Người bạn tốt của Việt Nam
Đối với nhiều người Việt Nam, Thụy Điển được xem là người bạn tốt nhất, chung thủy nhất. Người đặt nền móng cho mối quan hệ hết sức tốt đẹp đó chính là cố Thủ tướng Olof Palme.
Lễ đặt tượng cố Thủ tướng Olof Palme tại Bệnh viện Nhi Trung ương
Hôm qua (2/6), Đại sứ quán Thụy Điển tại Hà Nội đã tổ chức chương trình kỷ niệm di sản của cố Thủ tướng Olof Palme và mối quan hệ Việt Nam-Thụy Điển. Chương trình có sự tham gia của ông Pierre Schori, Đặc phái viên Cao cấp của Thủ tướng Thụy Điển Stefan Lfven, và nhiều cựu quan chức Việt Nam từng có mối liên hệ với Thụy Điển.
Không chỉ là người bạn lớn của nhân dân Việt Nam trong giai đoạn đấu tranh thống nhất đất nước, cố Thủ tướng Olof Palme cũng là người kiên trì chủ trương hợp tác và hỗ trợ Việt Nam trong công cuộc tái thiết đất nước, giúp Việt Nam xây dựng nhiều công trình quan trọng, trong đó có Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Việt Nam-Thụy Điển tại Uông Bí, Quảng Ninh và Nhà máy giấy Bãi Bằng. Trong cuộc đời hoạt động chính trị của mình, cố Thủ tướng Olof Palme đã đấu tranh không mệt mỏi vì sự nghiệp hòa bình và phát triển, vì tình hữu nghị và hợp tác bình đẳng giữa các dân tộc trên thế giới.
Phát biểu trong chương trình kỷ niệm di sản của cố Thủ tướng Olof Palme, ông Pierre Schori nhấn mạnh “Thụy Điển là nước phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam và sẽ luôn trân trọng, tiếp tục duy trì mối quan hệ bền chặt với Việt Nam trong thời gian tới. Cố Thủ tướng Olof Palme chính là người đã khơi nguồn cho mối quan hệ ngoại giao với Việt nam và điều này đã giúp đặt nền tảng vững chắc cho một mối quan hệ độc nhất và vô cùng đặc sắc giữa hai quốc gia”.
Bà Nguyễn Thị Bình, Nguyên Phó Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam, cho biết, bà đã được gặp cố Thủ tướng Palme và có dịp trao đổi với ông nhiều lần. Bà chia sẻ: “Thụy Điển là một trong những nước tôi có nhiều kỷ niệm và đây là nơi có phong trào đoàn kết nhân dân ủng hộ Việt Nam. Từ người lãnh đạo cao nhất của đất nước đến những cụ già, thanh niên, phụ nữ, các em thiếu nhi đều dành cho Việt Nam những tình cảm hết sức tốt đẹp. Đầu năm 1972, ông Olof Palme là Chủ tịch của Đảng XHDC Thụy Điển, ông đã mời tôi từ cuộc đàm phán 4 bên về Việt Nam ở Paris sang để phát biểu với Đại hội của Đảng về tình hình chiến tranh Việt Nam. Tôi là đại biểu nước ngoài duy nhất tại Đại hội. Sau đó, có một cuộc biểu tình của nhân dân phản đối Mỹ leo thang chiến tranh, ông đã cùng với tôi, Đại sứ của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và một số bạn bè quốc tế tham gia cuộc biểu tình. Là một con người, ông là người lãnh đạo đất nước có lẽ bình dân nhất mà tôi được biết. Có khi đi ra sân bay đi nước ngoài, người ta thấy ông không đi xe của Chính phủ mà đi bằng taxi …”
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cho biết “Cá nhân tôi có một kỷ niệm liên quan tới sự giúp đỡ của Thụy Điển. Những năm 80 thế kỷ trước tôi được giao nhiệm vụ nghiên cứu phương án đổi mới công tác tổ chức của Bộ Ngoại giao. Loay hoay tìm kiếm kinh nghiệm tiên tiến của thế giới về điều hành, quản lý, trong đầu tôi bỗng lóe lên ý nghĩ lên Nhà máy giấy Bãi Bằng của Thụy Điển để học hỏi. Quả nhiên ở đó tôi thu lượm được rất nhiều bài học quý báu, thiết thực, giúp ích cho công việc của mình. Qua đó tôi hiểu thêm rằng, sự giúp đỡ của các bạn Thụy Điển không chỉ có “giá trị cứng” mà còn chứa đựng những “giá trị mềm” không kém phần quan trọng. Ông cho biết thêm “Cá nhân tôi không có vinh dự được gặp Thủ tướng Olof Palme mà chỉ có dịp nghiêng mình tưởng nhớ ông bên phiến đá đánh dấu nơi ông bị sát hại trên phố Sveasvagen ở Stockholm khi thăm Thụy Điển. Vào khoảnh khắc ấy trong tôi đã trỗi dậy niềm tiếc thương và lòng biết ơn vô hạn về tất cả những gì ông đã làm cho đất nước và nhân dân chúng tôi”.
