Người cán bộ làm xoay chuyển tình hình
Chiều muộn. Như đã hẹn, chúng tôi gặp Trung tá Phạm Minh Hải khi anh vừa trở về sau cuộc họp cuối tháng của Đảng ủy xã Nậm Ban ( huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu). Anh bảo: “Cuối năm, công việc ở đồn và ở xã bề bộn, rất bận nhưng cũng rất vui.
Tại cuộc họp chiều nay, Thường trực Đảng ủy xã nhất trí chủ trương từ giờ đến cuối năm kết nạp 6 đảng viên nữa, nâng số đảng viên cả chính thức và dự bị của Đảng bộ xã Nậm Ban lên 67 người”…
Trung tá Phạm Minh Hải (thứ 1, bên trái), Phó Bí thư Đảng bộ xã Nậm Ban, huyện Nậm Nhùn dự một buổi sinh hoạt chi bộ tại cơ sở. Ảnh: Đức Duẩn
Câu chuyện của Trung tá Phạm Minh Hải đưa chúng tôi ngược dòng thời gian về hơn 10 năm trước. Thực hiện Nghị quyết số 16-NQ của Tỉnh ủy Lai Châu về phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh các xã biên giới, giai đoạn 2007-2010 và những năm tiếp theo, Đảng ủy BĐBP Lai Châu phối hợp với Huyện ủy Sìn Hồ xây dựng kế hoạch củng cố hệ thống chính trị cơ sở xã Nậm Ban. Trong đó có việc thành lập Ban chỉ đạo do BĐBP tỉnh chủ trì và cử một tổ công tác phối hợp gồm cán bộ BĐBP và một số cán bộ thuộc các ban, ngành của huyện Sìn Hồ tăng cường cho xã biên giới Nậm Ban.
Ban chỉ đạo cử Phạm Minh Hải (khi đó, anh mang quân hàm Thiếu tá), người có nhiều kinh nghiệm trong công tác vận động quần chúng ở Đồn Biên phòng Pa Tần, làm Tổ trưởng Tổ công tác Biên phòng. Đồng thời, Ban Thường vụ Huyện ủy Sìn Hồ (nay là huyện Nậm Nhùn) chỉ định Thiếu tá Phạm Minh Hải làm Phó Bí thư Chi bộ xã Nậm Ban.
Video đang HOT
Phạm Minh Hải “nhập cuộc” với “hành trang” như thế. Những tháng đầu, thậm chí cả năm đầu, nhiều đêm anh mất ngủ lo cho công việc. Việc ở thôn, bản khác hoàn toàn với việc ở đồn Biên phòng. Rồi khi triển khai cũng có nhiều cái vướng. Với lực lượng Biên phòng thì rõ ràng “quân lệnh như sơn”, nhưng với xã bản thì… “hãy đợi đấy”. Dần dần, kinh nghiệm sau hơn 20 năm công tác trong lực lượng giúp anh nhận ra “điểm chốt” trọng yếu, đó là bộ máy ở cơ sở rất yếu. Nhiều bản không chỉ “trắng” chi bộ, mà còn “trắng” cả đảng viên. Trải qua nhiều trở trăn nung nấu, sau khi xin ý kiến và được sự nhất trí của Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh và Ban Thường vụ Huyện ủy Sìn Hồ (nay là huyện Nậm Nhùn); sự ủng hộ của cấp ủy và chính quyền xã Nậm Ban, kế hoạch xóa bản “trắng” đảng viên ở các thôn bản được Phó Bí thư Phạm Minh Hải xây dựng và nhận được sự nhất trí, khích lệ của cấp trên và sự đồng thuận cao trong Chi bộ xã Nậm Ban.
