Người chết phải nhường chỗ cho người sống(?!)
Năm 2005, UBND TP.Hà Nội đã có Quyết định số 96/QĐ-UB thu hồi 85.331m2 đất thuộc các phường Thịnh Liệt và Hoàng Văn Thụ để giao cho UBND Q.Hoàng Mai làm chủ đầu tư dự án di dân tái định cư.
UBND quận Hoàng Mai cưỡng chế di chuyển nghĩa trang Ao Đường.
Tuy nhiên điều không hay cho dự án này là toàn bộ nghĩa trang Ao Đường – nơi có hàng ngàn ngôi mộ, trong đó có nhiều ngôi mộ cổ – cũng nằm trong quy hoạch phải di dời để làm nơi tái định cư, bán đấu giá quyền sử dụng đất…
Người sống đi canh… người chết
Trong thuyết minh dự án với thành phố, UBND Q.Hoàng Mai cho rằng, nghĩa trang Ao Đường là nghĩa trang tự phát, người dân xây trên đất lấn chiếm, hơn nữa việc di chuyển nghĩa trang ra ngoại ô là điều hợp lý. Tuy nhiên, ngay sau khi UBND TP ra quyết định thu hồi đất đã vấp phải sự phản đối kịch liệt của người dân vì họ cho rằng báo cáo của UBND Q.Hoàng Mai về nguồn gốc nghĩa trang là không đúng sự thật, việc di chuyển nghĩa trang là xâm phạm vào mồ mả nhiều đời của cư dân bản địa.
Đại diện các hộ dân đã trình ra rất nhiều tài liệu chứng minh rằng nghĩa trang Ao Đường thuộc xã Hoàng Văn Thụ – huyện Thanh Trì, nay là phường Hoàng Văn Thụ – quận Hoàng Mai được thành lập từ những năm 70 của thế kỷ trước.
Cụ thể, văn bản do UBND huyện Thanh Trì khi đó do ông Nguyễn Lạch – Chủ tịch UBND huyện – đã thay mặt UBND phê chuẩn đồng ý cho HTX nông nghiệp Thanh Mai cắt 2ha đất nông nghiệp do HTX quản lý để làm nghĩa trang. Trong GCNQSD đất do UBND huyện Thanh Trì cấp cho UBND xã Hoàng Văn Thụ ngày 5.12.1990 cũng thể hiện thửa đất số 93 tờ bản đồ số 11 diện tích 8.169m2 là đất nghĩa địa.
Video đang HOT
“Việc báo cáo thành phố như thế là sai sự thật” – ông Vũ Đình Dậu – đại diện các hộ dân – phát biểu. Không nén nổi bức xúc, ông Ngô Trọng Hào phát biểu: “Chính vì chính quyền UBND quận cho rằng người dân tự chiếm đất để đặt mồ mả nên đã tiến hành cưỡng chế bằng cách đập phá mồ mả, khiến hàng ngàn người dân vô cùng bức xúc tràn hết cả ra nghĩa trang, dựng lều lán để canh giữ mồ mả tổ tiên suốt nhiều năm nay”. Trước tình cảnh, gió mưa liên tục, người dân nơi đây đã góp tiền dựng lên một căn nhà tạm để trông coi nghĩa trang.
Ngôi mộ của cụ Bùi Thị Mão bị cưỡng chế di chuyển.
Cần một giải pháp hợp lý
Là nhân chứng quan trọng cho việc xác minh nguồn gốc nghĩa trang, ông Hoàng Đình Tiến – nguyên Trưởng Công an xã, nguyên Chủ tịch UBND xã Hoàng Văn Thụ nhiều thời kỳ – đã làm đơn gửi UBND TP.Hà Nội đề nghị xác định cho đúng nguồn gốc nghĩa trang. Trong đơn, ông Tiến nêu rõ: “Từ năm 1958 đến 2005, tại xã Hoàng Văn Thụ – nay là phường Hoàng Văn Thụ – nhà nước đã thu hồi 21 lần ruộng và đất ở địa phương để xây 11 nhà máy, cơ quan và 10 khu dân cư. Lần thu hồi nào cũng phải di dời mồ mả. Lần lớn nhất là năm 1977-1978, toàn bộ 5 nghĩa địa cổ quanh khu cửa đình, cửa chùa phải di chuyển để nhường đất di dân làm đường Đại Cồ Việt. Dân làng chuyển mộ chạy quanh, hết xuống Ao Đường lại về Đồng Thễn.
