Người bán vé số… vĩ đại
Bom đạn những năm kháng chiến chống Mỹ đã quật liệt nửa thân người, tay co quắp, chân teo tóp và trong đầu vẫn còn 3 mảnh đạn, nhưng bà vẫn đều đặn lặn lội khắp thôn xóm bán từng tờ vé số.
Thế rồi nhân dịp Tết Tân Mão, bà đã làm cho lãnh đạo xã Long Hưng A bất ngờ khi mang 70 triệu đồng đến xin đóng góp xây nghĩa trang liệt sĩ (NTLS) xã nhà. Thoạt đầu, lãnh đạo xã cố gắng thuyết phục bà giữ lại số tiền để dưỡng già, nhưng với quyết tâm thực hiện lời hứa với đồng đội trong ngày kết nạp Đảng cách nay gần 45 năm, bà đã thuyết phục ngược lại lãnh đạo xã đồng ý dùng số tiền ốp gạch men toàn bộ 144 ngôi mộ liệt sĩ trong nghĩa trang. Người bán vé số… vĩ đại ấy chính là thương binh 1/4 Đặng Thị Bảy (xã Long Hưng A, huyện Lấp Vò, Đồng Tháp), mà người dân ở đây trìu mến gọi là cô Bảy.
Cô Bảy bên mộ liệt sĩ Võ Thị Thư – một trong những đồng đội được kết nạp Đảng vào năm 1964. Ảnh: L.T
“Một tay” làm đẹp nghĩa trang
Sắp đến Ngày Thương binh – Liệt sĩ, bỗng một đồng nghiệp ở Đài PTTH Đồng Tháp bật mí với tôi: Xã Long Hưng A có một NTLS rất độc đáo. Và tôi đã không thật uổng công đến. “Đẹp, trang nghiêm” – đó là cảm nhận đầu tiên của tôi về NTLS xã Long Hưng A – nơi quy tập, chôn cất 144 ngôi mộ liệt sĩ thời chống Mỹ.
Toạ lạc giữa 4 bề cây trái miệt vườn và chính cái màu xanh mướt của xoài, nhãn, ổi mận nơi đây như cái khung sống động làm tôn vinh vẻ đẹp tinh khiết toát lên từ màu ngọc bích của gạch men ốp lên toàn bộ mộ liệt sĩ. Càng bất ngờ hơn khi Phó Chủ tịch UBND xã Long Hưng A Trương Phước Điều cho biết, “tác giả” của công trình này là thương binh bị liệt nửa người Đặng Thị Bảy. “Những ngày cuối năm con cọp, đang bù đầu với công việc mới thì bất ngờ cô Bảy đến bày tỏ nguyện vọng muốn đóng góp 70 triệu để xây nghĩa trang xã – anh Điều nhớ lại – Lúc đầu lãnh đạo xã băn khoăn lắm, bởi cô là thương binh hạng nặng, mất trên 80% sức khoẻ, gia đình còn khó khăn…
Video đang HOT
Trong khi đó, đây là một trong số 3 địa phương cấp xã được đặc cách duy trì NTLS có từ kháng chiến chống Mỹ, nên được đầu tư kinh phí chỉnh trang tương đối hoàn chỉnh và nhiều hạng mục công trình cơ bản như: Sơn mộ, tượng đài, sân dal và hàng rào đã đi vào giai đoạn hoàn thành… Vì vậy, lãnh đạo xã khéo léo thuyết phục cô Bảy giữ lại số tiền dưỡng già”.
Tuy nhiên, bằng tất cả tình cảm chân thành, cô Bảy đã thuyết phục ngược lại lãnh đạo xã: “Đây là tiền cô bỏ ống suốt hơn 10 năm qua, chớ đâu cóbán đất, bán nhà hay vay mượn của ai đâu mà ngại. Và đây cũng là tâm nguyện cuối đời, nếu không thực hiện được chắc có lẽ khi chết cô không nhắm mắt được”. Hiểu tính cô Bảy, đã quyết cái gì là cố làm bằng được, nên lãnh đạo xã Long Hưng A chỉ biết… ráng suy nghĩ để tìm cách tiếp sức.