Video đang HOT
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan khẳng định, “toàn dân chúng tôi luôn ghi nhớ Thụy Điển dưới sự lãnh đạo của ông Palme là nước phương Tây đầu tiên kiến lập quan hệ ngoại giao và mở Đại Sứ Quán ở Hà nội vào 47 năm trước đây. Thụy Điển cũng là nước Tây Âu dành viện trợ không hoàn lại sớm nhất và lớn nhất cho Việt Nam. Người Việt Nam có câu: “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Sự viện trợ của nhân dân Thụy Điển dành cho đất nước chúng tôi thật sự vô giá vì nó rơi đúng vào những năm tháng khó khăn nhất, khi cuộc kháng chiến ở vào thời điểm hết sức cam go, công cuộc tái thiết sau Hiệp định Paris vô cùng gian nan, tiếp đó là những năm tháng Việt Nam bị bao vây, cấm vận”.
Đồng quan điểm với ông Vũ Khoan, TS. Lê Đăng Doanh, Nguyên Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, phát biểu: “Thụy Điển là người bạn thủy chung, đã ở bên cạnh Việt Nam trong những giờ phút khó khăn nhất và cung cấp sự giúp đỡ có hiệu quả, chân thành cho công cuộc cải cách ở Việt Nam”.
Khai trương phòng chơi trẻ em do Thụy Điển tài trợ tại Bệnh viện Nhi Trung ương
Một trong những lĩnh vực đạt hiệu quả cao xuyên suốt lịch sử quan hệ là lĩnh vực y tế. Nhiều công trình y tế lớn do Thụy Điển hỗ trợ giúp Việt Nam như Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Đa khoa Thụy Điển Uông Bí, hỗ trợ xây dựng lại bệnh viện Bạch Mai bị bom tàn phá vẫn đang được duy trì, kế thừa đến ngày hôm nay.
PGS.TS Lê Thanh Hải, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương ghi nhận “Hợp tác y tế Việt Nam-Thụy Điển đạt được kết quả tốt đẹp trong hầu hết các lĩnh vực chuyên môn, từ hỗ trợ xây dựng bệnh viện, đào tạo hệ thống cán bộ, hỗ trợ chăm sóc sức khoẻ bà mẹ trẻ em, hỗ trợ chăm sóc sức khoẻ tại các vùng khó khăn cho đến hỗ trợ chính sách y tế hoặc phòng chống đại dịch. Chúng tôi đánh giá cao những hỗ trợ của Thụy Điển từ những ngày đầu và những sự giúp đỡ này thật đúng lúc, kịp thời, đặc biệt là đối với lĩnh vực nhi”.
Để nói về quan hệ Việt Nam-Thụy Điểm, chuyên gia Phạm Chi Lan kể lại một kỷ niệm như sau: “Vào khoảng năm 1976-77, chỉ 1-2 năm sau khi chiến tranh kết thúc ở Việt Nam, tôi tiếp một vị khách Mỹ do Vụ châu Mỹ, Bộ Ngoại giao Việt Nam đưa tới. Theo giới thiệu của Vụ châu Mỹ, vị khách đó là một nhà báo, trước đây đã từng làm trợ lý của cựu Tổng thống Johnson. Sau khi trao đổi về bối cảnh mới của Việt Nam khi hòa bình lập lại, vị khách chợt hỏi tôi: “Theo bà, ai là người bạn tốt nhất của Việt Nam?”. Tôi trả lời ngay: “Thụy Điển”. Vị khách tỏ vẻ hơi ngạc nhiên, rồi cười, bắt tay tôi và nói: “Tôi cứ tưởng bà sẽ nói Liên Xô hay Trung Quốc, nhưng tôi đồng ý với bà. Người bạn tốt nhất là người giúp ta một cách vô tư, bền bỉ, thậm chí dũng cảm trong lúc ta khó khăn nhất. Thụy Điển là người bạn như thế của Việt Nam”. Cho đến bây giờ, nếu ai đưa ra câu hỏi tương tự, thì câu trả lời của tôi vẫn không thay đổi.
