Người bạo lực gia đình có thể bị phạt trồng cây, làm sạch đường làng ngõ xóm
Luật Phòng chống bạo lực gia đình sửa đổi bổ sung biện pháp người có hành vi bạo lực gia đình sẽ phải làm các công việc phục vụ cộng đồng như trồng cây, làm sạch đường làng, ngõ xóm.
Với 465/474 ý kiến biểu quyết thông qua chiều nay 14.11, Quốc hội đã thông qua luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Một trong những điểm mới so với luật ban hành năm 2007 là sửa đổi, bổ sung biện pháp bảo vệ, hỗ trợ, xử lý vi phạm trong phòng, chống bạo lực gia đình.
Quốc hội biểu quyết thông qua luật Phòng, chống bạo lực gia đình sửa đổi. Ảnh GIA HÂN
Trong đó, điều 33 bổ sung biện pháp thực hiện công việc phục vụ cộng đồng – công việc có quy mô nhỏ trực tiếp phục vụ cho lợi ích của cộng đồng nơi người có hành vi bạo lực gia đình cư trú.
Cụ thể, bao gồm hoạt động gồm tham gia trồng, chăm sóc cây xanh ở khu vực công cộng; sửa chữa, làm sạch đường làng, ngõ xóm, đường phố, ngõ phố, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng; cải thiện môi trường sống và cảnh quan của cộng đồng.
Chủ tịch UBND cấp xã nơi người có hành vi bạo lực gia đình cư trú quyết định và tổ chức cho người có hành vi bạo lực gia đình thực hiện công việc phục vụ cộng đồng.
Cấm tiếp xúc khi có hành vi đe doạ tính mạng nạn nhân
Video đang HOT
Ngoài ra, dự luật cũng bổ sung biện pháp yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở công an xã nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình; bổ sung thẩm quyền cho chủ tịch UBND cấp xã và tòa án ban hành quyết định cấm tiếp xúc khi có căn cứ thấy rằng hành vi bạo lực gia đình đe dọa tính mạng của nạn nhân; bổ sung quy định cấm tiếp xúc; bảo vệ người tham gia phòng, chống và báo tin, tố giác về bạo lực gia đình.
Một điểm mới nữa của luật sửa đổi là quy định về định nghĩa bạo lực gia đình và cụ thể về 16 hành vi bạo lực gia đình, dựa trên các yếu tố về bạo lực thể chất, tinh thần, kinh tế và tình dục.
Ngoài ra, luật cũng nêu một số hành vi bị cấm gồm kích động, xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ, giúp sức, cưỡng ép người khác thực hiện hành vi bạo lực gia đình; trả thù, đe dọa trả thù người giúp đỡ người bị bạo lực gia đình, người phát hiện, báo tin, tố giác…
Luật sửa đổi cũng bổ sung quy định về trách nhiệm của Chính phủ, cơ quan quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình. Theo đó, bổ sung trách nhiệm của Bộ Y tế trong bồi dưỡng nhân viên y tế thực hiện tư vấn, chăm sóc, điều trị nạn nhân bạo lực gia đình.
Bộ LĐ-TB-XH có trách nhiệm hướng dẫn cơ sở trợ giúp xã hội thực hiện thống kê, báo cáo các trường hợp người bị bạo lực gia đình được tiếp nhận và trợ giúp; Bộ GD-ĐT hỗ trợ người học bị bạo lực gia đình; bổ sung trách nhiệm của công an xã trong tổ chức, thực hiện một số biện pháp phòng, chống bạo lực gia đình…
Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng việc ban hành luật nhằm đáp ứng yêu cầu phát sinh trong thực tiễn và khắc phục những bất cập trong luật hiện hành.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ khẩn trương ban hành văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật; chú trọng đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực cho người làm công tác phòng, chống bạo lực gia đình và bố trí, huy động đủ nguồn lực cho việc tổ chức thi hành luật.
Chính phủ được đề nghị nghiên cứu, rà soát, đề xuất sửa đổi các quy định pháp luật có liên quan; huy động sức mạnh của cộng đồng, xã hội tham gia vào hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình; làm căn cứ để các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội và cộng đồng dân cư tiến hành các hoạt động giúp đỡ, bảo vệ người bị bạo lực gia đình.
Luật có hiệu lực từ 1.7.2023.
Chiến dịch nâng cao nhận thức bảo vệ phụ nữ, trẻ em trước bạo lực gia đình
Chiến dịch gửi tới cộng đồng thông điệp mạnh mẽ là không khoan nhượng với tình trạng bạo lực đối với trẻ em và phụ nữ.
