Người bệnh hưởng lợi và thúc đẩy phát triển sản xuất trong nước
Việc công khai giá thầu, giá niêm yết của các thiết bị y tế, vật tư y tế và sinh phẩm hóa chất… trên Cổng công khai y tế – Bộ Y tế không chỉ mang lại lợi ích cho người bệnh mà còn thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển…
Cổng Công khai Y tế sẽ là kênh chính thống của Bộ Y tế để người dân và doanh nghiệp tra cứu các thông tin về giá thuốc, giá trang thiết bị y tế, giá vật tư y tế, giá sinh phẩm chẩn đoán, giá khám chữa bệnh, giá niêm yết, giá đấu thầu, thông tin về các sản phẩm đang lưu hành hoặc đã được thu hồi, kết quả xử lý thủ tục hành chính, những vi phạm trong quảng cáo… Thông qua Cổng Công khai Y tế người dân thực hiện quyền được biết và giám sát các dịch vụ mà ngành y tế cung cấp.
Tính đến ngày 22/11, công khai trên 17.066 thông tin giá thiết bị y tế, vật tư y tế, sinh phẩm chẩn đoán và 93.254 kết quả đấu thầu trang thiết bị y tế trên Cổng công khai y tế tại địa chỉ: https//congkhaiyte.moh.gov.vn.
Ông Nguyễn Minh Tuấn – Vụ trưởng Vụ trang thiết bị và công trình y tế- Bộ Y tế cho biết, giá thành của trang thiết bị y tế (TTBYT) đã được tính toán vào rất nhiều yếu tố như: Cấu hình, tính năng kỹ thuật, thế hệ công nghệ và các dịch vụ đi kèm… Bộ Y tế luôn luôn theo dõi, cập nhật và kiểm soát các danh mục TTBYT vào cổng thông tin công khai giá, kịp thời có động thái điều chỉnh thông tin sai lệch.
Giá thiết bị bao giờ cũng đi cùng với cấu hình cơ bản, tính năng… của sản phẩm.
Tránh được tình trạng chênh lệch giá vô lý
Video đang HOT
Theo ông Phan Viết Luật, Công ty cổ phần Thương mại Cổng Vàng (một đơn vị phân phối TTBYT), việc công khai giá trên Cổng công khai y tế là một điều tốt, tránh được tình trạng những người muốn bán giá cao cũng không bán cao hơn được nữa, vì ít nhất cũng có một giá cơ bản để mỗi người nhìn vào biết được giá của mỗi sản phẩm đó là bao nhiêu.
Cổng Công khai Y tế được khai trương mới đây là bước khởi đầu, khi các thông tin về những lĩnh vực do Bộ Y tế quản lý sẽ từng bước được công khai hóa để người dân và doanh nghiệp có thể tra cứu trên Internet ở mọi nơi, mọi lúc. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long yêu cầu lãnh đạo các đơn vị, công chức, viên chức trong toàn ngành Y tế nỗ lực và phối hợp chặt chẽ hơn nữa để rà soát và công khai tiếp những thông tin trong lĩnh vực mình phụ trách.
Ông Hà Đắc Biên- Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Thiết bị Y tế Việt Nam nhấn mạnh thêm: Có thể nói, lợi ích trước hết là cho người tiêu dùng, cho bệnh nhân- người có bệnh… đó là không còn hiện tượng giá thật là A, nhưng giá mua, giá bán lại là B. Nếu B lớn hơn A ở chừng mực cho phép, nằm trong khung quản lý của nhà nước thì chấp nhận được, còn nếu giá B gấp đôi, gấp 3 giá A hoặc hơn nữa thì không thể được.
