Người bác sĩ tận tụy với người dân hai bên biên giới Việt – Lào
Không chỉ quản lý, duy trì hoạt động thu dung điều trị khám chữa bệnh đối với Trạm xá Quân dân y, làm tốt nhiệm vụ chính trị ở vùng biên giới, BS Phan Văn Thành, Bệnh xá Trưởng, Bệnh xá Quân y- Đoàn KTQP 5 còn tích cực tổ chức tuyên truyền, tư vấn, khám chữa bệnh, cứu giúp, san sẻ khó khăn với bệnh nhân nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số của 2 nước Việt Nam – Lào thuộc vùng biên giới phía Tây tỉnh Thanh Hóa.
Từ Thành phố Thanh Hóa, sau gần 6 tiếng đồng hồ vượt qua hàng trăm khúc cua tay áo, vượt dốc, băng đèo với quãng đường gần 300 km, tôi mới có mặt ở Mường Lát – huyện biên giới xa nhất của tỉnh Thanh Hóa.
Từ trung tâm huyện Mường Lát, chúng tôi phải vượt qua hơn chục km đường rừng mới tới được Bệnh xá Quân y Đoàn KTQP 5 – nơi BS Thành công tác nằm trên địa phận xã Tén Tằn của huyện này.
Bộ Tư lệnh QK4 và lãnh đạo huyện Mường Lát kiểm tra công tác thu dung điều trị tại BXQY Đoàn KTQP5.
Nỗ lực thay đổi quan niệm “chữa bệnh bằng cúng ma rừng”
BS Phan Văn Thành (SN 1975, xã Quảng Trung, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa) tốt nghiệp Học viện quân y năm 1998. Sau khi ra trường, anh xung phong ra đảo Hòn Mê (Bộ CHQS Thanh Hóa).
Với 2 lần, tổng cộng 7 năm, từ vùng biển đảo, anh tiếp tục tình nguyện đến với cán bộ chiến sỹ và nhân dân vùng biên giới, trực tiếp chỉ huy, điều hành quản lý hoạt động của Bệnh xá Quân y, Đoàn KTQP5 (Quân khu 4) đóng trên địa bàn xã Tén Tằn của huyện Mường Lát.
Bác sỹ Thành tận tình tư vấn cho bệnh nhân.
Nơi miền sơn cước này, bao đời nay người dân trong bản có người ốm nặng hoặc bị tai nạn, bà con thường mời thầy lang về cúng “bắt bệnh”. Bởi thế, đã có không ít trường hợp chết oan hoặc mang thương tật suốt đời cũng chỉ vì các hủ tục này.
Thế nhưng, từ khi bác sỹ Thành về đây công tác, để giúp bà con xóa bỏ hủ tục, bác sỹ Thành đã cùng các y bác sỹ Bệnh xá Đoàn KTQP 5 đã không quản nắng mưa, trèo đèo, lội suối để vào bản. Ngoài việc khám, chữa bệnh, tư vấn và cấp phát thuốc miễn phí cho bà con, đoàn còn kết hợp làm công tác tuyên truyền, vận động làm thay đổi nhận thức và cách ứng xử của đồng bào mỗi khi có bệnh tật.
Video đang HOT
Không biết do việc tuyên truyền của bác sỹ Thành dần hiệu quả hay do sự tận tụỵ chăm sóc người bệnh của anh khiến rất nhiều người dân hiểu ra việc đến bệnh viện, bệnh xá chữa bệnh là cần thiết. Người dân thấy đến bệnh viện không chỉ được chữa bệnh miễn phí mà nhiều hoàn cảnh còn được các bác sỹ giúp đỡ, cưu mang.
Ngoài việc khám chữa bệnh, bác sỹ Thành còn tuyên truyền để bà con hiểu có bệnh phải đến bệnh xá, bệnh viện chứ không thể cúng con ma rừng.
Để có thể gần gũi với bà con dân bản, nói để họ nghe, trong quá trình công tác, bác sỹ Thành đã cố gắng tìm hiểu phong tục tập quán văn hóa của người dân, nhất là học và sử dụng ngôn ngữ của đồng bào dân tộc thiểu số để dễ dàng khám và điều trị bệnh cho bà con.
Ông Sùng A Sai (56 tuổi, bản Khằm 1, xã Trung Lý) tâm sự. “Ta bị đau đầu, cúng con ma rừng mãi không được. Bác sỹ Thành khám, phát thuốc miễn phí cho uống. Uống hết thuốc là hết đau. Biết trước thế này ta đã đến gặp bác sỹ Thành sớm. Đi cúng con ma rừng tốn tiền lắm mà bệnh không khỏi đâu”.
Ngoài khám chữa bệnh cho người dân trên địa bàn huyện, bác sỹ Thành còn tiếp nhận nhiều bệnh nhân ở nước bạn Lào sang. Hầu hết các bệnh nhân này cũng đều là người dân tộc thiểu số, sống vùng biên giới và hoàn cảnh vô cùng khó khăn.