Khi nghĩa trang Đồng Thễn bị lấy làm khu dân cư, lại phải chuyển mồ mả về Ao Đường. Tính ra 9 nghĩa địa đã phải di dời, nhà nào cũng phải chuyển mồ mả ít nhất 3 lần, có nhà 4-5 lần. Toàn bộ những lần di dời này dân đều tự túc mà không có bất cứ sự hỗ trợ đền bù nào.
Trước việc di chuyển quá nhiều như vậy, Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì đã cho phép HTX nông nghiệp Thanh Mai cắt 2ha đất để làm nghĩa trang và cũng đã cấp GCNQSD đất vào mục đích làm nghĩa trang cho khu đất này. Hiện nay ở đây vẫn còn rất nhiều ngôi mộ cổ, như mộ cụ Lê triều Đại tướng quân, mộ cụ Hưng Ký và khá nhiều mộ liệt sĩ”.
Dẫn phóng viên ra nghĩa trang, ông Vũ Đình Dậu và nhiều người dân khác đặt câu hỏi: “Quận ra văn bản nêu rõ rằng khuyến khích người dân chuyển mộ về quê hương, nhưng chúng tôi đều là dân gốc nhiều đời ở đây, mồ mả tổ tiên đã nhiều đời đặt ở đây, vậy không hiểu quận muốn chúng tôi chuyển về quê nào?”.
Trước những phản ứng quyết liệt của người dân, năm 2010, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Vũ Hồng Khanh và cả Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Khôi đều đã phải ra văn bản chỉ đạo dừng ngay việc đấu giá quyền sử dụng đất tại khu vực này, đồng thời yêu cầu UBND Q.Hoàng Mai “Tôn trọng lợi ích của nhân dân và Nhà nước; không dùng biện pháp hành chính để di chuyển mộ tại nghĩa trang Ao Đường khi chưa có phương án xử lý”.
Văn bản chỉ đạo của thành phố là vậy, nhưng đến nay, UBND Q.Hoàng Mai vẫn chưa hề có văn bản hay bất kỳ quyết định điều chỉnh lại quy hoạch đã càng khiến sự bức xúc của người dân bùng lên. Xây dựng hạ tầng nhà ở là để phục vụ dân sinh, nhưng lấy đất nghĩa trang còn ảnh hưởng lớn đến đời sống tâm linh của người dân và dễ gây kích động mất an ninh trật tự.
Thiết nghĩ, UBND quận Hoàng Mai nên tôn trọng lợi ích của người dân như trong văn bản chỉ đạo của UBND TP mà điều chỉnh lại quy hoạch khu vực này. Đất dành cho nghĩa trang chỉ là một phần nhỏ trong toàn thể quy hoạch, vì vậy UBND quận hoàn toàn có thể xây tường bao quanh tách riêng nghĩa trang như một số quận khác trong TP để cho người dân sử dụng, quỹ đất còn lại vẫn tiếp tục thực hiện theo dự án. Như vậy, dự án vẫn tiếp tục được triển khai, không bị giẫm chân tại chỗ, vừa đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân, vừa đảm bảo lợi ích của Nhà nước.
Theo soha
Phạt nặng dạy thêm: Sợ chứ không phục!
Quy định của Bộ GD-ĐT tưởng rất chặt chẽ, muốn "múc nước" tiêu cực tại các "hố" dạy thêm, học thêm nhưng thực tế đang dùng rổ để làm!
Bộ GD-ĐT vừa đưa quy định phạt 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi dạy thêm không giấy phép hoặc giấy phép đã hết hạn sử dụng vào dự thảo nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục đã dấy lên nhiều ý kiến trong ngành. Nhiều nhà giáo dục lão thành cho rằng quy định này chỉ nhằm giải quyết cái ngọn của thực trạng.
