‘Người bất tử’: Nước đi tà thuật táo bạo nhưng đầy hiểm hóc của Victor Vũ
Cùng Quách Ngọc Ngoan một lần sống đời bất tử trong tựa phim mới nhất của Victor Vũ.
Tuuy bị dời lịch chiếu tận 2 tuần, nhưng Người bất tử vẫn kịp thời ra mắt để chào đón mùa lễ Halloween hoành tráng. Được biết, đây là tựa phim kinh dị mới nhất của đạo diễn lừng danh Victor Vũ, kể từ Scandal: Hào quang trở lại vào 4 năm trước.
Lấy đề tài tà đạo tâm linh hấp dẫn, phim có sự góp mặt của dàn diễn viên chất lượng gồm một số tiền bối gạo cội như NSUT Kim Xuân, NSUT Chiều Xuân, NSND Bùi Bài Bình,… và các tên tuổi trẻ như Ngọc Diệp, Quách Ngọc Ngoan, Jun Vũ, Cường Seven, Trương Thế Vinh, Vũ Tuấn Việt, Thanh Tú,… hứa hẹn là siêu phẩm công phá phòng vé vào cuối tháng 10 năm nay.
Cái giá của khát vọng cuộc sống vĩnh hằng
Lấy bối cảnh vào nửa đầu thế kỉ 20 khi đất nước còn bị thực dân Pháp đô hộ, Người bất tử xoay quanh hành trình của Hùng (Quách Ngọc Ngoan) – người con thứ của một gia đình Nam bộ khá giả ở Hà thành, đi tìm thuật bất tử để thoả mãn vọng dục và mục đích vẫn còn vương vấn tại trần gian.
Những bi kịch xảy đến với cuộc đời vốn dĩ đang an nhiên của Hùng đã chia cắt anh với Liên (Jun Vũ), qua đó đẫn dắt nam nhân vật chính đến thế giới tà thuật ma quái. Ngoài ra, phim còn đưa khán giả đến với nhân vật An (Ngọc Diệp) – một cô gái trẻ ở thời hiện đại, bằng cách nào đó đã tìm đến với Hùng và câu chuyện năm xưa qua những giấc mơ.
Không chỉ là kỳ án về hiện tượng siêu nhiên kì bí, Người bất tử còn chứa đựng những mưu đồ bất chính trong gia tộc, đấu đá hắc bang trong xã hội thượng lưu bấy giờ, và hàng loạt bài học thấm thía về luật nhân quả, có vay có trả cùng cái nhìn đa chiều độc đáo về sự sống và cái chết vốn khó tránh khỏi trong kiếp người. Liệu Hùng có thoả được lòng tham khi đã trở thành kẻ bất khả vong, hay sự xuất hiện của An sẽ thay đổi tất cả?
Bộ sưu tập các ý tưởng kinh dị quen thuộc
Xuyên suốt bộ phim, khán giả đặc biệt là các fan cứng của thể loại kinh dị có thể nhận ra một số chi tiết thú vị, nhiều khả năng lấy cảm hứng từ các tác phẩm kinh dị từng tạo tiếng vang tại thị trường châu Á lẫn Hollywood. Thuật bất tử là một đề tài mới lạ với khán giả Việt, song lại giống như một phiên bản bạo lực đen tối của The Man From Earth. Bên cạnh câu chuyện về chàng thanh niên sống dai dẳng, Người bất tử còn lồng ghép nhiều vấn đề khác có phần thân quen như chơi ngải móc câu của The Art of Devil đình đám Thái Lan, hay việc nhân vật An bị đưa đẩy đến vùng biển hẻo lánh bởi mộng du và nằm mơ, khá tương đồng với cô bé Sharon trong Silent Hill.
Thêm vào đó, các trailer mà phía sản xuất tung ra cũng cho thấy cảnh nhân vật Hùng trải qua một nghi thức cúng tế bí ẩn, khiến cơ thể bị xâm nhập bởi các nhánh cây ma quỷ. Loại ác ma này cũng khiến người xem nhớ đến cơn ác mộng rừng sâu xảy đến với nhóm bạn trẻ xấu số trong Evil Dead.
Tuy kết hợp nhiều hình ảnh văn hoá kinh dị quen thuộc, nhưng Người bất tử vẫn mang một màu sắc riêng, thể hiện tinh thần ma quái phương Đông cũng rùng rợn, nguy hiểm và tối tăm không kém gì Hollywood.
Trailer phim.
