nhân dân trích đăng hồi ký của đồng chí Lê Đức Anh trong những năm tháng chiến đấu trên chiến trường Tây Nam Bộ.
“… Chiến thắng Buôn Ma Thuột và cả Tây Nguyên tạo ra bước phát triển nhảy vọt cả về thời cơ và thế chiến lược mới. Ngày 25-3-1975, lực lượng quần chúng ở cả 3 vùng chiến lược đã trong tư thế sẵn sàng phối hợp với bộ đội chủ lực thực hiện 3 mũi giáp công (chính trị, quân sự, binh vận và địch vận).
Phối hợp với hướng tiến công chiến lược của ta ở hướng chủ yếu Tây Nguyên và áp lực của các lực lượng chủ lực của bộ, địch hoang mang, quân và dân Quân khu Trị-Thiên và Quân khu 5 đồng loạt tiến công xóa sổ hai quân đoàn, hai quân khu và một số trung đoàn cơ động của địch, giải phóng toàn bộ tỉnh Thừa Thiên-Huế (trưa 26-3); và 3 giờ chiều ngày 29-3, ta giải phóng Đà Nẵng.
Sau khi giải phóng Tây Nguyên, Huế, Quảng Nam, Bình Định, Quảng Ngãi, thì lực lượng Quân khu 7, Quân khu Sài Gòn-Gia Định, Quân khu 8, Quân khu 9 đã bám sát trong và ngoài đô thị với tư thế sẵn sàng phối hợp với quân chủ lực thực hiện 3 mũi giáp công, giải phóng toàn miền Nam…
Tham mưu trưởng Lê Đức Anh (thứ ba, từ trái sang) trong cuộc họp Bộ chỉ huy miền tại căn cứ Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước (R), năm 1972. Ảnh tư liệu
Theo quyết định của Bộ Chính trị, anh Văn Tiến Dũng-Tổng Tham mưu trưởng từ Tây Nguyên vào cùng các anh Đinh Đức Thiện-Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, Lê Ngọc Hiền-Phó tổng Tham mưu trưởng và một số cán bộ, tổ chức thành một bộ phận ở chiến trường miền Nam, mang bí danh Đoàn A75. Chiều 3-4-1975, Đoàn A75 đã tới cơ quan Bộ tư lệnh Miền ở phía tây thị trấn Lộc Ninh (sau này trở thành chỉ huy sở cơ bản của Chiến dịch giải phóng Sài Gòn). Phần lớn các đồng chí ở Trung ương Cục đã tới họp với Đoàn A75 để nghiên cứu quán triệt chỉ thị của Bộ Chính trị và bàn các giải pháp thực hiện.
Chiều ngày 7-4, chúng tôi đang họp thì anh Lê Đức Thọ tới. Anh Thọ cho biết: Trước khi anh lên đường, Bộ Chính trị và Bác Tôn căn dặn là “Ra đi thắng lợi mới trở về”.
Ngày 8-4, trong cuộc họp đông đủ Trung ương Cục, Quân ủy Miền và Bộ tư lệnh B2, anh Thọ nhắc lại tinh thần điện ngày 1-4 của anh Lê Duẩn và phổ biến quyết định của Bộ Chính trị về việc thành lập Bộ chỉ huy Chiến dịch giải phóng Sài Gòn-Gia Định, gồm có: Đại tướng Văn Tiến Dũng làm Tư lệnh, anh Phạm Hùng làm Chính ủy, Thượng tướng Trần Văn Trà, tôi-Trung tướng Lê Đức Anh làm Phó tư lệnh. Riêng tôi lại kiêm phụ trách chỉ huy cánh quân phía tây-tây nam Sài Gòn. Trung tướng Lê Trọng Tấn đang chỉ huy cánh quân phía đông cũng được chỉ định làm Phó tư lệnh Bộ chỉ huy Chiến dịch giải phóng Sài Gòn. Trung tướng Đinh Đức Thiện là Phó tư lệnh phụ trách về hậu cần. Trung tướng Lê Quang Hòa làm Phó chính ủy. Thiếu tướng Lê Ngọc Hiền được chỉ định làm quyền Tham mưu trưởng.