Khi ấy, Nậm Ban là xã đặc biệt khó khăn, có 11 bản, trên 500 hộ với gần 3.000 nhân khẩu, thuộc 7 dân tộc cùng sinh sống; trong đó, đông nhất là dân tộc Mông (51,7%). Tỷ lệ hộ đói nghèo trong toàn xã trên 80%. Hệ thống chính trị cơ sở ở Nậm Ban nhiều năm được xếp vào loại yếu kém trong huyện. Đội ngũ cán bộ, công chức, đảng viên trên 90% chưa qua đào tạo về chuyên môn và lý luận chính trị. Cấp ủy vừa thiếu lại vừa yếu, không phát huy được vai trò hạt nhân trong lãnh đạo. Chính quyền và các đoàn thể hoạt động kém hiệu quả…
Để tăng cường đội ngũ đảng viên ở các thôn bản, đặc biệt là các thôn bản không có đảng viên, Đảng bộ xã Nậm Ban ra nghị quyết chuyên đề về phát triển đảng viên mới tiến tới thành lập tổ chức Đảng tại các thôn, bản. Theo đó, giải thể Chi bộ Văn phòng UBND xã, phân công cán bộ chủ chốt xuống sinh hoạt tại các chi bộ thôn bản, chuyển đảng viên đương chức về sinh hoạt tại thôn, bản để tạo sự gắn kết giữa đảng viên đang công tác tại xã với đảng viên và nhân dân địa phương; chuyển các giáo viên là đảng viên tại các điểm trường, đảng viên các đội công tác của lực lượng vũ trang về cơ sở trọng điểm làm nòng cốt phát triển đảng viên, xây dựng chi bộ thôn, bản. Mặt khác, giao nhiệm vụ cho đảng viên tại các bản tích cực phát hiện, tạo nguồn phát triển đảng tại thôn, bản mình công tác.
Theo đề xuất của Phó Bí thư chi bộ Phạm Minh Hải, để giải quyết tình trạng yếu kém ở Nậm Ban, điểm “đột phá” là phải đổi mới công tác cán bộ. Trên cương vị Phó Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng Tổ công tác Biên phòng, anh cùng cấp ủy rà soát, đánh giá lại trình độ cũng như uy tín của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức trong xã. Ngoài ra, để nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, xã đã tạo điều kiện cho 6 người đi học trung cấp chuyên môn, 9 người đi học lý luận chính trị, 23 cán bộ đương chức và dự nguồn được đi học nâng cao trình độ học vấn…
Song song với phát triển đội ngũ, tăng cường các giải pháp xóa thôn bản “trắng” chi bộ và “trắng” đảng viên, với vai trò là Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy và nay là Bí thư Đảng ủy xã, Trung tá Phạm Minh Hải đã cùng cấp ủy, chính quyền xã Nậm Ban triển khai tích cực, hiệu quả các chương trình, dự án đầu tư cho xã, sắp xếp lại dân cư, đảm bảo cho nhân dân có điều kiện xóa đói giảm nghèo. Xã thường xuyên phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện mở các lớp khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư nhằm giúp bà con có thêm kinh nghiệm trong nuôi trồng, canh tác, tạo ra những chuyển biến về kỹ năng và tư duy trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho người dân. Cùng với các đồng chí trong Thường trực Đảng ủy xã và lãnh đạo UBND xã, Trung tá Phạm Minh Hải đã chủ động đề xuất với Đảng bộ xây dựng đề án phát triển kinh tế – xã hội phù hợp với điều kiện của một xã biên giới vùng sâu, vùng xa, điểm xuất phát thấp. Bằng uy tín của mình, anh xin cấp trên hỗ trợ về tài chính, vật liệu để xã xây dựng các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất, sửa chữa, nâng cấp cơ sở hạ tầng như trụ sở làm việc, trường học, trạm y tế, mở đường giao thông vào trung tâm xã và từ xã đến các thôn bản; kiến nghị với lãnh đạo BĐBP tỉnh đầu tư xây dựng trường bán trú dân nuôi, tạo điều kiện cho con em đồng bào các dân tộc ở Nậm Ban được đi học. Anh còn cùng tổ công tác tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo vệ đường biên, mốc giới, thực hiện phong trào bảo vệ an ninh trật tự thôn bản, khu vực biên giới, giữ vững chủ quyền lãnh thổ quốc gia…
Hơn 10 năm qua (2007-2018), Phạm Minh Hải luôn nêu cao vai trò trách nhiệm trên từng cương vị công tác, năng động, sáng tạo trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Anh đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền xã Nậm Ban đẩy mạnh việc xây dựng, củng cố hệ thống chính trị, nhất là xây dựng các tổ chức cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh, phát huy được vai trò hạt nhân lãnh đạo ở cơ sở; nâng cao chất lượng quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền và hiệu quả hoạt động của các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội. Anh cũng tham mưu chia tách, thành lập mới 14 chi bộ bản, trường học, trạm y tế xã; kết nạp 68 đảng viên, cử 85 quần chúng ưu tú đi học các lớp nhận thức về Đảng. Hiện nay, tất cả các thôn bản trong xã Nậm Ban đều đã thành lập chi bộ; 100% số cán bộ chủ chốt xã được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ và lý luận chính trị từ sơ cấp trở lên.
