Người bị tố đóng giả bác sĩ vào khu cách ly TP.HCM điều trị F0: “Tôi không hề trục lợi gì”
Nguyễn Quốc Khiêm (SN 1996) bị tố cáo đã làm giả thẻ sinh viên Y khoa để vào phục vụ trong khu cách ly tập trung tại quận 12, TP.HCM.
Chân dung Khiêm khi làm việc trong khu cách ly
Người trong cuộc lên tiếng
Theo thông tin trên báo Pháp luật TP.HCM, vào tháng 7/2021, tại khu cách ly trường Cao đẳng Điện lực TP.HCM đã xảy ra sự việc bác sĩ giả danh tham gia điều trị, cấp phát thuốc cho bệnh nhân F0.
Cụ thể, Nguyễn Quốc Khiêm (SN 1996) đã làm giả thẻ sinh viên khoa Y Đại học Y Dược TP.HCM để được đi chống dịch ở khu cách ly quận 12.
Quá trình chống dịch, bác sĩ giả danh này được cho là đã ký vào các văn bản như: báo cáo tử vong của các ca F0 tại khu cách ly, giấy chuyển tuyến điều trị ca F0… Ở khu cách ly, chức danh của Khiêm là “bác sĩ điều trị ThS.BS Nguyễn Quốc Khiêm”.
Liên quan đến sự việc này, Tuổi Trẻ đã có cuộc phỏng vấn với Khiêm để làm rõ những tố cáo xung quanh anh. Đáng chú ý, anh này đã thừa nhận hoàn toàn việc mình giả danh bác sĩ điều trị cho F0.
Nói về quá trình trở thành bác sĩ “giả danh” của mình, Khiêm cho báo trên hay, anh tốt nghiệp Cao đẳng Sài Gòn – Gia Định, niên khóa 2016-2018 (trung cấp, chuyên môn y sĩ đa khoa) nên từng tham gia làm TNV trong đội lấy mẫu cộng đồng của quận 3.
Sau đó, trong một lần lên mạng thì thấy Trường ĐH Y dược TP.HCM tuyển TNV nên ghi danh rồi được cử đến khu cách ly của Trường CĐ Điện lực TP.HCM (Q.12) làm việc suốt mùa dịch.
Khiêm khẳng định với nguồn trên rằng tại khu cách ly anh chỉ làm các việc đơn giản như ghi lại số thuốc trong ngày; thăm khám kiểm soát nồng độ Sp02 (oxy trong máu), theo dõi nhiệt độ, hỏi chuyện bệnh nhân. Khiêm làm việc gì cũng hỏi ý kiến của các bác sĩ trong khu cách ly.
Khiêm cũng thừa nhận mình đã sai rất lớn, lúc này đang vô cùng cắn rứt lương tâm. “Ban đầu tôi chỉ muốn tham gia chống dịch thôi. Lỗi của tôi rất lớn đã giả mạo như thế, nhưng tôi không hề trục lợi gì cho bản thân và gia đình”, Khiêm buồn bã nói với PV báo trên.
Bên cạnh đó, Khiêm cũng thừa nhận việc giả danh bác sĩ khi trả lời báo Pháp luật TP.HCM (PLO). “Em đã biết lỗi sai của mình đó là em chưa có gì hết nhưng em dám làm vấn đề đó. Em mong tất cả người dân ở quận 12 có thể bỏ qua cho em”- Khiêm nói và cho biết mọi chứng từ hay giấy tờ gì liên quan đã hủy, đốt hết nên hiện không còn liên quan đến ngành y nữa.
Trả lời câu hỏi của PV PLO tại sao trong khu cách ly lại xuất hiện các văn bản có kí đề tên là ThS.BS Nguyễn Quốc Khiêm thì Khiêm giải thích do khu cách ly thì neo người mà bệnh nhân lại nguy kịch nên đánh liều kí cho bệnh nhân được chuyển viện. “Em chưa có bằng mà ký, đó cũng là một cái sai rất là lớn của em”, Khiêm thừa nhận.