Trong những năm gần đây, Việt Nam và Thụy Điển đã chuyển sang một giai đoạn mới, hướng tới xây dựng mối quan hệ đối tác bình đẳng, bền vững, cùng có lợi và cùng nhau đóng góp vào hòa bình, phát triển và thịnh vựợng trên toàn thế giới. Những di sản của Cố Thủ tướng Palme vẫn luôn tỏa sáng trong mối quan hệ hữu nghị hợp tác giữa hai đất nước, hai dân tộc.
Hải Yến
Theo_VnMedia
Tướng Campuchia cảm ơn sự giúp đỡ của Việt Nam
Đại tướng Tổng Tư lệnh quân đội Hoàng gia Campuchia đánh giá rất cao sự hỗ trợ và giúp đỡ của Bộ Quốc phòng Việt Nam với Phnom Penh.
Ngày 26/5, tại tỉnh Kampong Speu, Quân đội Hoàng gia Campuchia đã khánh thành trụ sở làm việc của Trung tâm Phát triển kinh tế thuộc Cục Phát triển kinh tế - Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội Hoàng gia Campuchia, được xây dựng bằng nguồn vốn viện trợ của Bộ Quốc phòng Việt Nam.
Đây là một trong 18 công trình cơ sở hạ tầng do Bộ Quốc phòng Việt Nam tài trợ cho các đơn vị Quân đội Campuchia năm 2015. Phát biểu tại buổi lễ, Đại tướng Pol Saroun, Tổng Tư lệnh quân đội Hoàng gia Campuchia đánh giá cao sự hỗ trợ và giúp đỡ thiết thực của Bộ Quốc phòng Việt Nam dành cho Cục Phát triển kinh tế cũng như nhiều đơn vị khác của Quân đội Hoàng gia.
Hội trường trường Sĩ quan tạo nguồn Quân đội Hoàng gia Campuchia. Ảnh: Vietnam
Sự giúp đỡ quý báu đó góp phần giúp Campuchia hiện đại hóa lực lượng vũ trang, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ đất nước, nhất là trong tình hình mới hiện nay.
Ngoài công trình nói trên, đầu tháng 5/2016, Campuchia cũng đã đưa vào sử dụng Hội trường của trường sĩ quan Campuchia, có chi phí xây dựng 240.000 USD từ nguồn viện trợ của Việt Nam. Đại tướng Pon Saruon, Tổng Tư lệnh Quân đội Hoàng gia Campuchia và đại tá Nguyễn Anh Dũng, Tùy viên Quốc phòng Việt Nam tại Campuchia, đã tham dự buổi lễ.
Đại tướng Pon Saruon nhấn mạnh quân đội Việt Nam đã giúp đỡ nhân dân Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng Khmer Đỏ và từ đó đến nay, quân đội Việt Nam luôn sát cánh, giúp đỡ, hỗ trợ quân đội và nhân dân Campuchia trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước.
Đại tướng Pon Saruon bày tỏ biết ơn sự giúp đỡ của Bộ Quốc phòng Việt Nam dành cho quân đội Campuchia, nhấn mạnh sự giúp đỡ này góp phần quan trọng vào công tác xây dựng lực lượng quân đội ngày một chính quy, vững mạnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ quốc phòng của Campuchia.
Công trình hội trường là tòa nhà hai tầng, được xây dựng trên diện tích 600 m2, có tổng kinh phí xây dựng 240.000 USD, từ nguồn viện trợ của Việt Nam cho Campuchia trong năm 2015. Hội trường này có thể phục vụ hoạt động sinh hoạt, học tập và làm việc cho khoảng 450 giảng viên, học viên.
Theo nghị định thư hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng được lãnh đạo Bộ Quốc phòng Việt Nam và Campuchia ký kết năm 2015, quân đội Việt Nam hỗ trợ quân đội Campuchia khoảng 4 triệu USD cho hoạt động xây dựng cơ bản.
Thùy Dung (tổng hợp)
Theo_Báo Đất Việt
Những bức ảnh yêu thương 2015 Những bức ảnh sau đây ghi lại những tình cảm yêu thương giữa người với người và những sự giúp đỡ dành cho đối tượng gặp khó khăn trong năm 2015. Một cảnh sát Đan Mạch đang chơi đùa với một bé gái nhập cứ ở Padborg, Đan Mạch hồi tháng 9/2015. Ảnh: Reuters. Sau khi Pháp mất một chú cảnh khuyển trong...