Hành trình đẹp nhưng chắp vá, rời rạc
Là sản phẩm được đầu tư kĩ lưỡng về mặt hình ảnh và bối cảnh, thế nhưng qua đoạn trailer gần đây nhất, nhiều khán giả bắt đầu lo ngại Người bất tử sẽ gặp phải nhiều sạn từ chính nội dung. Thật vậy, dù ý tưởng ban đầu khá ổn, nhưng thay vì đi theo tiến trình lịch đại, phía biên kịch lại chọn cách lồng ghép các cảnh quay song song nhau, thường là qua hồi tưởng của An, Hùng hoặc trình chiếu từ lời nói trước đó của các nhân vật.
Mới lạ là thế, nhưng việc chuyển cảnh lại không đạt hiệu ứng như mong đợi, khiến phim bị đứt đoạn, trông như nhiều đoạn hội thoại nhỏ ghép lại với nhau. Điều đó cũng khiến phim vấp phải nhiều khoảng lặng, bên cạnh đó một số cảnh lại trông như MV ca nhạc, hay phim ngắn kinh dị của Crypt TV.
Nửa đầu phim khá chậm và dài, nhưng bù lại cách dẫn dắt Hùng trải qua các giai đoạn thời gian khá tốt, khiến nửa phần cuối vô cùng thu hút. Những cảnh chiến đấu được đầu tư kĩ lưỡng, mang đến những màn xả súng rượt đuổi không thua kém phim hành động xã hội đen Hồng Kông.
Điểm cần lưu ý nữa của Người bất tử chính là đoạn kết. Với hàng tá vấn đề được đặt ra trong phim cần được dàn xếp ổn thoả, cái kết trái lại mở ra một vấn đề bổ não khác khiến người xem bối rối và nặng nề. Vốn dĩ trọng tâm đặt vào nhân vật Hùng mang dòng máu bất tử đen kịt, sẽ hay hơn nếu phim có cái kết nghiêng về thắng lợi của anh trong cuộc hành trình, thay vì một cái kết mở tràn đầy thắc mắc và hỗn mang.
Tóm lại, Người bất tử là một tựa phim thể hiện sự chỉn chu và đầu tư thường thấy từ ê-kíp của Victor Vũ, đặc biệt cho thấy góc nhìn văn minh của vị đạo diễn về màu sắc văn hoá nông nghiệp rất Việt Nam, cùng những hình thức phong tục tế trời tế đất uy nguy. Ngược lại, điểm trừ lại đến từ khâu chỉnh sửa không khôn ngoan, quá ôm đồm làm phim bị quá tải và rời rạc, cộng thêm cái kết chưa thật sự thỏa mãn được óc tò mò của người xem. Kết hợp lại, Người bất tử vẫn xứng đáng để được khen ngợi và thưởng thức.
Theo saostar
'Người bất tử' và thông điệp sâu sắc: 'Không quan trọng sống bao lâu, mà là sống như thế nào'
Trên hết, đằng sau những thước phim mang tầm cỡ khác biệt của "Người bất tử", tác phẩm truyền tải thông điệp sâu sắc về ý nghĩa cuộc sống thông qua nhân vật "người bất tử" Hùng (Quách Ngọc Ngoan đảm nhận).
Trong lần trở lại với dự án phim Người bất tử, đạo diễn bạc tỷ Victor Vũ đã cho thấy phong độ và sự đầu tư nghiêm túc, chỉn chu của mình khi cùng lúc đưa lên màn ảnh rộng đề tài bất tử và luân hồi chuyển kiếp, lồng trong bối cảnh hoành tráng của Bắc Bộ Việt Nam thời kỳ Pháp thuộc. Song, trên hết, đằng sau những thước phim mang tầm cỡ khác biệt ấy, tác phẩm truyền tải thông điệp sâu sắc về ý nghĩa cuộc sống thông qua nhân vật "người bất tử" Hùng (Quách Ngọc Ngoan đảm nhận).
"Người bất tử" và cuộc sống quẩn quanh, bế tắc với hận thù
Người bất tử xoay quanh sự trở lại của công tử nhà giàu Hùng, sau khi bị anh trai cả đánh thừa sống thiếu chết để chiếm đoạt gia tài. Anh được thầy pháp Ninh (NSND Bùi Bài Bình) cưu mang rồi truyền dạy cho bài phép dùng ngải đoạt mạng. Sử dụng thứ tà đạo chết chóc để trả thù những người đã đẩy mình vào chỗ chết, Hùng sống chật vật bởi quá dựa dẫm, phụ thuộc bùa ngải. Không muốn mất đi mạng sống khi vừa chạm tay tới hạnh phúc bên Liên (Jun Vũ), Hùng tìm đến thuật bất tử bất chấp lời cảnh cáo từ thầy Ninh: "Những ai mưu cầu sự bất tử, thường họ sẽ hối hận vì điều đó".
