Người chăn nuôi bức xúc vì lợn chết còn mất tiền tiêu hủy
Để có tiền chi trả cho lực lượng mang lợn chết do bị dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) đi tiêu hủy, chính quyền xã Bình Triều ( H. Thăng Bình, Quảng Nam) thu tiền của những hộ dân bị thiệt hại. Sự việc này đã gặp phải phản ứng từ người dân.
Một điểm tiêu hủy lợn bị dịch ở xã Bình Triều và lợn dịch chết ở xã Bình An bị người dân vứt đầy dưới kênh mương.
Ngày 29-7, từ thông tin của người dân cho biết, những ngày qua họ bất bình trước việc khi có lợn chết do DTLCP, khi người dân thông báo lên chính quyền để đến đưa đi tiêu hủy thì họ phải đóng tiền. “Lợn loại từ vài chục ký đến dưới 100 ký thì tổ thu dọn xác lợn lấy 200 ngàn đồng/con; lợn trên 100 ký họ thu 300 ngàn đồng/1 con. Tôi thấy các xã lân cận khi lợn chết được lực lượng phòng chống dịch đến nhà cân trọng lượng và lập biên bản thống kê đưa đi tiêu hủy, không mất tiền. Còn tại xã chúng tôi, sau khi cân trọng lượng và ghi vào biên bản thì một con lợn chết phải bỏ ra vài trăm ngàn đồng thì mới được chở đi tiêu hủy. Cụ thể gia đình tôi có 2 con lợn nái tổng trọng lượng gần 200kg bị mắc DTLCP. Khi cán bộ thú y đến, tôi phải đóng 500 ngàn đồng mới được chở đi tiêu hủy”- bà C., một người dân thôn 2, xã Bình Triều bức xúc phản ánh.
Còn anh Đ. cho biết thêm, gia đình anh có 2 con lợn trưởng thành nhưng đều đã chết. Khi biết lợn nhiễm DTLCP, gia đình anh đã báo thú y xã. Sau đó có người đến nhà cân lợn và lấy 200 ngàn đồng, gọi là tiền chở lợn đi tiêu hủy. Theo người dân địa phương, nếu chủ hộ nào không đóng tiền thì sau khi cân xong sẽ bị bỏ lại và người nhà phải chở đến điểm tiêu hủy tập trung của xã chôn lấp. Trước việc bị thu tiền, nhiều hộ dân có lợn chết sau khi cân xong không muốn bị mất tiền nên chở đến điểm chôn lấp rồi bỏ đấy.
Video đang HOT
Được biết, tại xã Bình Triều có hai điểm tiêu hủy lợn chết, chính quyền xã thuê xe múc hàng chục hố để chôn xác lợn. Ghi nhận tại đây có nhiều xác lợn vứt xuống hố nhưng không được lấp lại, bốc mùi hôi thối, có hố được lấp đất cát nhưng rất sơ sài. Trong khi đó, theo quy định khi lợn bị dịch tả thì báo cho chính quyền địa phương. Sau đó lực lượng chức năng của xã đến đưa đi tiêu hủy, những người tham gia công tác phòng chống dịch được tiền ngân sách chi trả theo ngày công.
Trước sự việc trên, trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Ba – Chủ tịch UBND xã Bình Triều cho rằng, việc đội tiêu hủy lợn dịch bệnh thu tiền của người dân là không đúng với quy định. Tuy nhiên Nhà nước chưa cấp tiền để chi trả cho số người này nên chính quyền thuê người vận chuyển xác lợn đi tiêu hủy rất khó khăn. Do đó mới có chuyện thu tiền của người dân để chi trả. “Chính quyền xã đang gặp khó khăn, bởi tiền chi trả cho những người tham gia thu gom chôn lấp xác động vật thấp hơn ngày công lao động nên xã thiếu người đi làm. Cách làm này (thu tiền của dân-P.V) giúp chúng tôi nhanh chóng thu dọn lợn chết đưa đi tiêu hủy, còn để lâu ngày bị hôi thối. Hiện tại, đã thu tiền của dân khoảng 125 triệu đồng, sau khi có tiền Nhà nước chi trả vận chuyển lợn đi tiêu hủy sẽ dùng để trả lại cho người dân”, ông Ba phân trần.
Cũng theo chính quyền xã Bình Triều, tính đến nay toàn xã đã tiêu hủy hơn 80 tấn lợn mắc dịch tả (chiếm 50% tổng đàn lợn toàn xã). Địa phương có Ban chỉ đạo chống DTLCP và 4 tổ tiêu hủy lợn nhiễm dịch ở 4 thôn, mỗi tổ 6 người. Điều đáng nói, ngoài xã Bình Triều, tại H. Thăng Bình còn có một số xã thu tiền của người dân để đưa xác lợn đi tiêu hủy khiến dư luận bức xúc.