Bác sỹ Thành vẫn không quên một bệnh nhân người nước Lào tên là Bon Thau ở bản Piềng Nghê, Sốp Pâu bị khối u ở khớp chân, đi chữa trị nhiều nơi nhưng không khỏi. Đến khi bệnh nhân này sang Bệnh xá Đoàn 5 và được anh mổ và điều trị khỏi. Sau này khi bệnh nhân bị thêm ở chân khác vẫn tìm đến anh. Không những vậy, bà còn giới thiệu cho các bệnh nhân khác cũng người Lào sang tìm bác sỹ Thành để điều trị.
Góp tiền giúp dân nghèo
Người dân ở vùng cao huyện Mường Lát này vẫn đang còn gặp vô vàn khó khăn. Dù đến bệnh xá để chữa bệnh, người dân đã được bảo hiểm chi trả hoàn toàn thế nhưng rất nhiều hoàn cảnh sau khi điều trị đã không có tiền để thuê xe về nhà. Hoặc có những trường hợp khi các bác sỹ đưa về thì chứng kiến hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, con cái nheo nhóc, không có sách vở học hành.
Hòm tiết kiệm đã giúp bác sỹ Thành cùng các y bác sỹ trong bệnh xá giúp đỡ nhiều hoàn cảnh khó khăn.
Trăn trở về tình trạng trên, những năm gần đây, bệnh xá Đoàn KTQP 5 đã thực hiện việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với phong trào “bắt đầu từ việc nhỏ”. Theo đó, hàng tháng, những y bác sỹ ở bệnh xá Quân y này đã góp một phần lương, phụ cấp và trích từ quỹ tăng gia sản xuất của đơn vị, gây quỹ thông qua hòm “tiền tiết kiệm”.
Từ số tiền đó, bác sỹ Thành đã cùng các y bác sỹ trong bệnh xá đến tận nhà tìm hiểu hoàn cảnh bệnh nhân để có phương án hỗ trợ, giúp đỡ. Số tiền từ hộp tiết kiệm đã giúp được rất nhiều gia đình trong việc xây nhà vệ sinh, xây bể nước sạch, mua thuốc phòng bệnh dịch cũng như giúp các cháu nhỏ mua sách vở, đồ dùng học tập…..
Trường hợp của gia đình anh Vi Văn Quàng và Lò Thị Tượng là gia đình cả vợ chồng và con cái đều bị ung thư. Thương cảm với hoàn cảnh, bác sỹ Thành nhiều lần đến tận nhà thăm khám và tư vấn cách điều trị, cấp thuốc cho cả gia đình. Ngoài ra, anh cùng đoàn KTQP5 đã giúp gia đình dựng nhà, kêu gọi các nhà hảo tâm giúp đỡ để có tiền chữa trị bệnh.
Nhận xét về Bác sỹ Văn Thành, Đại tá Lê Thế Soái, Đoàn trưởng Đoàn KTQP 5 chia sẻ: “Những năm về công tác tại Đoàn KTQP5, đồng chí Thành đã thể hiện rõ được cái tâm hết lòng vì người bệnh. Bệnh nhân là cán bộ chiến sỹ đơn vị, cũng như nhân dân vùng biên giới anh đã thực hiện đầy đủ, vẹn toàn là “thầy thuốc như mẹ hiền”.
Mặc dù công tác trong điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị còn nhiều khó khăn thiếu thốn, địa bàn đóng quân đặc biệt khó khăn, trình độ dân trí cũng như các hủ tục lạc hậu còn tồn tại, đồng chí Thành vẫn hết lòng vì bà con dân bản. Không chỉ ở Bệnh xá, đồng chí Thành còn thường xuyên bám bản và lặn lội đến vùng sâu vùng xa khám bệnh giúp dân nghèo, luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao”.
Bình Minh
Theo Dân trí
Việt Nam sản xuất thành công stent can thiệp tim mạch
Gần 300 bệnh nhân can thiệp mạch vành thành công khi đặt stent do Việt Nam sản xuất, giá rẻ hơn hàng nhập khẩu 40%.
Tiến sĩ Nguyễn Thượng Nghĩa, Trưởng Khoa Tim mạch can thiệp, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết sau hơn một năm thử nghiệm đặt stent phủ thuốc điều trị tắc động mạch vành do Việt Nam sản xuất, đã có 44 bệnh nhân tại bệnh viện tình nguyện thực hiện. Kết quả 100% bệnh nhân không bị tái hẹp cũng như không có sự cố xảy ra.
"Trước mắt kết quả thử nghiệm lâm sàng rất khả quan, stent do Việt Nam sản xuất hiệu quả không thua sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ, châu Âu. Các thao tác kỹ thuật để đặt stent cũng dễ dàng, tương đối an toàn với bệnh nhân", bác sĩ Nghĩa nhận định.
