Người bị máy xúc cán qua người ở Hải Dương giờ ra sao?
Người phụ nữ bị máy xúc cán khi phản đối thi công KCN Cẩm Điền Hải Dương bị gãy xương cẳng tay, cơ thể nhiều chấn thương nhưng không tổn thương xương sườn.
Người phụ nữ bị máy xúc cán khi phản đối thi công KCN Cẩm Điền Hải Dương bị gãy xương cẳng tay, cơ thể nhiều chấn thương nhưng không tổn thương xương sườn.
Liên quan đến vụ việc, do phản đối đưa máy xúc vào thi công dự án trong KCN Cẩm Điền Hải Dương (huyện Cẩm Giàng, Hải Dương), bà Lê Thị Châm (54 tuổi, trú ở thôn Hoàng Xá, xã Cẩm Điền, tỉnh Hải Dương) bị lái máy xúc cán qua người hiện đang cấp cứu tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương.
Để tìm hiểu về sức khỏe nạn nhân Lê Thị Châm, PV Kiến Thức đã đến bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương, nơi bệnh nhân được đưa vào cấp cứu ngay sau khi xảy ra vụ việc.
Trao đổi với PV, bác sĩ Vũ Tiến Thành, Khoa ngoại 1, Bệnh viện Đa khoa Hải Dương cho biết, vào khoảng 11h trưa ngày 10/7, bệnh nhân Lê Thị Châm được đưa vào phòng cấp cứu Khoa ngoại 1 trong tình trạng gãy xương cẳng tay, Chấn thương hàm mặt, chấn thương vùng đầu, chấn thương nặng bên mắt phải dẫn đến khả năng nhìn kém. Ngoài ra chưa phát hiện tổn thương xương sườn. Hiện các bác sĩ đang hội chẩn thêm để có kết quả chính xác nhất.
Nạn nhân Lê Thị Châm đang điều trị ở viện.
Tìm đến phòng cấp cứu nơi bệnh nhân Châm đang điều trị, đến thời điểm chiều 10/7, bệnh nhân do sức khỏe yếu vẫn chưa nói được, mặt có nhiều vết thâm tím.
Bà Lê Thị Thụy (SN 1962) là chị gái nạn nhân Châm cho biết: “Thời điểm xảy ra vụ việc, tôi cũng chứng kiến, khi Châm đang ở đầu máy xúc, người lái máy xúc nhảy xuống, sau đó có một đối tượng lạ mặt nhảy lên xe và điều khiển máy xúc lao thẳng về phía trước. Một lúc sau, thấy Châm ở dưới bánh xe xích của máy xúc nhiều người hô hoán. Khi đó, tôi như chết lặng. May mắn, sau đó người ta phát hiện Châm còn sống”.
Bà Lê Thị Thụy trao đổi với PV.
Video đang HOT
“Rất may, khi bánh xe xích của máy xúc chèn qua, có lượng cát dày nếu không thì không biết điều gì đã xảy ra với bà Châm. Bởi khi xảy ra vụ việc bà ấy không nằm dưới rãnh như mọi người nghĩ mà nằm ngay trên nền đất cát.”, Bà Thụy cho hay.
Theo bà Thụy, bà Châm là người phụ nữ đơn thân dù năm nay đã 54 tuổi. Nạn nhân Châm có một sào ruộng trong diện được hỗ trợ đền bù nên cùng bà Thụy và người dân địa phương ra khu CN Cẩm Điền để đòi hỗ trợ hợp lý hơn thì xảy ra vụ việc.
Người dân vẫn tập trung đông ở KCN Cẩm Điền.
“Quá dã man!” là câu nói của nhiều người dân địa phương cũng như cư dân mạng khi chứng kiến hình ảnh, lái máy cẩu lạnh lùng cán qua nạn nhân, mặc cho những người dân kêu gào cảnh báo.
Đến thời điểm chiều ngày 10/7, hàng trăm người dân địa phương vẫn tập trung ở cổng khu công nghiệp để bày tỏ sự bức xúc. Theo những người dân địa phương, thời điểm xảy ra vụ việc, người lái chiếc máy xúc khi bị người dân ngăn cản đã nhảy xuống. Tuy nhiên, một đối tượng lạ mặt đã nhảy lên máy xúc, cố tình lái chiếc máy này lao thẳng bất chấp có một số người dân đang đứng ở đầu máy. Khi người dân phát hiện bà Lê Thị Châm bị máy xúc cán qua người, hô hoán và nhiều người tham gia ngăn cản, đối tượng này mới dừng lại.