Sau khi cân đối giá vật tư, nhân công… nhận thấy số tiền đủ để ốp gạch men lên toàn bộ 144 ngôi mộ trong nghĩa trang nên lãnh đạo xã Long Hưng A cử người đến thăm dò ý cô Bảy. Vừa nghe qua, cô đưa tay trái lên tán thành ngay. Bởi cánh tay phải của cô đã vĩnh viễn bất động cách đây hơn 40 năm. Biết được tấm lòng cô Bảy, đơn vị thi công đã tự nguyện giảm giá tiền công để nâng cấp gạch men thường theo dự toán ban đầu lên gạch men cao cấp.
Bà Nguyễn Thị Thu Hồng – nguyên Trưởng phòng LĐTBXH huyện Lấp Vò, đồng chí cùng thời kháng chiến với cô Bảy – cho biết thêm: “Thoạt đầu, nghe xã báo cáo chị Bảy đóng góp tiền xây NTLS, tôi vừa tự hào vừa xúc động. Tự hào vì có lẽ đây là NTLS duy nhất ở Đồng Tháp ốp gạch men 100% số mộ mà không sử dụng kinh phí nhà nước.
Còn xúc động vì đồng chí của mình đã có nghĩa cử quá cao đẹp”. Theo bà Hồng, ở vùng nông thôn như Long Hưng A, 70 triệu đồng là số tiền không nhỏ, nhất là đối với thương binh nặng như cô Bảy. Gánh nặng tuổi tác như cầu nối làm cho 3 mảnh đạn vĩnh viễn nằm lại trong đầu cô liên tục hoành hành mỗi khi trái gió trở trời. Vậy mà… “Dù lâu nay chúng tôi xem chị như tấm gương về hình ảnh người thương binh giàu nhân ái, khi tự nguyện nhận nuôi thành người 3 trẻ mồ côi bằng chính sự tần tảo của mình. Vậy mà giờ đây, chúng tôi tiếp tục bất ngờ khi chị dốc hết tiền của cả đời tích cóp để đóng góp xây dựng NTLS” – bà Hồng xúc động.
Tảo tần giữ “lời hẹn ước”
Năm 1958, khi vừa tròn 13 tuổi, cô Đặng Thị Bảy được người anh ruột thứ năm Đặng Hữu Phước giác ngộ đi làm cách mạng. Vì nhỏ tuổi và nhỏ người, nên cô có bí danh là Bảy Nhỏ. Tuy chỉ vai trò giao liên tại xã nhà Long Hưng – nay là Long Hưng A – nhưng cô nổi tiếng gan dạ, luôn tìm mọi cách đánh đuổi quân thù mỗi khi có thể. Bà Nguyễn Thị Thu Hồng nhớ lại: “Hồi đó đi đâu chị cũng kè kè chùm lựu đạn chiến lợi phẩm bên mình để sẵn sàng đánh giặc”.
Năm 1964, vừa bước vào tuổi 18, Bảy Nhỏ đã danh dự đứng vào hàng ngũ Đảng Cộng sản VN. “Do là địa bàn trọng yếu của tỉnh uỷ, huyện uỷ, nơi đây bị địch ra sức ruồng bố rất dữ dội. Vì vậy, sau lễ kết nạp, 20 tân đảng viên mới hứa với nhau: “Đến ngày độc lập, ai còn sống sẽ xây mồ, làm mả cho người nằm xuống” – cô Bảy nhớ lại. Nhưng đã có lúc cô tưởng mình không bao giờ thực hiện được lời hứa với đồng đội. Đó là thời điểm chiến dịch Mậu Thân – 1968.