Đây là sản phẩm do một công ty trang thiết bị y tế Việt Nam thực hiện nghiên cứu từ năm 2013 dưới sự hỗ trợ của các chuyên gia can thiệp tim như giáo sư Thạch Nguyễn từ Mỹ, giáo sư Nguyễn Thành Nhân, Chủ tịch Hội Tim mạch can thiệp TP HCM. Năm 2016, sau khi Bộ Y tế phê duyệt, Bệnh viện Chợ Rẫy là đơn vị đầu tiên thử nghiệm. Sau đó hơn 250 bệnh nhân thử nghiệm đặt stent phủ thuốc này thành công tại Bệnh viện E, Thống Nhất, Y dược TP HCM, Nhân dân Gia Định, Đa khoa Khánh Hòa...
Nếu stent được sản xuất ở Việt Nam giá thành sẽ giảm từ 30-40% so với nhập khẩu. Ảnh: A.Q
Theo tiến sĩ Nghĩa, stent là một sản phẩm y tế công nghệ cao, hiện trên thế giới mới chỉ khoảng 40 công ty sản xuất. Thiết bị này gần giống như chiếc lò xo được luồn vào các mạch máu bị tắc, giúp cho máu có thể lưu thông trở lại. Stent khi đặt vào mạch máu sẽ nằm ở đó suốt đời nên điều kiện sản xuất nghiêm ngặt, đòi hỏi sử dụng công nghệ cao. Vật liệu tạo nên stent phải tương thích với cơ thể người, chưa kể các điều kiện vô trùng, sinh học, hóa học... rất khắt khe.
Ước tính mỗi năm Việt Nam chi cả tỷ USD để nhập khẩu thiết bị y tế, riêng nhập khẩu stent khoảng 50.000 USD. Ở khu vực Đông Nam Á hiện mới chỉ có Singapore sản xuất được stent nhờ nhập khẩu công nghệ từ Thụy Sỹ. Nếu stent được sản xuất ở Việt Nam giá thành sẽ giảm 30-40% so với nhập khẩu.
Hiện trung bình mỗi ca đặt stent có chi phí 70-100 triệu đồng, tính riêng stent nhập khẩu giá 45 triệu đồng. Dù đã được Bảo hiểm Y tế thanh toán một phần, chi phí này vẫn còn khá lớn đối với bệnh nhân nghèo. Mỗi năm Bệnh viện Chợ Rẫy có khoảng 20.000 bệnh nhân có nhu cầu đặt stent thông tắc mạch vành.
Bệnh động mạch vành là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Lòng động mạch vành hẹp lại do mảng xơ vữa hoặc do co thắt mạch làm giảm lượng máu nuôi cơ tim, gây thiếu máu cơ tim. Nếu mảng xơ vữa bị vỡ ra, kích hoạt quá trình đông máu và kết tập tiểu cầu, tạo cục máu đông làm tắc lòng mạch, gây nhồi máu cơ tim cấp rất nguy hiểm.
Dự kiến sau khi đáp ứng nhu cầu trong nước, Việt Nam sẽ xuất khẩu stent sang các nước khác. Ảnh: A.Q
Stent phủ thuốc "made in" Việt Nam đã hoàn thiện, đang chờ Bộ Y tế cấp phép lưu hành để sản xuất đại trà và phân phối rộng rãi trên thị trường. Dự kiến sau khi đáp ứng nhu cầu trong nước, Việt Nam sẽ xuất khẩu sang các nước khác.
Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, hiện cả nước có khoảng 170 doanh nghiệp sản xuất trang thiết bị y tế, đưa ra thị trường nhiều sản phẩm có chất lượng. Một số sản phẩm công nghệ cao như Xquang, dao mổ điện, máy theo dõi bệnh nhân... cũng đã được nghiên cứu, sản xuất nhưng còn gặp khó khăn trong việc tìm đầu ra, thị trường và khó cạnh tranh với sản phẩm ngoại nhập.
Các bộ Y tế, Tài chính, Công thương đã cùng phối hợp xây dựng và trình Chính phủ nhiều giải pháp để hỗ trợ sản xuất trang thiết bị y tế trong nước.
Lê Phương
Theo VNE
Chuyện phía sau phòng khám của vị bác sĩ già 25 năm thắp hy vọng cho bệnh nhân nghèo ở Hà Nội Không hẳn là một phòng khám free 100% nhưng với mức giá rẻ, 25 năm qua địa chỉ số 7 ngõ 424 Thụy Khuê này đã thắp hy vọng cho bao nhiêu bệnh nhân nghèo, và giúp họ tìm ra được một phương cách chạy chữa đúng đắn nhất, tiết kiệm, hiệu quả nhất. Chuyện người đàn ông 25 năm làm việc tốt...