Người biểu tình Thái Lan ‘chiếm’ trụ sở quân đội
Ngày 29.11, người biểu tình chống Chính phủ Thái Lan đã tràn vào trụ sở quân đội nước này tại thủ đô Bangkok, kêu gọi quân đội cùng họ lật đổ chính quyền Thủ tướng Yingluck Shinawatra.
Người biểu tình Thái Lan bao vây trụ sở của Tổng cục Cảnh sát Thái Lan ngày 28.11 – Ảnh: AFP
“Những người biểu tình đập cửa rồi xông vào trụ sở quân đội”, AFP dẫn lời người phát ngôn quân đội Thái Lan (không nêu tên).
Người đứng đầu quân đội Thái Lan không có mặt trong trụ sở này, cũng theo người phát ngôn trên.
AFP cho hay hàng ngàn người biểu tình đã tràn vào trụ sở quân đội Thái Lan ở thủ đô Bangkok, kêu gọi quân đội ủng hộ họ lật đổ chính quyền bà Yingluck.
Video đang HOT
Người biểu tình cũng đổ xô đến trước trụ sở đảng cầm quyền Puea Thai do bà Yingluck đứng đầu tại thủ đô Bangkok.
Hôm qua 28.11, Thủ tướng Yingluck đã dễ dàng vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm ở quốc hội nước này với tỷ lệ 297 phiếu ủng hộ và 134 phiếu chống.
Tuy nhiên, làn sóng chống đối chính phủ vẫn tăng cao với việc hàng ngàn người biểu tình bao vây trụ sở của Tổng cục Cảnh sát Thái Lan và cắt đứt hệ thống điện ở đây vào ngày 28.11.
Trong tuần này, những cuộc biểu tình rầm rộ chống chính phủ đã làm tê liệt nhiều văn phòng bộ, ngành ở Thái Lan.
Theo TNO
Thái Lan rơi vào thế bế tắc
Bất chấp việc Thủ tướng Yingluck Shinawatra vượt ải bỏ phiếu tín nhiệm ở quốc hội, cuộc khủng hoảng chính trị ở Thái Lan vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Người biểu tình trước Tổng cục Cảnh sát Thái Lan - Ảnh: Minh Quang
Sáng qua, bà Yingluck đã dễ dàng vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm ở quốc hội với tỷ lệ 297 phiếu ủng hộ và 134 phiếu chống. Tuy nhiên, làn sóng chống đối chính phủ vẫn tăng cao với việc hàng ngàn người biểu tình bao vây trụ sở của Tổng cục Cảnh sát và cắt đứt hệ thống điện ở đây. Chiếc loa công suất lớn đặt trên mui xe tải chĩa thẳng vào trụ sở Tổng cục Cảnh sát. Những người cầm đầu nhóm biểu tình liên tục chửi bới cảnh sát là tay sai cho điều được họ gọi là "chế độ Thaksin", ám chỉ bà Yingluck là con rối của người anh trai, cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra.
"Họ đã quên nhiệm vụ phục vụ người dân, họ chỉ phục tùng một người đó là Thaksin vì vậy chúng tôi đến để thức tỉnh họ", ông Somkiet Pong Paiboon, lãnh đạo Mạng lưới nhân dân 77 tỉnh, thành Thái Lan nói vói Thanh Niên.
Ông Somkiet nói mục đích của những người tham gia biểu tình là đòi lại quyền làm chủ của người dân, không để gia đình Thaksin làm mưa làm gió, vơ vét làm giàu và làm hại đất nước. Tôn chỉ khi thành lập của Mạng lưới nhân dân 77 tỉnh, thành Thái Lan là đấu tranh bảo vệ lãnh thổ quốc gia, nhưng từ khi tham gia phong trào biểu tình do đảng Dân chủ đối lập khởi xướng, nhóm này chuyển sang mục tiêu lật đổ "chế độ Thaksin".