Ông Biên cho biết thêm, giá thiết bị bao giờ cũng đi cùng với cấu hình cơ bản. Cấu hình cơ bản thay đổi thì giá sẽ thay đổi theo, và đôi lúc, giá bán ở Hà Nội và giá bán ở 1 huyện đảo, hoặc huyện miền núi có thể khác nhau đôi chút, là bởi do công tác vận chuyển, bảo dưỡng sửa chữa: Ví dụ: Khi gọi bảo dưỡng sửa chữa ở Hà Nội có thể chỉ 30 phút, hoặc 1-2 tiếng sau đội ngũ bảo dưỡng có mặt, nhưng ở các vùng xa thì có thể là lâu hơn, thậm chí tới 24 tiếng… Và như vậy, cán bộ sửa chữa phải đi lại tốn kém hơn. Tuy nhiên tất cả những cái đó đều nằm trong giới hạn cho phép.
Tôi cho rằng đây là một cố gắng rất lớn của Bộ Y tế. Việc công khai giá và các thông tin về TTBYT trên Cổng công khai y tế được cập nhật thường xuyên sẽ giúp cho người sử dụng, người bán hàng, người khai thác sử dụng, người bảo dưỡng sửa chữa… có rất nhiều thông tin bổ ích.
Tạo ra sự vươn lên trong sản xuất trong nước
Bà Cao Thị Vân Điểm -Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần nhà máy thiết bị y học và vật liệu sinh học, việc công bố Cổng công khai y tế là rất hợp lý và rất tốt trong giai đoạn hiện nay.
Có thể tra cứu giá mọi lúc mọi nơi.
Ngoài việc công khai minh bạch tất cả giá trang thiết bị y tế để cho các nhà sản xuất cũng như các nhà phân phối, người sử dụng đều có thể tham khảo giá, biết sản phẩm ở khoảng giá nào để mình có thể mua bán chính xác và tránh các trường hợp chênh lệch giá bán hàng khác nhau ở các bệnh viện: Bệnh viện có thể mua được giá hợp lý, bệnh nhân có thể được sử dụng những vật tư y tế cũng như thiết bị y tế hoặc các dịch vụ đúng với giá thực hiện tại, phù hợp… thì nó còn tạo ra sự vươn lên trong sản xuất.
Đối với một đơn vị sản xuất, chúng tôi có thể biết rằng ở Việt Nam với công nghệ của mình thì giá sản phẩm sẽ phải như thế nào để có cơ chế giá cho hợp lý. Vì công khai giá này có kèm theo các cấu hình, các tính năng của TBYT… cho nên các nhà sản xuất sẽ biết được mặt hàng của mình cái gì chưa đạt so với nước ngoài thì phải tiếp tục phấn đấu để nâng chất lượng của sản phẩm lên sát ngang với nước ngoài thì mới cạnh tranh được. Đây là điều mà chúng tôi thấy nó rất có lợi cho sản xuất trong nước.
Hiện công ty đang sản xuất hai mặt hàng chính là thủy tinh thể nhân tạo và chỉ khâu phẫu thuật. Với những mặt hàng này, chúng tôi có chuyển giao công nghệ từ ngước ngoài với chất lượng cao. Các máy móc thiết bị được nhập, các kỹ sư được đào tạo công nghệ ở nước ngoài, rất bài bản… Về chất lượng phải tuân theo đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế cũng như tuân theo hệ thống quản lý chất lượng của ngành y tế. Chúng tôi tuân thủ tất cả các yêu cầu về mặt pháp luật cũng như các yêu cầu của Bộ Y tế như: Đánh giá trên động vật, thử trên lâm sàng… được hội đồng đạo đức, hội đồng khoa học thông qua và được cấp phép lưu hành. Như vậy những sản phẩm công nghệ cao của y tế đã bước đầu được sản xuất tại Việt Nam. Đây là điều rất quan trọng hiện nay, vì nếu như có những biến động trên thế giới hay dịch dã (như COVID-19) mà sản phẩm nhập ngoại bị thu hẹp lại thì Việt Nam vẫn có thể chủ động cung cấp các nguồn hàng này.
Chặn đầu cơ trên bệnh nhân
Cách đây vài hôm, ngày 20-11, một tin rất vui đến với người dân nói chung và đặc biệt là các bệnh nhân: Bộ Y tế cho công khai giá thuốc và trang thiết bị y tế trên Cổng công khai y tế của bộ này.