Bộ chỉ huy chiến dịch điều động 5 quân đoàn (trên dưới 15 sư đoàn). Đó là các quân đoàn 1, 2, 3, 4 và Đoàn 232 có đủ các binh chủng hợp thành, với 5 cánh quân theo 5 hướng (bắc, tây bắc, đông, đông nam và tây-tây nam) cùng các lực lượng bộ đội địa phương, dân quân và lực lượng nổi dậy của quần chúng ở nông thôn và thành thị… Trong khi đó, địch chỉ còn khoảng 5 sư đoàn đang bảo vệ vòng ngoài Sài Gòn và quân đoàn 4 đang ở Đồng bằng sông Cửu Long, một số quân dù và liên đoàn biệt động quân…
Trên hướng tây-tây nam, Đoàn 232 gồm các sư đoàn 3, 5 và 9, 4 trung đoàn độc lập, một trung đoàn đặc công, được tăng cường một tiểu đoàn xe tăng T54, một tiểu đoàn PT85, một tiểu đoàn pháo 130 ly, một trung đoàn và một tiểu đoàn phòng không, cùng với Sư đoàn 8, Quân khu 8 và các lực lượng vũ trang (LLVT) địa phương có 3 nhiệm vụ: Một là, chia cắt hai lực lượng Sài Gòn và miền Đông cùng lực lượng ở Đồng bằng sông Cửu Long, chủ yếu là đoạn từ Bến Lức đến Mỹ Tho; hai là, tấn công Biệt khu Thủ đô; ba là, tấn công Tổng nha Cảnh sát, sau đó hợp điểm tại Dinh Độc Lập và một bộ phận vào căn cứ Tư lệnh Hải quân (Ba Son và Bạch Đằng).
Cả 5 hướng đều được tăng cường lực lượng rất mạnh cả về bộ binh và các binh chủng, trừ công binh do thiếu nhiều về đơn vị và phương tiện, đặc biệt là phương tiện vượt sông. Riêng các hướng đông, tây và nam được tăng cường chỉ huy mạnh vì gồm nhiều lực lượng và có nhiều khó khăn.
Chiều ngày 14-4-1975, trong bức Điện số 37-B/TK của anh Lê Duẩn gửi Bộ chỉ huy chiến dịch nêu rõ: “Đồng ý Chiến dịch Sài Gòn lấy tên là Chiến dịch Hồ Chí Minh”.
Khi nhận nhiệm vụ cùng tôi chỉ huy cánh quân hướng tây-tây nam đánh vào Sài Gòn, anh Lê Văn Tưởng rất phấn khởi vì ở “thời điểm lịch sử” lại được cấp trên giao nhiệm vụ đúng với ước nguyện của mình là “trận cuối cùng được trực tiếp về tham gia giải phóng quê hương” (anh là người gốc Long An). Tôi đã có dịp sát cánh cùng anh trong đợt 2 của Tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968. Nhận nhiệm vụ xong, tôi bảo anh về trước chuẩn bị việc tổ chức; chiều 13-4 anh đi, ngày 14 anh đã có mặt ở sở chỉ huy tây nam. Tôi ở lại họp Bộ chỉ huy chiến dịch, đến ngày 17-4 thì xuống Long An chính thức “cầm quân” ở hướng này.
Sau khi cùng anh Lê Văn Tưởng trao đổi, chúng tôi đề xuất và được cấp trên chấp thuận, điều anh Lê Quốc Sản, Tư lệnh Quân khu 8 làm Phó chỉ huy, anh Trần Văn Nghiêm (trước đó là Phó chỉ huy Đoàn 232) làm Tham mưu trưởng Bộ tư lệnh cánh quân tây-tây nam.
Trên hướng tây-tây nam, việc chia cắt quân địch tại lộ 4 là điểm rất khó khăn, nhiệm vụ này được giao cho Sư đoàn 5 do anh Bùi Thanh Văn (Út Liêm), sau là anh Thược làm Sư đoàn trưởng, anh Nguyễn Xuân Hòa làm Chính ủy. Cũng vì khó khăn nên Sư đoàn 5 đã xuống từ hai tháng trước đó, tìm mọi cách để cắt đứt lộ 4 trước ngày N-3, tức là làm xong trước khi toàn tuyến nổ súng tiến công 3 ngày; phối hợp với LLVT tại chỗ cắt đứt đoạn từ Tân An tới Bến Lức, giải phóng Tân An, Bến Lức và giữ cho được hai đầu. Lúc đó có cô du kích tên là Sáu Sửa dẫn trung đoàn ra cắt lộ. Cô được phong danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Sau này cô làm Bí thư Huyện ủy Thủ Thừa và Bí thư Huyện ủy Đức Huệ, rồi làm Phó chủ tịch UBND tỉnh Long An.
