Người cảnh vệ hơn 40 năm cắt tóc cho các nguyên thủ quốc gia
Ông Hán kể, trước khi cắt tóc, Tổng bí thư Lê Duẩn và Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn yêu cầu “Chú có 10 phút thôi!”. Riêng Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết lại xuề xòa “Chú cắt cho anh 25 phút thôi nhé”.
Sinh năm 1950, song ông Phạm Văn Hán vẫn còn khá trẻ với mái tóc xanh, dáng khỏe mạnh, nét mặt luôn tươi cười. Trong ngôi nhà ở phường Láng Thượng (Đống Đa, Hà Nội), ông đã ôn lại quãng đời cảnh vệ cũng như cơ duyên đưa mình đến với công việc cắt tóc cho các nguyên thủ.
Sinh ra và lớn lên ở Hưng Yên, năm 19 tuổi, chàng trai Phạm Văn Hán vào học trường Trung cấp công an ở Bắc Kạn. Kết thúc khóa học, do có những điểm trội về sức khỏe, ngoại hình, học vấn, lý lịch cũng như trình độ giác ngộ, ông được Cục Cảnh vệ (nay là Bộ Tư lệnh cảnh vệ) tuyển chọn.
Cục cảnh vệ có một đội làm nhiệm vụ cắt tóc và bảo vệ cho các lãnh đạo Đảng, nhà nước cũng như khách quốc tế đến Việt Nam công tác. Do biết một chút về nghề cắt tóc nên năm 1970, ông được cấp trên phân công làm nhiệm vụ này. Sau gần 2 năm vừa học vừa làm, tay nghề tiến bộ, ông được giao đến nhà riêng cắt tóc cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng.
Ông Phạm Văn Hán bảo ngoài nhiệm vụ cảnh vệ, công việc cắt tóc đã giúp ông được gặp gỡ nhiều nguyên thủ. Ảnh: Nguyễn Hòa.
“Đó là ngày 25/12/1971, đúng lễ Giáng sinh. Đứng đợi trong một căn phòng, tôi hồi hộp và lo lắng vô cùng vì không biết bác Đồng có vừa lòng khi lần đầu tiên tôi đến cắt tóc cho bác? Đúng 11h, bác Đồng từ trên cầu thang của tầng 2 bước xuống. Nụ cười hiền hậu, bác bắt tay, ôm vai kéo về phía mình”. Chính phong thái gần gũi của Thủ tướng đã giúp ông Hán bớt lo lắng.
Trong lúc cắt tóc, Thủ tướng hỏi ông Hán nhiều chuyện về quê hương, gia đình, xã hội, trong đó có câu “Bố mẹ cháu có chăn nuôi nhiều lợn gà không?”. Ông Hán thành thật: “Nhà cháu nuôi một con lợn nái sắp đẻ và có rất nhiều gà”. Ông Hán không ngờ đến lần thứ hai được gọi vào cắt tóc, Thủ tướng vẫn còn nhớ đến chuyện đó và hỏi: “Lợn nhà cháu đẻ mấy con?”.
Người cựu cảnh vệ nhớ lại, thời kỳ ấy cắt tóc không có gương soi ngay nên Thủ tướng cứ nói chuyện mà không hay biết anh cảnh vệ đứng sau mồ hôi vã như tắm vì căng thẳng. “Tóc Thủ tướng Đồng rất mềm, cắt để mai sẽ tạo nên một mái đầu tròn rất đẹp. Da đầu thủ tướng đỏ, tướng mạo vuông vức. Hình thức đã toát lên những điều phi thường”, ông nhận xét về “khách hàng” đặc biệt của mình.
Video đang HOT
Sau Thủ tướng Phạm Văn Đồng, ông Hán cắt tóc cho Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng. Ấn tượng để lại trong ông về vị Chủ tịch là sự hiền hậu, rất mực yêu thương đồng bào. Ông kể: “Một lần tôi cắt tóc cho Chủ tịch đúng vào đợt mưa dài. Nhìn lên bầu trời xám xịt, nét mặt buồn buồn, Chủ tịch bảo mưa gió thế này úng ngập nhiều lắm, năm nay đồng bào lại thiếu ăn”.
Được Chủ tịch tín nhiệm nên những năm cuối đời, ông Hán vẫn được gọi đến để cắt tóc. “Thương bác Tôn những tháng ngày đó lắm! Bác mệt mỏi, tuổi cao sức yếu, không di chuyển được, chỉ nằm trên giường bệnh. Nhưng cứ để tóc tốt quá là bác không chịu được, phải nằm để tôi cắt qua. Khi tôi cắt tóc phải có người trợ giúp nâng đầu bác quay bên này, lật bên kia, có lúc phải nâng bác dậy”, ông Hán kể, giọng trầm xuống.
