Người bị án oan giết người 46 năm được xin lỗi trong 36 phút
Buổi xin lỗi công khai ông Trần Văn Thêm – người bị kết án oan từ năm 1970 – vào sáng nay (11.8), bắt đầu từ lúc 9h15 và kết thúc lúc 9h51.
Gần 9h sáng nay (11.8) ông Trần Văn Thêm (SN 1935, xã Yên Phụ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) được người nhà dìu đến trung tâm văn hoá huyện ở thị trấn Chờ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh để dự buổi công bố kết luận đình chỉ bị can và công khai xin lỗi ông.
Ông Trần Văn Thêm (trái) tới dự buổi công bố kết luận đình chỉ bị can và công khai xin lỗi ông.
9h15, Thiếu tướng Vũ Quang Hưng – Phó Thủ tưởng Cơ quan CSĐT Bộ Công an – đã công bố quyết định đình chỉ bị can. Kết quả điều tra cho thấy, có căn cứ xác định ông Thêm không phạm tội giết ông Nguyễn Khắc Văn. Căn cứ các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, quyết định đình chỉ bị can đối với bị can Trần Văn Thêm.
Thiếu tướng Vũ Quang Hưng trao quyết định đình chỉ bị can cho ông Trần Văn Thêm và nói: “Đây là văn bản pháp lý của một cơ quan có thẩm quyền tố tụng xác định ông Trần Văn Thêm không phạm tội giết ông Nguyễn Khắc Văn”.
9h20, ông Trần Văn Tuân – Phó Chánh án TAND Tối cao – đã đọc lời công khai xin lỗi ông Trần Văn Thêm.
Ông Tuân cho biết: “Hôm nay, đại diện cho cơ quan tố tụng là TAND Cấp cao tại Hà Nội (trước đây là TAND Tối cao), VKS Cấp cao tại Hà Nội, Cơ quan CSĐT Bộ Công an; chúng tôi công khai xin lỗi ông Trần Văn Thêm và gia đình theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Việc khởi tố, xét xử không đúng đã gây tổn thất cho ông Thêm và gia đình. Chúng tôi nhận thấy đây là một bài học đắt giá cho các cơ quan tố tụng trong quá trình xét xử vụ án”.
Video đang HOT
Theo Phó Chánh án TAND Tối cao, ngay sau ngày hôm nay, TAND sẽ khẩn trương thực hiện đúng quy định về Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, công khai đăng trên thông tin báo đài và giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.
“Chúng tôi mong ông Thêm và gia đình thông cảm sâu sắc, chấp nhận lời xin lỗi của các cơ quan tố tụng đã gây ra cho ông” – ông Tuân nói.
Trong lời phát biểu của mình vào lúc 9h30, ông Trần Văn Thêm đã gửi lời cảm ơn Chủ tịch nước, lãnh đạo Bộ Công an, VKSND.
Ông Thêm cũng bày tỏ lòng biết ơn ông Bùi Văn Hoà – Phó Chánh án TAND Tối cao và Công ty Luật Hoà Lợi đã không quản ngại khó khăn vất vả để tìm lại bản án, nhân chứng làm chứng cứ để kiến nghị với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết oan sai.
Ông Thêm cũng gửi lời nhắn đến gia đình người bị hại từ năm 1970: “Tôi có một mong muốn xin bà con làng xã quê hương và gia đình con cháu của ông Nguyễn Khắc Văn chia sẻ, thông cảm với nỗi oan ức của tôi trong 46 năm qua. Từ nay về sau, con cháu anh em hai gia đình gắn kết lại tình cảm gia tộc để quay lại tình nghĩa như trước đây”.
Đến 9h51, ông Thêm được người thân đưa về nhà sau khi kết thúc buổi công bố quyết định đình chỉ bị can và xin lỗi công khai.
Như Dân Việt đã thông tin vào năm 1970, cụ Trần Văn Thêm và người em họ Nguyễn Khắc Văn trong một chuyến đạp xe đi từ quê nhà Bắc Ninh lên xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phú (lúc đó Vĩnh Phúc và Phú Thọ hợp lại là tỉnh Vĩnh Phúc, nay đã tách tỉnh, Tam Dương thuộc tỉnh Vĩnh Phúc) thu mua quả trám, do trời tối hai người không nghỉ nhờ được nhà người quen nên đã nghỉ tại lều cắt tóc.
Đêm đó có bị một đối tượng dùng búa tấn công hai người hòng cướp tài sản. Ông Văn bị tử vong, còn cụ Thêm bị thương. Tuy nhiên sau đó cụ Thêm lại bị cho là hung thủ nên đã bị bắt để điều tra và bị xử mức án tử hình. Cụ đã quyết liệt chống án kêu oan. Sau 5 năm 6 tháng 7 ngày đi tù cụ Thêm được thả tự do khi hung thủ thực đã bị bắt. Hung thủ của vụ án này đến nay cũng đã chết.
Mặc dù được trả tự do nhưng cụ Thêm không được minh oan. Suốt thời gian dài vừa qua cụ đã đi đến nhiều cơ quan tố tụng để yêu cầu được minh oan. Tuy nhiên vụ việc cho đến nay mới được giải quyết khi hồ sơ vụ án về cụ được tìm thấy.
Theo Danviet
Cụ ông bị oan sai hơn 40 năm sẽ được bồi thường ra sao?