Tôi giao nhiệm vụ cho Sư đoàn 5 tổ chức một trung đoàn đánh Thủ Thừa, hai trung đoàn đánh thị xã Tân An. Sư đoàn 5 phải làm tốt nhiệm vụ cắt lộ 4, sau đó phát triển vào thành phố, chiếm Phú Lâm.
Video đang HOT
Sư đoàn 8 cùng bộ đội địa phương, dân quân du kích Khu 8 đánh chiếm Mỹ Tho và đoạn Cái Bè, kiên quyết không cho quân địch từ Sài Gòn chạy về co cụm ở sở chỉ huy vùng 4 chiến thuật tại Cần Thơ.
Còn một mũi tiến công nữa cũng rất khó, đó là Cần Giuộc, Nhà Bè, vì vùng này ngập nước, nhiều sình lầy. Bởi vậy, chúng tôi cử 3 đồng chí đảm nhiệm mũi này. Đó là đồng chí Huỳnh Công Thân (Huỳnh Văn Mến, Tư Thân)-Phó tư lệnh Quân khu 8; đồng chí Võ Văn Thạnh (Ba Thắng)-Cục phó Chính trị Miền, quê gốc Nhà Bè; và đồng chí Nguyễn Văn Chiểu (Tư Chiểu)-Chỉ huy trưởng Tỉnh đội Long An, quê gốc Long An. Lực lượng trên mũi này phải nhờ những xuồng nhỏ của dân để vận động, cả quãng đường dài tiến công là hệ thống đồn bốt giặc dày đặc, đi tới đâu phải gỡ đồn bốt tới đó. Nhưng khi bộ đội ta đánh phủ đầu vài đồn, thì các đồn khác thấy quân ta tiến đến là địch bỏ chạy liền.
Việc hóc búa nhất đối với hướng tây-tây nam là vấn đề công binh bảo đảm vượt sông cho các đơn vị tiến quân vào nội đô. Đoàn 232 được Bộ chỉ huy chiến dịch tăng cường thêm lực lượng bộ binh, pháo và cao xạ, cả pháo nặng 130mm, có đến một trung đoàn xe tăng và thiết giáp, trong đó một phần ba là tăng T54. Tất cả xe, pháo các loại gần 800 chiếc. Thế mà từ lâu nay Miền chỉ có một phần hai bộ cầu phà nặng (TPP của Liên Xô). Bộ chỉ huy chiến dịch đã xin Trung ương cho thêm nửa bộ nữa nhưng chưa vào. Tất cả các hướng khác lực lượng công binh cũng thiếu. Bộ chỉ huy chiến dịch dự tính đơn vị cầu phà nào tới nơi sẽ đưa ngay cho Đoàn 232 vì các đơn vị của 232 phải dựa vào lực lượng hiện có và huy động phương tiện tại chỗ mà vượt sông Vàm Cỏ Đông.
Đoàn 232 vượt sông Vàm Cỏ Đông trước khi chiến đấu nên phải giữ bí mật, tiến hành vượt sông ban đêm và chiếm lĩnh tuyến xuất phát tấn công cũng vào ban đêm trong một khu vực địch còn kiểm soát: Khu Mỹ Hạnh ở gần ngã ba đường 9 và đường 10 (Đức Hòa, Long An). Đoạn sông Vàm Cỏ Đông phải vượt nằm trên xã An Ninh, cách Bào Trai (tức Khiêm Hạnh, tỉnh lỵ tỉnh Hậu Nghĩa) hơn 10km về phía tây bắc. Đoạn sông dự bị sẵn sàng khi cần thì vượt bằng sức mạnh, qua thẳng thị trấn Hiệp Hòa rồi lên đường 10. Sông Vàm Cỏ Đông ở những đoạn này cả hai bên đều sình lầy. Cán bộ Đoàn 232 cùng cán bộ các địa phương lân cận vận động nhân dân chặt và bó hàng nghìn bó cây, phân tán cất giấu nhiều nơi. Mọi việc đều thực hiện rất tốt và đặc biệt là địch không hề biết gì cả.