Với những nỗ lực cống hiến không biết mệt mỏi, Trung tá Phạm Minh Hải được Bộ Tư lệnh BĐBP, Tỉnh ủy Lai Châu, Huyện ủy Sìn Hồ và Huyện ủy Nậm Nhùn, tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen…
Đức Duẩn
TheoBiên phòng
Điểm sáng giữ gìn an ninh biên giới ở Lai Châu
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hua Bum tuần tra bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương đơn vị quản lý.
Mặc dù quản lý địa bàn biên giới rộng, khó khăn và phức tạp về mọi mặt, song những năm qua, Đồn Biên phòng Hua Bum, xã Hua Bum, huyện Nậm Nhùn (Lai Châu) luôn làm tốt công tác giữ gìn an ninh biên giới, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự xã hội; góp phần xây dựng vùng biên cương vững mạnh, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia.
Đồn Biên phòng Hua Bum quản lý địa bàn ba xã biên giới là: Hua Bum, Nậm Ban và Trung Chải; đây là ba xã đặc biệt khó khăn của tỉnh Lai Châu; tỷ lệ hộ nghèo của ba xã cao, chiếm gần 60%.Trong đó, có dân tộc Mảng thuộc diện đặc biệt khó khăn của cả nước, với tỷ lệ hộ nghèo chiếm khoảng 90%. Do dân trí thấp, địa hình chia cắt, giao thông khó khăn..., những năm trước đây, tại các địa bàn, tình hình tệ nạn xã hội còn nhiều. Vấn đề tôn giáo phức tạp, tình trạng nghiện hút, buôn bán ma túy, nhiễm HIV, xuất cảnh trái phép, di cư tự do... luôn là vấn đề nổi cộm, nóng và khó giải quyết. Song, với sự vào cuộc quyết liệt của Đồn Biên phòng Hua Bum và chính quyền địa phương trong công tác đấu tranh, ngăn ngừa các loại tội phạm; đấu tranh với các luận điệu sai trái, phòng, chống các biểu hiện kích động, chống phá của các tổ chức phản động... đến nay tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa bàn các xã nêu trên được giữ vững, đời sống người dân ổn định hơn.
Gia đình chị Pờ Xé Pứ, ở bản Chang Chảo Pá, xã Hua Bum mấy năm trước hoàn cảnh rất khó khăn, cuộc sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp; chồng chị Pứ lại vướng vào nghiện hút cho nên kinh tế gia đình luôn khó khăn. Từ hơn một năm qua, được sự động viên của Bộ đội Biên phòng và chính quyền địa phương, chị Pứ tự nguyện viết đơn xin cho chồng đi cai nghiện tập trung. Theo chị Pứ, từ ngày chồng đi cai nghiện, chị và các con ở nhà cũng yên tâm làm ăn, bớt lo nghĩ, hiện kinh tế gia đình chị đã dần hồi phục. Mới đây, chị Pứ đã mua được xe máy phục vụ nhu cầu đi lại. Chị Pứ kể: Trước đây, chẳng bao giờ dám nghĩ đến việc có cái xe để đưa con đi học. Ban đầu, nói đến chuyện cho chồng đi cai nghiện mình còn ngại, sợ mọi người biết rồi xa lánh. Được cán bộ biên phòng động viên, giải thích, thấy đúng cho nên mình mới làm đơn để chồng được đi cai nghiện tập trung.
Bản Chang Chảo Pá là điểm phức tạp nhất về vấn đề nghiện hút, nhiễm HIV và mất trật tự xã hội. Toàn xã Hua Bum có hơn 60 người nghiện thì phần lớn đều tập trung tại bản này. Theo Trưởng bản Phùng Chừ Giá, trước đây, trong bản tình hình trộm cắp, xô xát, buôn bán ma túy thường xuyên xảy ra. Từ 2014, sau khi Bộ đội Biên phòng vận động được 50 người nghiện trong bản đi uống Methadone, đồng thời tổ chức thành lập tổ tự quản an ninh trật tự của bản, đến nay tình hình đã ổn định rất nhiều. Tuy số người nghiện không giảm, song do sử dụng Methadone cho nên những người nghiện ngoài thời gian đi uống thuốc, họ vẫn lao động bình thường, tự nuôi sống bản thân. Nếu như trước đây tháng nào trong bản cũng xảy ra tình trạng trộm cắp, xô xát thì hiện nay vấn đề này gần như không còn. Các thành viên tổ tự quản rất tích cực, chỉ cần phát hiện ra vấn đề khả nghi là sẽ báo lại Đồn Biên phòng và Công an xã để xử lý. Nhờ vậy, nhiều vấn đề đã được giải quyết ngay từ cơ sở.