Các cơ quan chức năng vào cuộc
Liên quan đến sự việc này, PGS.TS Nguyễn Hoàng Bắc, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược TP.HCM đã có báo cáo về việc tại sao lại để một người không phải sinh viên của trường đi tình nguyện dưới mác sinh viên Đại học Y Dược TP.HCM.
Báo Thanh Niên dẫn thông tin từ báo cáo của nhà trường cho hay, khối lượng công việc trong giai đoạn phòng chống dịch là rất lớn, trường lại có tới 5.500 TNV nên quản lý còn lỏng lẻo. Khi tiếp nhận ghi danh, trường tin tưởng vào tinh thần tình nguyện và trách nhiệm của các TNV nên chỉ xem thẻ sinh viên chứ không đối chiếu với hồ sơ trên máy tính.
Vì vậy, nhà trường đã để xảy ra trường hợp giả danh sinh viên để tham gia hoạt động. Nhà trường nghiêm túc rút kinh nghiệm về việc quản lý và điều hành thiếu sót trên. Một lần nữa, nhà trường xin khẳng định không có sinh viên Nguyễn Quốc Khiêm (sinh ngày 12/5/1996, lớp Y 2014).
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM cho biết hiện tại, Sở đã nắm được thông tin về sự việc trên. “Chúng tôi đang phối hợp với phía công an để điều tra, xác minh sự việc. Trong thời gian sớm nhất, phía Sở sẽ có thông tin về vấn đề này”, bà Mai nói.
Về phía Bộ Y tế, ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết đã nắm được thông tin này và sẽ ngay lập tức có văn bản chỉ đạo Sở Y tế TP.HCM xác minh, làm rõ.
Thanh tra Sở Y tế đang phối hợp cùng cơ quan chức năng vào cuộc xác minh, xử lý vụ việc giả danh sinh viên trường y để xin vào công tác tại khu cách ly, điều trị Covid-19 ở quận 12 trong nhiều ngày.
Mẹ 'trắng đêm' ở khu cách ly tại TP.HCM vì con 6 tháng tuổi ở nhà khóc đòi
Nỗi đau mất chồng chưa nguôi, bà D. phải bỏ lại bé 6 tháng tuổi ở nhà cho con gái 15 tuổi chăm để đi cách ly vì bà và con gái lớn nhiễm Covid-19. Nghe con khóc qua điện thoại, bà thương đứt ruột nhưng bất lực.
Nỗi đau mất chồng chưa nguôi ngoai, nay xót xa hơn khi bà D. phải bỏ lại bé 6 tháng tuổi ở nhà cho đứa lớn chăm để đi cách ly nghi nghi nhiễm Covid-19. Nghe tiếng con khóc qua điện thoại, bà thương đứt ruột nhưng cũng đành... bất lực.
Bé gái 6 tháng tuổi liên tục khóc đòi mẹ và con hẻm nơi em sống đang bị phong tỏa. ẢNH: NVCC
Đêm trằn trọc vì nhớ con
Chia sẻ với Thanh Niên, Bà V.N.D (44 tuổi) cho biết 2 tháng nay, 4 mẹ con bà nương tựa lẫn nhau trong căn trọ nhỏ trên đường Bông Sao, P.5, Q.8 sau khi người chồng đột ngột qua đời. Đến tối 13.7, bà và con gái đầu (đều nghi nhiễm Covid-19) được đưa tới một xóm đạo trên địa bàn Q.8 để cách ly. Ở nhà, bé út 6 tháng tuổi (chưa xác định được F) được người chị tên H. (15 tuổi) trông nom.
Trước đó, bà D. đưa các con về quê nhà Quảng Ngãi để chịu tang bố. Nhân lúc chưa bùng dịch, mẹ con bà tranh thủ đặt vé xe vào lại TP.HCM để con cả kịp thi đại học. Không ngờ vừa thi xong thì mấy mẹ con phải xa nhau. Ở trong khu cách ly, người phụ nữ trung niên không khi nào thôi thấp thỏm lo âu. Ngày nào bà cũng gọi điện về cho H. để hỏi thăm tình hình. Cứ hễ nghe tiếng con gái nhỏ gào khóc, người mẹ như đứt từng khúc ruột.