Cắt tóc cho các lãnh đạo đều có quỹ thời gian nhất định. Như Tổng bí thư Lê Duẩn và Đại tướng Võ Nguyên Giáp yêu cầu “Chú có 10 phút thôi!”. Ông Hán phải thật tập trung, thao tác chính xác để hoàn thành đúng thời gian. Riêng Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết lại xuề xòa “Chú cắt cho anh 25 phút thôi nhé”. Tuy nhiên, ông Hán vẫn mạnh dạn kiến nghị: “Anh hay đi công tác nước ngoài và lên vô tuyến đứng trước toàn dân cả nước, vì vậy em muốn mái tóc anh phải thật đẹp, anh cho em 35 phút”. Ý kiến của ông được Chủ tịch đồng ý.
Ông Hán thành thật: “Trước đây còn trẻ, không dám đề xuất nhưng giờ mạnh dạn hơn. Hơn nữa việc góp ý là hoàn toàn đúng và đó là trách nhiệm của người cắt tóc, người lính cảnh vệ”.
Bộ đồ nghề được ông Phạm Văn Hán rất nâng niu. Ảnh: Nguyễn Hòa.
Bên cạnh nhiệm vụ cảnh vệ, công việc cắt tóc giúp ông được gặp gỡ với nhiều lãnh đạo. “Từ năm 1970 trở lại đây, tôi đều có dịp được cắt tóc cho các lãnh đạo: Tổng bí thư Lê Duẩn, Tổng bí thư Trường Chinh, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Đại tướng Võ Nguyên Giáp… Gần đây hơn là Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết”. Ông Hán còn cắt tóc cho các lãnh đạo của Lào, Campuchia, như: Kayson Phomvihane, Hun Sen, Pen Sovann…
Hiện tại, ông Hán đã nghỉ hưu nhưng vẫn còn giữ đồ nghề cắt tóc như kỷ vật cuộc đời ban tặng. Riêng tầng 5 ngôi nhà đang ở, ông dành để bạn bè, người thân tới cắt tóc.
Vốn công tác lâu năm cùng ông Hán (từ năm 1978 đến 2009), thượng tá Nguyễn Trọng Hùng hiện công tác tại Bộ tư lệnh cảnh vệ cho biết, rất nhiều lần ông Hán nhận được lệnh đến cắt tóc cho các lãnh đạo Đảng và Nhà nước, cả nguyên thủ của Lào, Campuchia. “Anh ấy cắt cho nhiều lãnh đạo lắm, tôi không thể nhớ hết. Cơ bản là anh có tài và cũng rất có duyên với nghề này”, ông Hùng nói.
Theo VNE
Người nước ngoài đầu tiên được nhập quốc tịch Việt Nam
Ngồi nhà lao Chí Hòa vì ủng hộ cách mạng Việt Nam, ông André Marcel Menras (người Pháp) được bạn tù đặt tên Hồ Cương Quyết. Năm 2009, ông là người nước ngoài đầu tiên được nhập quốc tịch Việt Nam.
Sinh ra trong gia đình nông dân nghèo tại miền nam nước Pháp, năm 1967, André Marcel tốt nghiệp ĐH Sư phạm thành phố Montpellier. Một năm sau, ông sang Việt Nam dạy học tại Đà Nẵng (Trường Blaise Pascal) theo chương trình hợp tác văn hóa giữa chính phủ Pháp và chính quyền Việt Nam cộng hòa.
Năm 1969, ông chuyển vào dạy học tại trường Lê Quý Đôn, Sài Gòn. Đến từ một nước hòa bình, André đau lòng khi phải chứng kiến người dân ngã xuống dưới họng súng quân Mỹ. "Tôi không thể chịu nổi. Nếu là một con người, một thầy giáo thì không ai có thể chấp nhận điều đó. Tôi nghĩ mình phải làm gì đó để đóng góp vào việc ngăn chặn sự tiêu diệt một đất nước", André cho hay.
Ông Hồ Cương Quyết là người nước ngoài đầu tiên được nhập quốc tịch Việt Nam. Ảnh:Hoàng Thùy.
Tháng 7/1970, ông cùng người bạn đồng hương Jean Pierre Debris treo lá cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam trước hạ nghị viện của Việt Nam cộng hòa (nay là Nhà hát lớn) và rải truyền đơn đòi Mỹ và quân đồng minh rút quân khỏi Việt Nam.
