Người biểu tình trèo xuống ban công Điện Capitol nói xin lỗi
Người biểu tình được nhìn thấy trèo xuống ban công phòng họp Thượng viện ở Điện Capitol trong vụ bạo loạn hôm 6-1 xin lỗi về hành động của mình khi chờ ngày ra tòa.
Một người đàn ông xuất hiện trong bức ảnh tuần trước đang trèo xuống từ ban công phòng họp Thượng viện trong vụ bạo loạn ở Điện Capitol lần nữa xin lỗi về hành động của mình, sau khi được thả ra và chờ ngày ra tòa.
Theo kênh Fox News , ông Josiah Colt (34 tuổi) cư trú tại TP Boise, bang Idaho (Mỹ) bị buộc tội cố ý xâm nhập và ở lại tòa nhà hoặc khu vực bị hạn chế mà không có thẩm quyền hợp pháp, xâm nhập bạo lực và hành vi mất trật tự trong khuôn viên Điện Capitol, theo Bộ Tư pháp Mỹ.
Một người biểu tình được nhìn thấy đang trèo xuống từ ban công phòng họp Thượng viện tại Điện Capitol hôm 6-1. Ảnh: Win McNamee / Getty Images
Ông Colt đã tự thú với Cục Điều tra liên bang ( FBI) tại Idaho trước đó trong tuần này và được thả ra hôm 13-1 để chờ ngày ra tòa xét xử.
“Tôi không làm bị thương bất kỳ ai, không lấy bất kỳ thứ gì, không làm vỡ bất kỳ thứ gì. Tôi chỉ có ý định tới đó để cất tiếng nói của mình. Tôi yêu nước Mỹ. Như tôi đã nói, tôi xin lỗi. Tôi không tha thứ cho vụ bạo loạn xảy ra ở đó. Đó là thảm kịch, tôi thấy đau lòng về những gì đã xảy ra” – ông Colt nói.
Cảnh sát cho biết ông Colt có thể ở tù lên tới một năm nếu bị kết tội cố ý xâm nhập, trong khi các tội khác có thể lãnh hình phạt sáu tháng tù.
Ông Colt dự kiến ra tòa vào ngày 19-1. Các điều kiện trước phiên tòa mà ông Colt phải tuân thủ bao gồm chịu sự giám sát về vị trí của mình, không được phép sở hữu súng hay thiết bị phá hoại, không được uống rượu hoặc đến quán bar và không được đi ra khỏi bang Idaho mà không có sự cho phép, kênh KTVB cho biết.
Video đang HOT
Trong một diễn biến liên quan, theo đài CNN, FBI đã bắt người đàn ông được nhìn thấy cầm cờ Liên minh miền Nam Mỹ đi bên trong Điện Capitol trong vụ bạo loạn hôm 6-1. Người đàn ông này được xác định là Kevin Seefried.
Ông Seefried khai với FBI rằng ông mang theo lá cờ này tới Washington từ quê nhà Delaware. Ông Seefried bị buộc tội cố ý xâm nhập hoặc ở lại các tòa nhà hoặc khu vực bị hạn chế mà không có thẩm quyền hợp pháp, xâm nhập bạo lực và hành vi mất trật tự trong khuôn viên Điện Capitol.
Con trai của ông Seefried tên Hunter cũng bị bắt và bị buộc tội tương tự.
FBI tra ra danh tính của hai người này sau khi một đồng nghiệp của anh Hunter báo rằng anh ta đã khoe mình vào bên trong Điện Capitol cùng với cha hôm 6-1. Hiện chưa rõ hai người này có luật sư hay không.
CNN và các tổ chức tin tức khác đã xác định được một số người xông vào Điện Capitol. Một số người đối mặt cáo buộc hình sự, một số mất việc và bỏ việc vì tham gia vụ bạo loạn.
Những lời gan ruột trong bất lực của cảnh sát trưởng Điện Capitol
Cảnh sát trưởng Điện Capitol Steven Sund cáo buộc giới chức an ninh Hạ viện và Thượng viện ngăn cản nỗ lực huy động Vệ binh Quốc gia để chặn người biểu tình tràn vào Điện Capitol, theo The Washington Post.
Hai ngày trước khi Quốc hội Mỹ họp để kiểm phiếu đại cử tri, ông Sund lo ngại về quy mô của các cuộc biểu tình ủng hộ Tổng thống Donald Trump.
Để đối phó với kịch bản đám đông biểu tình tràn vào tòa nhà Quốc hội, ông Sund đã yêu cầu giới chức an ninh lưỡng viện cho phép đề nghị đặt Vệ binh Quốc gia vào trạng thái sẵn sàng tác chiến khi cần. Tuy nhiên, ông Sund tiết lộ hôm 10-1 rằng họ đã từ chối.
Trong cuộc phỏng vấn đầu tiên kể từ vụ bạo loạn tại Điện Capitol hôm 6-1, ông Sund - người đã nộp đơn từ chức hôm 7-1 (nhưng chưa có hiệu lực) - khẳng định cấp trên của ông không triển khai những động thái chính thức nhằm huy động Vệ binh Quốc gia, kể cả khi họ nhận được thông tin tình báo rằng đám đông tập trung gần thủ đô Washington để phản đối Quốc hội chứng nhận chiến thắng của ông Joe Biden có thể lớn hơn các cuộc biểu tình trước đó.
