Người cha đi tìm công lý cho con gái qua đời trong thảm kịch giẫm đạp Itaewon
Một tháng sau khi cô con gái duy nhất của ông Cho Gi-Dong qua đời trong thảm kịch Halloween ở Itaewon (Seoul, Hàn Quốc), ông nói rằng ông cảm thấy rất bất lực.
Nhưng nỗi buồn của ông giờ đây đã chuyển thành sự tức giận vì ông cho rằng chính phủ đã không nỗ lực để giúp đỡ những gia đình nạn nhân.
Một tháng sau khi con gái qua đời, nỗi đau của ông Cho Gi-Dong vẫn chưa thể nguôi ngoai. Đây là nơi đặt tro cốt của con ông, cô gái 24 tuổi Ye-jin, đã qua đời trong thảm kịch Itaewon ở Seoul (Hàn Quốc) vào tháng trước.
Gần như ngày nào ông Cho cũng đến đây thăm con kể từ khi cô qua đời. “Bố xin lỗi” – người cha cứ nhắc đi nhắc lại.
Hơn 150 người đã thiệt mạng trong thảm kịch trên phố Itaewon. Nhiều nạn nhân đã đến đây để ăn mừng lễ hội Halloween sau 3 năm kém vui vì dịch Covid-19.
Ông Cho khóc khi đến thăm nơi đặt tro cốt con gái Ye-jin – người đã qua đời trong thảm kịch Itaewon. Ảnh REUTERS
Vào đêm kinh hoàng đó, cô Ye-jin đã đến đây cùng 2 người bạn. Tất cả họ đều qua đời.
Ông Cho là tài xế xe buýt nhưng đã nghỉ việc sau cái chết của con mình. Ông nói ông không tài nào ngủ được và cảm thấy bất lực khi không thể cứu đứa con duy nhất của mình. Nỗi buồn trong ông giờ đây đã dần biến thành sự giận dữ. Đặc biệt là sau khi nội dung một số cuộc gọi khẩn cấp được công bố, cho thấy nhiều người dân đã liên tục cảnh báo về nguy cơ và kêu gọi chính quyền can thiệp từ nhiều giờ trước khi thảm kịch xảy ra.
Cảnh sát đã đối mặt với sự chỉ trích dữ dội của công chúng đối với cách phản ứng sau những cuộc gọi cảnh báo. Và một cuộc điều tra đang được tiến hành về cách xử lý của chính quyền đối với vụ giẫm đạp. Tổng thống Hàn Quốc, Bộ trưởng Nội vụ và Tổng Ủy viên Cảnh sát Quốc gia đã cam kết tiến hành một cuộc điều tra minh bạch và thực hiện các bước cần thiết dựa trên kết quả điều tra.
Ông Cho nói rằng ông đã nhận được hướng dẫn từ chính phủ về cách để được hoàn trả chi phí tang lễ và nhận tiền hỗ trợ. Tuy nhiên, ông và nhiều thân nhân của các nạn nhân khác muốn nhiều hơn thế.
“Chúng tôi không cần tiền, không cần số tiền đó chúng tôi vẫn sống ổn. Đó đâu phải là cách an ủi gia đình tang quyến chúng tôi. Chúng tôi không thể sống thiếu con gái mình. Tuy nhiên, thay vì nhận lỗi và thấu hiểu nỗi đau của các gia đình thì họ lại đổ lỗi cho người khác và trốn tránh trách nhiệm. Những hành vi như vậy làm tôi rất tức giận”, ông Cho chia sẻ.
Người thân nói rằng họ muốn một lời xin lỗi từ chính phủ. Luật sư Lee Ju-hee cho biết gần 60 gia đình đã tham gia chiến dịch đòi công lý.
“Trước khi nói về hỗ trợ tài chính hoặc bồi thường, điều quan trọng với chúng tôi lúc này là sự thật về thảm kịch chính trị và hành chính này – tại sao con trẻ phải chết trên những con đường mà ngày nào chúng ta cũng đi qua, nghĩ rằng luôn an toàn”, bà Lee cho biết.
Ông Cho nói rằng lời xin lỗi và trừng trị người chịu trách nhiệm sẽ giúp ông nguôi ngoai phần nào cơn giận dữ. Nhưng sẽ chẳng có gì bù đắp được nỗi đau mất đi con gái thân yêu.
Tranh cãi việc công khai tên tuổi 156 nạn nhân trong thảm kịch Itaewon
Nhiều chuyên gia cho rằng việc quyết định tiết lộ tên tuổi, hình ảnh của nạn nhân hay không là tùy thuộc vào gia đình của họ và cần đảm bảo quyền riêng tư cho các tang quyến.
Một bức ảnh của Yuliana Pak, một trong bốn nạn nhân người Nga của thảm kịch Itaewon, được đặt tại con hẻm ở Itaewon. Ảnh: Korea JoongAng Daily.
Cuộc tranh cãi nổ ra sau khi đảng Dân chủ Hàn Quốc thúc đẩy công bố danh tính của các nạn nhân trong thảm kịch chen lấn Halloween ở Itaewon, Seoul.
Trong khi đảng Dân chủ cho rằng các nạn nhân cần được tưởng nhớ công khai, nhiều nhà phê bình nhận định việc tôn trọng quyền riêng tư nên được ưu tiên trước quyền được biết của công chúng, theo Korea Herald.
Tranh cãi
Trong một cuộc trò chuyện bằng tin nhắn bị rò rỉ với báo chí, phó trưởng ban tư vấn do đảng Dân chủ điều hành đã nói với Hạ nghị sĩ Moon Jin-seok: "Hãy liên lạc với các gia đình hoặc làm điều gì đó. Làm bất cứ điều gì cần thiết để có được danh sách đầy đủ các nạn nhân, ảnh và thông tin chi tiết về hồ sơ của họ".
