Người bắt nữ sinh đeo bảng ‘tôi ăn trộm’ có thể lĩnh 3 năm tù
Khẳng định các nhân viên siêu thị Vĩ Yên buộc nữ sinh đeo bảng “tôi ăn trộm” là dấu hiệu của tội Làm nhục người khác, các luật sư còn bày tỏ phẫn nộ trước hành vi này.
Theo luật sư Ngô Quí Linh (Đoàn Luật sư TP HCM), việc lấy trộm 2 quyển truyện của em nữ sinh đúng là đã vi phạm pháp luật nhưng việc xử lý đối với hành vi này phải tuân theo quy định. “Không phải ai cũng có thể tự xử lý những vi phạm của người khác. Thẩm quyền thuộc về những cơ quan, cá nhân được pháp luật quy định”, ông Linh nói.
Mặt khác, theo vị luật sư, hai quyển truyện chỉ có giá 20.000 đồng, nếu người thành niên có lấy cắp cũng không bị xử lý hình sự bởi Trộm cắp tài sản là tội có định lượng, phải từ 2 triệu đồng trở lên. Ở đây, cô bé chỉ mới là học sinh lớp 7, tức 13 tuổi. Hành vi sai phạm của em là có nhưng không lớn, không có dấu hiệu tội phạm hình sự nên không phải là phạm tội quả tang để người dân có thể bắt giữ. Mà việc bắt giữ đối với người phạm pháp quả tang cũng phải tuân theo quy định của pháp luật. “Không thể lạm dụng việc bắt quả tang để xâm phạm danh dự, nhân phẩm của người phạm tội”, luật sư Linh nhấn mạnh.
Siêu thị Vĩ Yên (huyện Chư Sê, Gia Lai), nơi bé Liên bị làm nhục danh dự, nhân phẩm. Ảnh: Tuỳ Phong
Theo vị luật sư thì trong vụ việc này, đáng lẽ các bảo vệ, nhân viên siêu thị cần báo ngay cho gia đình của em để phối hợp xử lý, giáo dục, uốn nắn. Đằng này, họ đã tự ý bắt giữ em để lục soát, trói tay, bắt đeo bảng với nội dung hạ nhục em tại siêu thị (nơi công cộng nhiều người qua lại) là một hành vi không thể chấp nhận được.
“Hành vi này không chỉ là trái với đạo đức, thiếu tôn trọng, thiếu tình người với trẻ em lầm lỗi mà họ đã đi xa hơn, đã có những hành vi mang tính nhục mạ, xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự nhân phẩm của người khác. Đây là dấu hiệu của tội Làm nhục người khác theo quy định điều 121 Bộ luật hình sự, mức hình phạt có thể lên đến 3 năm tù”, luật sư Linh cho hay.
Việc này đã gây hậu quả nghiêm trọng là làm cho nữ sinh cảm thấy xấu hổ với mọi người, bị hoảng loạn trầm trọng. Nghiêm trọng hơn, sau khi làm nhục Liên tại siêu thị, một lần nữa, nhân viên còn chụp ảnh em để đăng trên facebook phát tán hình ảnh em bị làm nhục cho nhiều người cùng xem thì mức độ xâm phạm đến danh dự nhân phẩm của nữ sinh còn tăng lên.
Video đang HOT
“Cơ quan điều tra cần vào cuộc để khởi tố, làm rõ dấu hiệu tội Làm nhục người khác của những nhân viên siêu thị. Nếu đủ căn cứ, phải khởi tố các cá nhân có liên quan về tội này”, luật sư Linh nói. Ngoài ra, vị luật sư cũng cho biết thêm, việc các nhân viên siêu thị bắt người bác của Liên phải nộp phạt 200.000 đồng, tức gấp 10 lần giá trị 2 quyển truyện, cũng là trái luật. “Phải chăng siêu thị này tự cho mình được đặt ra những quy định xử lý cho riêng mình?”, luật sư nêu.
Cùng quan điểm, luật sư Nguyễn Minh Thuận ( Văn phòng luật sư Sài Gòn) cho biết thêm, hành vi làm nhục người khác được hiểu là hành vi xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự hay bôi nhọ người khác.
“Hành vi của các nhân viên này không những vi phạm pháp luật mà còn phạm tội một cách có tổ chức. Giữa những người này đã có sự sắp xếp nhiệm vụ với nhau. Người thì bắt trói, người viết tấm bảng đeo trước ngực nạn nhân rồi tra khảo… Sự việc đã đi quá xa và để lại hậu quả vô cùng lớn đối với cô bé. Đây thực sự sẽ là một cú sốc lớn đối với em và gia đình. Sự xấu hổ và mặc cảm có thể khiến cuộc đời em bị rẽ sang một hướng khác”, vị luật sư e ngại.