Theo luật sư, vụ án của cụ Trần Văn Thêm (80 tuổi, ở Yên Phong, Bắc Ninh) xảy ra đã hơn 40 năm, đến nay các cơ quan tố tụng TƯ đã kết luận xác định cụ bị oan sai. Vì vậy, cần phải tiến hành theo thủ tục đặc biệt để cụ Thêm sớm được minh oan.
Ngày 10.8, trao đổi qua điện thoại với Dân Việt, cụ Trần Văn Thêm (ở thôn Đức Lân, xã Yên Phụ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) cho biết, cụ rất vui mừng khi nghe thông tin các cơ quan tố tụng T.Ư đã họp, kết luận cụ bị kết án Giết người, Cướp tài sản cách đây hơn 40 năm là oan sai.
Luật sư Vũ Văn Lợi (Đoàn luật sư TP.Hà Nội, người tham gia kêu oan cho cụ Thêm) cho biết: các cơ quan tố tụng T.Ư đã họp và kết luận cụ Thêm bị oan sai. Theo thủ tục tố tụng hình sự, nếu trong hồ sơ vụ án chỉ có hai bản án kết tội cụ Thêm thì phải có thủ tục kháng nghị hai bản án trên theo trình tự tái thẩm (giám đốc thẩm đã hết hạn). Sau đó Hội đồng tái thẩm của TAND Tối cao sẽ ra quyết định tuyên hủy hai bản án đã kết tội cụ Thêm.
Tiếp đến, cơ quan điều tra ra quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với cụ Thêm, lúc này cụ mới chính thức vô tội.
"Vụ án này xảy ra từ rất lâu, sự thật đến nay đã rõ ràng, tôi cho rằng các cơ quan tố tụng T.Ư nên áp dụng thủ tục đặc biệt là ra quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với cụ Thêm, rồi tiến hành công khai xin lỗi và bồi thường oan sai cho cụ. Như vậy vụ việc được giải quyết nhanh chóng, cụ Thêm sẽ không phải chờ đợi lâu" - luật sư Lợi nêu quan điểm.
Luật sư Vũ Văn Lợi trao đổi với cụ Trần Văn Thêm. (Ảnh luật sư Lợi cung cấp).
Qua nhiều lần trao đổi với luật sư cũng như trao đổi với PV, cụ Thêm cho biết, điều quan trọng nhất là cụ sớm được minh oan, còn việc bồi thường giải quyết theo quy định của pháp luật. Cụ Thêm cho hay, trước khi được trả tự do về địa phương cụ đã ở tù 5 năm 6 tháng và 7 ngày.
Theo luật sư Lợi, tại Điều 47 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, quy định, thiệt hại do tổn thất về tinh thần trong trường hợp bị tù giam được tính: Mỗi ngày tù giam oan được bồi thường 3 ngày lương tối thiểu (theo mức lương tối thiểu của Nhà nước quy định tại thời điểm bồi thường). Mức lương tối thiểu hiện nay là 1.210.000 đồng. Còn thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút, khi bị bắt cụ Thêm đang là lao động tự do.
Theo Điều 46 của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, trường hợp cá nhân có thu nhập không ổn định và không có cơ sở xác định cụ thể hoặc thu nhập có tính chất thời vụ thì việc bồi thường thu nhập sẽ dựa vào mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại tại địa phương. Trường hợp không xác định được thu nhập trung bình thì tiền bồi thường được xác định theo mức lương tối thiểu chung đối với cơ quan nhà nước tại thời điểm giải quyết bồi thường.
Ngoài ra, sau khi được minh oan, cụ Thêm có thể yêu cầu bồi thường do việc bị giảm sút sức khỏe của mình vì phải ngồi tù oan, những khoản chi phí đi lại cũng như thuê luật sư trong quá trình kêu oan...
Trong vụ án này TAND Tối cao là cơ quan xét xử phúc thẩm với cụ Thêm, nên cơ quan này phải chịu trách nhiệm bồi thường oan sai.
Năm 1970, cụ Thêm và người em họ Nguyễn Khắc Văn từ Bắc Ninh lên huyện Tam Dương, Vĩnh Phú (nay là Vĩnh Phúc) thu mua trám. Trời tối hai người nghỉ tại lều cắt tóc ven đường. Đêm đó, có đối tượng đã dùng búa đánh ông Văn và cụ Thêm để cướp tài sản. Bị chống trả và hô hoán tên cướp bỏ chạy. Ông Văn bị thương và tử vong sau đó, cụ Thêm cũng bị thương vào đầu nay vẫn để lại sẹo. Sau đó cụ Thêm bị cho là hung thủ, hai lần ra tòa cụ phải nhận bản án tử hình. Tuy nhiên hung thủ thật sau đó bị bắt, cụ được trả tự do về địa phương.
Theo Danviet
Cụ ông 81 tuổi chịu án oan hơn 40 năm Hơn 40 năm rời khỏi trại tạm giam, cụ ông Trần Văn Thêm (81 tuổi) ở xã Yên Phụ, huyện Yên Phong (Bắc Ninh) được TAND Tối cao xem xét lại bản án tử hình. Sáng 6.8, đại diện TAND tối cao và Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bắc Ninh đã đến nhà ông Thêm để thăm hỏi, xác minh những thông tin xung...