Trong trận đánh chiếm đồn Gò Dầu (xã Tân Mỹ), trên đường rút quân về Mương Điều (xã Tân Khánh Trung, huyện Lấp Vò), đơn vị bị pháo địch trả đũa làm nhiều người hy sinh. Cô Bảy thoát chết, nhưng bị thương vùng đầu rất nặng, nóng sốt mê man. “Do điều kiện điều trị lúc đó rất thiếu thốn, nên nhiều đồng đội đinh ninh cô khó qua khỏi. Thế nhưng thời may vài ngày sau đó, trong đoàn chiến sĩ hành quân ngang qua có bác sĩ tên Dân – bà Hồng nhớ lại – Thời gian lưu lại rất ngắn, mà tại chỗ thì lại không có sẵn y cụ, thuốc men, vì thế bác sĩ Dân phải dùng cưa và khoan tại công xưởng sản xuất vũ khí để giải phẫu, lấy miếng bom đạn và cắt bỏ phần da thịt đã hoại tử”.
Sau ca phẫu thuật, sức khoẻ cô Bảy dần hồi phục, nhưng di chứng tổn thương thần kinh đã quật một nửa cơ thể vĩnh viễn bất động. Không thể trực tiếp chiến đấu, cô được tổ chức phân công ở tuyến sau mua thuốc men tiếp tế cho quân y, rồi cô được bồi dưỡng chuyên môn làm hộ sinh – y tế làm y tá.
Ngày thống nhất đất nước, 19 đồng đội ngày ấy đã an nghỉ lại NTLS xã Long Hưng. Còn cô Bảy, chứng mất ngủ nhiều tháng liền đã làm sức khoẻ suy kiệt, nên đến năm 1979 cô nghỉ mất sức. Đang loay hoay tìm cách thực hiện lời hứa thì đùng một cái, 2 đứa cháu nội của người anh thứ năm lâm cảnh mồ côi, rồi đứa em gái không đủ sức nuôi con…
Thế là bỗng nhiên cô thương binh đơn thân Đặng Thị Bảy làm mẹ 3 đứa trẻ trong căn nhà cất tạm trên nền đất mà địa phương giải quyết. Nguồn sống duy nhất của gia đình 4 miệng ăn này là đồng lương thương binh. Vì thế hằng tháng, cô phải chia lương thành 5 phần bằng nhau, 4 cho gia đình, 1 cho vào “ống heo”. Đến năm 1990, trước nhu cầu ăn-học ngày càng lớn của 3 người con, cô phải lãnh vé số đi bán dạo để cải thiện cuộc sống. Bất chấp thương tật, ngày nắng cũng như ngày mưa, cô cần mẫn lặn lội khắp thôn, xóm bán từng tờ vé số… “Hằng ngày, sau khi trừ tiền trang trải gia đình, tôi mang toàn bộ tiền đổi ra giấy “săng” (tiền mệnh giá cao nhất) rồi dồn hết vào con heo đất.
Mỗi khi được người trúng số “thưởng”, tôi cũng cho hết vào đó” – cô thật lòng. Cứ thế đến cuối năm 2010, chiếc ống heo đầy ắp, cô trút “ống heo”. Thật bất ngờ, số tiền tích cóp lên đến 72 triệu đồng. Lúc này, 3 người con nuôi đã trưởng thành, người làm giáo viên, người làm thợ điện tử… Vì thế không chút đắn đo, cô mang 70 triệu đồng đến UBND xã xin thực hiện lời hứa; 2 triệu còn lại cô mua heo quay cúng mừng công.
Cuộc trao đổi vừa kết thúc, cô Bảy lại quầy quả cầm xấp vé lao ra đường: “Bây giờ còn sức phải ráng làm”. Nhìn cô lê từng bước, từng bước liêu xiêu…, tôi bỗng giật bắn người như vừa có luồng điện chạy qua khi nghĩ đến sự hy sinh quá lớn lao của người thương binh Đặng Thị Bảy. Gửi lại cuộc chiến tranh vệ quốc cả tuổi xuân thì và một nửa thân thể, giờ đây cô lại
mang cả gia tài gặng chắt cả đời để lo cho đồng đội… Nghĩa cử ấy không chỉ tô thắm thêm truyền thống quý báu của bộ đội Cụ Hồ “tàn nhưng không phế”, mà còn góp thêm bông hoa đẹp làm cho vườn hoa truyền thống của người phụ nữ Việt Nam anh hùng – bất khuất – trung hậu – đảm đang trong thời đại mới thêm đậm hương, rực sắc.