Trước ngày 20-4-1975, theo lệnh của Bộ chỉ huy chiến dịch, cánh quân hướng tây-tây nam đã vào vị trí tập kết. Đoàn 232 đã áp sát tuyến sông Vàm Cỏ Đông và Hậu Nghĩa. Sư đoàn 5 và Sư đoàn 8 đã áp sát lộ 4 từ Tân An đến Cai Lậy, áp sát Mỹ Tho. Hai trung đoàn bộ binh đã tập kết ở Cần Đước và Cần Giuộc sát phía nam quận 8 Sài Gòn… Cánh quân hướng tây-tây nam đã cài thế chuẩn bị sẵn sàng tổ công kích. Ngày 25-4, mọi công tác chuẩn bị của ta đã hoàn thành.
Đúng 17 giờ ngày 26-4-1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu. Các đơn vị hướng tây-tây nam chúng tôi tiến công. Đến 3 giờ sáng ngày 27-4, Sư đoàn 5 đã cắt được đoạn từ Bến Lức tới Tân An. Sư đoàn 8 cùng quân và dân Tiền Giang thực hiện đánh cắt lộ 4 từ Mỹ Tho đến bờ sông Tiền. Sư đoàn 3 đánh chiếm khu vực An Ninh-Lộc Giang, tổ chức vượt sông Vàm Cỏ, áp sát địch để bảo đảm cho Sư đoàn 9 cùng binh khí kỹ thuật qua sông. Sư đoàn 9 vượt sông Vàm Cỏ Đông vào vị trí tập kết tại Cầu Bông, Mỹ Thạnh, Đức Hòa. Các trung đoàn 24 và 88 bám sát vào nội đô phía nam Sài Gòn.
Khi xe tăng, thiết giáp của ta vượt qua sông Vàm Cỏ thì trời đổ mưa, đoạn thuộc huyện Đức Huệ (Long An) sình lầy xe không đi được. Nhân dân vác những bó cây và dỡ nhà mình ra lót đường cho xe tăng và pháo ta vượt qua. Lúc đó tôi nói một số đồng chí trở lại giúp dân làm lại nhà, dù người dân không hề đòi hỏi. Sau này, anh Nguyễn Minh Châu-Tham mưu trưởng Miền đã chỉ huy bộ đội làm lại hầu hết nhà cho dân.
Ngày 28-4-1975, Trần Văn Hương từ chức, Dương Văn Minh lên thay. Thường vụ Trung ương Cục gửi điện chỉ thị cho toàn quân và toàn dân “thực hiện quyết tâm không gì lay chuyển là đánh bại hoàn toàn Mỹ, ngụy, đánh sụp chế độ ngụy Sài Gòn… giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước”.
Tối 28-4, Bộ chỉ huy chiến dịch thông báo tình hình và lệnh cho các cánh quân, các hướng tiếp tục phát triển tiến công để bảo đảm sáng ngày 29-4 toàn mặt trận nhất loạt thực hiện tổng tấn công vào thành phố Sài Gòn theo đúng kế hoạch đã định.
Ngày 29-4, lúc hơn 10 giờ, Sư đoàn 3 vượt sông Vàm Cỏ Đông tiến đánh và làm chủ thị xã Hậu Nghĩa, sau đó tổ chức đánh chiếm chi khu Đức Hòa và căn cứ Trà Cú. Quân địch ở Hậu Nghĩa chạy về Sài Gòn bị Trung đoàn 1 Gia Định do đồng chí Phan Trung Kiên làm Trung đoàn trưởng, từ Xuân Thới Thượng vận động ra bắt hàng hơn 1.000 tên. Sư đoàn 3 chiếm thị xã Hậu Nghĩa tạo điều kiện cho Sư đoàn 9 đưa toàn bộ lực lượng vào Mỹ Hạnh, sau đó thọc thẳng vào nội đô. Phía bên trong, lực lượng vùng ven cũng tăng cường hoạt động: Trung đoàn Đặc công 429 tiến đánh tiểu đoàn 8 biệt động địch tại Tân Tạo, Bà Hom, ra chi khu Phú Lâm; đánh chiếm ấp 2 (Bình Trị Đông), ấp Bình Hưng, Ký Thúc On và cầu Nhị Thiên Đường. Trung đoàn Đặc công 117 bắn 200 viên ĐKB vào sân bay Tân Sơn Nhất. Bộ đội địa phương Bình Chánh đánh chiếm các phân chi khu Tân Túc, Tân Tạo (quận Tân Bình).