Ông Steven Sund. Ảnh: Cảnh sát Capitol
Theo lời kể của ông Sund, quan chức đặc trách an ninh tại Hạ viện Paul Irving nói rằng ông không thoải mái với "viễn cảnh" ban bố tình trạng khẩn cấp trước cuộc biểu tình. Trong khi đó, quan chức đặc trách an ninh tại Thượng viện Michael Stenger đề xuất ông Sund đưa ra yêu cầu "không chính thức", kêu gọi Vệ binh Quốc gia sẵn sàng can thiệp phòng khi Cảnh sát Capitol cần hỗ trợ.
Ông Irving đến giờ vẫn chưa bình luận về những thông tin trên. Tương tự, ông Stenger cũng khẳng định với một phóng viên đến nhà ông vào ngày 10-1 rằng ông "thực sự không muốn nói về vấn đề này".
Ông Sund nhấn mạnh ông đã yêu cầu hỗ trợ 6 lần; tất cả đều bị từ chối hoặc trì hoãn trước và trong lúc bạo loạn xảy ra. Riêng ngày 6-1, khi khoảng 8.000 người biểu tình quá khích tràn vào Quốc hội, ông Sund khẳng định họ chỉ mất 15 phút để phá vỡ cánh Tây của Điện Capitol. Lực lượng của ông Sund nhanh chóng bị áp đảo khi chỉ có 1.400 Cảnh sát Capitol làm nhiệm vụ.
"Nếu được Vệ binh Quốc gia hỗ trợ, chúng tôi có thể đã cầm chân đám đông lâu hơn, cho đến khi có lực lượng tiếp viện" - ông Sund nói.
Những người biểu tình quá khích tràn vào Điện Capitol hôm 6-1. Ảnh: Reuters
Đến khoảng 14 giờ (giờ địa phương), khi đám đông tràn vào Điện Capitol, cảnh sát Washington tức tốc triển khai thêm hàng trăm sĩ quan đến viện trợ. Tuy nhiên, con số này là không đủ. 26 phút sau, ông Sund cho biết ông liên lạc Lầu Năm Góc để yêu cầu hỗ trợ.
Tuy nhiên, nhiều quan chức Lầu Năm Góc - trong đó có Trung tướng Walter E. Piatt, trả lời rằng họ không thể thuyết phục Bộ trưởng Lục quân Ryan McCarthy chấp thuận yêu cầu của ông Sund dù "tình hình cấp bách", bởi họ "không thích hình ảnh Vệ binh Quốc gia đứng trong đội hình cảnh sát với Điện Capitol ở phía sau".
Bất chấp những yêu cầu hỗ trợ của ông Sund, phải đến 17 giờ 40 phút, thành viên đầu tiên của Vệ binh Quốc gia mới xuất hiện tại Điện Capitol. Khi đó, đã có 4 người thiệt mạng và những diễn biến tồi tệ nhất của cuộc bạo loạn đã chấm dứt từ lâu.
Trong cuộc họp báo tuần trước, các quan chức Lầu Năm Góc nhấn mạnh lực lượng cảnh sát Capitol không yêu cầu Vệ binh Quốc gia chuẩn bị trước và chỉ đưa ra yêu cầu khẩn cấp khi đám đông sắp vào được trụ sở quốc hội. Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, Vệ binh Quốc gia không thể tập hợp lực lượng nhanh như cảnh sát.
Kêu cứu vô vọng!
Ông John Falcicchio, chánh văn phòng của Thị trưởng Washington D.C Muriel E. Bowser, kể lại ông Sund đã kêu gào hỗ trợ trong cuộc điện thoại trực tuyến với sự tham gia của Lầu Năm Góc và giới chức thủ đô. "Ông ấy kêu gào giúp đỡ theo đúng nghĩa đen, hết lần này đến lần khác. Điều này vẫn thiêu đốt tâm trí tôi" - ông Falcicchio kể.
Ông Sund, 55 tuổi, từ chức vào ngày hôm sau, nói với bạn bè rằng ông cảm thấy mình đã khiến đồng nghiệp thất vọng. Giữa cơn tức giận, theo Washington Post, nhiều nhà lập pháp nhanh chóng chấp nhận đơn này. Trước sức ép từ các nghị sĩ, cả hai ông Stenger và Irving cũng từ chức.
Trong cuộc phỏng vấn với Washington Post, ông Sund bảo vệ các sĩ quan của mình, những người mà ông cho là đã chiến đấu quả cảm. Đồng thời, ông vẫn lo ngại cho lễ nhậm chức của ông Joe Biden vào ngày 20-1 tới.
Cố vấn cấp cao của Tổng thống Trump từ chức Làn sóng nhân sự cấp cao rời bỏ Nhà Trắng tiếp diễn sau khi cố vấn về quan hệ với Nga của Tổng thống Trump nộp đơn từ chức. Reuters đưa tin ông Ryan Tully, cố vấn cấp cao về quan hệ với Nga của Tổng thống Donald Trump, đã từ chức ngày 7/1. Trước đó, Stephanie Grisham, cựu giám đốc truyền thông...