Người biểu tình kéo đổ tượng Liên minh duy nhất ở Washington
Đám đông biểu tình giật đổ rồi đốt tượng tướng Liên minh miền Nam duy nhất ở thủ đô Washington, hành động bị Trump gọi là “đáng hổ thẹn”.
Hàng chục người biểu tình buộc dây thừng kéo đổ tượng chuẩn tướng của Liên minh miền Nam Albert Pike ở quảng trường Tư pháp, tây bắc thủ đô Washington của Mỹ, vào tối 19/6 (sáng 20/6 giờ Hà Nội), hô vang “tính mạng người da đen quan trọng” rồi tưới xăng, châm lửa đốt.
Cảnh sát thủ đô Washington, có trụ sở cách bức tượng vài tòa nhà, sau đó triển khai lực lượng đến dập lửa, nhưng không giải tán hay bắt người biểu tình.
Bức tượng được nhà điêu khắc Gaetano Trentanove dựng lên ở thủ đô Washington năm 1901 để vinh danh Pike, một tướng của Liên minh miền Nam trong Nội chiến Mỹ, nhưng đồng thời cũng là một nhà thơ, nhà hùng biện nổi tiếng. Đây là tượng đài Liên minh miền Nam duy nhất dược dựng ở Washington.
Người biểu tình kéo đổ và đốt tượng chuẩn tướng của Liên minh miền Nam Albert Pike tại thủ đô Washington, Mỹ, tối 19/6. Video: WUSA9.
Trước đó, hàng nghìn người biểu tình đã tuần hành ôn hòa bên ngoài Đài tưởng niệm Lincoln và khu vực gần Nhà Trắng để kỷ niệm Juneteenth, ngày chấm dứt chế độ nô lệ ở Mỹ, và hô vang khẩu hiệu đòi công bằng chủng tộc. Các cuộc tuần hành và mít tinh cũng diễn ra trên khắp nước Mỹ trong ngày kỷ niệm này.
“Cảnh sát Washington không làm nhiệm vụ của mình và họ đứng xem một bức tượng bị giật đổ và đốt cháy. Những người đó nên bị bắt ngay lập tức. Một nỗi hổ thẹn đối với đất nước chúng ta”, Tổng thống Mỹ Donald Trump sau đó đăng trên Twitter, gắn thẻ Thị trưởng Washington Muriel Bowser.
Thị trưởng Bowser, một đảng viên Dân chủ, và Trump nhiều lần đấu khẩu quanh việc sử dụng vũ lực để trấn áp biểu tình ở thủ đô Washington. Trump trước đó điều Vệ binh Quốc gia tới thủ đô để đối phó với tình trạng bất ổn.
Biểu tình bùng phát sau vụ cảnh sát ghì chết George Floyd, người đàn ông da màu ở thành phố Minneapolis, bang Minnesota, khiến nước Mỹ chấn động trong nhiều tuần. Những người tham gia phản đối nạn phân biệt chủng tộc có hệ thống, hành động tàn bạo của cảnh sát và bất công.
Trong phong trào biểu tình này, nhiều tượng đài tướng lĩnh và chính trị gia Liên minh miền Nam bị người biểu tình giật đổ vì bị coi là tàn dư của chế độ nô lệ tại Mỹ.
Thành phố Mỹ cấm cảnh sát dùng hơi cay dẹp biểu tình
Thẩm phán bang Washington ngày 12/6 ra lệnh cấm cảnh sát ở thành phố Seattle sử dụng hơi cay và bình xịt hơi cay với người biểu tình.
Thẩm phán Richard A. Jones lập luận rằng cảnh sát đã sử dụng quá nhiều hơi cay và bình xịt hơi cay vào phần lớn người biểu tình ôn hòa, khi tìm cách trấn áp làn sóng biểu tình sau cái chết của George Floyd. Thẩm phán khẳng định hành động của cảnh sát có thể vi phạm quyền của người biểu tình và gây rủi ro sức khỏe cho họ.
"Biểu tình nổ ra giữa đại dịch và việc sử dụng hơi cay hay bình xịt hơi cay có thể tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh", thẩm phán Jones nói.
Xịt hơi cay khiến những người trúng hơi cay ho và la hét, điều đó sẽ làm giọt nước từ miệng người nhiễm nCoV bắn ra xung quanh, khiến virus dễ lây lan sang người khác, Los Angeles Times ngày 5/6 dẫn lời tiến sĩ Peter Chin-Hong, giáo sư y khoa và chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học California ở San Francisco, cho hay.
Cảnh sát sử dụng hơi cay để giải tán người biểu tình ở thành phố Seattle hôm 6/6. Ảnh: Seattle Times.
Theo lệnh cấm của thẩm phán Jones, cảnh sát Seattle cũng không được phép sử dụng lựu đạn gây choáng và các vật nổ phát sáng giống lựu đạn thường dùng để dẹp đám đông.
Trong hồ sơ tòa án, nhóm hoạt động "Mạng người da màu cũng quan trọng" ở hạt Seattle-King tranh luận rằng các loại vũ khí này sẽ khiến người biểu tình hoảng loạn bỏ chạy. Điều này khiến các đám đông bị dồn vào không gian chật hẹp, tăng nguy cơ tiếp xúc và lây nhiễm virus.
Họ cũng dẫn lời các dân biểu và giới chức y tế, cảnh báo rằng các chất hóa học mà cảnh sát sử dụng sẽ khiến người biểu tình bị ho và viêm đường hô hấp, từ đó làm tăng khả năng nhiễm bệnh.
Giới chức thành phố Seattle cho rằng cảnh sát có thể sử dụng vũ lực bởi một số người biểu tình có hành vi "tấn công dân thường và cảnh sát, cũng như cướp bóc và đốt phá tài sản".
Biểu tình nổ ra khắp nước Mỹ sau cái chết của Floyd, một người đàn ông da màu 46 tuổi, ở Minneapolis, bang Minnesota, nhằm phản đối bạo lực của cảnh sát và đòi bình đẳng cho người da màu. Hầu hết các cuộc biểu tình diễn ra ôn hòa, tuy nhiên, một số kẻ quá khích lợi dụng dịp này để biến biểu tình tại New York và vài thành phố khác thành các cuộc cướp bóc, bạo loạn.
Thị trưởng Mỹ nói Trump đối xử với binh sĩ 'như lính chì' Thị trưởng Washington Muriel Bowser cho rằng Trump lợi dụng lực lượng vũ trang như "đội quân đồ chơi" phục vụ mục đích chính trị và đe dọa người Mỹ. "Chúng tôi thấy ở thủ đô Washington, các lực lượng liên bang được sử dụng cho một màn phô diễn chính trị nhằm tấn công người biểu tình hòa bình", Bowser, thị trưởng...