Người biểu tình vây Tháp Trump
Đám đông biểu tình tập trung trước Tháp Trump ở New York, quyết không rời đi trước giờ giới nghiêm.
Hàng nghìn người hôm 2/6 quỳ hoặc ngồi trước Khách sạn Quốc tế Trump và Tháp Trump, tòa nhà 58 tầng ở New York, Mỹ, trước giờ giới nghiêm 20h để biểu tình đòi công lý cho George Floyd và những người da màu chết dưới tay cảnh sát. Họ vẫy tay với nhóm cảnh sát đứng gác trước tòa nhà và một người đàn ông hét vào loa cầm tay: “Hãy nhìn những người đàn ông mặc sơ mi trắng. Họ là những người nắm quyền”.
Một số người biểu tình trèo lên xe của sở cảnh sát thành phố New York đậu giữa đám đông, trong khi những người khác ngồi trên một bốt điện thoại công cộng gần Công viên Trung tâm. Nhóm tuyên bố không có ý định giải tán trước giờ giới nghiêm, với những tiếng hét: “8h tối, chúng tôi sẽ không đi đâu” hoặc “chờ đến 8h tối”.
“Chúng tôi sẽ không rời đi sau 8h tối vì nếu di chuyển, chúng tôi sẽ bị chia tách”, một người phụ nữ nói vào loa. “Chúng tôi sẽ ở ngay đây”.
Người biểu tình trước Tháp Trump ở thành phố New York hôm 2/6. Video: NY Post.
Khoảng 19h55, đám đông bắt đầu diễu hành về phía Trung tâm Lincoln, hét lên những lời phản đối giờ giới nghiêm và cảnh sát.
Một đám đông khác bắt đầu tập trung trước Tháp Trump và bắn pháo hoa giữa những tiếng hô lớn. Nhóm này trước đó cũng quỳ xuống biểu tình trước tòa nhà.
Thành phố New York đã chứng kiến ngày biểu tình thứ sáu sau cái chết của George Floyd, 46 tuổi. Những hành vi lợi dụng biểu tình để đập phá, cướp bóc buộc giới chức thành phố phải mở rộng giờ giới nghiêm từ 20h đến 5h hôm sau thay vì từ 23h như trước đó.
Người biểu tình quỳ và ngồi trước Khách sạn Quốc tế Trump ở New York hôm 2/6. Ảnh: Reuters.
Floyd bị cảnh sát Derek Chauvin tại Minneapolis ghì gáy gần 9 phút dẫn tới tử vong hôm 25/5. Cái chết của anh làm dấy lên cơn phẫn nộ khắp nước Mỹ và quốc tế vì tình trạng phân biệt chủng tộc và bạo lực của cảnh sát.
Hồ sơ truy tố cho thấy Floyd chết vì “ngừng tim phổi do tác động kết hợp của việc bị nhân viên thực thi pháp luật khống chế và ghì gáy”, trong khi một báo cáo khám nghiệm của bác sĩ pháp y nói rằng cái chết là “một vụ giết người”. Các vấn đề sức khỏe đáng kể khác của Floyd được liệt kê là “bệnh tim do xơ cứng động mạch và tăng huyết áp, sử dụng thuốc giảm đau fentanyl, sử dụng ma túy đá gần đây”.
4 cảnh sát liên quan tới sự việc bị sa thải, trong đó Derek Chauvin, người trực tiếp ghì chân lên gáy Floyd, bị bắt và truy tố tội giết người cấp độ ba.
Cướp bóc tung hoành ở New York sau biểu tình
Nhiều cửa hàng sang trọng xung quanh trung tâm Manhattan, New York trở thành mục tiêu cướp bóc, đập phá của những thành phần biểu tình quá khích.
Suốt đêm 31/5, từng đoàn người biểu tình diễu hành qua các tuyến phố ở khu Hạ Manhattan, thành phố New York để phản đối vụ người đàn ông da màu George Floyd bị cảnh sát ghì chết hôm 25/5. Sau khi các nhóm tuần hành di chuyển về phía bắc, một số nhóm nhỏ nán lại, bắt đầu đập phá cửa kính các cửa hàng trên mặt phố.
Đến sáng 1/6, Manhattan bị tàn phá đến mức chưa từng thấy kể từ sự cố mất điện năm 1977, sự kiện gây ra tình cảnh hỗn loạn khi nạn cướp bóc và bạo lực nổ ra, gây thiệt hại hàng trăm triệu USD.
Người biểu tình xông vào cướp bóc một cửa hàng bách hóa ở New York hôm 1/6. Ảnh: AFP.
Người biểu tình quá khích đã tràn xuống Broadway và di chuyển qua các tuyến phố ở khu SoHo, để lại sự tàn phá nghiêm trọng từ các tiệm thuốc tây cho đến chuỗi cửa hàng đồ hiệu như Channel, Adidas hay Dolce & Gabbana.
Những kẻ cướp bóc đi từ cửa hàng này sang cửa hàng khác, nhặt nhạnh trong đống đổ nát những mặt hàng đắt tiền như giày, quần áo, đồ điện tử... Cửa hàng của Bloomingdale tại SoHo, chuỗi cửa hàng bách hóa cao cấp của Mỹ, cũng bị cướp phá.
Cảnh sát cho biết hơn 400 người đã bị bắt ở New York do liên quan tới các cuộc đập phá đêm 31/5, chủ yếu phạm tội cướp bóc và trộm cắp.
"Tôi không nghĩ điều này có liên quan gì tới phong trào 'Mạng người da màu cũng quan trọng'. Nó thật sự hỗn loạn. Mọi người chỉ sử dụng nó như cái cớ để hành động điên loạn, làm những việc trước đây không dám nghĩ tới", một thanh niên 24 tuổi thường ngày làm bảo vệ, cũng tham gia vào các cuộc cướp bóc, cho biết.
