Người cặm cụi làm đẹp những cung đường
Nhiều người nhớ đến anh Tuấn vì có sáng kiến trồng hoa ban trong hành lang đường bộ để vừa giữ đất, chống lấn chiếm, vừa tạo cảnh quan đẹp…
Hạt trưởng Hạt 3 Nguyễn Đức Tuấn
Gắn bó với những cung đường núi nhiều khó khăn trên địa bàn tỉnh Điện Biên đến hơn 30 năm, Hạt trưởng quản lý đường bộ Nguyễn Đức Tuấn được nhiều người nhớ đến vì có sáng kiến trồng hoa ban trong hành lang đường bộ để giữ đất, chống lấn chiếm, tạo cảnh quan cho tuyến đường…
Đêm ngủ cũng nằm mơ thấy đường
Chúng tôi gặp anh Nguyễn Đức Tuấn, Hạt trưởng Hạt Quản lý đường bộ 3 trên tuyến QL279 (Công ty CP Đường bộ 226) khi anh vừa trở về sau chuyến đi thăm đường từ sáng sớm. Anh Lê Xuân Tình, Phó giám đốc, Chủ tịch Công đoàn công ty hồ hởi giới thiệu: “Đây là cán bộ kỳ cựu của công ty đấy, rất mẫn cán, tâm huyết, yêu đường, chăm chút đường. Vì thế, trong hơn 30 năm công tác, công ty giao nhiệm vụ nào, từ cán bộ kế hoạch, đến Hạt trưởng Hạt 2, rồi Đội trưởng Đội Thi công cơ giới và nay là Hạt trưởng Hạt 3, anh đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.
Vừa tất bật chuẩn bị để ra mặt đường, anh Tuấn tâm sự: “Công việc gắn bó với mình cả đời nên không yêu sao được. Có khi ngủ cũng mơ thấy đường, mơ thấy đang làm các công trình cống, kè, duy tu đường, cả làm với dân nữa”.
Có lẽ vì chữ “yêu” ấy mà cả ngày anh chỉ “loay hoay” với đường. Anh Tuấn kể, cứ 5h sáng, nghe thấy tiếng kẻng của trường dân tộc nội trú gần nhà là anh dậy, đi thăm đường. Đi đầu tuyến đến cuối tuyến xem trong đêm có xảy ra sự cố gì không, rồi định hình công việc định làm trong ngày.
Mùa mưa phải dậy sớm hơn đi đến các điểm có nguy cơ sụt, sạt lở để kiểm tra. Hết một vòng, anh quay về, cùng công nhân lên tuyến, ra mặt đường duy tu, sửa chữa đường. Tối đến, cơm nước xong, anh lại đi thăm đường lần nữa, vừa kiểm tra, tuần soát, đồng thời kiểm đếm lại những việc đã làm trong ngày và đề ra kế hoạch cho ngày hôm sau; đồng thời xem dân có dựng lán, dựng nhà lấn hành lang đường bộ không để gặp gỡ, trao đổi với người dân, ngăn chặn luôn.
“Kể cả ba mươi, mùng một Tết vẫn đi thăm đường. Không đi thì không ngủ được vì không yên tâm”, anh nói.
Về công tác quản lý, anh Tuấn cho biết, Hạt 3 được giao duy tu, bảo dưỡng thường xuyên 58km đường bộ, từ Km53 đến Km116 QL279. Nhiệm vụ đặt ra là phải giữ được đất hành lang đoạn đường đã vào cấp; đoạn chưa vào cấp thì phải đảm bảo tốt mặt đường, không để tai nạn xảy ra vì đường xấu. Nhưng đây lại là bài toán khó khi suất đầu tư cho công tác bảo dưỡng thường xuyên đường bộ còn eo hẹp, công ty khoán chi phí.
Làm thế nào giữ được đường tốt, nhưng vẫn đảm bảo đời sống CBCNV để họ yên tâm, gắn bó, tâm huyết với đường, từ đó đảm bảo chất lượng duy tu? Đó là câu hỏi anh luôn trăn trở. Từ đó, anh Nguyễn Đức Tuấn đã xây dựng, thực hiện quy chế khoán sản phẩm đến tổ sản xuất và trực tiếp đến từng người lao động, thực hiện người lao động là chủ của mọi công việc.
Bản thân anh có nhiều sáng kiến vừa tiết kiệm chi phí, vừa đảm bảo hiệu quả cao trong công việc như: Dùng xăng hai thì giá thành rẻ hơn thay vì 4 thì cho máy thi công công trình; cải tạo gia công lại thùng trộn bê tông, dùng nhựa lỏng nên chỉ cần 2 nhân công, trong khi trước kia dùng nhựa cứng, cần đến 10 nhân công mới xong một mẻ trộn. Đặc biệt, sáng kiến dùng dây cước trong máy cắt cỏ thay vì lưỡi cưa sắt đã được áp dụng trong khối duy tu đường bộ toàn ngành, vừa cắt an toàn, cơ động, lại dễ thay thế.