André tâm sự, lúc ấy ông không biết cộng sản, chính trị là gì, chỉ biết muốn một đất nước có được quyền tự quyết, quân đội nước ngoài phải rút về nước, để hòa bình thực sự có ở miền Nam Việt Nam. Ông và bạn đã treo cờ để tỏ lòng yêu chuộng hòa bình. Vì hành động này, André bị bắt giam và ngồi tù hai năm rưỡi tại trung tâm cải huấn Chí Hòa.
Những ngày tháng ở nhà lao Chí Hòa, André và những người bạn bị cho là ngoan cố bởi không chịu cúi đầu, không chịu chào cờ của Việt Nam Cộng hòa, chỉ hát bài hát giải phóng. "Ở tù tôi được đào tạo ý thức chính trị. Các anh em vẫn báo cáo tình hình hoạt động của phong trào cách mạng, vẫn có chi bộ Đảng. Ngày 2/9, Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, anh em trong tù đã làm lễ tưởng niệm mặc dù bị đàn áp", André kể.
Nhắc đến người bạn tù là thầy giáo dạy tiếng Anh đã đặt cho mình cái tên Hồ Cương Quyết, André chảy nước mắt. Ông nghẹn ngào kể, người bạn tù gặp André và Jean Pierre Debris trong nhà lao đã tặng cho hai người tên Hồ Cương Quyết và Hồ Tất Thắng, có nghĩa Quyết Thắng. Lúc đầu ông không nhận bởi không dám mang họ Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng được động viên, ông hứa sau này có cơ hội được mang quốc tịch Việt Nam sẽ lấy tên này.
Ông Hồ Cương Quyết rớm nước mắt khi nhớ đến người bạn tù đã đặt tên Việt Nam cho mình. Ảnh: Hoàng Thùy.
André được trả tự do và bị trục xuất khỏi Việt Nam vào ngày 1/1/1973, 27 ngày trước khi hiệp định Paris được ký kết. Tuy nhiên, ông đã bí mật lấy danh sách tù nhân chính trị đang bị giam giữ tại Côn Đảo, Chí Hòa, Tân Hiệp và Phú Quốc và gửi cho bà Phạm Thị Minh (phái đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam) để giúp bác bỏ luận điệu của phái đoàn Việt Nam cộng hòa và Mỹ rằng không có tù nhân chính trị tại miền Nam Việt Nam.
Cùng với bạn tù Jean Pierre Debris, André đã viết cuốn sách "Vượt qua nhà ngục Sài Gòn, chúng tôi tố cáo" được in mấy trăm nghìn cuốn và dịch sang 7 ngôn ngữ. Với những cống hiến cho Việt Nam, năm 2002, ông được công nhận là công dân danh dự TP HCM. Cũng trong năm này, ông thành lập Hiệp hội hữu nghị phát triển và trao đổi sư phạm Pháp Việt (ADEP) và giữ cương vị chủ tịch.
André là nhân vật chính trong hai bộ phim tài liệu được thực hiện tại Việt Nam "Ông Tây Việt cộng" và "André Menras, một người Việt". Ông cũng viết kịch bản và là đạo diễn bộ phim tài liệu "Hoàng Sa Việt Nam, nỗi đau mất mát" thực hiện năm 2011, được dịch sang 5 ngôn ngữ.
Năm 2009, André Marcel là người nước ngoài đầu tiên được công nhận quốc tịch Việt Nam do nguyên chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trao. "Anh là người bạn của chúng tôi trong phong trào thanh niên học sinh thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Anh đã đóng góp rất tích cực trong phong trào đấu tranh, góp phần giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Sau ngày hòa bình lập lại, bạn bè tôn vinh, thương mến anh và đề nghị trao quốc tịch Việt Nam cho anh", nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cho hay.
Mỗi lần đến Việt Nam, Hồ Cương Quyết thường đến nghĩa trang TP HCM thăm và thắp hương cho người bạn tù, người đã đặt tên cho ông. Ông hứa với vong linh của anh và tự hứa với lòng mình không bao giờ vô cảm trước con người.
Theo VNE
Cảnh sát thuế, cảnh sát luật Trong câu chuyện "thuế" được bàn sáng nay (25.10) tại Quốc hội, "cảnh sát thuế" lại được nhắc đến dù nó đã nhận cái "gạch chéo" của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Cục thuế TP.Hải Phòng bố trí các ki-ốt thông tin phục vụ người nộp thuế. Ảnh: Báo Hải Phòng. Dường như câu chuyện giảm thu "thấp kỷ lục nhiều năm",...