Trước sự việc trên, ngay trong ngày 29-7, UBND H. Thăng Bình đã ký văn bản gửi các xã, thị trấn yêu cầu chấn chỉnh tình trạng thu tiền của người chăn nuôi trong quá trình tiêu hủy lợn mắc bệnh dịch. Theo đó, UBND H. Thăng Bình đề nghị các địa phương tuyệt đối không thu tiền của người dân, nếu thu tiền công vận chuyển của người dân có lợn mắc bệnh không đúng thì phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện; các xã sử dụng nguồn ngân sách dự phòng, kết dư, sự nghiệp kinh tế và các nguồn ngân sách khác của địa phương để triển khai phòng chống dịch. Văn bản cũng cho rằng một số địa phương trong huyện chưa thực hiện đầy đủ các biện pháp vệ sinh chuồng trại, tiêu độc khử trùng môi trường; việc tiêu hủy lợn bệnh chưa đúng quy trình kỹ thuật…
Cũng tại H. Thăng Bình, cách đây vài ngày chỉ trên một đoạn kênh mương chảy qua các thôn An Dưỡng, An Thái (xã Bình An) có rất nhiều xác lợn bị vứt xuống kênh trôi nổi bốc mùi hôi thối, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng khiến dư luận bức xúc. Trong khi đó, vị trí xác lợn thối chỉ cách trụ sở UBND xã Bình An khoảng 500m, vị trí xa nhất tầm 2km… Được biết hiện trên địa bàn H. Thăng Bình đã xuất hiện DTLCP ở 22 xã, thị trấn và lây lan rất nhanh, chưa có dấu hiệu dừng lại, khối lượng lợn tiêu hủy rất lớn. Trước tình hình trên, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã ký công điện gửi Huyện ủy, UBND H. Thăng Bình về việc nêu cao trách nhiệm, tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, nhất là DTLCP.
BÃO BÌNH
Theo CADN
"Điểm đen" tai nạn tại ngã tư Bình Minh
Do không có đèn tín hiệu giao thông xanh- đỏ, ngã tư giao đường 129 với QL14E thuộc địa phận xã Bình Minh (H. Thăng Bình, Quảng Nam) trở thành "điểm đen" TNGT nhiều năm qua.
Người điều khiển phương tiện lưu thông qua đây chủ quan thiếu quan sát nên đã xảy ra hàng chục vụ TNGT thương tâm. Mặc dù người dân và chính quyền địa phương đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Ngã tư giao đường 129 với QL14E không có đèn tín hiệu đỏ nên đã xảy ra hàng chục vụ TNGT thương tâm.
Nhiều năm qua, người dân ở xã Bình Minh bức xúc trước tình trạng mất an toàn giao thông (ATGT) tại ngã tư giao đường 129 với QL14E. Mỗi ngày có hàng trăm lượt xe lưu thông qua ngã tư này nhưng chỉ có 2 đèn tín hiệu giảm tốc độ trên đường 129. Do đó, khi các phương tiện chạy với tốc độ nhanh, khi xảy ra sự cố bất ngờ không kịp xử lý nên xảy ra nhiều vụ tai nạn thương tâm, trở thành "điểm đen" về TNGT.
Tiếp xúc với chúng tôi, ông Hồ Văn Minh (49 tuổi) nhà gần ngã tư xã Bình Minh cho biết, nhiều năm qua, tại ngã tư này liên tiếp xảy ra nhiều vụ TNGT. Năm 2018, ông Minh tận mắt chứng kiến gần 20 vụ TNGT tại "điểm đen" này, trong đó có nhiều vụ nghiêm trọng gây chết người. Còn những vụ xảy ra lúc đêm khuya thì ông Minh không nắm rõ. Đặc biệt, khi 2 tuyến đường này được nâng cấp mở rộng, cùng lúc khu vui chơi giải trí Vinpearl Land Nam Hội An đi vào hoạt động, lượng phương tiện lưu thông qua đây tăng lên đáng kể. Đầu năm 2019 đến nay đã xảy ra hàng chục vụ va chạm giao thông tại đây, nhiều vụ nạn nhân bị thương rất nặng. Mới đây, tối 21-4 một vụ TNGT xảy ra tại đây làm 1 người chết tại chỗ. "Phần lớn nạn nhân là người nơi khác đến chưa biết rõ về "điểm đen" TNGT này. 2 tuyến đường này thẳng nên họ chủ quan điều khiển phương tiện chạy tốc độ nhanh, khi xảy ra sự cố thì không xử lý kịp gây tai nạn. Trước tình hình mất ATGT tại đây, nhiều năm qua người dân đã kiến nghị lên Ủy ban xã có biện pháp khắc phục "điểm đen" này nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Để hạn chế TNGT, người dân đã bắt đèn ra chỗ ngã tư này, Ủy ban xã cũng lắp thêm 2 bóng điện để người tham gia giao thông chú ý quan sát hơn vào ban đêm" - ông Minh tâm sự.
