Người biểu tình Hongkong thay đổi chiến lược
Người biểu tình Hongkong vừa quay sang đòi đối thoại với chính quyền Bắc Kinh sau khi thấy rằng chính quyền đặc khu hành chính Hongkong thực chất không thể thỏa mãn được những yêu cầu của họ. Liệu chính quyền Trung Quốc có chấp nhận?
Người biểu tình tại phố Admiralty, Hongkong, ngày 28/10
Vì sao phải đối thoại với Bắc Kinh?
Người biểu tình ở Hongkong cho hay họ muốn được đối thoại với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường. Các sinh viên đưa ra yêu cầu này trong bức thư ngỏ vào hôm 28/10, một tháng sau khi họ bắt đầu chiếm giữ 3 con đường chính ở đặc khu này.
Trong thư, người biểu tình yêu cầu các nhà chức trách Hongkong hối thúc chính phủ trung ương rút lại quyết định chỉ cho phép những ứng viên do Bắc Kinh chỉ định được tranh cử cho vị trí trưởng Đặc khu Hành chính Hongkong vào năm 2017. Họ cũng muốn thảo luận về hệ thống cho phép bất cứ ai cũng được ra tranh cử.
Họ nói thêm rằng nếu yêu cầu của họ không được đáp ứng, họ muốn gặp Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường để đề đạt quan điểm trực tiếp lên giới lãnh đạo Trung Quốc.
Video đang HOT
Sự chuyển hướng của người biểu tình bắt nguồn từ sau cuộc đối thoại thất bại giữa chính quyền Hongkong và người biểu tình hôm 21/10/2014. Thất bại này là điều được báo trước vì thực tế cho thấy, Chính quyền Hongkong chỉ là những người thi hành luật pháp của Bắc Kinh. Người biểu tình đòi sửa đổi luật bầu cử thì đáng lý ra họ phải đàm phán với chính quyền Bắc Kinh mới đúng. Kết thúc cuộc đàm phán đêm 21/10, đại diện chính quyền Hongkong nói rằng họ sẽ báo cáo kết quả với Bắc Kinh!
Chính quyền Trung Quốc hiện chưa có phản ứng nào trước thông báo của người biểu tình Hongkong.
Biểu tình đến khi nào?
Kết quả cuộc thăm dò được hãng Reuters thực hiện cho thấy trong 12 tháng tới, 90% những người tham gia biểu tình ở Hongkong sẵn sàng tiếp tục cuộc tranh đấu, đòi Chính phủ Trung Quốc phải cho người dân đặc khu được quyền tự do ứng cử và bầu cử.
87% cho hay họ sẽ tiếp tục tham gia biểu tình, 92% nói rằng nếu bị cảnh sát sử dụng vũ lực giải tán, họ cũng sẽ tìm cách để kết hợp nhau lại để tiếp tục cuộc tranh đấu.
Trong 4 tuần lễ vừa qua, các nhà tổ chức biểu tình tại Hongkong đã phối hợp chung với lực lượng thanh niên, sinh viên học sinh để tổ chức những cuộc biểu tình đòi Bắc Kinh phải tôn trọng quyền tự do ứng cử và bầu cử của cử tri đặc khu.
Tuy nhiên cũng đã bắt đầu xuất hiện dấu hiệu rạn nứt trong phong trào biểu tình. Số là sau khi thông báo sẽ cho người biểu tình bỏ phiếu về những kiến nghị trình lên Bắc Kinh, bộ ba tổ chức phong trào biểu tình ở Hongkong từ một tháng qua (liên đoàn sinh viên HKFS, phong trào Scholarism và Occupy Central with Love and Peace, OCLP) đã thoái lui khỏi dự định trên. Chỉ vài giờ trước khi cuộc bỏ phiếu qua mạng bắt đầu, dự kiến diễn ra trong hai vòng, vào 26 và 27/10, ban tổ chức đã thông báo hủy cuộc bỏ phiếu. Ban tổ chức cáo lỗi vì đã không nghiên cứu kỹ nội dung trước khi thảo ra hai kiến nghị trình lên Bắc Kinh. Trong hai yêu sách trên, Hongkong đòi Bắc Kinh rút lại quyết định về phương thức bầu cử lãnh đạo hành pháp Hongkong 2017 và xem đó như điều kiện tiên quyết cho bất kỳ đối thoại nào sắp tới. Bất cứ ai cũng được quyền ứng cử cho chiếc ghế lãnh đạo. Đồng thời, bản kiến nghị còn yêu cầu chính quyền Trung Quốc rút lại 30 trên tổng số 65 ghế tại hội đồng lập pháp dành cho những dân biểu được Bắc Kinh tuyển chọn. Theo giới phân tích, những đề nghị trên có nguy cơ lại kéo vòng đàm phán vào ngõ cụt.
Theo PetroTimes
Ai phải gánh hệ lụy kinh tế từ biểu tình ở Hongkong?
Biểu tình bất phục tùng dân sự ở Hongkongmặc dù mới kéo dài chưa đầy 1 tuần, nhưng đã bắt đầu có tác động không chỉ với đời sống của người dân mà còn cả kinh tế địa phương. Nếu tiếp diễn, biểu tình có thể gây nhiều hệ lụy nghiêm trọng đối với Hongkongmột trung tâm tài chính quốc tế hàng đầu châu lục. Nhưng người chịu thiệt hại kinh tế nặng nề nhất do biến động chính trị ở đặc khu này sẽ là Trung Quốc đại lục.