“Thời điểm xảy ra vụ việc, khi chứng kiến cảnh bà Châm giãy dụa nên nhiều người dân tưởng bà Châm đã tử vong nên mua hương về lập ban thờ. Rất may sau đó, người dân phát hiện bà Châm vẫn còn sống nên đã đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hải Dương”, một người dân chứng kiến vụ việc cho biết.
PV Kiến Thức tiếp tục cập nhật…
Hải Ninh
Theo_Kiến Thức
Phản đối thi công KCN Cẩm Điền, bị máy xúc đè qua người
Phản đối thi công KCN Cẩm Điền Hải Dương, một người dân đã bị chiếc máy xúc chèn qua người ở Hải Dương phải đi cấp cứu trong tình trạng nguy kịch...
Phản đối thi công KCN Cẩm Điền, sáng nay (10/7), một người dân đã bị chiếc máy xúc chèn qua người ở Hải Dương phải đi cấp cứu trong tình trạng nguy kịch...
Thông tin ban đầu về vụ việc, vào khoảng 8h sáng ngày 10/7, trước cổng dự án thi công KCN Cẩm Điền Hải Dương (huyện Cẩm Giàng, Hải Dương), một người dân đã bị một chiếc máy xúc chèn qua người khi đang cùng một số người dân khác ngăn cản chiếc máy xúc vào công trường để thi công. Nạn nhân ngay sau đó được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương trong tình trạng khá nguy kịch. Danh tính nạn nhân được xác định là bà Lê Thị Châm (54 tuổi, trú ở thôn Hoàng Xá, xã Cẩm Điền, tỉnh Hải Dương).
Phó chủ tịch UBND huyện Cẩm Giàng, ông Nguyễn Văn Công, người phát ngôn về dự án thi công khu công nghiệp Cẩm Điền - Lương Điền xác nhận, hiện bà Châm đang cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương.
Người phụ nữ nguy kịch khi bị máy xúc chèn qua người.
Có mặt tại khu công nghiệp Cẩm Điền, nhiều người dân bức xúc về vụ việc trên. Theo người dân cho biết, vào sáng 10/7, nhiều hộ dân có ruộng bị thu hồi làm dự án khu công nghiệp này đã tụ tập để phản đối việc bồi thường ruộng với mức giá quá thấp.
Theo bà Lương Thị Miền, trú tại thôn Hoàng Xá cho biết: "Chúng tôi đang đứng trước máy xúc để phản đối việc đưa máy xúc vào thi công. Khi đang cúi xuống cô Châm bị chiếc máy xúc chèn lên người khiến cô ấy bị gãy 2 xương bả vai, xương mặt, máu chảy lênh láng".
Người dân phản ánh thêm, thời điểm xảy ra vụ việc còn có hơn chục đối tượng nghi xã hội đen xăm trổ đầy người đe dọa, thậm chí đứng trên máy xúc chửi bới và có hành động khiếm nhã với người dân.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Công, Phó chủ tịch UBND huyện Cẩm Giàng, cho biết, ông cũng đã xác minh từ trưởng trạm công an khu vực khu công nghiệp Cẩm Điền - Lương Điền và khẳng định có một số nam thanh niên lạ mặt xuất hiện tại khu vực cổng dự án, nhưng không có chuyện mang theo hung khí, bơm kim tiêm đe dọa người dân.
"Chúng tôi khẳng định không có chuyện thuê xã hội đen đến đe dọa người dân. Tôi sẽ yêu cầu phía Công an huyện báo cáo sự việc và sẽ làm rõ những việc liên quan", ông Công nói.
Trước đó, gần một tháng nay, nhiều hộ dân có ruộng bị thu hồi làm dự án khu công nghiệp (KCN) Cẩm Điền - Lương Điền (H.Cẩm Giàng, Hải Dương) đã tụ tập tại đây để đòi tiền bồi thường bởi theo họ mức giá đang áp dụng là quá thấp.