Sau nhiều giờ biểu tình chủ yếu ôn hòa, đường phố Hạ Manhattan trở nên hỗn loạn sau 22h đêm 31/5, sau khi cảnh sát đối đầu và giải tán một đám đông di chuyển từ Brooklyn.
Hành động bạo lực của những người biểu tình này ngày một leo thang, họ đá tung thùng rác ra đường, châm lửa đốt và thiêu rụi cả giàn giáo trên một tòa chung cư gần đó. Họ nhanh chóng đập vỡ toàn bộ cửa kính của các cửa hàng trong tầm mắt.
Các sĩ quan cảnh sát chống bạo động nhanh chóng triển khai nhiệm vụ, trong khi người biểu tình ôn hòa cũng hét lên: "Không bảo vệ cho những kẻ cướp bóc".
Sau nửa đêm, cuộc đụng độ lần hai giữa nhóm biểu tình bạo loạn và lực lượng cảnh sát tiếp tục diễn ra bên ngoài Trung tâm Barclays. Đám đông khi tràn qua Manhattan nhanh chóng đập phá các cửa hàng sang trọng ở Lower East Side.
Một cửa hàng thời trang cao cấp bị đập phá ở Manhattan, New York, Mỹ, hôm 1/6. Ảnh: New York Times.
Không lâu sau, tiếng súng vang lên khắp khu phố và mọi người chen nhau tìm chỗ trú ẩn. Xe cứu thương đã được điều động để đón một người đàn ông trúng đạn. Không rõ liệu sự việc có liên quan đến cướp bóc hay biểu tình hay không.
Khi cảnh cướp phá tiếp diễn, cảnh sát dường như buông xuôi. Họ ngồi trong xe khi những kẻ cướp bóc ngang nhiên lao vào các cửa hàng, ngay trước mắt các sĩ quan hành pháp. "Chúng tôi đang cướp của mọi người", một thanh niên hét lên đầy hả hê trên phố Houston lúc 2h24 sáng 1/6.
Không chỉ những cửa hàng xa xỉ bị nhắm mục tiêu, nhiều cửa hàng nhỏ cũng bị nhóm người quá khích đập phá. Jason Ackerman, 45 tuổi, chủ một hàng xăm và quần áo nhỏ trên đường Phillips, cho biết những kẻ cướp bóc đã lấy của anh 1.000 USD, tất cả quần áo và còn đập vỡ những đồ trưng bày.
"Tôi cảm thấy tức giận, ghê tởm. Tôi cảm thấy xấu hổ cho thành phố của mình. Hỡi những người New York, chúng ta nên xích lại gần nhau", Ackerman nói.
Các cuộc phá phách kéo dài tới 3h sáng và nó tiếp tục gây ra đợt hỗn loạn mới khi những kẻ cướp bóc nhận ra họ không còn phương tiện di chuyển về nhà. Tàu điện ngầm đã đóng cửa qua đêm vì Covid-19, Ubers thì khan hiếm và điện thoại của họ cũng đã hết pin.
Những kẻ cướp bóc đã tiếp cận bất cứ ai đang cầm điện thoại di động và cầu xin các tài xế đang chạy trên đường dừng lại. Một phụ nữ nài nỉ một người lái xe trên phố Houston và liên tục nói: "Hãy cho tôi vào, xin hãy cho tôi lên xe, tôi có tiền mặt ở đây, rất nhiều tiền".
Tới 5h, Joseph Holder, 65 tuổi, một người da màu hiện làm công nhân vệ sinh môi trường, chứng kiến cảnh tượng tan hoang và tỏ ra sợ hãi.
"Tôi rất lo sợ cho mạng sống của mình. Đúng vậy, mạng người da màu quan trọng, nhưng mọi người đang cố xây dựng hình mẫu gì cho thế hệ tiếp theo?", Holder nói, chuẩn bị bắt tay vào dọn dẹp. "Hãy để tôi làm những gì mình phải làm vì tôi không muốn ở quá lâu trên những con phố này".
Khi các cuộc biểu tình đòi công lý cho George Floyd, người da màu bị cảnh sát ghì chết, trở thành bạo loạn, chính quyền các thành phố yêu cầu thống đốc bang triển khai Vệ binh Quốc gia hỗ trợ cảnh sát và áp lệnh giới nghiêm để kiểm soát tình hình.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đe dọa sẽ triển khai hàng nghìn binh sĩ được vũ trang hạng nặng ở thủ đô Washington để ngăn tình trạng hôi của, cướp bóc. Trump trước đó gọi những người quá khích là "những kẻ cướp bóc, vô chính phủ".
Biểu tình "Tôi không thể thở" ban đầu đòi công lý cho Floyd, song đã nâng lên thành biểu tình vì người da màu khi mọi người khơi lại những bất công và những cái chết thương tâm trong cộng đồng này. Cuộc biểu tình khởi phát từ thành phố Minneapolis hiện lan đến ít nhất 140 thành phố khắp nước Mỹ và nhiều quốc gia khác trên thế giới như Anh, Đức và New Zealand.
Trump chưa định kiểm soát Vệ binh Quốc gia Trump sẽ chưa hành động quyết liệt bằng cách tiếp quản quyền kiểm soát Vệ binh Quốc gia để đối phó các cuộc biểu tình "Tôi không thể thở". "Chúng tôi sẽ chưa liên bang hóa lực lượng Vệ binh Quốc gia vào lúc này. Tuy nhiên, chúng tôi còn thêm các lực lượng quân sự khác có thể triển khai nếu cần",...