Sáng 5/7, tại Hà Nội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cùng các cơ quan của Liên hợp quốc tại Việt Nam, Cơ quan Phát triển Quốc tế Australia (Australian Aid) đã phối hợp khởi động chiến dịch nâng cao nhận thức "Trái tim Xanh 2022" hướng tới chấm dứt bạo lực trong bối cảnh các nguy cơ đang trở nên trầm trọng hơn và các hình thức bạo lực đang ngày càng đa dạng.
Khởi động chiến dịch nâng cao nhận thức Trái tim Xanh 2022. Ảnh: unicef.org
Chiến dịch gửi tới cộng đồng thông điệp mạnh mẽ là không khoan nhượng với tình trạng bạo lực đối với trẻ em và phụ nữ.
Sáng kiến này được xây dựng dựa trên chiến dịch năm 2020 nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng và thay đổi hành vi của cá nhân và xã hội, giúp ngăn chặn bạo lực trước khi nó bắt đầu.
Theo các nhà tổ chức, chiến dịch kêu gọi sự quan tâm và hỗ trợ của cộng đồng để tạo ra môi trường không có bạo lực trong gia đình, trường học, trong cộng đồng và trên mạng. Điều này chỉ có thể xảy ra khi có thật nhiều tiếng nói cùng lên tiếng và phản đối bạo lực dưới mọi hình thức, cũng như các tác động của nó. Những tiếng nói thống nhất này phải đến từ các cá nhân, bậc cha mẹ, các thành viên trong gia đình, trẻ em và thanh, thiếu niên, giáo viên, hàng xóm, lãnh đạo cộng đồng, các nhà hoạch định chính sách, những người có tầm ảnh hưởng đủ mạnh để tạo động lực làm thay đổi những tồn đọng vốn là rào cản khiến Việt Nam đối mặt với vấn nạn bạo lực gia đình.
Phát biểu tại Lễ khởi động chiến dịch, bà Rana Flowers, Trưởng Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam cho biết, chỉ khi mọi người xích lại gần nhau và lên tiếng rằng bạo lực là không thể chấp nhận được, chúng ta mới có thể khiến thứ vô hình trở nên hữu hình. "Sáng kiến này kêu gọi người dân, các nhà làm luật và chính phủ lên tiếng mạnh mẽ hơn trong việc chống lại bạo lực. Chúng tôi mong muốn có thể biến sự phẫn nộ của công chúng đối với các hành vi bạo lực thành những nỗ lực mang tính xây dựng nhằm làm thay đổi cuộc sống của trẻ em và phụ nữ", bà Rana Flowers nhấn mạnh.
Trong khi đó, bà Elisa Fernandez Saenz, Trưởng Đại diện Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) nêu rõ: "Mỗi người chúng ta đều có vai trò lên tiếng. Hãy biến những cảm hứng lan truyền của Lễ phát động ngày hôm nay thành hành động cụ thể nhằm chấm dứt tất cả các hình thức bạo lực trẻ em và phụ nữ. Hãy tôn trọng tất cả phụ nữ và trẻ em, lắng nghe ý kiến của họ, hãy lên tiếng và tìm kiếm hoặc cung cấp sự hỗ trợ khi bạn chứng kiến bạo lực trẻ em và phụ nữ, cùng lan tỏa thông điệp của chiến dịch đến nhiều người hơn".
Theo Liên hợp quốc, trên toàn cầu, mỗi năm có một tỷ trẻ em phải hứng chịu bạo lực với nhiều hình thức khác nhau. Khảo sát Chỉ số Mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam về trẻ em và phụ nữ năm 2020-2021 chỉ ra rằng hơn 72% trẻ em trong độ tuổi từ 10 đến 14 đã từng bị kỷ luật bạo lực. Trong đó, có 39% trẻ em bị bạo lực tinh thần, bị xâm hại thể chất (47%), xâm hại tình dục (20%) và bị bỏ bê (29%). Trong một nghiên cứu khác, 21,4% trẻ em gái vị thành niên và 7,9% trẻ em trai vị thành niên cho biết bản thân đã từng có ý định tự tử. Một nghiên cứu khác nữa cho hay, 5,8% trẻ vị thành niên cho biết đã có ý định tự tử.