Theo Dân Trí
Rớm máu nẻo đường mưu sinh của trẻ em
Vào dịp hè, những đứa trẻ ở các vùng ngoại thành lân cận lại hối hả lên phố thị mưu sinh bằng đủ thứ nghề nhọc nhằn, vất vả, chỉ mong sao kiếm được những đồng tiền nho nhỏ để phụ giúp gia đình và chuẩn bị hành trang cho năm học mới...
Những nẻo đường mưu sinh
Mùa này, những bến xe, ga tàu, vỉa hè, góc phố... ở Hà Nội không vắng bóng những đứa trẻ trong độ tuổi 10- 15, đầu trần, chân đất, mặt mũi đen nhẻm, mặc những bộ quần áo cũ kĩ, bạc màu đi đánh giày, nhặt vỏ chai, bán vé số, bán bánh... mưu sinh. Vốn liếng chỉ vẻn vẹn hộp đánh giày, vài tấm vé số, dăm ba cái bánh... những đôi chân ấy đi khắp mọi nẻo đường, ngõ ngách; gặp ai cũng rao, cũng mời gọi: "Cô ơi mua cho cháu chiếc bánh đi!", "Chú ơi mua giùm cháu tấm vé đi!".
Bước chân của các em chỉ dừng lại khi tiếng rao có người đáp lại, nhiều lúc đói, khát, rã rời chân tay nhưng các em vẫn cứ đi tiếp chỉ mong bán thêm được đồng bánh, tấm vé nào thôi. Phần lớn các em là những đứa trẻ quê nghèo ngoại thành Hà Nội và các tỉnh lân cận, tự kéo nhau lên phố thị kiếm sống tranh thủ khoảng thời gian ngắn ngủi lúc nghỉ hè.
Dọc đường Huỳnh Thúc Kháng, chẳng khó gì tìm được những cậu bé đánh giày bởi ở đây có nhiều hàng ăn, quán café. Tôi có quen Nam, Thắng và Hùng- ba cậu bé đang đánh giày kiếm sống ở tuyến phố này, cùng quê ở Ba Vì- Hà Tây, cùng rủ nhau lên Hà Nội mưu sinh.
Nhìn khuôn mặt đen nhẻm, mái tóc đỏ hoe vì nắng...trông các em già đi so với cái tuổi 13-15 của mình. Thắng lớn nhất, em vừa học hết lớp 7, trông có vẻ cứng cỏi hơn cả vì đây là mùa hè thứ hai em lên Hà Nội đánh giày rồi. Nhưng hoàn cảnh đáng thương của cậu bé Nam để lại cho tôi nhiều ám ảnh.
Nam vừa học hết lớp 5, gầy nhom, mặt lúc nào cũng buồn, thật tội nghiệp. Nam mồ côi cả cha lẫn mẹ, ở với ông bà từ nhỏ. Ông bà lam lũ, chắt chiu từng đồng từ những vụ mùa để cho đứa cháu được đến trường, đến lớp học chữ nhưng cái nghèo, cái khó cứ đeo đẳng.
Ảnh: Quang Thế
Nam kể, ông bà hay bị bệnh tật, ốm đau liên miên, khi lên lớp 3 em tưởng phải nghỉ học vì không đủ tiền đóng học phí. Nhưng Nam ham học lắm, muốn được đến lớp như những đứa trẻ cùng quê. Từ lúc đó, cậu đã ý thức được chỉ đi kiếm sống mới có tiền đi học và Nam đã theo mấy anh lớn hơn trong làng đi đánh giày.