Người Hongkong vẫn đổ ra đường biểu tình phản đối quy định bầu cử lãnh đạo mới
Giao thông ách tắc rối loạn, các hoạt động công cán làm ăn của giới doanh nhân bị gián đoạn chỉ là một vài ảnh hưởng có thể cảm nhận thấy ngay ở vùng lãnh thổ được hưởng quy chế đặc biệt "một nước hai chế độ" của Trung Quốc này.
Những thiệt hại tài chính ngắn hạn ở đặc khu chỉ có 7 triệu dân nhưng lại có tiềm lực kinh tế ngang ngửa với Philippines, Chile, thậm chí cả Ai Cập này cũng đã bắt đầu đo đếm được.
Chỉ số thị trường chứng khoán ở địa phương đã rớt xuống 7,3% ngay trong tháng 9. Một số ngân hàng đã phải tạm thời dịch chuyển trụ sở ra vùng ngoại ô để tránh bị gián đoạn hoạt động do biểu tình. Ngoài ra, theo chuyên gia kinh tế châu Á Gareth Leather của Capital Economics, tình hình rối loạn hiện tại cũng có thể tác động đến giá bất động sản ở Hongkongvốn đã tăng gấp 2 lần kể từ năm 2009, gây tổn thương cho các ngân hàng có danh mục cho vay bất động sản lớn.
Vẫn theo ông Leather, nếu các cuộc biểu tình kéo dài, "hai ngành du lịch và thương mại - hiện chiếm tỷ trọng 10% GDP của Hongkong, có thể sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Và khi đó, kinh tế Hongkong sẽ rơi vào suy thoái là điều không tránh khỏi".
Tuy nhiên, hậu quả về mặt tài chính trong trường hợp biểu tình lan rộng, kéo dài và trở nên nghiêm trọng mới là điều đáng lo ngại nhất. Bởi Hongkong là một mắt xích quan trọng trong guồng máy tư bản không chỉ ở khu vực châu Á, với hàng trăm tỷ USD mỗi ngày được giao dịch tại đây, qua các thị trường trao đổi tiền tệ, mua bán nguyên vật liệu cơ bản, vốn liên ngân hàng...
Thị trường chứng khoán Hongkong còn được coi là thị trường hoạt động hiệu quả đứng thứ 3 thế giới sau New York và London, đồng thời là nơi niêm yết vốn của các tập đoàn kinh tế trọng yếu của Trung Quốc như: Tập đoàn Dầu khí PetroChina, ngân hàng HSBC, tập đoàn viễn thông China Mobil...
Trong kịch bản xấu nhất, để giải phóng các trục đường huyết mạch thương mại chính, chính quyền Hongkong có thể sẽ phải huy động cảnh sát chống bạo động giải tán biểu tình. Và cũng không loại trừ khả năng quân đội Trung Quốc đồn trú ở Hongkong sẽ can thiệp và việc can thiệp này là hợp pháp, bởi trong thoả thuận chuyển giao năm 1997 có điều khoản chính quyền Hongkong có thể đề nghị quân đội đại lục giúp đỡ trong trường hợp "cần duy trì trật tự và cứu trợ thiên tai".
Tuy nhiên, đây sẽ là một kịch bản có nhiều rủi ro nhất với hình ảnh của Hongkong - một trung tâm tài chính hàng đầu, vẫn duy trì được môi trường pháp quyền ổn định với các quy định, chính sách về đầu tư, kinh doanh hấp dẫn, năng động. Khi đó, Bắc Kinh sẽ là người chịu thiệt hại hơn cả, bởi Hongkong vốn được ví như "con gà đẻ trứng vàng" của Hoa lục. Xa hơn nữa, biến động chính trị ở Hongkong còn có thể kéo theo những hệ lụy không nhỏ với các trung tâm tài chính khác của Trung Quốc như Thượng Hải, Thâm Quyến.
Theo nhà tư vấn tài chính Mark Yeandle của tập đoàn Z/Yen, trong bối cảnh hệ thống tài chính toàn cầu đã kết nối chặt chẽ như hiện nay, các dòng vốn có thể chuyển đổi một cách nhanh chóng. Sự không chắc chắn về tương lai của Hongkong đương nhiên sẽ giúp Singapore vươn lên, chiếm thị phần ngày càng lớn trong thị trường tài chính châu Á, nhờ chất lượng cuộc sống, triển vọng quốc tế và các chính sách cởi mở cho doanh nhân của đảo quốc này.
Theo Petrotimes
Muốn ra tranh cử lãnh đạo Hồng Kông, phải được Bắc Kinh chấp thuận Các ứng cử viên phải được sự phê duyệt của một ủy ban của Bắc Kinh mới có quyền tranh cử. Quốc hội Trung Quốc đã quyết định thay đổi cách bầu chọn người đứng đầu chính quyền Hồng Kông, mà theo đó các ứng cử viên phải được sự phê duyệt của một ủy ban của Bắc Kinh mới có quyền tranh...