Video đang HOT
Chị Nguyễn Thị Thanh, công nhân duy tu Hạt 3 chia sẻ : “Anh Tuấn về làm Hạt trưởng từ năm 2013, nhưng rất gắn bó, hòa đồng với anh em, có nhiều biện pháp chăm lo đời sống, đảm bảo thu nhập cho công nhân. Anh ấy rất yêu nghề, tâm huyết, không ngại vất vả, không nề hà việc gì, sẵn sàng tham gia làm cùng anh em như công nhân duy tu thực sự. Vì thế đã truyền được tình yêu nghề ấy đến anh em, ai cũng cố gắng làm tốt công việc được giao”.
Sáng kiến trồng hoa, vừa tạo cảnh quan, vừa giữ được hành lang
Hàng cây hoa ban dọc QL279 đang phát triển xanh tốt, vừa tạo cảnh quan, vừa có tác dụng giữ đất, chống lấn chiếm
Không chỉ đảm bảo tốt chất lượng duy tu mặt đường, anh Tuấn còn chú trọng công tác quản lý hành lang đảm bảo ATGT đường bộ. Anh đã cùng CBCNV Hạt 3 phát quang mở cua những đoạn đường có tầm nhìn còn hạn chế, đào những vị trí chưa có rãnh dọc, rãnh ngang thoát nước, đắp các vị trí lề đường còn trũng khuyết, vận động nhân dân sống ven đường quốc lộ trả lại hành lang, vỉa hè và đất dành cho đường bộ. Vì thế, hành lang đường bộ, tầm nhìn cho người dân qua lại, nhất là các lái xe thông thoáng hơn.
Đặc biệt, nhiều người nhớ đến anh vì có sáng kiến trồng hoa ban trong hành lang đường bộ để vừa giữ đất, chống lấn chiếm, vừa tạo cảnh quan đẹp, đảm bảo tầm nhìn. Nói về sáng kiến này của anh Tuấn, anh Lê Xuân Tình chia sẻ: “Cả khối duy tu đường bộ, chắc không có hạt trưởng nào như anh Tuấn, dám tự bỏ 300-400 triệu đồng để trồng hoa ban giữ hành lang, rồi vận động từ cấp tỉnh đến chính quyền cấp xã, thôn tham gia giữ đất hành lang, trong khi công ty không cấp riêng kinh phí cho hoạt động này”.
Kể về sáng kiến này, anh Tuấn cho biết, ban đầu mới trồng được mấy chục cây đã bị dân nhổ bỏ. Vì vậy, anh làm việc với Sở GD&ĐT tỉnh Điện Biên, bàn cách phối hợp xây dựng phong trào trồng cây trong các trường học ở địa phương. Được sự ủng hộ của Sở GD&ĐT, anh tiếp tục tham gia các cuộc họp của xã, thôn, bản để nêu ý kiến, tranh thủ sự đồng thuận của chính quyền địa phương, của dân.
Tết trồng cây Xuân Mậu Tuất 2018, phong trào trồng cây đã được triển khai, đơn vị tự bỏ tiền ra mua cây, rồi đào hố để các cháu học sinh trồng. Sau 4 tháng, Hạt 3 đã cùng với các đoàn thể, thày cô giáo và học sinh xã Nà Nhạn, huyện Điện Biên trồng được 800 cây hoa ban dọc 15km quốc lộ. Cây được các em học sinh trồng ngay trước cửa nhà mình, nên gia đình cũng ý thức chăm sóc. Sau này, người dân còn đóng góp, tự trồng thêm.
Vất vả trong duy tu, rồi “lao tâm khổ tứ” trong công tác dân vận để giữ hành lang nhưng với anh Tuấn cứ đường tốt, người tham gia giao thông an toàn là niềm hạnh phúc lớn nhất trong công việc. “Có nhiều lái xe hay đi trên tuyến này thấy cua được mở rộng, hành lang thông thoáng, an toàn hơn nên tặng anh em thùng bia, thùng nước… Đó cũng là nguồn động viên trong công việc, khiến chúng tôi thấy được thành quả lao động của mình có ý nghĩa, thêm yêu nghề”, anh Tuấn chia sẻ.