Sáng ngày 30-4, các cánh quân ta cùng nhân dân nổi dậy, đồng loạt tấn công đánh chiếm các mục tiêu đã định. Đến 9 giờ 30 phút, quân địch về cơ bản đã mất sức chiến đấu. Cả Sài Gòn-Gia Định trở thành một rừng cờ, biểu ngữ, hoa các loại vẫy chào quân giải phóng. Những nơi chưa có bộ đội quản lý thì nhân dân, chủ yếu là công nhân, sinh viên, học sinh quản lý. Khi bộ đội đến thì họ giao cho bộ đội quản lý. Nhân dân dẫn đường cho các mũi đột kích đánh chiếm những mục tiêu còn lại. Trước tình hình đó, Dương Văn Minh, tổng thống mới nhậm chức của chính quyền Sài Gòn, tuyên bố xin ngừng bắn để thảo luận bàn giao chính quyền. Lập tức, anh Phạm Hùng phát ngay bức điện hỏa tốc gửi thủ trưởng các đơn vị đang cầm quân trên chiến trường: “Địch dao động đang rã. Các cánh quân hãy đánh mạnh tiến nhanh, chiếm lĩnh các mục tiêu đúng quy định. Hội quân tại Dinh Độc Lập ngụy. Địch không còn gì để thương lượng bàn giao. Chúng phải đầu hàng vô điều kiện. Tiến lên! Toàn thắng!”.
Chấp hành nghiêm mệnh lệnh của Bộ chỉ huy chiến dịch, các cánh quân của ta tiếp tục tấn công, buộc chính quyền Dương Văn Minh đầu hàng vô điều kiện.
Sáng ngày 30-4-1975, Sư đoàn 9 do anh Ba Hồng (tức Võ Văn Dần) làm Sư đoàn trưởng tiến thẳng vào nội đô, chia thành hai mũi: Mũi thứ nhất, Trung đoàn 1 sau khi đánh tan một tiểu đoàn dù địch ở ngã ba Bà Quẹo, đánh chiếm phân chi khu Vĩnh Lộc, tiến vào ngã tư Bảy Hiền đập tan sự kháng cự của địch ở đây và phát triển theo đường Lê Văn Duyệt, đánh chiếm Biệt khu Thủ đô, tướng địch Lâm Quang Phát đầu hàng. Mũi thứ hai, Trung đoàn 3 tiến công tiêu diệt sở chỉ huy liên đoàn 8 và tiểu đoàn biệt động quân 88 của địch trên tuyến vành đai Đại Hàn; tiếp đó đánh tan tiểu đoàn bảo an 327 ở nam Vĩnh Lộc, tiến công chốt của tiểu đoàn bảo an 317, diệt chi khu Bà Hom, đánh chiếm trường đua Phú Thọ và phái một bộ phận sang hợp điểm ở Dinh Độc Lập.
Sư đoàn 5, từ 5 giờ đến 12 giờ, tiến công và bức hàng toàn bộ sư đoàn 22 và các liên đoàn biệt động quân, cùng lực lượng tại chỗ đánh chiếm thị xã Tân An, chi khu Thủ Thừa… Các đơn vị đặc công, 8 giờ chiếm quận Tân Bình, 10 giờ chiếm quận Bình Chánh; 12 giờ chiếm Đặc khu Rừng Sác.
Mũi tiến công do 3 đồng chí Tư Thân, Ba Thạnh và Tư Chiểu đánh vào Tổng nha Cảnh sát và cảnh sát đô thành, địch bỏ chạy hết, không kịp tẩu tán và hủy tài liệu. Khoảng 9 giờ sáng ngày 30-4, bộ đội đã làm chủ và tổ chức gác toàn bộ các vị trí. Anh em rất hăng hái nên dù không được giao mục tiêu, nhưng khi hoàn thành nhiệm vụ sớm ở Tổng nha Cảnh sát, đã cho một mũi vào dinh Độc Lập, còn một mũi phát triển ra cảng hải quân, đánh căn cứ tư lệnh hải quân địch.