Ông Somkiet thừa nhận mục tiêu này không dễ đạt được trong một vài cuộc biểu tình mà cần sự ủng hộ của tất cả người dân mới thành công. "Tuy vậy chúng tôi sẽ tiếp tục xuống đường dù không biết mục tiêu của ngày hôm sau là gì. Và chúng tôi dứt khoát sẽ không thương lượng hay thỏa hiệp với chính phủ. Hoặc chính phủ ra đi, hoặc chúng tôi thất bại", ông Somkiet chia sẻ trước khi đăng đàn diễn thuyết.
Lẫn trong nhóm biểu tình là vợ chồng anh Michael, một lập trình viên người Đức đang hưởng tuần trăng mật ở Thái Lan. Họ không khỏi có cảm giác bất an ngay cả khi chỉ đứng cách Tổng cục Cảnh sát chỉ vài bước. "Trước khi đến Thái Lan, nhiều người đã cảnh báo với vợ chồng tôi về tình hình căng thẳng ở đây, nhưng nghe nói là biểu tình ôn hòa, người dân chỉ thể hiện sự phản đối của họ đối với chính phủ. Tuy nhiên, khi thấy nhóm biểu tình đông và la hét như thế chúng tôi cũng có chút lo sợ", anh Michael chia sẻ với Thanh Niên. Không thể vượt qua đám đông biểu tình để đến nơi cần đến, cặp vợ chồng mới cưới này đành trở ngược lại để tìm điểm đến khác cho chuyến đi "ác mộng".
Ngoài Tổng cục Cảnh sát, người biểu tình còn bao vây nhiều điểm nóng khác, gồm cả Bộ Quốc phòng, nơi mà người đứng đầu chính là Thủ tướng Yingluck Shinawatra. Với mục tiêu kêu gọi quân đội lật độ chính phủ, những người biểu tình ở đây chỉ "biểu dương lực lượng" trong buổi sáng trước khi quay về "căn cứ địa" trên đại lộ lớn nhất ở Bangkok.
Trong khi đó, với vẻ tự tin sau khi vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, Thủ tướng Yingluck lại một lần nữa lên truyền hình kêu gọi người dân chấm dứt biểu tình để đàm phán hòa bình. Tuy nhiên, bà Yingluck tuyên bố từ chối yêu sách thành lập hội đồng nhân dân để điều hành đất nước của những người biểu tình.
"Căng thẳng cứ dây dưa, khi một bên yêu sách thì bên kia làm căng nhưng khi bên này xuống nước thì bên kia lên mặt. Chúng tôi quá mệt mỏi, không biết khi nào mọi chuyện sẽ kết thúc", một người dân giấu tên ở Bangkok than thở với Thanh Niên.
Đảng Dân chủ quyết lật đổ chính phủ Sau thất bại trong vụ bỏ phiếu bất tín nhiệm Thủ tướng Yingluck Shinawatra, lãnh đạo đảng Dân chủ Abhisit Vejjajiva tuyên bố đảng của ông kiên quyết lật đổ "chế độ Thaksin". Ông này không tiết lộ cụ thể kế hoạch hành động nhưng các nhà phân tích dự đoán có thể tất cả nghị sĩ đảng Dân chủ sẽ đồng loạt rút lui khỏi quốc hội để xuống đường quy mô lớn và thu hút nhiều người ủng hộ. Lúc đó, quân đội có thể ra tay để làm một cuộc lật đổ nhân danh nhân dân. Trong khi đó, các học giả của 6 viện nghiên cứu và trường đại học hàng đầu Thái Lan đề nghị thủ tướng nên từ chức để chấm dứt căng thẳng hiện nay.
Theo TNO
Nữ Thủ tướng Thái cầu xin chấm dứt biểu tình Bà Yingluck đã khẩn cầu người biểu tình chấm dứt các hành động phản đối chính phủ vì nền hòa bình của đất nước. Ngày 28/11, nữ Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra đã khẩn cầu người biểu tình đang rầm rộ tuần hành trên các đường phố thủ đô Bangkok chấm dứt các hành động phản đối và tìm biện pháp thương...