Người chết 5 ngày vẫn có thể cứu người sống
Một nghiên cứu mới của Mỹ phát hiện, người chết sau 5 ngày vẫn là nguồn cung cấp tế bào gốc quý báu, giúp cứu chữa bệnh cho những người còn sống.
Theo Tạp chí New Scientist, tủy xương người chứa các tế bào gốc trung mô (MSC), có khả năng phát triển thành xương, sụn, chất béo và các loại tế bào khác.
Người chết sau 5 ngày vẫn là kho cung cấp tế bào gốc khổng lồ. Ảnh: Newser
Các tế bào MSC có thể được cấy ghép và tạo ra những loại tế bào khác nhau, phụ thuộc vào nơi chúng được cấy vào. Chẳng hạn như, các tế bào MSC được cấy ghép vào tim có thể hình thành mô mới khỏe mạnh – một liệu pháp hữu ích cho những người bị bệnh tim mãn tính.
Không giống như những trường hợp cấy ghép mô khác, các tế bào MSC trích lấy của một người thường không bị hệ miễn dịch của người khác chối bỏ. Nói một cách khác, các tế bào MSC luôn biết cách “lấy lòng” và dung hòa với các tế bào miễn dịch. Đây là tính năng khiến phương pháp điều trị bằng tế bào MSC đặc biệt vô giá đối với những trẻ em bị các bệnh “mô cấy ghép chống lại vật chủ” như ung thư máu.
Video đang HOT
Tuy vậy, các liệu pháp chữa trị bằng tế gốc đòi hỏi việc sử dụng một lượng tế bào rất lớn và trong thực tế, việc trích lấy đủ lượng tế bào này từ một người hiến tặng còn sống là rất khó. Do đó, giới nghiên cứu đã nghĩ tới việc dùng người chết làm nguồn hiến tặng.
Sau khi người giã biệt dương thế, hầu hết các tế bào trong cơ thể cũng sẽ chết dần trong vòng vài ngày. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Gianluca D’Ippolito và các cộng sự đến từ trường Đại học Miami (Mỹ) nhận thấy, do các tế bào MSC sinh trưởng trong một môi trường đòi hỏi lượng oxy rất thấp nên chúng có thể sống sót lâu hơn so với các loại tế bào khác.
Trong các thí nghiệm khác nhau, nhóm của ông D’Ippolito đã trích rút thành công các tế bào MSC từ tủy xương của những ngón tay người chết được lưu trữ trong 5 ngày. Ông D’Ippolito bày tỏ lạc quan về việc một người chết có thể cung cấp một kho tế bào gốc khổng lồ lên tới con số hàng tỉ, giúp giải quyết việc khan hiếm nguồn cung tế bào MSC do chỉ có thể trích rút lượng tủy xương giới hạn từ một người hiến tặng còn sống.
Paolo Macchiarini, một nhà nghiên cứu y dược hiện đại tại Viện Karolinska (Thụy Điển) đánh giá cao công trình của D’Ippolito, nhưng vẫn hoài nghi các tế bào MSC lấy từ xác chết có thể không khỏe mạnh như vẻ ngoài của chúng. Theo ông, ADN của những tế bào này có thể chịu ảnh hưởng từ cái chết của các mô xung quanh và việc tiếp xúc với nhiệt độ lạnh.
Nhà nghiên cứu Chris Mason đến từ trường Đại học London (Anh) cũng chỉ ra một trở ngại tiềm tàng khác đối với phương pháp chữa trị bằng tế bào MSC. Đó là, các nhà quản lý y tế hiện phản đối việc chữa trị bệnh cho con người bằng tế bào gốc lấy từ hai nguồn trở lên. “Bạn luôn có thể quay trở lại và trích lấy thêm tế bào gốc từ một người hiến tặng còn sống khi cần, nhưng nếu sử dụng một xác chết, thời gian sẽ không cho phép bạn làm điều đó”, ông Mason nhấn mạnh.
Theo Tuấn Anh (Vietnamnet)
Ghép thành công tế bào gốc cho BN ung thư máu
Ngày 9/11, GS.TS. Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư cho biết, bệnh viện vừa ghép thành công tế bào gốc cho bệnh nhân bị ung thư máu.
Trước đó, bệnh nhân Hoàng Thị Diệu Thuần (25 tuổi, Quỳ Hợp, Nghệ An) được các bác sĩ Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư ghép thành công tế bào gốc sau 7 năm chiến đấu với căn bệnh ung thư máu.
Các bác sĩ cho biết, tế bào gốc này là do người anh trai của bệnh nhân hiến tặng. Đến nay, sau 45 ngày cấy ghép, kết quả xét nghiệm cho thấy các chỉ số tế bào máu đã trở lại gần như bình thường, sức khỏe tiến triển khả quan và bệnh nhân sẽ được ra viện trong thời gian tới.
Theo GS. Trí, đến thời điểm này, Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư đã ghép tế bào gốc cho 50 bệnh nhân ung thư và có tỷ lệ thành công là 75%.
"Từ năm 2006 đến nay, Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư đã thực hiện khoảng 50 ca ghép tế bào gốc với hai hình thức là ghép tế bào gốc tự thân để điều trị bệnh đa u tủy xương, lympho ác tính và ghép tế bào gốc đồng loại điều trị bệnh Lơxêmi cấp, Lơxêmi kinh dòng bạch cầu hạt, hội chứng rối loạn sinh tủy, suy tủy xương, đái huyết sắc tố niệu kịch phát ban đêm...". GS Trí nói.
Ung thư máu (hay còn gọi là ung thư bạch cầu) thuộc loại ung thư ác tính. Căn bệnh này là hiện tượng khi bạch cầu trong cơ thể người bệnh tăng đột biến.
Nguyên nhân của bệnh chưa được xác định nhưng có thể là do các tác động của môi trường như ô nhiễm hóa học hay nhiễm chất phóng xạ hoặc cũng có thể là do di truyền.
Bạch cầu trong cơ thể vốn đảm nhận nhiệm vụ bảo vệ cơ thể nên chúng cũng khá "hung dữ", đặc biệt khi loại tế bào này bị tăng số lượng một cách đột biến sẽ làm chúng thiếu "thức ăn" và có hiện tượng ăn hồng cầu. Hồng cầu sẽ bị phá hủy dần dần, vì vậy người bệnh sẽ có dấu hiệu bị thiếu máu dẫn đến chết.
Đây cũng là căn bệnh ung thư duy nhất không tạo ra u (ung bướu). Hiện nay căn bệnh này đã có một số biện pháp điều trị nhưng hiệu quả không cao.
Thu Trịnh
Theo Khampha
Chữa bệnh điếc bằng tế bào gốc Các nhà khoa học nghiên cứu chữa bệnh điếc Nhóm nghiên cứu tại Đại học Sheffield ở Anh đã đạt được bước tiến quan trọng trong việc sử dụng tế bào gốc phôi người để chữa bệnh điếc ở chuột, với hy vọng thực hiện liệu pháp này trên người trong thời gian không xa. Các nhà khoa học thêm dung dịch hóa...