Mũi phát triển vào tới dinh Độc Lập thì hợp điểm với mũi thọc sâu của Quân đoàn 2 ở đó. Ở thời khắc lịch sử trưa ngày 30-4-1975, tại Dinh Độc Lập có mặt 3 mũi cùng tiến công vào từ hai hướng: Hướng đông là mũi của Quân đoàn 2, hướng tây-tây nam là một mũi của Sư đoàn 9 và một mũi của đồng chí Tư Thân (Đoàn 232).
Đúng 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, lá cờ cách mạng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập. Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Lúc này, ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, quân và dân ta tự lực giải phóng địa bàn, góp phần cùng cả nước chấm dứt cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc kéo dài 30 năm…”.
Theo QĐND
'Đừng để tình trạng trong họp đánh giá tốt, sau lại đơn thư gửi loạn xạ'
Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ Võ Văn Thưởng lưu ý, không để xuất hiện tình trạng trong họp đánh giá nhau rất tốt, tay bắt mặt mừng, nói những điều tốt đẹp, sau hội nghị lại "đơn thư gửi loạn xạ".
Sáng nay, Ban Tuyên giáo TƯ và Tỉnh uỷ Bắc Giang phối hợp tổ chức hội nghị giao ban việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" cụm các Tỉnh uỷ, Thành uỷ khu vực phía Bắc và các Đảng uỷ trực thuộc TƯ.
Quyết liệt đấu tranh với cái sai
Theo bà Nguyễn Thị Phương Hoa - Vụ trưởng Vụ Lý luận chính trị (Ban Tuyên giáo TƯ), việc thực hiện Chỉ thị 05 trên địa bàn các tỉnh, TP khu vực phía Bắc đã trở thành nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của mỗi tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, mỗi cán bộ, đảng viên và nhiều quần chúng nhân dân.
Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ Võ Văn Thưởng chủ trì hội nghị
Công tác kiểm điểm tự phê bình và phê bình từng bước thực chất hơn, khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm, nhiều đảng viên đã thể hiện sự kiên quyết trong bảo vệ cái đúng, quyết liệt đấu tranh với cái sai.
Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Thành nhấn mạnh, công an là lực lượng nòng cốt, là "thanh bảo kiếm" nên việc tổ chức học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh với lực lượng công an rất quan trọng.
Ông Thành nhắc lại một số gương sáng trong ngành như Nguyễn Huy Tưởng - Đội cảnh sát trật tự công an huyện Đô Lương, Nghệ An khi tuần tra kiểm soát cứu người chết đuối....
Hoặc thiếu tá Hoàng Anh Tuấn - Phòng CSGT Công an tỉnh Bắc Giang là 1 trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu, đã 2 lần nhận Bằng khen của Thủ tướng; Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công an; đạt danh hiệu Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác của Trung ương Đoàn.
Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Thành
Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Cao Bằng Triệu Đình Lê cho rằng, để phong trào này đi vào cuộc sống, điều quan trọng nhất là quan tâm, trách nhiệm của các lãnh đạo. Bên cạnh đó, dứt khoát phải có đột phá, nếu không kết quả không rõ, "ai cũng nói nhưng chẳng ai làm".
Riêng với Cao Bằng, ông Lê cho biết địa phương xác định mục tiêu chủ động, trách nhiệm, nói đi đôi với làm, chống tư tưởng trông chờ, ỉ lại.
"Chúng tôi yêu cầu cán bộ không giải thích nhiều mà hãy chủ động làm", ông Lê nói và cho biết năm nay địa phương chọn 3 vấn để tập trung thực hiện.
Trước hết khắc phục cho được bệnh thành tích. Ông cho rằng, nhiều nơi đánh giá còn cảm tính, Bí thư, Chủ tịch cứ phải xếp loại xuất sắc, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Nhưng học tập theo tấm gương của Bác, Cao Bằng đặt quyết tâm đánh giá đúng. Cùng với đó, yêu cầu lãnh đạo tỉnh đều phải thực hiện tốt quy định nêu gương.