Bà Lê Thị Hiệu, 83 tuổi, ở thôn Hoàng Xá, xã Cẩm Điền cho biết, nhà bà có hơn 8 sào ruộng đã có hơn 6 sào bị thu hồi trước đó, 2 sào còn lại hiện cũng nằm trong diện thu hồi phục vụ cho dự án. Theo bà Hiệu, mức giá đền bù ruộng chỉ hơn 60.000 đồng/m2 là quá thấp, trong khi đó gia đình có 6 miệng ăn, không còn ruộng để sản xuất thì cuộc sống sẽ bấp bênh. "Ngày nào chúng tôi cũng phải cơm nắm muối vừng ra đây để đòi quyền lợi, thậm chí có đợt chúng tôi còn ra ăn nằm ở đây 9 tháng ròng rã vào năm 2010", bà Hiệu nói.
"Hàng trăm ha đất là ruộng lúa 2 vụ bị bỏ hoang thành bãi chăn trâu, bò suốt 7 năm qua là sự lãng phí lớn. Vì 7 năm qua người dân không cấy hái gì được ở đây nên chúng tôi đề nghị phải trả tiền đền bù ruộng ở mức giá là 250 triệu đồng/sào, bao gồm tiền ruộng, rồi tiền hoa màu thu hoạch. Nếu không được thì trả lại ruộng đúng vị trí cũ để chúng tôi sản xuất", bà Lương Thị Hợi, 70 tuổi, cũng ở thôn Hoàng Xá cho biết.
Chiếc máy xúc chèn qua người nạn nhân.
Về vấn đề người dân đang quan tâm, ông Nguyễn Văn Công, Phó chủ tịch UBND huyện Cẩm Giàng cho biết, dự án KCN Cẩm Điền - Lương Điền trước đây do Công ty TNHH Phúc Hưng làm chủ đầu tư nhưng đã chuyển giao cho Công ty CP Phát triển đô thị và KCN Việt Nam - Singapore (VSIP) vào tháng 4 vừa qua. Dự án khởi công từ năm 2008 với tổng diện tích quy hoạch là hơn 208 ha, trong đó khu vực nhà máy rộng gần 184 ha nhưng đã phải giảm xuống còn 150 ha do gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng.
Trong tổng số gần 1.500 hộ dân có ruộng đất bị thu hồi thì hiện chỉ còn 115 hộ chưa nhận tiền đền bù, trong đó có 56 hộ không nhận tiền nhưng cũng không nhận ruộng, đòi trả lại ruộng cũ. "Ngoài số tiền đền bù ruộng theo mức giá 65.000 đồng/m2, UBND tỉnh Hải Dương đã có chính sách đất 5% để hỗ trợ thêm bà con mất ruộng nhưng bà con lại đòi "chốt" giá đền bù phải là 250 triệu đồng/sào. Chúng tôi đã vận động, giải thích rằng đòi hỏi này là không đúng theo quy định nhưng bà con không nghe", ông Công cho hay.
Theo ông Công, hiện các cơ quan chức năng đang tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con để đảm bảo dự án đúng tiến độ.
Ông Hoo Swee Loon, Phó tổng giám đốc VSIP cho biết rất lo lắng tình trạng chậm giải phóng mặt bằng sẽ ảnh hưởng tới kế hoạch xây dựng nhà máy của các nhà đầu tư thứ cấp. "Dự án có tổng vốn đầu tư gần 1.200 tỉ đồng. Vào tháng 9 tới sẽ có công ty Regina Miracle khởi công xây dựng và sẽ còn nhiều nhà đầu tư thứ cấp khác sẽ xây dựng nhà máy nên tới năm 2016 là chúng tôi sẽ phải hoàn thành xong việc san lấp mặt bằng", ông Hoo nói.
PV Kiến Thức tiếp tục cập nhật những thông tin liên quan đến vụ việc.
Hải Ninh
Theo_Kiến Thức
Chết ngạt trong cabin máy xúc bị chìm dưới sông Một công nhân tử vong trong cabin máy xúc khi chiếc máy xúc đổ nhào xuống sông vì đất sụt lún trong lúc đang thi công. Máy xúc gặp nạn đã được trục vớt - Ảnh: Phương Anh Sáng nay 8.7, ông Phạm Văn Linh, trưởng công an xã Nghĩa Thịnh, huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) xác nhận thông tin trên địa bàn...