Lật sổ ghi chép những vụ TNGT trên địa bàn, Đại úy Trần Văn Chiến-Trưởng CAX Bình Minh than thở: TNGT liên tiếp xảy ra tại ngã tư giao đường 129 với QL14E, nguyên nhân là do không có đèn tín hiệu đỏ nên người điều khiển phương tiện qua đây chủ quan. Từ đầu năm đến nay đã xảy ra hơn 10 vụ va chạm giao thông, trong đó có nhiều vụ nghiêm trọng khiến nhiều người bị thương nặng hoặc tử vong. "Mới đây, tối 21-4, anh Ma Đình T. (1997, trú tỉnh Thái Nguyên) điều khiển xe máy BKS 77C1-06.799 chạy trên QL14E hướng Bình Minh đi thị trấn Hà Lam, khi đến ngã tư giao với đường 129 thì xảy ra va chạm với ô-tô BKS 92A-12.356 do Lê Hồng Hải (1991, trú TP Tam Kỳ, Quảng Nam) điều khiển theo hướng TP Hội An đi TP Tam Kỳ. Cú va chạm mạnh khiến anh T. tử vong tại chỗ, xe máy bị hư hỏng nặng. Qua trích xuất camera cho thấy, phần lớn các vụ TNGT xảy ra do người điều khiển xe trên QL14E thiếu quan sát vì đường 129 là đường ưu tiên nên các phương tiện chạy rất nhanh. Khi bất ngờ xảy ra sự cố thì các phương tiện không xử lý kịp xảy ra tai nạn"- Trưởng CAX Trần Văn Chiến thông tin thêm.
Vụ TNGT xảy ra tại ngã tư giao đường 129 với QL14E vào tối 21-4 khiến 1 người tử vong tại chỗ.
Trao đổi về vấn đề này, Chủ tịch UBND xã Bình Minh Phan Phước Đồng cho biết, nhiều năm qua, tại các cuộc họp tiếp xúc cử tri người dân bức xúc về "điểm đen" TNGT tại ngã tư giao đường 129 với QL14E. Mặc dù, Ủy ban xã đã nhiều lần báo cáo lên UBND H. Thăng Bình để có hướng giải quyết nhưng đến nay vẫn chưa được cấp trên phê duyệt. "Việc các ki-ốt bán vé tham quan khu du lịch Vinpearl Land Nam Hội An và các băng rôn bất động sản nằm dọc đường 129 làm che khuất tầm nhìn của người tham gia giao thông nên UBND xã vừa yêu cầu tháo dỡ toàn bộ. Ngoài ra, các xe khách chở khách tham quan khu du lịch Vinpearl Land Nam Hội An đậu đỗ trên QL14E gần ngã tư này làm che khuất tầm nhìn người tham gia giao thông, do khu vực này chưa có biển cấm xe dừng đỗ nên Ủy ban xã cũng không thể xử lý. Qua đây, địa phương cũng mong các cấp có thẩm quyền quan tâm, sớm lắp đèn tín hiệu xanh - đỏ tại "điểm nóng" này để giảm thiểu TNGT"-ông Đồng thông tin.
Ngoài "điểm đen" TNGT ở ngã tư Bình Minh, 2 ngã tư giao giữa đường 129 với đường dân sinh ở xã Bình Sa và Bình Nam (thuộc H. Thăng Bình) cũng đã xảy ra nhiều vụ TNGT nghiêm trọng khiến nhiều người bị thương nặng, tử vong tại chỗ do không có đèn tín hiệu xanh- đỏ. Người dân cũng đã nhiều lần phản ánh, yêu cầu lắp đèn tín hiệu xanh- đỏ nhưng vẫn chưa được giải quyết. Để đảm bảo ATGT tại những "điểm đen" trên, Sở GTVT tỉnh Quảng Nam và các đơn vị liên quan cần sớm có biện pháp khắp phục.
LÊ VƯƠNG
Theo CADN
Quảng Nam: Giữa dịch tả, xác heo thối rữa trương phềnh trên kênh Cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam đang tìm cách khống chế dịch tả lợn châu Phi đang lan rộng trên địa bàn, trong khi đó, mấy ngày qua lại xuất hiện hàng chục xác heo thối rữa nổi lềnh bềnh trên kênh N44 thuộc xã Bình An, huyện Thăng Bình, khiến người dân bức xúc. Ngày 15/7, theo phản ánh của người...