Theo công bố của Bộ Y tế, giá của hơn 60.000 loại thuốc, 28.000 loại thực phẩm chức năng và gần 17.000 giá thiết bị y tế được niêm yết giá cụ thể. Mọi người có thể tham khảo, so sánh lựa chọn, thậm chí có thể giám sát để kịp thời phản ánh nếu doanh nghiệp hoặc bệnh viện đưa ra giá cả bất hợp lý. "Không để người dân mù mờ về chi phí khám chữa bệnh" - đó là lời khẳng định của tân Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long.
Chi phí y tế luôn là gánh nặng của bệnh nhân dù giàu hay nghèo. Thậm chí, không ít gia đình có người bệnh nan y phải chấp nhận buông xuôi bởi không thể theo đuổi phác đồ điều trị kéo dài và quá tốn kém. Có điều, thông thường, khi đến bệnh viện, bệnh nhân và người nhà không thể nắm được giá thuốc và dịch vụ nên phải luôn chấp nhận những điều kiện được các bác sĩ đặt ra. Họ cũng không đủ kiến thức và kinh nghiệm để so sánh giá cả nào là hợp lý để đưa ra lựa chọn có lợi cho mình.
Dù muốn hay không, phải thừa nhận giá thuốc và thiết bị, vật tư y tế là cả một mê trận, chỉ người trong ngành mới có thể phần nào hiểu nổi. Những loại này hầu hết là phải nhập khẩu, qua nhiều doanh nghiệp và tầng nấc phân phối mới đến tay người bệnh nên thường không hề rẻ. Là mặt hàng đặc biệt nhưng nó cũng được mua bán cùng hàm chứa đủ mọi góc khuất chợ búa mà các cơ quan chức năng không dễ truy ra. Những vụ án nổi cộm như nhập khẩu thuốc chữa trị ung thư giả của VN Pharma hay nâng khống thiết bị xét nghiệm Covid-19 ở Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội đã phần nào phơi bày thực trạng đen tối trong lĩnh vực này.
Trong quá trình xã hội hóa thiết bị y tế đưa vào các bệnh viện, đã có những bàn tay nhớp nhúa đặt vào. Cùng một thiết bị nhưng có nơi đấu thầu vào bệnh viện với giá hơn chục tỉ đồng nhưng cũng có nơi chỉ vài tỉ đồng. Lý giải cho điều này, doanh nghiệp cho rằng mình nhập giá cao nên bán giá cao, còn tại sao doanh nghiệp khác nhập giá thấp thì họ không có trách nhiệm trả lời. Câu trả lời cho vấn đề này thật ra không khó, lãnh đạo ngành y tế địa phương, lãnh đạo bệnh viện đều biết, bởi doanh nghiệp sản xuất máy luôn niêm yết giá bán. Còn tại sao chấp nhận giá cao là cả một mê trận mà hậu quả cuối cùng sẽ đổ lên người bệnh.
Niêm yết giá thuốc và thiết bị y tế chỉ là bước đầu của cả quá trình dài chống lại những người đầu cơ trên người bệnh. Tiếp đó còn phải minh bạch giá thuốc và trang thiết bị sát với giá của nhà sản xuất; loại các doanh nghiệp độc quyền nâng giá nhập khẩu; xử lý những người thông đồng nâng giá thiết bị y tế...
Một ngành y tế ưu việt thì người bệnh sẽ được thụ hưởng dịch vụ chăm sóc sức khỏe, còn ngược lại họ sẽ dễ dàng trở thành nạn nhân của những kẻ trục lợi nhẫn tâm.
Bộ Y tế công khai năm lĩnh vực để người dân giám sát các dịch vụ y tế Với việc khai trương Cổng công khai y tế, từ ngày 20-11, người dân sẽ được biết, giám sát các dịch vụ mà ngành y tế cung cấp. Đây là cuộc cách mạng trong lĩnh vực y tế để hướng tới một nền y tế công khai, minh bạch và phục vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân một cách tốt nhất. Tiếp...