Chính vì tình yêu nghề, yêu đường của anh và các CBCNV Hạt 3, từ năm 2013 đến nay, Hạt 3 luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Hàng năm, qua các đợt bình xét thi đua luôn được suy tôn là đơn vị hàng đầu về công tác duy tu bảo dưỡng thường xuyên đường bộ và thi công công trình đạt hiệu quả, an toàn, đảm bảo chất lượng kỹ, mỹ thuật và vệ sinh môi trường theo yêu cầu. Đặc biệt, những năm gần đây, không xảy ra trường hợp TNGT nào nguyên nhân do chất lượng đường.
Thanh Thúy
Theo Baogiaothong
Cận cảnh những khúc cua nguy hiểm trên QL279 Điện Biên
Tuyến QL279 đoạn từ huyện Tuần Giáo đi cửa khẩu Tây Trang, huyện Điện Biên (Điện Biên) có rất nhiều dốc, đèo cao, khúc cua tay áo rất nguy hiểm.
Khúc cua ở đỉnh đèo Tằng Quái
Tuyến QL279 đoạn từ huyện Tuần Giáo đi cửa khẩu Tây Trang, huyện Điện Biên (Điện Biên) dài khoảng 117km. Dốc Nà Lơi thuộc địa phận TP Điện Biên Phủ, đèo Tằng Quái thuộc huyện Mường Ảng, đèo Tà Cơn ở huyện Tuần Giáo... là những đèo, dốc cao nguy hiểm kéo dài hàng cây số. Đặc biệt, đèo Tằng Quái dài 11km với những dốc thẳng đứng dẫn lên đỉnh núi, những khúc cua tay áo liên tiếp, một bên là taluy dương, một bên là vực sâu hàng trăm mét khiến cho con đèo này trở thành một trong những đoạn nguy hiểm bậc nhất trên tuyến đường.
Một số hình ảnh PV ghi nhận trên tuyến QL279:
Dốc Nà Lơi đoạn qua xã Thanh Minh, TP Điện Biên Phủ
Từ ngày 31/3 đến ngày 9/4/2019 trên QL279 đoạn qua TP Điện Biên Phủ xảy ra 3 vụ TNGT, làm lật 3 xe ô tô trọng tải lớn
Những vụ TNGT trên đều có một số điểm chung như: Cùng là xe đầu kéo chở hàng đi về Cửa khẩu Tây Trang; cùng xảy ra vào ban đêm và ở đoạn cuối chân dốc. Khi được hỏi các lái xe đều khai nhận chưa có kinh nghiệm điều khiển xe đi đường đèo dốc, cá biệt có lái xe lần đầu chạy đường Tây Bắc.
Vụ TNGT ngày 25/6 tại Km 67 600 QL279, Nguyên nhân được xác định do lái xe không quen đường và không làm chủ được tốc độ.
Một khúc cua tại Km 59 700 QL 279
"Nếu điều khiển xe đầu kéo từ huyện Tuần Giáo đi TP Điện Biên Phủ, với những lái xe chưa quen đường thì phải mất khoảng 4 giờ, ai quen đường thì mất 3 giờ", một lái xe ở Điện Biên cho biết.
Đèo Tằng Quái tuy không quá dài, không cao nhưng lại quanh co, khá nhiều dốc
Khi lưu thông trên tuyến QL 279, chỉ một phút lơ là của tài xế là có thể xảy ra tai nạn giao thông hết sức thảm khốc
Với những con dốc dài, những khúc cua liên tiếp khiến đoạn đường dài hơn 100km này trở thành mối nguy hiểm luôn rình rập, đe dọa tính mạng những người tham gia giao thông, đặc biệt là những tài xế chưa có kinh nghiệm đi đường đèo, dốc.
Công an TP Điện Biên Phủ đã có kiến nghị gửi Ban ATGT tỉnh chỉ đạo kiểm tra, rà soát phát hiện và kịp thời khắc phục những sơ hở thiếu sót của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông và báo hiệu giao thông đường bộ trên QL279, đặc biệt là trên các đoạn đường đèo, dốc quanh co nguy hiểm, tầm nhìn bị che khuất, để đảm bảo ATGT, hạn chế đến mức thấp nhất TNGT.
Để đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông trên tuyến đường này, các lái xe, đặc biệt là những người điều khiển xe có trọng tải lớn phải chú ý những biển cảnh báo nguy hiểm, những đoạn lên, xuống dốc liên tục.
Theo Anh Tâm (Báo Giao thông)
Điện Biên: An táng 12 hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh tại Lào Ngày 19/6, tại Nghĩa trang Liệt sỹ Tông Khao, xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên, UBND tỉnh Điện Biên đã tổ chức lễ đón nhận, truy điệu và an táng 12 hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh tại nước bạn Lào. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND Tỉnh Lò Văn Muôn (áo xanh) đưa...