Còn theo Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Ngọc Quỳnh Dao, Trưởng bộ môn Tâm lý ĐH Sài Gòn cho rằng đây là hình phạt mang tính nhục mạ không có tính nhân văn và không thể chấp nhận được. Hình phạt này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm hồn trẻ.
Ở góc độ một người làm công tác giáo dục, theo tiến sĩ Quỳnh Dao, đối với một học sinh lớp 7, các bé đang trong quá trình hình thành giá trị chuẩn mực chứ chưa phát triển ổn định. Việc trót phạm phải sai lầm ở độ tuổi này không phải là lạ, chính vì thế khi trẻ phạm sai lầm, người lớn nên xem xét kỹ và có hướng nhắc nhở hơn là trừng phạt theo kiểu “một lần ăn cắp một lần chặt tay”.
Theo bà Dao, càng nguy hiểm hơn khi áp dụng hình thức làm nhục trẻ trước nhiều người. Cách làm của siêu thị là vì lợi ích trước mắt, muốn răn đe người xung quanh theo kiểu “ai ăn trộm sẽ bị thế này”, hơn là răn đe bé Liên. Giảng viên tâm lý khẳng định kiểu hình phạt làm nhục hoàn toàn không thể áp dụng cho đứa trẻ ở độ tuổi này.
“Cách làm này sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến tâm hồn của bé. Nó khiến các em nghĩ mình khó có thể lấy lại danh dự, rằng mình sẽ bị mọi người nhìn như kẻ xấu suốt đời”, Trưởng bộ môn Tâm lý ĐH Sài Gòn nói.
Điều 121. Tội làm nhục người khác 1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm: a) Phạm tội nhiều lần; b) Đối với nhiều người; c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; d) Đối với người thi hành công vụ; đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình. 3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
* Tên nữ sinh đã được thay đổi.
Theo VNE
Không được xét hỏi 'mớm cung'
"Gợi mở để ép bị cáo thừa nhận tội thì chẳng khác nào đã có định kiến sẵn hành vi đó chắc chắn là tội phạm", thẩm phán Phạm Công Hùng nói.
Ảnh minh họa
Quy định việc xét hỏi bị cáo tại phiên tòa hiện nay trong Bộ luật hình sự chỉ mang tính nguyên tắc. Về trình tự, theo điều 207, chủ tọa phiên tòa có quyền hỏi trước rồi đến các hội thẩm nhân dân, sau đó đến kiểm sát viên, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự. Về nội dung xét hỏi, khoản 2 Điều 209 chỉ quy định bị cáo trình bày ý kiến về bản cáo trạng và những tình tiết của vụ án. Hội đồng xét xử hỏi thêm về những điểm mà bị cáo trình bày chưa đầy đủ hoặc có mâu thuẫn.
Như vậy, Bộ luật tố tụng hình sự chưa có quy định cụ thể về việc hội đồng xét xử, kiểm sát viên, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự phải hỏi bị cáo như thế nào. Theo kiểm sát viên Trần Quyết Chiến (VKSND TP Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk), luật quy định như vậy là hợp lý vì không phải vụ án nào cũng giống nhau. Mỗi vụ có tình tiết, chứng cứ và bị cáo khác nhau nên luật không thể quy định chủ tọa phải xét hỏi về ý gì và phải xét hỏi như thế nào. Do đó không thể quy định một trình tự chuẩn mà phải đòi hỏi phải có kỹ năng và trình độ xét hỏi của chủ tọa và những người tiến hành tố tụng khác. Hơn nữa, các thẩm phán cũng cần linh động trong cách xét hỏi nhằm làm sáng tỏ vụ án.
Thẩm phán Phạm Công Hùng (Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM) đồng tình rằng không thể có mô hình chuẩn cho thủ tục xét hỏi tại tòa. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh bất luận lý do gì đi nữa thì việc xét hỏi theo kiểu "gợi ý lộ liễu", "đỡ lời", "mớm cung", "ép cung" đều không chấp nhận được. Bởi lẽ bản chất của việc xét hỏi công khai tại tòa là nhằm xác định sự thật khách quan của vụ án. Sự thật này đánh giá tính hợp pháp và hợp lý của hai loại chứng cứ là chứng cứ đã có trong hồ sơ vụ án và chứng cứ mới bổ sung (nếu có) tại phiên xử. Như vậy việc xét hỏi sẽ hướng tới mục đích cao nhất là trả lời câu hỏi kết luận điều tra và cáo trạng truy tố bị cáo có hợp pháp, có đúng pháp luật hay không.