Theo Khảo sát quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), năm 2019, có 62,9% phụ nữ ở Việt Nam trong đời đã từng chịu một hoặc nhiều hơn các hình thức bạo lực thân thể, tình dục, tình cảm và kinh tế, cũng như hành vi kiểm soát của người chồng. Trong xã hội Việt Nam, bạo lực thường bị giấu kín với 90,4% người bị bạo lực không tìm kiếm sự giúp đỡ từ chính quyền và một nửa trong số họ không bao giờ kể với bất kỳ ai về việc họ bị bạo lực. Thêm vào đó, bạo lực phụ nữ góp phần làm thâm hụt 1,81% GDP của quốc gia.
Các yếu tố nguy cơ dẫn tới bạo lực, xâm hại và bóc lột càng trở nên trầm trọng hơn do các tác động kinh tế - xã hội của đại dịch COVID-19. Bạo lực thể xác, tình dục và tinh thần trong gia đình, trường học, và trên mạng đang xảy ra đối với hàng triệu trẻ em, kể cả ở Việt Nam. Trong khi đó, có sự cạnh tranh về ưu tiên trong quá trình phục hồi sau đại dịch COVID-19 và không gian tài khóa đang bị thu hẹp. Tuy nhiên, việc chấm dứt bạo lực đối với trẻ em và phụ nữ phải được ưu tiên.
Bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã và đang nỗ lực không ngừng trong việc chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em, đặc biệt quan tâm đến những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 đối với con người. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn đang diễn ra và chúng ta chỉ có thể giải quyết được khi có sự chung sức, đồng lòng của tất cả các thành viên trong xã hội, các tổ chức và các cơ quan có trách nhiệm. Việt Nam đã và đang nhận được sự hỗ trợ to lớn từ các cơ quan Liên hợp quốc và Chính phủ Australia trong lĩnh vực này. "Chỉ khi cùng hợp lực, chúng ta mới trở nên mạnh mẽ hơn trong thúc đẩy các giải pháp và hành động cụ thể hướng tới chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em", bà Nguyễn Thị Hà khẳng định.
Bà Naomi Kitahara, Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam thông tin, tại Việt Nam, Trung tâm dịch vụ một cửa, thường được gọi là "Ngôi nhà Ánh Dương" cung cấp các dịch vụ thiết yếu tích hợp cho phụ nữ và trẻ em gái là nạn nhân và/hoặc có nguy cơ bị bạo lực gia đình và bạo lực trên cơ sở giới. Các dịch vụ đa dạng, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, bao gồm chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ tâm lý, tư vấn, dịch vụ phúc lợi xã hội, nhà tạm lánh trong trường hợp khẩn cấp, cảnh sát bảo vệ, dịch vụ pháp lý và tư pháp và chuyển gửi đều được cung cấp tại Ngôi nhà Ánh Dương. Mô hình này là một trong những kết quả hữu hình của UNFPA trong nỗ lực tiến tới "không có bạo lực trên cơ sở giới và hành vi có hại".
"Chúng tôi muốn đảm bảo rằng tất cả phụ nữ và trẻ em gái ở Việt Nam, bao gồm cả những người dễ bị tổn thương nhất, có quyền được sống một cuộc sống không có bạo lực và được đối xử tôn trọng", bà Naomi Kitahara nói.
Trong khuôn khổ Lễ khởi động chiến dịch, một loạt các hoạt động bên lề đã diễn ra như triển lãm tương tác mở cửa cho người dân giúp khám phá các khía cạnh tâm lý xã hội của bạo lực và cách giải quyết bạo lực. Những người tiên phong vận động như Hoa hậu Hoàn vũ 2017 H'Hen Niê, ca sĩ Hoàng Bách, Duy Khoa, cũng như MC Trang Moon đã trở lại với chiến dịch năm nay để phát huy sức mạnh lan tỏa của họ cho chiến dịch. Đồng thời, chiến dịch có sự tham gia của những tiếng nói mới, có sức ảnh hưởng từ ban nhạc Da LAB và nữ ca sĩ trẻ Mỹ Anh để vận động nam giới và trẻ em trai tham gia đứng trên chiến tuyến chống lại bạo lực, cũng như những người trẻ Việt Nam nói chung góp sức tạo nên những thay đổi mang tính thế hệ.
Chồng đánh vợ sẽ phải 'lên phường', cấm tiếp xúc phạm vi 50 m Chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình có thể bị yêu cầu lên trụ sở công an xã làm việc, bị cấm tiếp xúc trong 3 ngày mà nạn nhân không cần phải viết đơn. Chiều 27.5, tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội XV, trình bày tờ trình về dự án luật Phòng, chống bạo lực gia đình sửa đổi,...