"Mới đầu em chủ yếu "chiếm đóng" ở khu vực chợ Phùng Khoang- Hà Đông nhưng chỉ được vài đồng ít ỏi, có hôm chẳng được đồng nào. Từ sáng đến tối, cứ lang thang ở vỉa hè, quanh mấy quán cafe, bụng đói chạy rạc cả chân mà vẫn phải đi bộ cả chục cây số về nhà"- em chia sẻ.
Hè này, Nam bắt đầu lên Hà Nội kiếm sống, đánh giày ở đường Huỳnh Thúc Kháng- phố Nguyên Hồng. Bởi trong trí óc còn non nớt, em hiểu Hà Nội là chốn dễ kiếm tiền. Nam cho biết: "Mỗi ngày trung bình em được 50 ngàn, hôm nào mưa thì chẳng được nhiều, hôm nào đông khách thì được cả trăm anh ạ. Nhiều người thấy thương còn cho em thêm tiền nữa".
Khi tôi nhắc đến chuyện học hành, em lại khẽ cúi đầu xuống, cất giọng buồn buồn làm tôi chạnh lòng: " Em muốn được đi học nữa lắm ạ! Nhưng hè này em không biết có kiếm được nhiều tiền để dành dụm cho ông bà không?". Ở cái tuổi như em có còn quá sớm để bon chen cuộc sống, lo học hành chưa đủ sao lại còn phải lo cả cơm- áo mưu sinh?
Ngày nào cũng vậy, ba cậu bé Nam, Hùng và Thắng cũng miệt mài lăn lê trên vỉa hè, góc phố Huỳnh Thúc Kháng để đánh giày kiếm sống. Tối đến lại đi bộ hơn chục cây số về nhà. Nhiều hôm mệt quá các em đành ngủ lại ở vỉa hè. Ba đứa trẻ co quắp trong một góc hẹp ven đường, mặc cho người qua kẻ lại...
Đến bến xe Giát Bát, tôi còn gặp cậu bé Quang, quê ở Thanh Hóa. Hè này cậu ra Hà Nội kiếm sống bằng nghề ve chai, bán vé số ở khu vực quanh bến xe Giát Bát. Quang mới học hết lớp 7, nghỉ hè cậu lên tàu luôn đi thẳng ra ga Giát Bát thì bố đón. Em kể: "Mẹ em mất lâu rồi, bị cuốn trôi trong một trận lũ. Ngày ấy, em còn nhỏ lắm may mà được ba cứu sống. Còn ba em bây giờ đang làm xe ôm ở ngoài này, thỉnh thoảng mới về quê một lần".
Năm nào cũng vậy, cứ dịp hè Quang lại ra Hà Nội bán vé số, nhặt vỏ chai. Hai cánh tay gầy gầy, một bên cầm mấy tấm vé số, một bên xách chiếc túi nilon để đựng chai, lọ nhựa. Em cứ đi từ sáng cho đến tận khuya mới về, lúc nào đói thì mua bánh mì ăn.
Sau một đi rạc cả người, đêm về, em lại bỏ tất cả những đồng tiền lẻ nhàu nhò kiếm được ra tấm chiếu, những ngón tay gầy gầy cẩn thận vuốt phẳng phiu, đếm lại thành quả một ngày mưu sinh nhọc nhằn. Hai cha con chen chúc ngủ trong căn phòng thuê chật hẹp chỉ kê được vẻn vẻn chiếc giường con con. Giấc ngủ đêm mùa hè ở phố thị ngắn chẳng tày gang, 5 giờ sáng hôm sau, hai cha con mỗi người lại một nẻo đường nhọc nhằn kiếm sống mưu sinh...
Theo những chiếc xe ba bánh bán hàng rong trên những con phố, tôi đến "xóm ngô khoai" ở thôn Phú Mỹ- xã Mỹ Đình- huyện Từ Liêm- Hà Nội. "Xóm ngô khoai" chủ yếu là những người dân nghèo ở huyện Mỹ Đức- Hà Nội lên, rong ruổi trên những chiếc xe ba bánh tự chế bán ngô, khoai ở khắp các nẻo đường, góc phố Hà Nội.