Cũng theo thẩm phán Hùng, có nhiều kiểu hỏi khác nhau, không thẩm phán nào hỏi giống thẩm phán nào. Việc hỏi theo kiểu "ép cung" hiện nay khó có thể xảy ra tại phiên tòa nhưng "mớm cung" thì rất dễ xảy ra và tinh thần pháp luật là cấm chuyện này. Thậm chí luật còn cấm việc công bố các bản cung về lời khai của bị cáo tại cơ quan điều tra nếu không có sự mâu thuẫn với lời khai tại tòa để tránh tạo áp lực cho bị cáo.
Không gợi mở theo kiểu chỉ "có", "không"
Bàn về việc thẩm phán gợi mở khi xét hỏi, nhiều ý kiến cho rằng phải hiểu đúng nghĩa của việc gợi mở, nếu không sẽ dễ bị lạm dụng.
Một thẩm phán chuyên xử hình sự ở TAND TP HCM (đề nghị giấu tên) cho rằng tòa hay bị kêu ca là "ôm" hết phần xét hỏi, nhiều khi làm thay cả chức năng của VKS vì hỏi như kiểu buộc tội bị cáo. Thực tế thì việc hỏi nhiều hay ít, có gợi mở được vấn đề hay không phụ thuộc vào trình độ và kinh nghiệm của mỗi thẩm phán. Nhưng nếu phần lớn thời gian thẩm vấn mà chủ tọa gợi mở được những câu hỏi nhằm làm rõ bản chất của vụ án thì phiên tòa đó có chất lượng. Hỏi gợi mở là những câu hỏi luôn có từ "vì sao?" để người trả lời lý giải vấn đề đặt ra và không thể nói ngay đáp án "có" hay "không".
Luật sư Đinh Văn Thảo (Đoàn Luật sư TP HCM) bổ sung: Tòa xét hỏi để tìm tòi thêm các tình tiết của vụ án, thậm chí có thể hỏi theo hướng suy đoán vô tội nếu thấy còn lợn cợn nhiều vấn đề. Như vậy, thủ tục này cần phải lấy yếu tố quyền con người (quyền của bị cáo nói riêng) để đặt lên hàng đầu.
Gợi mở trong xét hỏi tại tòa chính là câu hỏi của chủ tọa sẽ tạo điều kiện cho bị cáo trình bày những vấn đề chưa được làm sáng tỏ. Chủ tọa có nghĩa vụ phải gợi mở cho bị cáo thực hiện quyền tự bảo vệ của mình và làm rõ hơn vụ án. Từ lời trình bày ấy, thẩm phán đối chiếu với các lời khai trong hồ sơ và các chứng cứ khác, phân tích về độ chính xác rồi mới đánh giá là có chấp nhận hay không. Với những vụ án đơn giản, tình tiết không quá phức tạp thì việc khơi gợi khi xét hỏi giúp phiên tòa tránh được không khí tẻ nhạt, vô vị.
Thẩm phán Phạm Công Hùng nhận xét: Nếu gợi mở theo kiểu dẫn ra một tình tiết trong hồ sơ hoặc cáo trạng rồi hỏi bị cáo có đúng như vậy không thì không đúng nguyên tắc. Đây chỉ được xem như một động tác nhằm hợp thức hóa hồ sơ, nhắc lại những cái đã cũ và có thể tạo ra hậu quả pháp lý lớn. Bởi nếu bị cáo đã từng bị ép cung tại cơ quan điều tra mà ra tòa thẩm phán vẫn theo mạch xét hỏi dựa vào các bút lục đó thì rất bất lợi cho bị cáo. "Gợi mở để ép bị cáo thừa nhận tội thì chẳng khác nào đã có định kiến sẵn từ đầu là hành vi đó chắc chắn là tội phạm", ông Hùng nói.
Theo Pháp luật TP HCM
Từ hôm nay, ngoại tình bị phạt tiền Từ 11/11, kết hôn giả bị phát hiện sẽ phạt đến 20 triệu đồng; phạt 1-3 triệu đồng nếu đã có vợ chồng mà vẫn sống chung với người khác... Những điều trên được nêu tại Nghị định 110/2013/NĐ-CP về vi phạm hành chính lĩnh vực hôn nhân gia đình. Luật sư Võ Thị Kim Nga, đoàn Luật sư TP HCM tóm tắt...