Không những bảo vệ Hùng miễn nhiễm với cái chết, thứ tà đạo chết chóc bên trong anh còn không ngừng chiếm đoạt và chế ngự tâm hồn, khiến Hùng sẵn sàng ra tay với bất cứ ai có khả năng đe dọa đến mạng sống của mình. Chính vì thế, chuỗi ân oán cứ thế lặp lại không dứt, nghiệp chướng càng nhiều, nhân vật chính càng phải đối mặt với tội lỗi bản thân gây ra. Do vậy, Hùng phải sống một cuộc đời chật vật không có kết thúc, đó là nỗi đau kéo dài, cũng là hình phạt đáng sợ nhất mà "người bất tử" hứng chịu.
Dù thuật bất tử giúp anh không thể chết, bất chấp dao dâm, súng bắn, lửa thiêu, điện giật; song, Hùng phải chịu mọi nỗi đau thể xác mà chúng đem đến như người bình thường. Chi tiết ấy càng nhân đôi bi kịch của nhân vật, đưa anh vào địa ngục trần gian không lối thoát.
Như vậy, bên cạnh đề tài bất tử không còn xa lạ trên màn ảnh rộng thế giới, Người bất tử của đạo diễn Victor Vũ trở nên khác biệt bằng cách làm sâu sắc thêm bi kịch của Hùng. Nhân vật chính không những phải đối mặt với nỗi cô đơn kéo dài hàng trăm năm, mà còn hứng chịu sự trừng phạt của quy luật nhân quả, ác giả ác báo và luân hồi chuyển kiếp.
"Không quan trọng sống bao lâu, mà là sống như thế nào"
Điểm sáng của toàn bộ tác phẩm xoay quanh lời thoại đầy chiêm nghiệm của Hùng khi gặp Duyên (Thanh Tú): "Không quan trọng sống bao lâu, mà là sống như thế nào". Nhân vật tìm đến thuật bất tử bởi khao khát tận hưởng hạnh phúc cùng với Liên (Jun Vũ) và đứa con sắp chào đời, để rồi đánh mất đi giá trị cuộc sống cũng bởi mưu cầu bất tử ấy. Tình tiết Hùng cố gắng tự tử nhưng bất thành mang tính biểu tượng cao: từ khoảnh khắc đó, anh đã không còn muốn sống, thứ tà đạo chết chóc hoàn toàn chế ngự và điều khiển thân xác Hùng, dẫn đến hàng loạt tội lỗi đằng sau.
Trailer phim Người bất tử.
Nhưng rồi, trong cuộc sống mà anh gọi là "địa ngục", "tù đày", Hùng gặp người góa phụ Duyên và tìm lại được giá trị của việc sống. Dù đơn giản, bình dị, song đó mới là một cuộc đời thực sự đáng sống. Tuy nhiên, vòng tròn oan nghiệt lại một lần nữa lấy đi ý nghĩa và cảm hứng sống duy nhất của anh. Đúng như những lời thầy pháp Ninh cảnh báo, con người luôn hối hận khi mưu cầu sự bất tử, bởi ngang trái làm sao, khi họ được sống một cuộc đời không hồi kết, nhưng sống không ra sống, sống mà không mang sứ mệnh, động lực và hạnh phúc nào.
Nhà văn Phạm Lữ Ân từng viết trong cuốn Nếu biết trăm năm là hữu hạn của mình: "Nếu biết trăm năm là hữu hạn, cớ gì ta không sống thật sâu". Dường như sự hữu hạn của đời người đã trở thành đặc ân đối với "người bất tử" Hùng, khi anh có một cuộc đời vô hạn, nhưng không thể sống sâu một lần. Những mối tình với Liên và Duyên dù sâu sắc nhưng quá ngắn ngủi, những nỗi đau thể xác trong nhà tù cũng không thấm tháp gì so với trần gian vô tận mà anh mắc kẹt. Nhìn người người tha thiết mạng sống, đau đớn vì mất đi người thân trong chiến tranh, Hùng tự cảm thấy chua xót, bởi bản thân trở nên lạc lõng, thừa thãi giữa cuộc đời này. Để rồi cuối cùng, lời chiêm nghiệm của Hùng cũng tạo nên thông điệp mà tác phẩm muốn gửi gắm: "Không quan trọng sống bao lâu, mà là sống như thế nào".
Theo saostar
'Người bất tử': Quách Ngọc Ngoan 'ác hóa' hay sự bất tử mới là kẻ phản diện chính? Càng xem đến cuối phim, khán giả mới nhận ra rằng, thì ra, "Người bất tử" không phải quá trình phản diện hóa của Hùng (Quách Ngọc Ngoan), mà đó là hành trình kẻ phản diện mang tên bùa ngải chiếm lĩnh và chế ngự phần nhân tính bên trong anh. Chưa đầy một năm sau bộ phim siêu anh hùng "made in...