Khắc phục học nghị quyết nhưng "sáng đông, chiều vắng"
Đánh giá cao kết quả đạt được trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Chỉ thị 05 thời gian qua, Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, việc làm đó đã góp phần tích cực nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh đẩy lùi sự suy thoái tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Theo ông, chúng ta chọn đúng khâu đột phá, tạo ra những chuyển biến tích cực trên cả 2 mặt "xây" cũng như là "chống".
"Chúng ta đã tạo ra chuyển biến rất lớn trong việc trao đổi, lắng nghe, giải quyết những vấn đề bức xúc của dân. Ta đã tích cực trong cắt giảm thủ tục hành chính, lấy hiệu quả, thước đo là lòng dân và sự tin tưởng của dân để đánh giá cán bộ", ông Võ Văn Thưởng nói.
Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ Võ Văn Thưởng
Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Võ Văn Thưởng cũng nêu một số hạn chế như: Việc lười học tập nghị quyết vẫn tồn tại ở nhiều nơi với nhiều biểu hiện rất cụ thể cũng rất sinh động.
"Trong đánh giá có nói việc triển khai học nghị quyết có tiến triển bước đầu đông hơn, nhanh hơn, rộng hơn nhưng cũng có biểu hiện sáng đông, chiều vắng - mà chủ yếu rơi vào là các đồng chí lãnh đạo, cấp uỷ.
Rồi đến không ghi chép, quán triệt không sâu. Nhiều người đến đọc Ipad, smartphone và một vài trường hợp ngủ nữa. Cái này cũng phải lưu ý khắc phục trong thời gian tới", Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ lưu ý.
Ông cũng đề cập đến tình trạng, công tác tuyên truyền chưa được sáng tạo, các điển hình chưa được nhân rộng, chưa phát huy hết tác dụng.
"Trong thực tế có nhiều tin tốt, điển hình thu hút người ta quan tâm. Như trường hợp em bé đạp xe cả trăm cây số đi Hà Nội thăm em làm cả xã hội xúc động", ông Thưởng nói và mong những gương điển hình tốt sẽ được lan toả.
Ngoài ra, nhiều nơi "xây" chưa gắn với "chống", giới thiệu nhiều điển hình về "xây", nhưng nói tới "chống" thì còn hạn chế. Đặc biệt là vấn đề liên quan tới bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ nêu một số điểm cần tập trung thực hiện trong thời gian tới.
Cụ thể, năm 2019 là năm đánh dấu mốc 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vì vậy ta phải tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thường xuyên, liên tục, sinh động, hiệu quả, phát huy thế mạnh của các loại hình tuyên truyền mà chúng ta có, khắc phục các nhược điểm.
Tiếp tục học tập, quán triệt chủ đề năm 2019 gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, kết hợp chặt chẽ việc tự giác làm theo tư tưởng, với việc nêu gương của cán bộ, thực hiện trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và tăng cường kiểm tra, giám sát của tổ chức đảng.
Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh thực hành tiết kiệm chống lãng phí, xây dựng văn hóa nghĩa tình, yêu thương đồng bào đồng chí, đồng đội trong sinh hoạt, trong công tác.
"Đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay, sắp Đại hội Đảng rồi, đừng để xuất hiện chỗ này, chỗ kia tình trạng trong họp đánh giá nhau rất tốt, tay bắt mặt mừng, nói nhau những điều tốt đẹp; sau hội nghị đơn thư gửi loạn xạ hết.
Đây là điều chúng ta phải rất chú ý vì đó không phải là tinh thần của người cộng sản, càng không phải đúng với các nguyên tắc về xây dựng Đảng", ông Võ Văn Thưởng lưu ý.
Theo Kinhtedothi
Tập trung truyên truyền Nghị quyết số 37-NQ/TW tới cán bộ, đảng viên, nhân dân Sáng 11/4, Ban Thường vụ Thị ủy Kỳ Anh (Hà Tĩnh) tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24/12/2018 của Bộ Chính trị về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Cán bộ chủ chốt thị xã Kỳ Anh nghe quán triệt những nội dung cơ bản Nghị quyết số 37-NQ/TW...