Học sinh thiệt thòi
Ở góc độ nhà quản lý, nhà nghiên cứu hay giáo viên thì dạy thêm, học thêm đều là nhu cầu tất yếu. Bà Nguyễn Thị Thu Cúc, đại biểu Quốc hội, Hiệu trưởng Trường THPT Gia Định - TPHCM, cho biết chương trình thi đại học rất dàn đều. Học sinh bình thường chỉ có thể giải quyết được 50% yêu cầu nên muốn đậu đại học bắt buộc phải học thêm. Bản thân bà cũng đang dạy thêm môn hóa tại một trung tâm luyện thi đại học. Bà Thu Cúc cho biết nhiều năm qua đã đào tạo được rất nhiều học sinh vào đại học. Mong muốn của bà là giảm dạy thêm, học thêm chứ không cấm triệt để bởi đây là nhu cầu chính đáng.
Học sinh của một trường trung học tại TPHCM đến trung tâm dạy thêm sau giờ chính khóa. Ảnh: TẤN THẠNH
Bà Lê Thị Ngọc Điệp, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1 - TPHCM), cho biết ngoài giờ học chính khóa, nhiều giáo viên ở lại để dạy thêm cho những học sinh yếu kém mà không lấy thù lao. Ngoài ra, trường còn tổ chức ôn luyện cho những học sinh muốn thi vào các trường chuyên hoặc muốn bồi dưỡng thêm theo nhu cầu của phụ huynh. Nếu cấm dạy thêm, học thêm trong trường hợp này thì người thiệt thòi chính là học sinh.
Một giáo viên dạy giỏi của một trường tiểu học ở quận Đống Đa - Hà Nội cho biết lãnh đạo trường tuyệt đối tuân thủ quy định của Sở GD-ĐT, không đồng ý cho giáo viên dạy thêm ngoài nhà trường. "Thế nhưng, ai cũng muốn cho con vào trường chuyên lớp chọn, mà muốn vào học các lớp tốt thì phải luyện thi. Dạy học, nâng cao kiến thức cho học sinh theo yêu cầu của phụ huynh mà bị phạt tới 20 triệu đồng thì quả là bất công với chúng tôi" - giáo viên này bức xúc.
Một giáo viên khác cũng ngậm ngùi: "Chúng tôi không muốn đặt áp lực cho học sinh nhưng ngành giáo dục lại đặt áp lực cho chúng tôi. Nếu học sinh không đạt tỉ lệ khá, giỏi nhất định thì chúng tôi bị lãnh đạo nhà trường phê bình. Phạt nặng người dạy thêm như một nỗi đau của người làm giáo dục".
Phải "trị" từ gốc
Ông Nguyễn Hoài Chương, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, cho rằng quy định về quản lý dạy thêm, học thêm không đề cập phụ huynh - học sinh, trong khi đây là yếu tố tác động rất lớn đến việc dạy thêm của giáo viên...
TS Hồ Thiệu Hùng, nguyên giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, không ngần ngại chỉ ra rằng Bộ GD-ĐT chính là nguyên nhân trực tiếp khiến việc dạy thêm, học thêm trở thành điều tất yếu. Chương trình học, thi tuyển rất nặng, càng lên cao thì giáo viên không đủ thời gian dạy cho học trò trong giờ chính khóa nên phải tổ chức dạy thêm. Ông ví von: "Quy định của Bộ GD-ĐT tưởng rất chặt chẽ, muốn "múc nước" tiêu cực tại các "hố" dạy thêm, học thêm nhưng thực tế đang dùng rổ để làm điều này".
Theo TS Hồ Thiệu Hùng, thông tư này vô hình trung đang tạo điều kiện cho trường dân lập thoải mái, muốn làm như thế nào thì làm. Trong khi đó, các trường công lập, trường chuyên thì bị nghiêm cấm khắt khe. Những giáo viên sau khi dạy có uy tín ở một trường nào đó, xin ra ngoài dạy thêm thì ai cấm được? Nhiều chuyên gia giáo dục, các nhà quản lý và giáo viên cho rằng quy định trên chỉ có thể khiến giáo viên sợ chứ không phục.
Theo soha
Cả làng náo loạn với 'rắn thần' ở Bắc Giang "Ông rắn thiêng lắm, là thần tiên giáng trần chứ không phải rắn thường đâu nhé...". Kỳ 1: Đủ thứ đồn đại về "ông rắn" Đầu năm Tỵ, cả nước được dịp xôn xao với "thần xà" (Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội) liên tiếp "nhập" vào người, đòi cúng một cặp bò, rồi được đà lấn tới, tiếp tục đòi cúng... giếng...