Trong khi bản Chang Chảo Pá phức tạp về vấn đề an ninh trật tự thì tại bản Pa Mu của xã và một số bản đồng bào Mông của xã Trung Chải lại khá phức tạp về an ninh chính trị và an ninh nông thôn. Đây là các điểm nóng về tôn giáo, di cư tự do, xuất cảnh trái phép... Tuy nhiên, hiện nay mọi việc đã được giải quyết, cuộc sống người dân tại các bản yên bình và ổn định hơn. Để đạt kết quả đó, ngoài việc thường xuyên tổ chức tuyên truyền dưới nhiều hình thức, lồng ghép tuyên truyền vào các buổi sinh hoạt chung của cộng đồng, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hua Bum còn đến từng ngõ, gõ từng nhà để vận động người dân. Đồng thời, Đồn cử cán bộ về các xã tham gia cấp ủy, một số cán bộ được phân công về sinh hoạt cùng chi bộ các bản để tham mưu giúp các chi bộ hoạt động tốt hơn, kịp thời nắm tình hình tư tưởng, qua đó phân tích, tuyên truyền, giải thích về chế độ chính sách và những khó khăn vướng mắc... để người dân hiểu và yên tâm lao động sản xuất. Báo cáo của Đồn Biên phòng Hua Bum cho biết, hiện tại, ngoài việc cử cán bộ tham gia cấp ủy và sinh hoạt tại một số chi bộ trọng điểm phức tạp, Đồn thành lập các tổ biên phòng tại địa bàn; thành lập 18 tổ tự quản an ninh trật tự, bốn tổ tự quản đường biên cột mốc. Trong mấy năm trở lại đây đã có hàng nghìn thông tin tố giác tội phạm được người dân và các tổ tự quản cung cấp. Trong đó, có hàng trăm thông tin có giá trị, qua đó giúp Đồn nắm chắc tình hình và kịp thời xử lý các vụ việc liên quan đến bảo vệ biên giới và giữ gìn an ninh trật tự; các vụ việc cơ bản được phát hiện và xử lý sớm, dứt điểm. Trước đây, mỗi năm trên địa bàn Đồn quản lý có hàng trăm trường hợp xuất cảnh trái phép qua biên giới, thì hiện tại con số này chỉ còn rất ít. Do được tuyên truyền giáo dục, phổ biến pháp luật thường xuyên, cho nên hiện nay phần lớn người dân khi qua bên kia biên giới thăm thân đều đến các cơ quan chức năng trình báo và làm thủ tục xuất, nhập cảnh đầy đủ.
Thiếu tá Nguyễn Bình Thắng, Chính trị viên Đồn Biên phòng Hua Bum cho biết: Mặc dù hiện tại, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn đã được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, do địa bàn thuộc vùng đặc biệt khó khăn, lại phức tạp nhiều mặt cho nên công tác giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được đơn vị đặt lên hàng đầu. Quan điểm của Đồn là, địa bàn có ổn định thì đời sống nhân dân mới phát triển. Cuộc sống nhân dân phát triển Đồn mới vững mạnh, Đồn vững mạnh mới có thể cùng nhân dân xây dựng vùng biên vững mạnh; giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia.
Trần Tuấn
Theo nhandan
Vụ lật thuyền ở Lai Châu: Tìm thấy thi thể đầu tiên Sau 4 ngày nỗ lực tìm kiếm, đến cuối giờ chiều nay (16.7), lực lượng chức năng tỉnh Lai Châu đã tìm thấy thi thể nạn nhân đầu tiên trong vụ lật thuyền tại bản Phiêng Ban (xã Lê Lợi, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu). Trao đổi nhanh với Dân Việt, đại diện lãnh đạo công an huyện Nậm Nhùn, cho biết:...