Cả xóm có hơn chục em nhỏ trong độ tuổi đi học, lên phố thị mưu sinh phụ giúp công việc cho cha mẹ. Đun lửa, cạo sắn, gọt khoai, đẩy xe hàng đi rao hàng... các em đều làm được cả. Đi rao từ 2, 3 giờ chiều đến khi nào bán hết hàng các em mới trở về, có khi đến cả 1 giờ sáng hôm sau.
Nhọc nhằn vất vả mưu sinh nhưng cũng chỉ lấy công làm lãi: "Một bắp ngô chỉ lãi 1000 đồng, một cân khoai chỉ lãi 10000 đồng, một cái bánh sắn trừ tiền bơ, gạo, đường chỉ lãi gần 2000 đồng"- một người dân trong xóm cho biết. Bao nhiêu chuyến hàng rong mới đủ một tháng học phí của các em?
Ở "xóm ngô khoai" này, ám ảnh tôi nhất có lẽ là cậu bé có cái tên khá đẹp: Phạm Phát Đạt, em mới 4 tuổi đã theo bố đi bán hàng rong. Lúc tôi đến em đang gọt sắn, lúc về em vẫn đang miệt mài với công việc của mình. Ở độ tuổi như em, có quá sớm để theo bước chân cha đi kiếm sống? Nhưng ở xóm nghèo này, những tuổi thơ đã phải tha phương đi bán mùa hè như thế!
Những cạm bẫy rình rập
Kiếm được đồng tiền nơi vỉa hè, góc phố Hà Nội, những đứa trẻ quê nghèo cũng phải đối mặt với biết bao những cạm bẫy vô hình đang rình rập các em. Với những đứa trẻ mới lần đầu bỡ ngỡ lên Hà Nội đánh giày như Nam sẽ rất dễ bị những đàn anh đi trước dọa nạt, tranh giành "lãnh địa" kiếm sống xảy ra đánh lộn.
Chưa hết, những đứa trẻ mới chân ướt chân ráo lên Hà Nội luôn là "con mồi" của những kẻ xấu. Có lần, đi đánh giày mệt quá em ngủ quên trên vỉa hè, đến lúc tỉnh dậy tiền bị lấy mất hết may mà hôm ấy ít khách nên chẳng được bao nhiêu. Nhiều em đi bán vé số, bán bánh mì kiếm được vài đồng tiền lẻ cũng bị trấn lột, giữa đêm vắng biết kêu ai!
Còn chưa kể đến các tệ nạn xã hội như nghiện hút, ma túy... rất dễ xâm nhập những đứa trẻ ngây thơ. Thắng tỏ ra rất rắn rỏi, em bảo: "Dại gì mà dính vào những thứ ấy, hết cuộc đời luôn anh ạ".
Những nẻo đường mưu sinh của những đứa trẻ tha phương đi kiếm sống ngày hè như Nam, Thắng, Quang... và biết bao những đứa trẻ nghèo khác còn dài hơn so với cái tuổi của các em. Phía sau những nẻo đường mưu sinh ấy là một ước mơ nhỏ nhoi, một khát khao đến cháy bỏng: "Em muốn được đi học nữa lắm ạ", khiến tôi day dứt, ám ảnh mãi không thôi...
Theo VIetNamNet
Chậm được giao đất, 2 gia đình thương binh vạ vật tìm chỗ ở 2 giang binh Nguyễn Thịng Thịn tự nguyện phá dỡ ngôiang ở thuận tiện trong việcn giao mặt bằng. Sau gần 1 năm, bị phá,t khôngc giao, họ này phải dắt díu nhaui tm chỗ trú thân. Căn bị phá dỡ gần 1 năm nayngtền bù vẫacn giao Vạ vật tm chỗ ở Đ gần một năm nay, gianh Nguyễn Thịng Thịn (đều...