Các tin nhắn đã được báo chí phát hiện và đăng tải khi nhà lập pháp đảng Dân chủ kiểm tra điện thoại di động của mình trong buổi họp hôm 7/11 của thị trưởng Seoul và cảnh sát trưởng về ứng phó trong vụ việc Itaewon.
"Chúng tôi vẫn chưa có những câu chuyện về các nạn nhân. Tên và hình ảnh của họ nên được công khai", nội dung đoạn tin nhắn viết.
Moon, người đứng đầu ủy ban hoạch định chiến lược của đảng Dân chủ, nói với các phóng viên vào ngày hôm sau rằng các tin nhắn bị rò rỉ thuộc về một "cuộc trò chuyện riêng tư" và ông "chỉ đơn thuần đọc" các tin nhắn được gửi cho mình.
"Đó chỉ là ý kiến của một người và tôi muốn nói rõ rằng tôi không tán thành ý kiến này", ông nói.
Đám tang của một trong những nạn nhân trong thảm kịch Itaewon. Ảnh: Yonhap.
Tuy vậy, ban lãnh đạo đảng Dân chủ lại có ý kiến khác khi kêu gọi chính quyền đăng tên và ảnh của tất cả nạn nhân.
"Có nơi nào trên thế giới mà mọi người đau buồn mà lại không biết mình đang đau buồn vì ai? Tôi đã nghe các bậc cha mẹ yêu cầu không được giấu tên và khuôn mặt của con cái họ", Chủ tịch đảng Lee Jae-myung nói.
Các nhà lập pháp của đảng Dân chủ cho biết trong một tuyên bố chung rằng họ sẽ "sẵn sàng đấu tranh để hạ bệ chính quyền nếu đó là điều cần thiết nhằm tìm lại công lý cho các nạn nhân", kêu gọi thành lập một tổ chức "độc lập, thăm dò phi đảng phái" để điều tra những gì đã xảy ra ở Itaewon.
Đáp lại, đảng Quyền lực Nhân dân cầm quyền cho biết: "Chúng tôi đang nghe rất nhiều về những gì đảng Dân chủ nghĩ phải làm, chứ không phải các tang quyến. Không biết liệu có sự đồng tình nào ở đây hay không".
Đảng cầm quyền cũng phản bác cáo buộc rằng chính quyền đang cố tình giấu tên và thông tin của các nạn nhân.
Không giống vụ chìm phà Sewol
Ủy ban Nhân quyền Quốc gia của Chủ tịch Song Doo-hwan nói rằng khi thảm họa đã trở nên "rất trực quan đối với công chúng", mọi người "có quyền được biết ở mức độ nhất định".
"Nhưng quyền riêng tư phải được đặt lên hàng đầu", ông nói.
Thành viên Hội đồng Thủ đô Seoul Lee Jong-bae đã đệ đơn lên Ủy ban Nhân quyền Quốc gia, yêu cầu cơ quan giám sát nhân quyền khuyến nghị các nhà lập pháp không công bố tên hoặc các chi tiết cá nhân khác của nạn nhân.
Lee cáo buộc "một số người trong đảng Dân chủ" là "thiếu nhạy cảm" và thể hiện "sự coi thường đáng kinh ngạc đối với các gia đình đau buồn".
Hoa tưởng niệm được đặt bên ngoài lối ra ga tàu điện ngầm gần Itaewon. Ảnh: The New York Times.
Lee Tae-ho, giám đốc điều hành của một nhóm hoạt động dân sự tiến bộ, cho rằng việc quyết định tiết lộ thông tin về những người thân yêu đã qua đời là "tùy thuộc vào các gia đình".
Lee, người từng làm việc với các nạn nhân của những thảm kịch gây thương vong hàng loạt, bao gồm vụ chìm phà Sewol năm 2014 khiến 304 người mất tích hoặc thiệt mạng, cho biết: "Đó không phải là lời kêu gọi của một đảng chính trị".
Ông nói rằng nhiệm vụ của chính phủ là cung cấp một kênh liên lạc giữa các nạn nhân và gia đình, đồng thời lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của họ.
"Với vụ chìm phà Sewol, đã có một cộng đồng (gồm các gia đình nạn nhân) vì họ là cha mẹ của những đứa trẻ học cùng trường. Nhưng đó không phải là trường hợp của Itaewon. Thật khó để gia đình của 156 nạn nhân ở Itaewon kết nối với nhau".
Luật sư Yang Hong-seok, người đại diện cho một số tang quyến trong vụ Itaewon, nói rằng gia đình của các nạn nhân dự định gặp nhau lần đầu tiên. "Tuy nhiên, trừ khi các gia đình tự quyết định tiến tới, tôi nghĩ tốt nhất nên tôn trọng quyền riêng tư và không để họ bị công chúng chú ý một cách không mong muốn".
Thảm họa Itaewon: Xúc tiến bãi nhiệm Bộ trưởng Hành chính và An ninh Hàn Quốc Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, ngày 8/12, tại phiên họp toàn thể Quốc hội Hàn Quốc, Chủ tịch Quốc hội Kim Jin-pyo cho biết dự thảo kiến nghị bãi nhiệm Bộ trưởng Hành chính và An ninh Lee Sang-min đã được đệ trình lên Quốc hội. Lực lượng cứu hộ chuyển các nạn nhân tại hiện trường vụ giẫm đạp trong lễ...