Người bị giam giữ tử vong, xử lý sao?
Tùy từng trường hợp, cán bộ, chiến sĩ trực tiếp quản lý sẽ bị kỷ luật, thậm chí bị xử lý hình sự.
“Để nghi can, phạm nhân tự sát, tự tử trong trại tạm giam, nhà tạm giữ, cán bộ, chiến sĩ công an trực tiếp quản lý đều bị xử lý kỷ luật vì chưa làm tròn trách nhiệm”, thượng tá Nguyễn Bình Sơn, Phó Trưởng phòng 1, C90 – Cục Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp (Tổng cục VIII, Bộ Công an) khẳng định như trên.
Từ kiểm điểm, kỷ luật…
Gần đây xảy ra một số vụ nghi can tự tử trong trại tạm giam, nhà tạm giữ và mọi người cho là có trách nhiệm của các công an liên quan nhưng không rõ họ có bị xử lý gì không.
Video đang HOT
Theo thượng tá Nguyễn Bình Sơn, căn cứ vào tình tiết vụ việc, trách nhiệm để xử lý. “Để xảy ra sai sót, cán bộ, chiến sĩ trực tiếp quản lý đều bị xử lý nghiêm theo Thông tư 16 của Bộ Công an. “Ví dụ, ca gác của anh đến 1 giờ anh phải kiểm tra nhưng anh không đi kiểm tra, nghi can, phạm nhân treo cổ tự sát chết anh không biết, phạm nhân có tư tưởng tiêu cực nhưng anh là cán bộ anh không biết, không quan tâm… anh vẫn bị xử lý theo quy định ngành”.
Ông kể mới sau Tết xảy ra chuyện một phạm nhân chết trong trại giam. Cơ quan giám định, cơ quan điều tra vào cuộc xác định nạn nhân tự sát. Lý do là do người vợ không lên thăm nuôi, phạm nhân nảy sinh tâm lý tiêu cực, tự vẫn. “Có hàng loạt cán bộ liên quan bị xử lý kỷ luật, kiểm điểm trách nhiệm vì chưa làm tròn nhiệm vụ; chưa thường xuyên động viên, giáo dục, nắm bắt tư tưởng để nạn nhân tự sát” – ông nói.
Hiện trường nơi ông Ngô Chí T tự sát ở phường Tam Bình, quận Thủ Đức, TP.HCM.
Theo ông Sơn, vì từng trải qua những năm tháng gắn bó với công tác giáo dục phạm nhân tại trại giam nên hiểu khó khăn, áp lực của anh em. Nhiều phạm nhân khi mới vào trại có tâm lý chán nản, buông xuôi. Cán bộ phải thường xuyên thăm hỏi, động viên nhưng cũng rất khó ngăn cản khi một người cố tình muốn chết. Mỗi buồng giam có khá đông người và cán bộ, chiến sĩ thường xuyên theo dõi. Thế nhưng vẫn có những sự cố đau lòng xảy ra.
Cũng theo ông Sơn, khi xảy ra hậu quả nghiêm trọng, nhẹ nhất thì cán bộ, chiến sĩ liên quan sẽ bị kiểm điểm, kỷ luật, ghi vào hồ sơ. “Nếu cán bộ đang trong diện quy hoạch làm chỉ huy thì sẽ bị đưa ra khỏi diện quy hoạch trong năm đó và bị nhiều chế tài khác của ngành” – thượng tá Sơn khẳng định.
…đến cho ra khỏi ngành, truy tố
Mặc khác, nếu phạm nhân chết mà do thiếu sót trong công tác quản lý thì cán bộ, chiến sĩ liên quan tùy trường hợp sẽ bị kỷ luật từ khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng cấp, cách chức… Còn khi đó là sai phạm nghiêm trọng, cán bộ, chiến sĩ có thể bị tước danh hiệu CAND, thậm chí bị truy tố.
“Đã có barem xử lý. Nhẹ nhất cũng phải kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong toàn lực lượng. Ví dụ cán bộ, chiến sĩ thiếu trách nhiệm, quản lý sơ suất để phạm nhân trốn trại, bắt lại được kịp thời, anh chỉ bị khiển trách, cảnh cáo. Nhưng để phạm nhân trốn ra ngoài gây án, tùy trường hợp có khả năng anh sẽ bị khởi tố. Đã có nhiều trường hợp bị khởi tố rồi” – thượng tá Sơn thông tin.
Một lãnh đạo trại giam chia sẻ sau mỗi “tai nạn dù lớn nhỏ” cán bộ, chiến sĩ phải kiểm điểm rút kinh nghiệm trong toàn lực lượng. “Anh em còn nhớ như in một bài học đau lòng của cán bộ gác đêm từ những năm 1998-1999″. Năm đó, có ba phạm nhân đào tường trốn trại. Hai người bị bắt lại, còn một người trốn thoát ra ngoài gây án. Cán bộ gác đêm sau đó bị truy tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” – ông kể.
Ông khái quát: Có trường hợp phạm nhân hay tin mẹ ốm, mẹ mất nên trốn trại về nhìn mẹ lần cuối, thắp cho mẹ nén hương. Cũng có trường hợp đang thụ án thì vợ (người tình) ở nhà hứa hẹn chờ đợi nhưng nuốt lời làm phạm nhân phẫn uất tự sát, có người trốn trại trở về rồi lại phạm tội, tội chồng tội… “Cán bộ bị kỷ luật là một lẽ nhưng vẫn xót cho phạm nhân. Ai mà chẳng có gia đình” – ông nói.
Kỷ luật nặng nếu đánh phạm nhân “Vừa rồi, tôi đi làm việc với một trại giam ở miền Tây. Hồ sơ có một trường hợp cán bộ đánh phạm nhân vì khi đến giờ vào buồng giam, phạm nhân không chấp hành mà mang quần áo ra phơi. Cán bộ gọi lại nhắc, anh này cự cãi. Cán bộ nổi nóng đánh. Anh này né nhanh nên va đầu vào tường, chảy máu. Đơn vị họp đề xuất hình thức rút kinh nghiệm, lên phân trại đề xuất khiển trách. Khi trực tiếp tìm hiểu, tôi yêu cầu nâng lên mức kỷ luật cảnh cáo để tránh những trường hợp vi phạm tương tự. May là hậu quả chưa nặng nên cán bộ không phải bị giáng cấp” – ông Nguyễn Bình Sơn nói.
Ngày 2.5, nghi phạm N.H.T (phường Thành Phước, thị xã Bình Minh) dùng dao rọc giấy tự sát trong trại tạm giam của Công an tỉnh Vĩnh Long. Ngày 13.6, ông Ngô Chí T tự sát bằng dây lưng quần ở phường Tam Bình (Thủ Đức). Ngày 15.6, ông H.V.L treo cổ tự tử trong trại tạm giam huyện Krông Năng, Đắk Lắk… Hiện các vụ này đang được cơ quan chức năng làm rõ.
Theo Nguyễn Trà ( Pháp luật TP.HCM)