Người biểu tình Myanmar bị bắn
Ít nhất hai người biểu tình phản đối đảo chính quân sự ở Myanmar đã thiệt mạng trong các cuộc tuần hành hôm nay (20/2) do trúng đạn vào đầu và vào ngực.
ChannelNewsAsia hôm nay (20/2) dẫn thông báo của Hlaing Min Oo, người đứng đầu nhóm cứu hộ tình nguyện tại thành phố Mandalay lớn thứ hai ở Myanmar, cho biết, hai người đã thiệt mạng và 30 người khác bị thương trong các cuộc biểu tình phản đối đảo chính quân sự tại thành phố.
Cảnh sát đối đầu người biểu tình ở Myanmar. Ảnh: AP
“Trong số hai nạn nhân thiệt mạng, có một nam sinh bị bắn vào đầu” – Hlaing Min Oo nói.
Các bác sĩ tình nguyện ở Mandalay xác nhận cái chết của nam thanh niên bị trúng đạn vào đầu, cho biết thêm người còn lại bị bắn vào ngực và qua đời khi được đưa đến nơi cứu chữa.
Video đang HOT
Hai nạn nhân nâng tổng số người thiệt mạng trong các cuộc biểu tình chống đảo chính lên con số ba. Hôm 19/2, Cô Mya Thwate Thwate Khaing, 20 tuổi, tử vong sau 10 ngày điều trị tại bệnh viện vì bị bắn vào đầu khi tham gia biểu tình ở thủ đô Naypyidaw.
Theo AP, hàng trăm nhân viên an ninh, gồm cả binh sĩ quân đội, đã xuất hiện ở các khu vực trên đường phố Mandalay khi người biểu tình đổ xuống đường. Một số vụ đụng độ đã xảy ra. Lực lượng an ninh Myanmar đã dùng súng, đạn hơi cay, vòi rồng để trấn áp đám đông.
Các nhân chứng đã nghe thấy nhiều tiếng súng phát ra từ khu vực có biểu tình. Các đoạn video từ hiện trường cũng cho thấy vệt lửa loé ra liên tục từ họng súng của lực lượng an ninh.
Hôm 1/2, quân đội Myanmar bất ngờ bắt bà Suu Kyi, lãnh đạo thực tế của quốc gia Đông Nam Á, cùng các quan chức cấp cao trong chính quyền dân sự với cáo buộc có gian lận trong cuộc bầu cử tháng 11/2020. Động thái này đã châm ngòi những cuộc biểu tình lớn nhất trong hơn một thập kỷ qua tại Myanmar.
Cách đây vài ngày, Thống tướng Min Aung Hlaing, người đứng đầu chính quyền quân sự Myanmar, yêu cầu đám đông biểu tình giải tán và cảnh báo hậu quả với những người bất tuân.
Ngày 15/2, Liên Hợp Quốc cảnh báo quân đội Myanmar sẽ hứng chịu “hậu quả nghiêm trọng” nếu đàn áp tàn bạo bất cứ cuộc biểu tình chống đảo chính nào.
Website quân đội Myanmar bị đánh sập
Nhóm tin tặc tấn công vào website quân đội và nhiều cơ quan chính phủ Myanmar để phản đối đảo chính và việc điều binh sĩ trấn áp biểu tình.
Nhóm mang tên Myanmar Hackers ngày 18/2 đánh sập các trang web của Ngân hàng Trung ương, trang tuyên truyền của quân đội, đài truyền hình nhà nước MRTV, Cơ quan Cảng vụ cùng Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm.
"Chúng tôi đang đấu tranh cho công lý ở Myanmar", nhóm tin tặc cho biết trên trang Facebook của mình. "Đây giống như sự phản đối của dân chúng trên các trang web của chính phủ".
Vụ tấn công diễn ra một ngày sau khi hàng chục nghìn người tham gia biểu tình ở khắp Myanamar để phản đối việc quân đội hôm 1/2 bắt Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi cùng các lãnh đạo dân cử và nắm quyền kiểm soát đất nước.
Binh sĩ Myanmar tại một chốt gác tại thủ đô Naypyidaw, ngày 17/2. Ảnh: AFP .
Matt Warren, chuyên gia an ninh mạng thuộc Đại học RMIT Australia, cho biết mục đích của cuộc tấn công có thể nhằm gây tiếng vang. "Các cuộc tấn công có thể là tấn công từ chối dịch vụ hoặc bôi xấu những trang web được gọi là hacktivism", Warren cho biết. "Tác động có thể hạn chế song những gì họ đang làm là để gây tiếng vang".
Hacktivism là thuật ngữ dùng để chỉ việc sử dụng các kỹ thuật trên nền tảng máy tính để tấn công với tư cách một hình thức bất tuân dân sự, nhằm thúc đẩy chương trình nghị sự chính trị hoặc thay đổi xã hội.
NetBlocks, nhóm giám sát tình trạng mất kết nối Internet toàn cầu có trụ sở tại Anh, cho biết kết nối Internet tại Myanmar bị gián đoạn nghiêm trọng vào khoảng 1h sáng 18/2 (1h30 giờ Hà Nội). Lưu lượng kết nối tại Myanmar giảm xuống chỉ còn 21% và được khôi phục sau đó 8 tiếng, trước khi bắt đầu ngày làm việc.
Cuộc đảo chính của quân đội Myanmar đã châm ngòi cho những cuộc biểu tình lớn nhất trong hơn một thập kỷ qua. Nhiều người Myanmar dừng ô tô và giả vờ rằng xe của họ bị hỏng nhằm chặn đường và ngăn lực lượng an ninh di chuyển tại Yangon. Căng thẳng tại Mandalay, thành phố lớn thứ hai Myanmar, leo thang trong đêm khi cảnh sát và binh sĩ giải tán một cuộc biểu tình khiến các tuyến đường sắt đình trệ, hai nguồn tin cho biết.
Một thành viên của lực lượng cứu hộ khẩn cấp địa phương cho biết lực lượng an ninh đã nổ súng khiến một người bị thương, song không rõ là đạn cao su hay đạn thật. Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị cho biết 4 lái tàu bị bắt vì tham gia biểu tình, sau đó được đưa tới nhà máy sản xuất đầu máy ở Mandalay và phải lái tàu đến thành phố Myitkyina ở miền bắc.
Kênh MRTV đưa tin giới chức phát lệnh bắt một số diễn viên, đạo diễn và ca sĩ nổi tiếng của Myanmar. Những người này bị cáo buộc sử dụng "sự nổi tiếng và tên tuổi" của mình để khuyến khích dân chúng tham gia biểu tình.
Trung Quốc 'không muốn thấy' chính biến ở Myanmar Đại sứ Trung Quốc tại Myanmar cho biết bất ổn chính trị ở nước này "hoàn toàn" không phải những gì Bắc Kinh muốn thấy. "Chúng tôi đã chú ý đến bất đồng nội bộ của Myanmar liên quan đến cuộc bầu cử trong một thời gian, nhưng không được thông báo trước về sự thay đổi chính trị", đại sứ Chen Hai...