Bà bộc bạch: "Từ lúc sinh tới giờ bé có xa mẹ đâu, nghe con khóc mà chị dỗ không nín là tôi sốt ruột lắm. Mấy ngày đầu tôi lo đến nỗi không ăn uống gì được, đêm nhớ con khóc rồi trằn trọc mãi. Nhưng giờ phải cố gắng để còn đoàn tụ với các con". Đến khi được hỏi: "Trước khi đi bà đã chuẩn bị đủ sữa, tã bỉm, bột ăn dặm ở nhà cho con chưa?", bà D. đáp gọn lỏn: "Tôi không nhớ nữa".
Tất tả tiếp tế cho mẹ già 80 tuổi "kẹt" trong khu phong tỏa Covid-19 quận 10
Mấy ngày đầu, dù có bỡ ngỡ trong việc pha sữa và tắm rửa cho em gái nhưng H. vẫn tự tin có thể chăm lo ổn thỏa. Nhưng nếu tình trạng này kéo dài, chính em cũng không biết mình có đủ sức hay không. "Mỗi lần em bé khóc, con dỗ khoảng 15 phút mới nín. Ban đêm cũng có khóc, chắc em nhớ mẹ", em H. nói.
Con gái lớn của bà D. cho biết em và mẹ đã được lấy mẫu xét nghiệm vào sáng nay 15.7 và hiện đang chờ kết quả. Sức khỏe của hai mẹ con tạm thời ổn định.
Mất đi trụ cột gia đình
Chị Mai Thị Thanh Thúy (35 tuổi, ngụ Q.8) là chủ một đại lý vé số chia sẻ, vợ chồng bà D. lấy vé số ở chỗ chị để bán hơn 10 năm nay. Khi chưa có dịch, hai vợ chồng mỗi ngày bán trung bình từ 5-6 lốc vé số, tương ứng với 500.000 - 600.000 đồng. Đến khi bà D. nghỉ để sinh nở, chồng bà vẫn lấy từng đó vé số cố bán thay phần vợ. Có hôm ông ấy than với chị rằng bữa giờ bán mệt quá nhưng không dám nghỉ vì sợ đói.
Người phụ nữ này kể lại, hôm đó đi mua gạo, mì gửi tặng bạn hàng, chợt nhớ tới mẹ con bà D. nên gọi điện hỏi thăm và mang sang. Tới nơi thì giật mình vì thấy rất đông người đã mặc đồ bảo hộ chuẩn bị theo xe đi cách ly.
"Bà D. khờ lắm, việc lớn việc nhỏ trước nay đều có chồng lo hết. Lúc đi test nhanh Covid-19, bà lại không ẵm bé út theo để làm xét nghiệm nên đến hiện tại vẫn chưa xác định được bé là F mấy. Bà ấy mới gọi điện nhờ tôi sang ôm bé nhỏ về chăm giúp nhưng sao được, tôi động viên bà ráng ăn uống cho mau khỏe", chị Thúy tâm sự.
Trao đổi với Thanh Niên , đại diện Công an P.5, Q.8 cho hay tối ngày 13.7, có 85 ca nghi nhiễm Covid-19 sống trong hẻm 161 đường Bông Sao được đưa tới khu cách ly tập trung. Tại đây, những người này sẽ được xét nghiệm tiếp, trường hợp nào dương tính mới chuyển tới bệnh viện dã chiến. "Cán bộ phường cũng đã gửi sữa, bánh, trái cây nhờ 2 người ở bên trong lo cho các con của bà D. vì khu vực này hiện đang phong tỏa. Em bé 6 tháng tuổi sẽ được xét nghiệm vào đợt tiếp theo", vị đại diện thông tin.
F0 tại TP.HCM: 'Ở đâu cũng phải tự lo, được về nhà thì còn gì bằng' Nhận được kết quả xét nghiệm của đứa con trai 3 tuổi, người cha sững sờ, không gạt nổi hàng trăm suy nghĩ về những ngày tháng khó khăn sắp tới. Thứ 6, ngày 9/7, trời sẩm tối. Nhẽ ra đây là khoảng thời gian để anh N.X.H., 32 tuổi, cùng gia đình nhỏ của mình quây quần bên bữa tối giản dị...